Huyền thoại Sông Thu núi Ngọc (trích)

05.12.2022
Gạo Quê

Huyền thoại Sông Thu núi Ngọc (trích)

BBT: Huyền thoại Sông Thu núi Ngọc của Gạo Quê (Trần Thu) sắp xuất bản là câu chuyện bắt đầu từ núi Ngọc Linh, theo dòng sông Thu Bồn qua Núi Chúa, xuống Cửa Đại ra Cửa Hàn, tạo thành một Tam Giác Thần với ba đỉnh Núi Chúa - Cù Lao Chàm - Hải Vân quan mà Ngũ Hành Sơn là trực tâm.

Tam Giác Thần của nền văn minh sông Thu núi Ngọc ẩn chứa những bí ẩn cổ sử chưa từng giải mã như: Thu Bồn là một nền văn minh vẫn còn tiếp diễn không ngừng đến hôm nay và cả ngày sau? Văn hóa Sa Huỳnh tiền thân văn hóa Chăm Pa đã khởi đầu từ nền văn minh sông Thu núi Ngọc? Văn hóa mắt cửa ở Hội An là một mảnh vỡ Kinh Dịch? Kinh Dịch vốn là thành tựu của Việt tộc và Hán tộc trong cuộc giao thoa hai nền văn minh lúa nước và du mục, mà truyền thuyết long mã trên sông Hoàng Hà hé lộ.

Tất cả những nghi án trên được tác giả Gạo Quê huyền thoại hóa bằng sông núi hồn thiêng của vùng đất địa linh nhân kiệt, của cuộc giao thoa văn hóa Chăm - Việt, của ngành nghề và sản vật vô cùng độc đáo trên chính mảnh đất Thu Bồn.

Tạp chí Non Nước trích đăng chương 1 Bước chân tiền sử của tiểu thuyết Sông Thu núi Ngọc đến bạn đọc.

Mây ngàn

Mây ngàn

Ơi mây ngàn!

Hơi thở ngàn mây

Ngàn mây bay…

Mắt thần

Uy linh

Ngời khói sương

Tai thần lạc gió tận mười phương

Nhấc chân

Thủng đất còn Núi Chúa

Đá vỡ

Cù lao đảo bảy hòn

Núi trượt Trường Sơn

Thành Hải Vân

Chặn dòng lưu khí từ phương Bắc

Hay chắn quân thù tiến lãnh Nam?

Linh đan

Ơi linh đan!

Luyện khí âm dương trời quan san

Linh sâm tích tụ gió mưa ngàn

Biển Đông chim yến tìm về cội

Bóng cả còn in nơi đầu giang[1]

Bảy chiếc lá xanh[2] thần núi ngự

Rễ tựa hồ như sông nước loang[3].

Thuở xưa, nơi thượng nguồn sông Thu phía tây nam Gò Nổi, có hai vị Đại Thần Sơn kết tình huynh đệ. Hai người vợ của họ là Thần Mưa và Thần Mây. Vợ chồng Thần Mưa sinh hạ duy nhất một người con trai là Ngọc Linh, tài ba, y thuật phi thường. Vợ chồng Thần Mây hạ sinh hai vị thần nữ. Thần Thủy xinh đẹp, thông minh, tính tình dịu mát, lời nói ngọt ngào, trong trẻo như nước suối khe. Nàng được Ngọc Linh đem lòng yêu mến.

Khác với chị mình, Thần Hỏa từ lúc sinh ra da trắng xanh, xương mềm gầy yếu, tính tình nóng nảy. Thần Hỏa có tài y thuật, yêu chuộng sắc thắm đỏ, thích thi nhạc…

