Dòng nước cuối nguồn

22.04.2025
Nguyễn Thị Phương Lan
Chị Kiều làm kế toán cho một công ty nước ngoài, lương tháng tính bằng đô la, Nguyệt làm quản lí dự án cho một tập đoàn kinh tế tư nhân lớn trong nước, lương thưởng khá hậu hĩnh, Nga vừa đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản trở về, tuy không phải đưa theo cả vali tiền nhưng hàng tháng, hàng năm vẫn đều đặn gửi về cho bố mẹ cất giữ.

Dòng nước cuối nguồn

Minh họa Đỗ Dũng

Nguyệt bần thần ngồi nhìn ra vườn rau cải đang rũ lá dưới cái nắng cuối hè gay gắt. Chúng rũ xuống không phải vì thiếu nước mà do bố cô đã xịt quá nhiều nước bằng vòi bơm công suất lớn, giờ nắng lên, nung nóng mặt đất, hơi nước bốc lên khiến cho lá cây quắt lại. Không chỉ vườn rau, mảnh sân trước nhà sáng rực, vàng ươm một màu những bắp ngô tròn lông lốc. Được nắng, hạt ngô rắn lại như đá, lung lay muốn rời ra khỏi cùi. Một góc sân khác là đám lá thuốc mẹ phơi để chuẩn bị điều chế viên cao hoàn tán đặc trị bệnh xương khớp theo bí quyết riêng của mình. Từng mảnh lá khô uốn cong như cố tránh tiếp xúc với bề mặt sân. Nguyệt nghĩ mẹ chẳng cần tán bằng cối làm gì cho mệt, cứ vun lại xong dùng tay vò chúng cũng đã mịn tơi ra rồi. Cảm giác lúc đó thật là thích. Tiếng lá vỡ vụn, cành cây gãy giòn tan. Hồi còn nhỏ chị em Nguyệt vẫn trốn mẹ nghịch ngợm như thế, cho đến khi bụi lá khô bay mù mịt tứ tung, mất một lượng dược liệu khá lớn, mẹ hoặc bà nội bắt được quật cho mỗi đứa vài roi. Mới nghĩ thôi Nguyệt đã muốn lao ra sân thử lại cái cảm giác ngày xưa. Nhưng cái nắng đến cay mắt ngăn cô lại. Lâu nay làm việc trong văn phòng có máy điều hòa nhiệt độ, kéo rèm kín mít, bật điện đã quen khiến mắt cô không chịu được cường độ ánh sáng mạnh. Nắng. Nắng đến rát da, cháy thịt. Trời chưa có dấu hiệu gì là muốn trở mình đón mùa thu sang.

Không khí trong nhà lúc này còn ngột ngạt hơn nữa. Một cuộc họp gia đình đang vô cùng căng thẳng khi ba chị em Nguyệt đề xuất ý định xây nhà ở quê cho bố mẹ dưỡng già bị dừng lại nửa chừng vì ý kiến của mẹ. Khó khăn lắm ba chị em cô mới tổ chức một cuộc họp gia đình trực tiếp như thế này vì ai cũng bận như nuôi con mọn.

- Không xây nhà ở quê. Phải mua nhà trên Hà Nội!

Tiếng mẹ đanh như đinh đóng chệch mạch vữa, va phải hàng gạch. Cả bố và ba chị em Nguyệt đều bàng hoàng, sững sờ nhìn mẹ, không thốt lên lời.

Chị Kiều làm kế toán cho một công ty nước ngoài, lương tháng tính bằng đô la, Nguyệt làm quản lí dự án cho một tập đoàn kinh tế tư nhân lớn trong nước, lương thưởng khá hậu hĩnh, Nga vừa đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản trở về, tuy không phải đưa theo cả vali tiền nhưng hàng tháng, hàng năm vẫn đều đặn gửi về cho bố mẹ cất giữ. Tuy có tiền thật đấy nhưng họ chỉ dự định đủ cho việc xây nhà ở quê. Mua một căn nhà ở Hà Nội đâu phải đơn giản mà mẹ thốt ra câu nhẹ như lông hồng vậy?

Bố trầm ngâm suy nghĩ, như lâu nay vẫn vậy. Cứ tưởng sau những phút trầm tư đó bố sẽ thốt ra một câu gì đó rất có sức nặng thu phục nhân tâm, xoay chuyển tình thế. Nhưng rồi chả có gì. Mọi người quen nên đã lâu rồi không còn để ý đến bố nữa. Chỉ quan trọng là ý kiến của mẹ.

