Đảo Song Tử Tây - Những dấu mốc chủ quyền của tổ quốc

19.08.2024
Phan Văn Quang
So với các đảo khác trên quần đảo Trường Sa, đảo Song Tử Tây có cả một hệ thống di tích lịch sử, văn hóa khá dày đặc khẳng định chủ quyền và khát vọng hồn thiêng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử mở mang bờ cõi của con dân đất Việt.

Đảo Song Tử Tây - Những dấu mốc chủ quyền của tổ quốc

Đảo Song Tử Tây nằm ở cực Bắc của quần đảo Trường Sa, thuộc xã đảo Song Tử, là một trong ba xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Nhìn từ xa, đảo như một thành phố thu nhỏ, trầm mặc, yên bình mọc lên giữa trùng khơi, hòa cùng màu xanh của biển cả, của cỏ cây, xen lẫn màu đỏ của mái ngói, công trình dân sinh, màu rêu phong của di tích lịch sử, văn hóa. Khi không gian ấy đập vào mắt chúng tôi là cả một sự gợi nhớ về hành trình xác lập chủ quyền và thực hiện quản lý liên tục đối với quần đảo Trường Sa, đồng thời cũng là minh chứng sinh động về một sức sống Trường Sa mà bao thế hệ cha anh đã dày công vun đắp.

Bước chân lên đảo Song Tử Tây, hiện lên trước mặt chúng tôi là ngôi chùa Song Tử Tây uy nghi, trầm mặc, hướng mặt ra biển và hướng về thủ đô, trái tim yêu dấu của Tổ quốc. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống chùa Bắc Bộ, theo kết cấu một gian hai chái, mái cong vút. Chùa có tam bảo, điện thờ và bàn thờ các anh hùng liệt sĩ. Tượng Phật Bà Quan Âm, Bia tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988. Chùa Song Tử Tây không chỉ là chốn tâm linh của ngư dân ra khơi bám biển của quân, dân trên đảo mà còn là dấu mốc về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, một địa chỉ đỏ giáo dục về truyền thống yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương đối với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo và đồng bào đất liền mỗi lần ra thăm đảo.

Sau khi thắp hương làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, từng người trong đoàn tỏa về mỗi hướng để thăm quan, khám phá phong cảnh thiên nhiên, tìm hiểu cuộc sống của quân, dân trên đảo thì chúng tôi nán lại trò chuyện với sư thầy Thích Nhật Anh,
trụ trì chùa Song Tử Tây. Qua câu chuyện, thầy cho biết về điểm nổi bật của ngôi chùa này không chỉ lớn nhất trong các ngôi chùa được xây dựng trên quần đảo Trường Sa, có kiến trúc đặc biệt theo kiểu bố trí mặt bằng không gian theo chữ Công (nội công, ngoại quốc), đậm nét văn hóa Phật giáo Việt Nam mà còn có nét khác biệt, đó là chùa được xây dựng trên khuôn viên của ngôi miếu thờ thần, Phật do ngư dân Việt dựng lên từ xa xưa. Mỗi lần ra khơi đánh bắt cá, họ lên đây neo đậu tàu thuyền tránh bão, thắp hương lễ Phật cầu cho mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang, cầu cho vong linh những ngư dân đã khuất được siêu thoát, tạ ơn người đã khuất gìn giữ biển cả quê hương, mong người tiếp bước được bình an. Năm 2009, phật tử trong cả nước và những ngư dân ở quần đảo Trường Sa đã cùng nhau đóng góp công sức, tiền của trùng tu, tôn tạo các ngôi chùa. Chùa Song Tử Tây được xây dựng trên nền đất cũ của miếu thờ nhưng được mở rộng về quy mô, khang trang, bề thế hơn nhằm lưu giữ những nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán, mốc son lịch sử của ngư dân Việt Nam mấy trăm năm qua đã từng ra đây xác lập, thực thi chủ quyền và là chốn tâm linh, chỗ dựa tinh thần cho bà con ngư dân mỗi lần ra khơi bám biển và cho cả chiến sĩ, nhân dân trên xã đảo.

Chia tay sư thầy, đi theo con đường chính hướng sâu về phía đảo, chúng tôi bắt gặp cụm di tích lịch sử Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa và ngọn hải đăng trên đảo Song Tử Tây. Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa nằm trong khu vực Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, trạm khí tượng Thủy văn Song Tử Tây. Bia được chính quyền Việt Nam Cộng hòa xây dựng vào năm 1956, phần thân bia hình khối lập phương và phần chóp có chiều cao 3.36m, được xây bằng gạch kết hợp với vôi vữa. Ở phần chóp ghi dòng chữ “Việt Nam Cộng hòa Quần đảo, đảo Song Tử Tây, vĩ độ 110 25’55’’ bắc và kinh độ 114018’00’’ đông”, phần thân ghi “Quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Phái bộ quân sự thị sát nghiên cứu đến viếng quần đảo này ngày 22 tháng 8 năm 1956 dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam”. Cột mốc được xây dựng cách ngày nay gần 70 năm nhưng nhờ khắc chữ lõm nên nội dung văn bản còn khá rõ nét.