Để bảo toàn giang sơn trước thách thức thiên nhiên, các thần chia nhau trấn giữ những vùng trọng yếu. Vợ chồng Thần Mưa trấn thủ dãy núi cánh cung chạy từ Trường Sơn sang hướng Bắc, xuống giáp Biển Đông, ngự đỉnh non cao. Đó chính là Bình phong bắc - đèo Hải Vân - chắn dòng khí lưu đổ xuống phương Nam, thường gây nhiều thiên tai địa ách. Vợ chồng Thần Mây chọn cù lao trấn thủ Biển Đông, bức Bình phong đông vững chãi nơi cửa sông đổ ra biển chính là Cù Lao Chàm với bảy hòn đảo lớn bé. Thần Ngọc Linh thay hai cha trông nom thượng nguồn, đồng thời trấn thủ Núi Chúa. Thần Thủy đành gác lại mối tình nên thơ với Ngọc Linh, nhận thiên mệnh lên đường giúp đỡ chúng dân từ thượng ngàn xuống tận Bình phong đông và Bình phong bắc. Thần Thủy - Ngọc Linh nguyện rằng, khi nào hoàn tất thiên mệnh Non - Sông, hai thần nên duyên chồng vợ.

Thần Thủy chọn sông Cái làm lộ trình giúp dân cứu chúng. Thần bắt đầu từ thượng ngàn lượn theo suối khe ra sông hướng về hạ lưu. Thần Hỏa song hành cùng Thần Thủy, nhưng tự biết mình không khỏe mạnh giỏi giang như chị nên chọn khe nông, suối hẹp...

Trước khi rời đỉnh núi thiêng, hai chị em thần nữ cùng giao hẹn: “Đầu gò đất nổi hình rùa là nơi chị em ta trùng ngộ”. Thần Hỏa còn dặn chị rằng: “Nếu em có mệnh hệ gì, chị tiếp quản sự nghiệp, làm tròn trách nhiệm Non - Sông!”.

Nơi thượng ngàn Thần Thủy chọn hai anh em nhà họ Bô[4] trong số nhiều trai tráng, truyền dạy nghề đá, nghề gỗ. Chẳng bao lâu, hai anh em nhà họ Bô làm được các vật dụng bằng đá và cất được nhà sàn. Thần Thủy còn dạy cho họ cách chạm khắc, làm đẹp nơi ăn chốn ở.

Nhà họ Bô vừa hành nghề vừa truyền dạy nghề. Từ đó buôn bản khang trang, nhà sàn vững chãi. Trước khi rời buôn, Thần Thủy dặn dò người dân bản làng phải hết lòng yêu quý đá núi, cây rừng. Sơn Thần nặng tay với những ai cam tâm phá hại tạo vật của ngài!

Nhớ ơn thần núi - thần sông, pho tượng đá Ngọc Linh được người anh nhà họ Bô tạc trên đỉnh núi cao bờ bắc, pho tượng gỗ Thần Thủy bằng cây lim quý bên bờ nam. Tượng trường tồn mà sắc đá sáng trong, cây lim quý vẫn xanh tươi như sức sống núi rừng thượng ngàn sông Cái.

Về sau cháu chắt nhà họ Bô bày thêm cách khắc chạm đặt nơi nhà mộ người quá cố[5] tri ân tổ tiên tạo dựng nơi ăn chốn ở cho mình. Lòng biết ơn và tình thương thuần khiết dần dần biến tướng, thành hủ tục nơi miền Thượng.

Bỏ lại những ngọn núi cánh rừng, Thần Thủy nương theo con suối. Thần biết tất cả khe suối đều chảy vào sông, dù sông đổi dòng khi nam khi bắc, lúc ngược lúc xuôi, cuối cùng cũng ra biển lớn.

Trên các khe suối, Thần Thủy thấy con người chỉ biết kết bè, muốn ngược dòng hết sức khổ nhọc chèo chống. Thần thương xót mà dạy chúng dân cách đẽo thuyền độc mộc.

Thần Thủy ân cần dạy bảo: “Sau này thuyền độc mộc không còn tiện ích, các ngươi theo cách này mà dụng, ắt sẽ thành tựu”. Nói xong, Thần Thủy hái lá rừng đan thành vật thon nhọn, thả theo dòng suối.