Chị Kiều khẽ khàng phản bác:

- Nhưng người ta ai cũng muốn xây nhà cao cửa rộng ở quê để bố mẹ được nở mày nở mặt với anh em họ mạc, hàng xóm láng giềng. Các anh nhà bác cả, bác hai xây nhà to vật vã cho các bác đấy thôi. Bố mẹ không muốn được hãnh diện như các bác à? Về già ai cũng muốn vui cảnh điền viên, hít thở không khí trong lành, được gần gũi họ hàng dòng tộc. Mẹ sao lại ngược đời thế. Lại muốn mua nhà ở Hà Nội cho chật chội, ô nhiễm?

- Nhà người ta có con trai mới cần nở mày nở mặt, cần duy trì, tiếp nối dòng giống, họ tộc. Nhà mình chỉ có ba cô con gái, điều đó không quá quan trọng. - Giọng mẹ tuy đã hạ thấp hơn nhưng vẫn thể hiện sự quyết tâm của mình.

Nguyệt đế thêm:

- Tiền mua một cái nhà ở Hà Nội bằng bố mẹ xây ba căn nhà đồ sộ nhất làng đấy.

Mẹ vẫn khư khư ý kiến của mình:

- Mẹ đã nói rồi, mua nhà Hà Nội là mua nhà Hà Nội!

Cái Nga em út thường không được hỏi ý kiến, giờ mạnh dạn lên tiếng vì dù sao hiện tại số tiền nó có thể đóng góp để xây nhà, mua nhà nhiều nhất trong mấy chị em. Nó nói:

- Thế bố mẹ không sợ cuộc sống ở thành phố gò bó, suốt ngày bị nhốt trong bốn bức tường như gà công nghiệp, không giao lưu, không kết bạn với ai à? Cuộc sống như thế có thực sự đáng sống? Bất đắc dĩ người ta mới phải sống xa quê thôi chứ ai chẳng muốn ở lại quê hương…

Mẹ đưa đôi mắt đã hiện rõ vết chân chim chiếu thẳng vào đám con gái và chồng, gằn giọng:

- Thế các con nghĩ rằng từ xưa đến nay mẹ đã được sống thực sự có ý nghĩa à?

Bố và ba chị em Nguyệt giật nảy mình khi nghe mẹ nói lên câu đó. Mẹ đã có một cuộc đời hạnh phúc bên chồng con, gia đình chồng. Tần tảo, bình dị như bao người phụ nữ nông thôn khác. Chồng hiền lành, thương yêu vợ con, các con ngoan ngoãn, học giỏi, công ăn việc làm ổn định… Mẹ còn muốn như thế nào nữa?

Đưa mắt nhìn đám dược liệu phơi trên sân, giọng mẹ trầm hẳn xuống:

- Tâm hồn và thể xác tôi giờ đã khô quắt như đám lá cây kia. Cạn kiệt sức sống, cạn kiệt niềm vui. Vì ai… Vì đâu…

Giọng mẹ đều đều, não nề, ai oán.

*

Hai mươi tuổi mẹ về làm dâu bà nội Nguyệt, cho đến bây giờ mẹ chưa từng được một ngày hạnh phúc. Dù đã nghe tiếng mẹ chồng từ trước, một người đàn bà chồng mất khi còn rất trẻ, nhưng vì ngây thơ hồn nhiên, suy nghĩ giản đơn, lại cảm cái vẻ hiền lành, chất phác của bố, mẹ vẫn chấp thuận về làm dâu con trong nhà. Nhưng mẹ đâu ngờ, từ đây chuỗi ngày sống trong địa ngục của mình bắt đầu.

