Đàn bà hư ảo, mái tóc xanh nổi loạn và sự cô đơn của kiếp người
01.03.2017
Đàn bà hư ảo, đúng như tên gọi, là một tiểu thuyết mang đậm tính nữ, xoay quanh An và thế giới nội tâm của An, một cô gái thị thành sống ở Sài Gòn.
Người đọc có thể dễ dàng tìm thấy An trong từng trang sách với những hoạt động và tâm tư đời thường rất đỗi đàn bà: An đi shopping, An đi làm tóc, An đi massage, An tắm, An suy nghĩ về việc nấu ăn trong gia đình, những kỳ kinh của An, và ngay cả những ham muốn bản năng. Nhưng ẩn sau những lớp vỏ ngoài phù phiếm mà chính An tự nhận, ta lại thấy một người phụ nữ với tâm hồn chằng chịt vết thương, như những vết thương do cô tự tạo ra trên cơ thể. Cô chạy trốn quá khứ, lạc lõng trong xã hội, cô đơn trong các mối quan hệ, và tuyệt vọng khi đi tìm bản ngã của mình.
An sống ở lằn ranh của sự tỉnh táo và những cơn trầm cảm, rồi lại vô tình dằn vặt người xung quanh bằng sự nổi loạn vô cớ của mình. Và sự bất ổn đến từ những giấc mơ mà An luôn mắc kẹt. Đó là những giấc mơ gợi nhắc về quá khứ mà An muốn lãng quên, về người cha nát rượu, thường xuyên đánh đập vợ con, người mà thực chất cũng đã bị cuộc sống làm cho trở thành cay nghiệt: “Ông ấy đã để mọi thứ, cuộc đời, mơ ước, và cả phần linh hồn lành lặn của mình ở lại những khu rừng ông ấy đi qua. Mảnh linh hồn khuyết tật ông ấy đem về chỉ đầy đau khổ và hằn học. Nó không cho phép ông ta được hạnh phúc. Và nó hành hạ mọi người xung quanh, kéo họ xuống cái vực sâu bất hạnh”.
Dù An đã rời bỏ quá khứ ấy, tìm được một người yêu thương và chiều chuộng An hết mực, bất chấp mọi sự quá quắt và dị thường của An, thì cuộc sống của An vẫn luôn có những khoảng trống. An đã từng hỏi Huyền, cô bạn thân nhất của mình rằng: “Có bao giờ Huyền nghĩ đến sự rời rạc vốn dĩ trong những mối quan hệ giữa người và người, về sự cô độc của con người và cái ảo tưởng lấp vùi nó bằng việc chồng lên mình thêm những mối quan hệ khác không?". Hơn ai hết, An thấy sự lạc lõng của những thân phận người trong xã hội, sự lạc lõng luôn bị che đậy bởi những mặt nạ hình thức phù phiếm, sự lạc lõng khiến con người liên tục phải bấu víu vào những mối quan hệ bấp bênh. Giống như mẹ An và bố An, giống như Huyền và chồng Huyền, hay giống như An khi luôn tìm cách sẻ chia với những người hoàn toàn xa lạ.
Từng người thân quanh An bắt đầu rời bỏ An. Huyền rời bỏ An, Nhai bỏ rơi An, những người trong quá khứ đã từng bỏ rơi An. An ý thức được thế giới của mình quá nhỏ hẹp, không đủ không gian để người khác có thể thở trong nó. Trong những ngày Nhai biến mất, dù bao nhiêu trăn trở, An vẫn tiếp tục sự sống của mình, và tự xây dựng lại thế giới của riêng mình. Rồi khi Nhai trở về, khi những bí ẩn được sáng tỏ, mọi thứ lại trở về nguyên vẹn như lúc đầu, An đã hiểu ra được ý nghĩa cuộc sống của mình và của những người phụ nữ xung quanh...