Trước lúc rời buôn bản, Thần căn dặn: “Hằng năm các ngươi phải đốn một cây gỗ lớn, thả trôi xuống hạ lưu ra biển. Súc gỗ làm vật báo tin để phụ thân và mẫu thân ta biết non sông vẫn liền mạch chảy mà yên lòng nơi biển đảo”.

Hiểu thấu ý nguyện của Thần Thủy, họ đan lá rừng thả theo khe suối ra sông. Vật bằng lá trôi đến đâu, người dân biết đan thuyền, đóng thuyền đến đó, phương tiện sông nước thịnh thành. Y lời Thần Thủy, hằng năm vào mùa lụt, nước mang theo một thân gỗ lớn trôi về hạ lưu. Từ đó bao giờ chúng dân thấy súc gỗ to trôi trên sông Cái ra biển, mới yên tâm rằng trời hết lụt[6].

 

Thần Thủy tiếp tục cuộc hành trình băng qua nhiều khe suối, dòng sông bắt đầu hiện ra. Thần Thủy hạnh phúc biết bao khi ngắm nhìn những buôn làng bình yên bên triền núi; ban đêm ánh lửa bập bùng cùng lời ca điệu múa; sớm chiều, những chiếc thuyền chống chèo khoan thai…

Con người nơi đây thuần phác, cuộc sống giản đơn, họ chỉ biết lấy lá rừng, vỏ cây, thân tre nứa... làm vật dụng. Thần Thủy thương tình, liền rời sông lên buôn bản. Thần dùng phù sa lắng đọng, nhồi nặn thành nồi niêu, chén bát, lọ, chum... đem nung chín hồng. Thần còn dạy dân làng cách vẽ trang trí trên những vật dụng bằng nhiều loại hoa văn. Hoa văn chữ S đệm hình tam giác[7] đặc biệt được Thần Thủy yêu thích.

Thần khuyên dân làng phải hết lòng biết ơn giọt phù sa sông Cái. Dân làng thưa: “Xin thần dạy cách tri ân!”. Cảm động tấm lòng chân thật, Thần Thủy dạy cách tưởng niệm, hướng lòng về núi thiêng, nơi phù sa và nguyên khí Ngọc Linh chảy về. Trước khi rời buôn bản, Thần Thủy trao lời thắm thiết: “Sống nhờ giọt phù sa, chết cùng giọt phù sa!”. Dứt lời, Thần ra sông biến mất.

Từ đó dân chúng biết nặn vật dụng bằng phù sa lắng đọng hai bờ sông Thu. Nhớ lời Thần Thủy, khi chết họ liệm thi thể trong tư thế ngồi tưởng niệm vào chum đất - hình tượng giọt phù sa[8], để cháu con ngàn đời biết ơn dòng sông mang những giọt phù sa chín hồng, như lời Thần Thủy năm xưa.

 

Theo sông bỏ lại thượng ngàn, đến vùng rừng núi đầy chướng khí, lại nghe lời cầu cứu khẩn khoản, tiếng khóc than thống thiết của dân làng, Thần Thủy lập tức hiển linh.

Làng đang đại nạn ôn dịch, uế khí ngút trời, cái chết dễ dàng như trứng rơi trên đá.

Thần Thủy chọn thân cây đang sống, bóc vỏ đặt vào lòng bàn tay, nắm chặt, rồi cho dân làng đem nấu nước. Hương vỏ cây bay lên thơm nồng, người bị ôn dịch ngửi làn hương ấy khỏi bệnh. Trước lúc rời buôn bản, Thần đặt hai bàn tay nồng ấm núi rừng thượng ngàn lên thân cây đang sống, cây liền tỏa hương thơm ngát. Từ đó, dân làng nhân trồng khắp nơi phòng khi cứu người. Ở đâu có cây thuốc quý, ở đó không có ôn dịch.