Công tác ở xã, mỗi ngày đi làm mẹ đều phải ăn mặc sạch sẽ, tươm tất. Mẹ vốn xinh đẹp, tươi tắn và biết cách chưng diện. Bà mẹ chồng lộ vẻ không hài lòng. Bóng gió rằng gái có chồng mà cứ ăn mặc chải chuốt như vậy là muốn được trai ngắm vuốt, tán tỉnh. Mỗi lần mẹ đạp xe ra khỏi cổng là bà cũng ba chân bốn cẳng chạy theo phía sau, núp dưới hàng rào dâm bụt rình xem mẹ đi đâu, làm gì, gặp ai, nói chuyện gì… Cái lưng còng của bà, cái nón trắng lúp xúp, nhấp nhô bên hàng rào dâm bụt, hàng dứa dại ven đê, mẹ nhìn thấy hết nhưng vẫn giả vờ không biết gì. Mà cũng lạ, bà đã già, lưng còng, chạy bộ mà nhanh đáo để, có hôm thoắt một cái đã thấy lấp ló bên cạnh ủy ban xã, hay chui vào bên trong mấy cái chòi ở chợ rồi. Tất cả những gì bà thu thập được tối về bà càm ràm, bỉ bôi với họ mạc, hàng xóm, láng giềng, các con trai, con dâu, con gái, đặc biệt là với bố, con trai út nhưng lại phải chịu trách nhiệm chăm sóc mẹ vì các anh trai đùn đẩy sang. Nhưng được cái bố chỉ nghe và cười trừ chứ không phản ứng gì.

Ngày mới cưới, có cái buồng bên chái nhà nhưng mẹ chồng cho chất đầy các bao lúa, ngô, củi vào rồi khóa cửa lại, chái nhà bên kia thì hai cô em chồng ngủ, đôi vợ chồng son phải nằm giường ngoài, ngay cạnh gian thờ, mẹ chồng nằm ở cái giường phía bên kia gian thờ. Ba gian nhà gỗ trống trải, không có vách ngăn, không có ri đô (bà không cho mắc ri đô, bảo bí bách, nhếch nhác nhà cửa). Mẹ chồng nằm gần, già cả khó ngủ, đêm đêm húng hắng ho, thỉnh thoảng dậy sục sạo, lạch cạch liên hồi, bên cạnh lại là gian thờ, đố ai dám ho he làm gì. Mới về làm dâu đêm nào mẹ cũng nằm khóc, bố ở bên cạnh chỉ biết vỗ về, thủ thỉ khe khẽ.

Việc vợ chồng son nằm cạnh nhau, cố kìm nén lắm vẫn không tránh khỏi những va chạm. Mỗi lúc có tiếng động gì, mẹ chồng ở bên kia lại thả chân đánh rầm một cái xuống giường hoặc bật dậy lê dép loẹt quẹt khắp nhà. Bên này tắt ngóm mọi âm thanh và cảm xúc. Nhiều hôm mẹ đang mơ màng ngủ, bỗng thấy một con rắn đen sì từ nóc nhà rơi tõm xuống người. Giật mình tỉnh dậy mới biết là mơ. Hoảng hốt mãi mới ngủ lại được. Có hôm thức đến sáng luôn. Sáng dậy lại thấy cái vành độn tóc của mẹ chồng trông không khác gì con rắn đen cuộn tròn ở trên giường.

Mẹ chồng cấm đoán, để ý, dò xét đến mấy vẫn có lúc đôi vợ chồng trẻ thậm thụt với nhau. Lần lượt chị Kiều rồi Nguyệt ra đời. Bà thể hiện rõ sự không hài lòng, thường xuyên ca cẩm. Rồi bà lôi hai đứa cháu gái sang ngủ với mình để hai vợ chồng có không gian riêng cho đôi vợ chồng tạo ra đứa cháu trai mơ ước của bà. Mặc dù các bác trai đã có con trai con gái đề huề nhưng với bà, nhà nào cũng phải đủ nếp đủ tẻ, không mang tiếng con một bề mới rạng danh gia đình, dòng tộc. Cũng từ đó, đêm đêm mẹ lại phải nghe những tiếng tét má, tét mông, tét chân các cháu gái đen đét kèm tiếng mắng mỏ của bà. Nào là nằm thẳng lại, nào là không được ghé sát vào người bà, không được sờ người bà, không được nghiến răng, không được cựa quậy... Nào là con gái con đứa gì mà nết ngủ xấu thế, không biết nòi nhà ai, không được dạy dỗ uốn nắn tử tế… Mẹ nằm bên này không tài nào ngủ được vì xót con.