Bia chủ quyền ở đảo Song Tử Tây là một trong hai bia chủ quyền còn sót lại trong hệ thống bia chủ quyền trên quần đảo Trường Sa có giá trị quan trọng về mặt lịch sử và căn cứ pháp lí khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Ngày 13/6/2014, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ra quyết định xếp hạng di tích Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Men theo lối đi vào hướng trung tâm đảo, rẽ về hướng tay trái, chúng tôi bắt gặp ngọn hải đăng Song Tử Tây sừng sững, con “mắt thần” trên đảo, có nhiệm vụ dẫn đường cho tàu, thuyền qua lại trên trục tuyến đường hàng hải quốc tế từ Hồng Kông (Trung Quốc) đi Manila (Philippines) đến Singapore và còn là ngọn đèn đánh dấu tọa độ, làm điểm tựa cho ngư dân ta mỗi khi ra Trường Sa khai thác, đánh bắt hải sản. Ngọn hải đăng được xây dựng vào khoảng năm 1993, có hình trụ tháp tròn ở góc phía đông của đảo, chiều cao gần 40m, thân màu xám sẫm. Điểm đặc biệt của ngọn hải đăng Song Tử Tây là được xây dựng sớm nhất, cao nhất trong số các ngọn hải đăng ở quần đảo Trường Sa, trụ chính và các bậc cầu thang từ mặt đất lên vị trí đặt đèn chiếu sáng được làm bằng gỗ lim nguyên khối. Do có chiều cao tối ưu nên tàu, thuyền có thể nhìn thấy từ khoảng cách trên 21 hải lý.

Tìm hiểu về quản lý hoạt động của ngọn hải đăng, chúng tôi được hai anh dân quân tự vệ trên đảo cho biết: tuyệt đối không để ngọn hải đăng bị tắt dù bất cứ tình huống nào, đây là mệnh lệnh từ đất liền. Do đó, dù nắng hay mưa, dù bão tố phong ba thì cán bộ, kỹ sư vận hành luôn luôn bảo đảm ngọn hải đăng phải được thắp sáng. Để chứng minh cho nỗi vất vả của những người phụ trách ở đây, tôi và người bạn đồng hành (thầy giáo Lê Văn Sức - Trường THCS Lê Hồng Phong) thử chinh phục ngọn hải đăng này. Cuộc trải nghiệm thật thú vị, vì chúng tôi đã chinh phục được độ cao gần 40m, chạm tới vị trí của bóng đèn, điểm cao nhất của ngọn hải đăng. Trong hành trình chinh phục, anh em chúng tôi có lúc tưởng chừng như bỏ cuộc, bởi tâm lý sợ độ cao, thiếu ánh sáng quan sát và khẩu độ giữa bậc cầu thang tầng dưới với bậc cầu thang tầng trên rất ngắn nếu không khéo léo quan sát trong quá trình di chuyển sẽ dễ đụng đầu gây thương tích cho bản thân. Hành trình trải nghiệm của chúng tôi dù vất vả, nhưng phút chốc cũng qua đi nhưng với đội ngũ kỹ thuật viên ở đây phải đối mặt với bao khó khăn, thách thức trước sóng xô, gió giật, thiếu thốn tình cảm gia đình nhưng các anh đều vượt qua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân đất liền giao phó.

Chia sẻ về vai trò, ý nghĩa của ngọn hải đăng Song Tử Tây, Thượng tá Phạm Văn Thọ, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân), cho biết: Trạm khí tượng hải văn Song Tử Tây là một trong hai trạm khí tượng hải văn trên quần đảo Trường Sa không chỉ làm nhiệm vụ dự báo thời tiết hàng ngày, con “mắt thần” trên đảo có nhiệm vụ dẫn đường cho tàu, thuyền qua lại trên tuyến đường hàng hải quốc tế và làm điểm tựa cho ngư dân ra khơi bám biển mà còn là cột mốc khẳng định chủ quyền, bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có những chế độ chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đang công tác và sinh sống trên đảo, những chương trình hành động hướng về biển, đảo quê hương được tổ chức đã góp phần làm cho sức sống Trường Sa, niềm tin Trường Sa được lan tỏa. Song, khó khăn mà cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nơi đây vẫn in hằn trên làn da rám nắng, nước mắt chực trào, cổ họng như nghẹn lại mỗi khi nhắc về đất liền vì nơi đó có cha, có mẹ, có vợ, có con, có bạn bè… Cảm xúc đó là lẽ thường tình, là rất đời, rất thực của tâm lý con người nhưng đó chỉ là cảm xúc nhất thời, thoáng qua, đằng sau đó là cả một ý chí quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, nghị lực vượt khó và cả niềm vinh dự, tự hào của mỗi cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nơi đây để hoàn thành tốt trọng trách bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo sẽ là những dấu son trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ chủ quyền dân tộc. Dấu mốc của quá khứ, dấu mốc của hiện tại và cả tương lai sẽ tạo nên một sức sống Trường Sa bền bỉ, bất diệt, phồn vinh.

(Tạp chí Non Nước số 318)