Dân làng tri ân Thần Thủy xinh đẹp, giàu lòng trắc ẩn, bằng cách đặt tên cây có làn hương lạ là “Thần khắc uế”. Ôn dịch sinh ra từ uế khí và ô trược nơi tâm tưởng con người. Nhờ Thần Thủy, uế khí biến mất. Thần chính là khắc tinh uế trược. Về sau người ta nói gọn cùng trại âm “khắc u” thành “cây quế”.

Cây quế được dân làng mang theo cuộc di cư dần về phía biển, đó là vùng đất Trà My thuộc Quảng Nam ngày nay. Người đời sau phong tặng cây quế Trà My, danh hiệu: “Cao sơn ngọc quế”.

Tiếp tục cuộc hành trình, Thần Thủy thấy dân làng trẩy hội hai bờ, rộn ràng trong làn hương thơm nồng mang nỗi nhớ! Thần Thủy nhận ra lễ hội “Tri ân” cao sơn ngọc quế do chính mình ban tặng. Cảm động tấm lòng nhân gian, Thần Thủy lần nữa ban ân. Bước đến bên cây quế ngàn năm tuổi, Thần đặt hai bàn tay rần rần khát vọng, cây quế cành lá sum sê như đón trận cuồng phong, rùng rùng rung chuyển rồi bất chợt lặng dừng. Hương thơm từ thân cây tỏa ra ngào ngạt, khiến dân làng chìm sâu tĩnh tại. Giữa lúc dân làng ngất ngây hạnh phúc, Thần vươn tấm thân mảnh mai trắng ngần ra sông biến mất.

Nhớ ơn Thần Thủy hiển linh trong im lặng vô ngôn tịnh mạc, dân làng đặt tên loài cây có làn hương lạ vô cùng độc đáo là trầm hương và nhân trồng khắp nơi. Không như cây quế, trầm hương thơm từ trong ruột thơm ra, trầm lắng ẩn mật như tính cách Thần Thủy. Ngoài công năng tẩy trược, trừ uế, chữa lành bệnh tật, mùi thơm trầm mặc vô vi của trầm hương giúp con người hướng nội tìm cầu chân nghĩa bình an, cảm nhận sự lặng vắng sâu thẳm cõi hồn.

Từ xa xưa, người Chăm Pa đã trân quý trầm hương. Trầm hương trở thành sản vật cống nạp và xuất đi các châu lục theo đường biển. Trầm là loại hương liệu đặc biệt dâng cúng thần linh và là dược liệu quý phục vụ chốn hoàng cung; vì thế Vương quốc Chăm Pa từng được mệnh danh là “Xứ trầm hương”.

Mấy ngàn năm sau, các làng trầm hương bên bờ sông Thu Bồn lan rộng khắp núi rừng miền Trung. Từ Phước Sơn xuống Trung Phước, sang Đại Lộc; từ Quảng Nam đến Nha Trang - Khánh Hòa, đâu đâu cũng có trầm hương.

Còn nhớ câu chuyện pho tượng Thần Thủy được hai anh em nhà họ Bô tạc trên cây lim quý bên bờ nam thượng nguồn năm ấy. Có lẽ vì ân tình sâu nặng của dân làng đối với Thần Thủy, theo dòng chảy từ Ngọc Linh, mà sau này loại gỗ lim xanh vùng núi rừng Quảng Nam đến thời khô mục nở ra những chiếc nấm mang hình “đóa hoa điêu khắc”. Hoa điêu khắc hóa là tinh anh nhựa sống của pho tượng Thần Thủy bằng gỗ lim xanh miền thượng ngàn, phụng hiến con người sau khi trút cạn sức sống. Nấm lim xanh được mệnh danh thần thảo, tiên thảo, trường thọ, vạn niên… là sinh dược quý hiếm được con người yêu chuộng. Kỳ diệu thay, tình yêu Thần Thủy và Ngọc Linh - tổ nguồn sông núi!