Cái Nga ra đời như chấm dứt hoàn toàn niềm hi vọng của bà. Bà coi như không có đứa cháu ấy, cũng coi như không có đứa con dâu ấy nốt. Mẹ đẻ cái Nga xong tự dậy giặt giũ, cơm nước, chăm con bé, con lớn. Một tuần đã phải đạp xe đi chợ. Bà còn không cho bố làm giúp mẹ. Đuổi bố đi làm xa, không cho ở gần mẹ nữa. Bà âm mưu tách bố ra khỏi mẹ, để bố tìm vợ mới và có con trai. Hết thời gian nghỉ thai sản, mẹ năn nỉ, nhờ cậy mãi mới được cô em chồng chưa lập gia đình trông con hộ để đi làm. Nhưng tính cô còn trẻ con, ham chơi, nhiều hôm cháu đói, khát khóc đến lả người cô không hay biết. Có hôm đến giờ đi làm rồi mà chẳng thấy cô đâu, không biết có phải do mẹ chồng can thiệp. Cuối cùng, mẹ quyết định địu cái Nga đi làm. Năng suất, công điểm, yêu cầu công việc không đạt, gia đình thiếu đói thường xuyên, càng là cái cớ để bà chửi rủa, nhiếc móc mẹ. Được một thời gian, mẹ như phát bệnh tâm thần, mang con bé Nga bỏ nhà đi lang thang. Bà giấu biệt. Sau bố về thăm nhà mới biết, cất công đi tìm khắp nơi, mãi mới thấy mẹ ở một cái chợ ở huyện khác. Lúc được đưa về đến nhà, mẹ và cái Nga không khác gì những kẻ hành khất. Thực ra mẹ cố tình tạo hình ảnh như vậy để kẻ xấu không dám tiếp cận khi lang thang nay đây mai đó không nhà không cửa. Bà bắt bố đuổi mẹ đi nhưng bố không nghe lời. Quyết tâm giữ hai mẹ con lại. Đó cũng là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong đời bố dám làm trái ý bà nội. Lúc đó ánh mắt bố thật dữ dội. Cũng là lần duy nhất mẹ thấy ánh mắt đó ở bố. Chính ánh mắt ấy đã đem lại cho mẹ hi vọng, giữ mẹ lại nhà chồng. Mẹ được đưa về điều trị, khỏi bệnh nhưng mất việc làm ở xã.

Một thời gian sau thì bà mất. Bà ra đi mà vẫn không được toại cái ước nguyện có thêm cháu trai vì mẹ phản kháng bà, nhất định không sinh con nữa. Mẹ quyết liệt khiến bà phải chùn bước. Không biết vì bà nhận ra cái sai của mình hay không còn sức mà thị uy với mẹ nữa.

Tưởng mẹ chồng mất thì mẹ bớt khổ, nhưng đó mới chỉ qua một tao đoạn. Bố là con trai út nhưng phải làm chủ tang, đứng ra lo toan toàn bộ tang lễ cho bà. Bà vừa mất một thời gian thì hai bác trai đề nghị bố dành một khoảnh đất xây nhà thờ họ, lí do là bố được sử dụng nhà đất hương hỏa của cha ông, vẫn còn nhiều đất, nhà của các bác có nhiều con trai, chúng đã xí phần hết rồi. Nể các anh trai, bố chấp thuận xây nhà thờ họ trên đất của mình.

Từ khi có nhà thờ họ, mẹ nghiễm nhiên trở thành người trông coi nhà thờ bất đắc dĩ. Bất thình lình các bác, các cô qua, không có ai ở nhà để mở khóa cửa nhà thờ cho họ vào thắp hương cúng bái, hoặc chỉ cần thấy một chiếc lá rơi, vệt bụi trên ban thờ, chiếc cốc hết nước, lọ hoa héo chưa kịp thay là lại dè bỉu, phán xét mẹ không tiếc lời. Các bác các cô coi mẹ như thể chỉ ở nhà ngồi chờ họ qua để mở cửa hoặc quét dọn nhà thờ. Trong khi mẹ một nách ba con, trăm công nghìn việc đến tay. Bị mất việc trên xã, mẹ phải xoay xở chạy chợ, làm ruộng và làm thêm rất nhiều công việc khác như bào chế thuốc Nam, thêu gối cưới, đan găng tay, tất chân, đan cót, quạt nan, bện dây thừng... Trong khi các bác dâu, các cô em chồng rỗi rãi hơn nhưng cả năm không mó tay đến cái ban thờ lấy một lần.

