Đà Linh, trò chơi tiếp tục ...

01.10.2013
Tôi ở cùng thành phố với ông mà năm thì mười họa mới gặp. Gặp cũng chỉ loay hoay vỉa hè mấy chai bia, một chút chuyện văn chương, một chút chuyện đời, chuyện người. Như hai gã công chức tan sở. Tôi quý ông ở lối viết ngắn, lạnh, và đối lập với đó là sự nhiệt tình với bạn bè văn chương ở ngoài đời. Ông viết không nhiều, có 3 tập truyện ngắn, 1 truyện vừa, một vài tiểu luận và 4-5 cuốn tiểu thuyết, sách nghiên cứu dịch riêng và cả dịch chung với vài người khác. Nhưng lối văn “lạnh” trong các truyện ngắn của ông theo tôi là khá hiếm, và đáng để ý. Chủ yếu khai thác những “trạng huống nhân sinh” quen thuộc nhưng bằng một “con dao mổ” sắc lẻm, đã bật lên những tấn bi hài thường rất bất ngờ, đôi lúc là những bi kịch phi lý theo kiểu F. Kafka. Như cái ngón tay thứ sáu đầy ma thuật của nàng Kim Chi trong truyện ngắn “Nàng Kim Chi sáu ngón” viết từ hồi đầu những năm 90 của thế kỷ trước. “Một bàn tay trắng mịn, thuôn dài, đầy đặn, trên có ngón thứ sáu mọc ra, cong queo, vẹo vọ ...”, mang một lời nguyền bí ẩn, và luôn bị xa lánh, kỳ thị. Bối cảnh là khu học xá nghèo nàn giữa vùng đồi ở thị xã Phúc Yên - Vĩnh Phú hồi đầu những năm 80.

Đà Linh, trò chơi tiếp tục ...

Là con sông Cà Lồ trễ nải, là những chuyến tàu chợ về đêm chở đầy định mệnh. Là biển Mỹ Khê - Đà Nẵng hơn chục năm sau, khi cô sinh viên xinh đẹp có ngón tay thứ sáu ấy bỏ học trở về để thành bà chủ quán bia sẵn sàng ngồi với khách với một đôi tay hoàn thiện, không còn ngón tay thừa nào cả ... Ngón tay ấy đã co giật và teo lại, rụng đi vào cái đêm Nhật - “người con trai đầu tiên và duy nhất đã âu yếm nó và hình như cả thèm khát nó” - bị thanh sắt thành cầu Thạch Lỗi gạt rơi khỏi chuyến tàu chợ. Nàng Kim Chi đã chôn theo ngón tay ấy cùng với Nhật bên cầu, và từ đấy không còn một “Kim Chi sáu ngón” với trái tim kỳ diệu và bàn tay khuyết tật. Những người trẻ ấy, họ đã chết, vì “chỉ nghĩ đến các vì sao, chính vì thế không vượt nổi qua thanh sắt”. Kể thêm một vài truyện ngắn đầy ma mị khác : “Truyện của Người”, “Linh miêu”, “Ngôi nhà sáng tạo” ... Tôi có lần bảo ông, cái không khí truyện và lối viết “quái đản” ấy, ông nên khai thác tiếp, “chơi tới bến” xem sao, ông chỉ cười, “ừ, thì trò chơi vẫn tiếp tục”.