Có lẽ làn hương quế, hương trầm theo gió Tây Nam thổi về, kết tụ trên cánh rừng dây leo chằng chịt, trổ ra những chùm quả nhỏ li ti mang hương vị thơm nồng cay xè đầu lưỡi, thông lên tận não, khoan khoái tâm thần. Đó chính là hồ tiêu Tiên Phước hay còn gọi tiêu nguồn, thuộc loại tiêu tốt nhất cả nước. Giống tiêu bản địa lâu đời trong mạch chảy thượng nguồn sông Thu núi Ngọc qua vùng cao sơn ngọc quế.

Thần Thủy dừng chân nơi ngôi làng nhỏ nằm phía Nam sông Cái. Người dân nơi đây vốn là hậu duệ của anh em nhà họ Bô thuở xa xưa được Thần Thủy dạy nghề cất dựng, chạm khắc nhà cửa nơi thượng ngàn. Những ngôi nhà gỗ khang trang mọc lên khắp làng nhưng ngặt nỗi, thời gian đã khiến họ quên mất tổ nguồn sông núi. Khi gặp Thần Thủy, ký ức chìm sâu được đánh thức. Nhưng lần này dân làng ao ước được Thần Thủy trao ấn chứng để cháu con đời sau không còn lãng quên Tổ nghiệp.

Trước tấm chân tình, Thần Thủy dạy họ cách làm bàn xoay, minh chứng sợi dây kết nối từ ngàn xưa đến hậu thế vẫn còn nguyên vẹn. Khi chiếc bàn tự động xoay theo ý muốn từ hai bàn tay sấp ngửa của Thần Thủy, điều kỳ diệu khiến dân làng kinh ngạc.

Qua bao cuộc tan điền thương hải, chiếc bàn xoay vẫn được hậu duệ Thần Thủy bảo tồn tinh hoa độc đáo nơi làng cổ Lộc Yên ngày nay, cũng như làng mộc Văn Hà từng vang danh khắp nước. Những sắc phong các đời vua Nguyễn dành cho nghệ nhân làng mộc Văn Hà vẫn còn lưu dấu thuở vàng son!

 

Dừng chân nơi Hòn Kẽm trên khúc sông sâu thăm thẳm, biêng biếc, hoang vắng không bóng người, Thần Thủy cởi bỏ y trang, đắm mình trong dòng nước tinh khiết. Thần cảm động tri ân thân phụ, thân mẫu và chàng Ngọc Linh nơi cuối đất cuối dòng để Thần Thủy và chúng dân an hưởng thái bình! Thần Thủy nhớ về người em yểu mệnh Thần Hỏa song hành nơi dòng chảy phía bắc, nước mắt Thần Thủy hòa cùng dòng sông Hòn Kẽm!

Thổ Địa thấy chim bướm bay lượn, hót ca rộn ràng, bèn hiếu kỳ đến bên bờ sông mình cai quản. Chưa kịp ngắm nhìn thân thể ngọc ngà tuyệt mỹ của Thần Thủy, hòn núi phía bắc rùng mình lao ra sông, chắn ngang tầm mắt. Từ đó người đời gọi nơi đây là Hòn Kẽm Đá Dừng, ca ngợi tình yêu thương và sự chở che của cha Núi - mẹ Mây, giữ gìn tiết hạnh, đợi ngày Ngọc Linh kết hôn cùng Thần Thủy, hoàn tất tâm nguyện giúp dân cứu chúng của hai vị thần núi thần sông.

Dòng nước mắt thương nhớ Thần Hỏa năm xưa hóa thành dòng lệ non sông cẩm tú; người đời sau còn lưu lại trong tàng thức câu chuyện hai vị thần nữ mà chọn khúc sông Vu Gia[9] nối dài trước khi đổ ra sông Hàn gọi là sông Cẩm Lệ.

Sẽ diễm phúc biết bao, những đứa con xứ sở được ôm dòng sông quê nhà, ngủ một đêm nơi Hòn Kẽm Đá Dừng, ngẫm lại chuyện Thần Thủy, Thần Hỏa để sớm mai thức dậy thấy lòng mình rộng lớn tinh khôi! Hòn Kẽm Đá Dừng qua  ngàn năm kể từ ngày Thần khỏa thân trên khúc sông xanh tuyệt đẹp, vẫn bình yên hiền hòa trong mát như tấm lòng Thần Thủy năm xưa.