Trong Đàn bà hư ảo, Nguyễn Khắc Ngân Vi không chỉ miêu tả thế giới của riêng một người đàn bà. Nhiều người phụ nữ, nhiều bộ mặt xã hội và nhiều tính cách khác nhau cùng hiện lên qua mắt nhìn của nhân vật trung tâm là An. Đó là Thùy trong trí nhớ của An, với tất cả những ngây thơ và trong trẻo của tuổi mới lớn. Đó là Huyền, người bạn gái đã có gia đình, với những khúc mắc trong hôn nhân, với sự giấu diếm những cảm xúc và suy nghĩ thật của mình. Đó là Trang, người đàn bà Việt kiều hành nghề tư vấn tâm lý, chỉ kiếm tiền trên những điều vô nghĩa và máy móc giáo điều. Và là Lam, người thợ cắt tóc bí ẩn và trầm lặng, đã khơi gợi lên trong lòng An những khát khao tình yêu khó thể lý giải. Cùng với đó, còn một người đàn bà khác xuất hiện, không phải từ điểm nhìn của An mà qua lời kể của Nhai. Vân, người vợ cũ của Nhai, là một “con cá vàng bị mắc kẹt trong bể cá” mà chính An cũng đang dần dần trở thành giống như vậy trong vòng vây của định kiến và phán xét người đời.
Mái tóc xanh, như bìa cuốn sách...
Một thay đổi lớn nhất mà An đã thực hiện trong thời gian Nhai biến mất là nhuộm tóc. An đi cắt tóc, rồi đột ngột muốn chuyển toàn bộ tóc đen của mình thành màu xanh. Về sau, màu xanh đó đã đi theo An và xáo trộn một phần cuộc sống của An, như Lam đã nhận ra rằng: “Có một điều gì đó sắp diễn ra ở trong em”. Màu xanh mà An chọn thể hiện sự đối nghịch rất lớn trong cô. Trong khi An chỉ muốn thu nhỏ thế giới của mình lại, và thậm chí ước rằng “giá mình có thể biến mất, tan vào không khí”, “một buổi sáng thức dậy, mình sẽ biến thành cái cây” thì cô lại chọn một màu tóc khác biệt khiến người khác phải chú ý và soi mói. Phải chăng đó là bản chất phù phiếm của An, mà An từng tự hào “Từ khi biết phù phiếm, An thấy mình được đàn ông yêu nhiều hơn"? Hay đó là biểu hiện của việc An sợ bị đồng hóa với những người phụ nữ khác, và dám sống thật với chính mình? Ngân Vi không nói rõ về sự lựa chọn này của An, Vi chỉ kể đó là sự bốc đồng tình cờ của An khi nhìn lên trần nhà hair salon. Nhưng người đọc thấy rõ màu xanh đó và sự biến chuyển trong An.
Màu xanh đó của mái tóc phải chăng là tiếng gọi của dục vọng? Có lần gặp Trang, An bảo An yêu màu đỏ, rồi lần thứ hai Trang hỏi, An nói An thích màu xanh, màu xanh tươi mát và nhẹ nhàng, màu xanh gợi cho An sự bình yên, gợi cho An nhớ về Lam. Người đọc tự hỏi về sắc thái của màu xanh. Có phải màu xanh đó giống màu xanh của tóc Emma trong Blue is the Warmest Colour, màu xanh báo trước mối tình nồng ấm tương tự của An và Lam, vượt qua sự trói buộc của chuẩn mực xã hội? Hay đó là màu xanh giống mà bìa của cuốn sách, bức Women and Birds at Sunrise của Joan Miró? Dù là màu xanh nào, và nó có biến mất ở cuối truyện hay không, thì An vẫn mãi là An, người đàn bà hư ảo.
Lê Mỹ Linh
(thanhnien.vn)
Có thể bạn quan tâm
'Ngôi nhà thạch lựu' - chất đẹp của hồnĐi với niềm tin làm lành lặn con tim (*)Một cuộc gặp gỡ tại thành LisbonMê hoặc thế giới cổ tích của 'J.K.Rowling nước Đức'Sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài lịch sửNhà báo Hồ Quang Lợi ra mắt sách 'Thời cuộc và văn hóa''Người là tháng tư của thế gian' - khúc tình dịu dàng cho thanh xuânSài Gòn không dễ dàng, nhưng vui!“Người đàn bà vô gia cư”Nguyễn Ngọc Tư: Thứ có thể mang theo là “Hành lý hư vô”