Cũng từ khi có nhà thờ họ, hàng năm, những dịp lễ tết, giỗ chạp, nhà Nguyệt trở thành điểm đăng cai làm cỗ cúng. Các bác, các cô chỉ việc đưa tiền, còn mọi việc mẹ phải đảm đương hết, đi chợ, nấu nướng, bày biện, bưng bê kê đặt. Đến giờ hành lễ mọi người mới lục tục kéo đến, uống trà hút thuốc, tán chuyện, chờ hết hương là sà xuống mâm đánh chén. Ăn uống no say xong họ kéo nhau ra về, để lại ê hề chục mâm bát đĩa cùng nồi niêu xoong chảo. Không một ai có ý định giúp mẹ một tay, kể cả các bác dâu, các cô, các cháu gái. Lúc đó mẹ con Nguyệt lại phải nai lưng ra rửa ráy, quét dọn, lau chùi, xếp đặt lại bàn ghế, chiếu thảm… Dù trời đông buốt giá hay mùa hè nắng gắt cũng vậy. Không sót một cái giỗ, cái tết nào… Khi chị em Nguyệt ở nhà thì còn đỡ đần cho mẹ. Khi các con đi học, đi làm xa nhà một mình mẹ phải cáng đáng hết mọi việc…

Mọi việc vẫn chưa dừng lại ở đó, làn sóng bất động sản như một bóng ma âm thầm tác động đến vùng nông thôn, gần đây đất ở quê cũng bắt đầu lên giá. Các bác các cô nhăm nhe vào mảnh đất của bố mẹ mặc dù các bác trai đã được chia đất khi ra ở riêng, các cô khi lấy chồng đã được cho của hồi môn. Trước đây mảnh đất này không rộng như bây giờ, chỉ có căn nhà và mảnh sân trước nhà. Vườn rau cải mênh mông kia trước đây là một cái ao rộng gần năm trăm mét vuông. Bố mẹ đã kì công gánh đất lấp ao, từng tí từng tí một, bao ngày đêm, bao mồ hôi công sức mới có được diện tích vườn như bây giờ. Vậy mà họ lại lấy cớ đất này là của ông bà nội để lại, phải chia đều cho các con trai, con gái. Họ bảo, bố không có con trai. Con gái là con người ta, rồi sẽ lấy chồng, về nhà chồng, có nhiều đất để làm gì. Bố hiền lành quá, không dám phản kháng lại các anh, cũng như trước đây không dám phản kháng lại mẹ mình. Mẹ là phận làm dâu, không thể nói lên suy nghĩ của mình. Nhưng mẹ đau lòng lắm. Từ khi mẹ về làm dâu đến giờ, mọi việc của gia đình chồng đều đến tay, chăm lo nhà cửa, ruộng vườn, sửa chữa, nâng cấp, san lấp mở rộng đất đai, lại chăm sóc mẹ chồng đau yếu, nâng nằm nâng dậy, cháo lão thuốc thang, khi bà mất lại lo chu đáo tang ma cho bà, chăm sóc nhà thờ họ, mồ mả, mồng một hôm rằm, hương khói đầy đủ không bao giờ để lạnh vắng, chưa bao giờ trễ nải, lại lo toàn bộ cỗ bàn cúng tết, giỗ chạp hàng năm…

Bảo nhường đất để xây nhà thờ họ, bố mẹ đồng ý, đó là lí do chính đáng, nên làm. Nhưng bảo phải chia đất vì họ nhiều con trai, nhà mình toàn con gái thì mẹ không thể chấp nhận được. Con nào cũng là con, họ lo cho con cái của họ vậy bố mẹ không được lo cho con cái của mình sao? Suy từ bản thân mẹ, mẹ thấy, càng là con gái càng phải thu vén về mình nhiều tài sản, để phòng thân, để không ai dám coi thường, chà đạp, đè nén mình.