Thần Thủy tiếp tục thiên di về phía Đông. Dừng chân bên bến sông, nơi đây phong cảnh thanh bình, nhưng lại vắng bóng người; thần ngẫm ra mới biết sự tình… Chẳng phải là rừng thiêng nước độc, vậy mà bất kỳ loại cây gì chúng dân trồng xuống đất này đều rất xanh tốt nhưng chẳng bao giờ đơm bông kết trái. Hóa ra, có một con chim lớn tu luyện lâu năm thành tinh trú ẩn ở dãy núi phía Tây Nam thường đến đây kiếm ăn, chim thành tinh ăn tất cả nụ hoa từ lúc chưa kịp tượng hình.

Thần Thủy đợi màn đêm buông xuống, khi chim thành tinh từ núi xa bay về, Thần Thủy dương cung bắn chết loài ác điểu.

Xác chim thành tinh trúng mũi tên Thần Thủy rơi xuống dòng sông phân thành nhiều mảng lớn. Từ đó vùng đất này trái cây ngon ngọt trĩu cành… Chẳng bao lâu chúng dân kéo nhau đến bờ sông sinh sống, cất dựng nhà cửa, lập thành làng xóm theo thế đất mang dáng hình một chiếc cung thần, như để tưởng nhớ ân huệ Thần Thủy.

Qua bao cuộc đổi dời dâu bể, ngày nay làng Đại Bình hay Đại Bường trở lại bình yên với hương thơm trái ngọt như thuở nào. Xác chim thành tinh vẫn còn nơi bến sông là những hòn đá lớn. Làng vẫn còn mang dáng dấp một chiếc cung thần hướng về phía Tây Nam.

Thần Thủy băng qua cánh rừng với bạt ngàn loài cây thân gỗ cao lớn, trái treo dọc trĩu cành thành từng chuỗi dài mê hoặc. Nhưng ngặt nỗi, bao đời nay trái đắng chát không tài nào ăn được.

Nhân lúc gặp nạn mất mùa, dân tình đói khổ, Thần thương xót ban ân. Thần Thủy triệu tập dân làng dưới rừng cây trĩu quả. Thần khinh công rồi dùng móng tay cái ấn vào quả mọng, bất ngờ nước chảy ra ngọt lịm… cả làng qua mùa đói rét. Từ đó dân làng gọi tên “loòng boong” cho loại quả cứu sinh, nghĩa là “móng tay thần” theo cổ ngữ người tiền sử Thu Bồn thuở ấy. Về sau người ta phát âm thành “lòn bon” hoặc “bòn bon”, loài trái ngon ngọt lưu dấu móng tay Thần.

Loòng boong Tiên Phước, đặc biệt là loòng boong Đại Lộc nổi tiếng với tên gọi Nam Trân. Có lẽ do vua Gia Long - Nguyễn Phúc Ánh xưng tụng, thể hiện lòng tri ân loại trái rừng vùng trung thượng lưu Thu Bồn - Vu Gia, phía Nam đèo Vân Quan, nơi chị em hai vị Thần Thủy - Thần Hỏa đi qua. Loại trái năm xưa, quản Nam Trân - người giữ vườn loòng boong - cung kính chọn những chuỗi quả đầu mùa dành để tiến vua.

Có đôi trai gái yêu nhau, cô gái muốn tặng chàng trai kỷ vật trong ngày hôn lễ, bày tỏ tình yêu của mình; nàng hẹn chàng ra bờ sông vào đêm trăng sáng. Nàng cung kính mà thưa với dòng sông rằng: “Khi người ta yêu nhau, muốn sống cùng nhau trọn đời, vật gì minh chứng cho tình yêu chân thật ấy?”.

Âm thanh từ dòng sông liền vọng lên: “Cây trên rừng dựng nhà, đóng thuyền, phù sa làm nên đời sống; sâm, quế, trầm hương, linh chi… cho các ngươi khỏe mạnh. Nay ta dạy các ngươi, lấy cát trắng đôi bờ làm đẹp ngày cưới!”.