Chính vì những điều này mà càng ngày mẹ càng thấy sợ cái vùng đất và con người nơi đây, mẹ chỉ muốn đi thật xa, thật xa, thoát hẳn khỏi nơi này…

*

Ngoài sân lác đác mấy giọt mưa to bằng miệng chén. Mọi người vội vàng chạy ra quét lá, thu ngô. Mỗi người một tay một chân, hối hả, cấp tập. Xong hết bố mới vơ cả dây quần áo đem vào nhà. Vừa xong thì trời đổ xòa xuống cơn mưa nặng hạt. Nguyệt bần thần nghĩ: những lúc chỉ có một mình mẹ ở nhà thì sao…

Cả nhà ngồi ngẩn ngơ nhìn màn mưa trắng xóa. Dường như có một khoảng trống giữa mọi người mà chưa ai dám giơ tay ra xóa nhòa nó đi. Cuối cùng bố khẽ khàng nói:

- Tôi có lỗi với bà. Tại tôi không dám lên tiếng bênh vực bà trước mẹ, cứ nghĩ bà như thế là đúng kiểu dâu hiền vợ thảo. Khi các bác đòi chia đất tôi không mạnh bạo quyết liệt bảo vệ tài sản, quyền lợi của mình, của các con trong khi mình có đầy đủ lí do, chứng cứ, giấy tờ trong tay. Tôi cũng không dám đề nghị các bác chung tay lo liệu mọi việc như chăm sóc mẹ ốm, tang ma, cúng lễ... Làm cho các bác cứ ỷ y vào có cô em dâu đảm đang, tháo vát. Chính tôi lại còn thấy hãnh diện khi vợ mình được khen đảm đang, tháo vát, quán xuyến mọi việc đâu ra đấy, không phải nhờ đến ai...

- Tôi chẳng thiết được ai khen. Khen ho hen chẳng còn. - Mẹ lầu bầu mắng bố.

Ba chị em Nguyệt thở dài. Nguyệt cầm bàn tay chai sần của mẹ lên vuốt ve, nước mắt cô ướt đẫm hai gò má, giọng run run:

- Chúng con xin lỗi mẹ. Chúng con vô tâm, vô tư quá.

Mẹ xoa đầu Nguyệt âu yếm:

- Thế nên mẹ mới mong các con của mẹ không bao giờ phải chịu đựng những gì mẹ đã trải qua.

Con bé Nga ôm lưng mẹ, dụi đầu vào vai y như hồi nhỏ mẹ địu nó đi khắp nơi cùng chốn. Nó thẽ thọt:

- Con thấy mẹ nói đúng. Có lẽ nên mua nhà ở Hà Nội…

Mẹ vít đầu cái Nga xuống, thơm vào má nó cưng nựng như thể nó vẫn là đứa bé bỏng:

- Út cưng của mẹ. Lúc nào mẹ cũng thương đứa con thiệt thòi và hiểu chuyện này nhất.

Chị Kiều nãy giờ vẫn im lặng, giờ mới cúi đầu, khẽ cọ móng tay vào mép ghế:

- Nhưng còn tiền…

Mẹ ngẩng mặt lên, tia sáng lóe lên trong mắt:

- Mấy bố con cứ yên tâm. Mẹ sẽ lo được!

*

Căn nhà ba tầng ở ngoại thành Hà Nội được sửa sang hoàn thiện cũng là lúc chị Kiều chuẩn bị lấy chồng. Thực ra việc xây nhà ở quê cũng là kế hoạch của chị: Muốn bố mẹ mình có được ấn tượng tốt đối với thông gia trong dịp cưới xin. Nhưng nhờ ý tưởng của mẹ, bây giờ chị lại càng hãnh diện với gia đình chồng. So với một ngôi nhà ở quê, một ngôi nhà đất tuy chỉ ở ngoại thành Hà Nội nhưng sẽ có vị thế hơn hẳn. Nhà chồng càng nể nang, trân trọng nhà gái. Việc đón rước, lễ lạt cũng thuận tiện hơn.

Ngày diễn ra lễ ăn hỏi của chị Kiều đã đến. Căn nhà mới khang trang đầy ắp khách khứa, chủ yếu là các bác, các cô ở quê ra. Mọi người đi ra đi vào ngắm nghía, soi xét:

- Tưởng cô chú ấy mua căn chung cư nho nhỏ thôi, không ngờ lại mua nhà đất to đùng như thế này.

- Khiếp quá chị nhỉ, các cô con gái của cô chú ấy giỏi quá, tích được tiền mua được nhà đất ở Hà Nội cho bố mẹ cơ đấy. Đấy, cứ bảo đẻ con gái không được nhờ đi. Con gái này có mà giỏi hơn cả con trai.

- Không có đâu, mẹ chúng nó nói chúng cũng chỉ làm công ăn lương bình thường thôi. Có con Nga đi xuất khẩu lao động bên Nhật tích được ít tiền nhưng đúng thời điểm giá đồng Yên mất giá, cũng không ăn thua, lại còn phải trả khoản tiền vay trước khi đi. Chú ấy lại mắc bệnh nan y, phải ra Hà Nội điều trị liên tục, cô chú đến nhà chúng tôi hỏi vay tiền, chúng tôi cũng vừa làm nhà, cưới vợ cho thằng út nên cũng hơi bí, bèn bàn với cô chú ấy bán ngôi nhà đi, cố gắng mua một căn nhà ở Hà Nội luôn để tiện cho việc đi lại, có thêm tiền điều trị bệnh. Không ngờ cô chú ấy lại mua cái nhà to thế.

- Thôi thì cũng mừng cho cô chú ấy, song hỉ lâm môn. Vừa mua được nhà to lại vừa tổ chức đám cưới cho con gái cả.

- Ừ. Chuyện đã xong, nói gì cũng đã muộn rồi. Ván đã đóng thuyền còn đâu…

- Nhà trai đến rồi kìa chị. Thôi ra đón đi. Trông cô chú ấy thật vui sướng, hạnh phúc. Chú ấy trông hoạt bát, nhanh nhẹn thế. Chả có vẻ gì là bị bệnh nan y cả…

Ba chị em Nguyệt lắng nghe cuộc trò chuyện của các bác dâu và các cô mà sững sờ. Không ngờ mẹ mình lại tính toán cao tay thế. Mẹ đã đi hỏi vay khắp lượt anh em họ hàng. Người cho vay, người từ chối, nhưng mục đích của mẹ không phải để vay tiền, mà để cho mọi người thấy là mình đang thực sự khó khăn. Thêm nữa, mẹ nói bố bị bệnh nan y, phải điều trị dài ngày ở Hà Nội, hợp thức hóa những chuyến bố mẹ đi đi về về như con thoi giữa Hà Nội và quê để khảo sát, tìm nhà, thỏa thuận mua bán, sửa chữa. Việc bán căn nhà và đất đai ở quê được chính các bác đề xuất, diễn ra thuận lợi, không ai ngăn cản, không ai gây khó dễ, không ai đòi hỏi gì thêm. Khi bàn về căn nhà thờ họ, mẹ nêu ra những việc phải làm hàng ngày, hàng tháng, hàng năm như giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, hương khói, tổ chức cúng lễ tết, giỗ chạp nghiêm túc, đầy đủ, đều đặn, nếu không sẽ đắc tội với tổ tiên. Hơn nữa, trong ngôi nhà thờ có đôi rắn đến ngự từ khi vừa xây xong, nếu vào lau dọn đừng làm kinh động đến chúng, phải cho chúng uống nước đầy đủ. Nghe xong những điều đó, không ai dám lên tiếng đảm đương. Cuối cùng mọi người thỏa thuận của ai đưa về cúng tại nhà người nấy. Ngôi nhà thờ họ được khóa cửa, để đấy.

Cuối cùng họ thấy, sự quyết tâm ly hương, thoát quê của mẹ mình thực sự đáng sợ. Không biết nó đã hình thành từ khi nào, từ những đêm trằn trọc nghe tiếng càm ràm của mẹ chồng hay những lúc lẻ loi, bơ vơ, tủi thân, thương phận giữa ma trận bát đĩa khi tàn các đám tiệc…

Nguyệt ngắm nhìn mẹ vừa vặn, duyên dáng trong chiếc áo dài màu tím nhạt, nét hạnh phúc, rạng ngời, bình yên mênh mông trong đôi mắt mẹ. Từ nhỏ đến lớn, chưa bao giờ Nguyệt thấy mẹ như thế. Từ mẹ toát ra nét tự tin, uy nghi của một bà chủ nhà, khiến các bác dâu và các cô không rời mắt. Chị em Nguyệt đã từng được nghe kể hồi trẻ mẹ rất đẹp, hồn nhiên, tươi sáng, rất biết chưng diện. Từ lúc nào mẹ đã trở nên rắn rỏi, khô cằn, lại toan tính tinh vi như thế. Giờ mẹ như một dòng nước cuối nguồn, đục ngầu những thương đau, mặc dù lúc ở đầu nguồn, nó đã từng trong veo, tươi mát.

(baovannghe.vn)