Từ đó ven bờ sông Cái, lễ cưới bao giờ cô gái cũng trao chàng trai kỷ vật trong suốt như nước Đại Giang Thần làm sính lễ[10]. Vật từ cát sông ngày càng được chế tác phong phú, tinh xảo, lấp lánh bảy sắc màu[11], khi như hình trăng khuyết, lúc tròn trịa như vầng trăng đêm hò hẹn. Hình ảnh chim nước[12] được họ thể hiện trên những vật trang sức chế tác từ cát sông Thu, bày tỏ lòng tri ân đối với non sông trong chuyện tình yêu và bảo tồn nòi giống.

Thần Thủy dặn dò, mấy ngàn năm sau, cát Thu Bồn kết tinh thành trái tim đầy đặn màu hồng đỏ[13], các ngươi phải trân trọng đặt giữa lòng bọc trứng - cội nguồn dân tộc - như tình yêu non sông muôn đời bất diệt!

Lộ trình đi về phía Đông Bắc núi Ngọc Linh, Thần Thủy dừng chân bên những ngôi làng nhỏ trong mùa khô hạn, chúng dân đang lâm cảnh lầm than. Sự hiện diện của Thần Thủy như hồ nước mát tưới tắm cõi lòng cõi hồn, mang lại sự bình yên và trù phú, như họ đã từng bao đời mưu sinh từ nguồn nước Đại Sơn Thần. Cảm động trước cảnh đổi thay ngoạn mục ấy, Thần Thủy nguyện rằng, Thần sẽ mãi mãi là hồ nước lớn cho chúng dân thỏa niềm khao khát.

Đúng như lời nguyện thuở xa xưa, công trình đại thủy nông Phú Ninh sau hơn 9 năm xây dựng (1977-1986), ngày 27-3-1986 chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động, để những cánh đồng xanh tươi bát ngát nuôi lớn bao thế hệ nhân tài là hậu duệ của nền văn minh sông Thu núi Ngọc.

G.Q

Chú thích

[1] Hồ thủy điện sông Tranh như hình chim yến nơi thượng ngàn Thu Bồn.

[2] Cù Lao Chàm gồm 7 đảo.

[3] Sông Thu Bồn chảy ra biển như hình củ linh sâm.

[4] Bô Bô không phải là “họ” người tiền sử Thu Bồn. Tác giả muốn dễ dàng liên tưởng tước hiệu bà Thu Bồn: Mỹ đức thục hạnh bô bô phu nhân thượng đẳng thần.

[5] Tượng nhà mồ Tây Nguyên.

[6] Quan niệm dân gian về chuyện lấy súc (gỗ) của Long Vương mỗi lần vào mùa lụt lớn.

[7] Hoa văn đặc trưng được tìm thấy trên các cổ vật Sa Huỳnh.

[8] Các nhà khảo cổ khai quật nhiều mộ chum của nền văn hóa Thu Bồn (Sa Huỳnh)  - tiền thân văn hóa Chăm Pa trên thượng nguồn sông Thu. Về sau những hành giả Cao Đài được ấn chứng đạo pháp cũng chôn cất với tư thế ngồi tưởng niệm Thượng Đế trong quan tài lục giác, tạo nên nét tương đồng với truyền thống mộ chum của người tiền sử Thu Bồn; hay tục hỏa táng lấy tro cốt đặt vào chum lọ.

[9] Vu Gia và Thu Bồn hợp lưu tại Giao Thủy.

[10] Chế độ mẫu hệ thời tiền sử.

[11] Từ thủy tinh đến pha lê.

[12]  Chim nước là hình tượng tiêu biểu được tìm thấy nơi cổ vật Sa Huỳnh.

[13]  Trái tim dân tộc bằng thủy tinh đặt giữa lòng linh phẩm Đồng bào trong bộ Hồn thiêng tông núi.