Thực ra thì với ông Đà Linh này, văn chương chả bao giờ là “trò chơi” cả. Ngày ấy, hai mươi tư năm về trước, năm 1984, có một chàng lính 24 tuổi đêm đêm thắp đèn kê lên thùng gỗ tại ... nhà vệ sinh của doanh trại viết những dòng văn chương đầu đời. Là cuốn truyện vừa “Giấc mơ của dòng sông”, NXB Kim Đồng vừa tái bản. Tại sao lại trong nhà vệ sinh, ông lý giải, vì doanh trại 9 giờ tối đã ngủ, nên phải “lén lút” thức khuya để viết ! Cha mẹ dân Núi Thành - Quảng Nam tập kết, sinh ra và lớn lên ở thủ đô, học xong Đại học tài chính kế toán Hà Nội, Đà Linh về lại Đà Nẵng làm viên chức cho chi nhánh Ngân hàng Đầu tư phát triển, rồi mặc áo lính tiểu đoàn 878 đóng quân ở bán đảo Sơn Trà, sau về Phòng kinh tế Quân khu 5. Hết 3 năm quân ngũ, cũng là lúc viết xong cuốn truyện đầu tay, ông về Nhà xuất bản tổng hợp Quảng Nam - Đà Nẵng, rồi học tiếp Đại học xuất bản (trường Tuyên huấn TW thời đó). Cái “mạch” văn chương - xuất bản kéo dài từ đó.

Để rồi không rõ thế nào, mà người ta dần dà cứ ngắm nhìn săm soi ông dưới “vóc dáng” của cái tên khai sinh là Nguyễn Đức Hùng - Tổng biên tập Nhà xuất bản Đà Nẵng - nơi từng “to gan” cho in những tác phẩm gây xôn xao, chứ ít chịu nhìn chịu thấy một nhà văn mang bút danh Đà Linh văn chương sắc ngọt ở phía sau. Tôi cho vậy là không công bằng.

Lần ấy cao hứng, đã hơi khuya, ông còn kéo tôi về nhà mở rượu ngồi nhâm nhi. Đó là đận vợ ông đi công tác, chứ thường thì chả mấy khi như thế. Rồi ông trang trọng rút ra tập bản thảo thơ Trần Dần in khổ A4 dày ngót gang tay. Nguyên cả một cái cặp màu đen lúc nào cũng căng phồng bản thảo tôi vẫn thấy thường ngày ông đeo bên xe máy vè vè chạy ngoài đường, lần này thì riêng bộ Trần Dần - Thơ đã đủ chật ứ. Đó đâu như vào đầu năm 2007, khi bản thảo này đã đăng ký đề tài xuất bản và đã được thông qua. “Với tập thơ này sẽ cho thấy một Trần Dần đầy đủ nhất ! Nếu đã in thì không thể cắt trích, vì sẽ mất tính tổng thể, tính hoàn chỉnh của thơ Trần Dần”, ông hào hứng thậm chí còn hơn đó là đứa con tinh thần của chính mình. Thực ra từ cuối năm 2006, bản thảo thơ Trần Dần đã được duyệt, nhưng do cận ngày đoạn tháng nên đành đăng ký đề tài lại cho năm sau. Nhưng rồi chả mấy lâu sau, ông lại lầm lỳ ngồi với tôi vào một buổi chiều. Trú vào hè đường bụi bặm toàn khói xe máy, để nói về thơ. Lần này, vẫn là Trần Dần, tất nhiên. Ông nói về những từ tiếng Pháp được Trần Dần biến âm khi đưa vào thơ, khiến ông một người biết tiếng Pháp cũng toát mồ hôi, phải mày mò tra cứu, hỏi han khắp lượt. Ông bảo, bất cứ biên tập viên nào có tâm huyết, đứng trước bản thảo này đều có cảm xúc rất mạnh... Nhưng tôi có cảm giác như có một cái gì đó vẫn không thể nói thoát ra được. Một cái gì đó ứ nghẹn. Hệt như đang viết một cái gì đó thật say sưa thì bỗng bí rị. Rồi thêm những buổi chiều bần thần như thế...

Cuối cùng, “Trần Dần - Thơ” cũng ra đời, không mấy suôn sẻ nhưng lập tức trở thành một sự kiện văn chương được đông đảo những người yêu thơ, yêu “nhân cách và văn cách” của Trần Dần chào đón. Gần như toàn bộ bản thảo được in, chỉ trừ phần “36 thở zài”. Lai rai về sau, cũng có những ý kiến này nọ, trong đó có cả một vài nhà phê bình, về tập thơ, hay đúng hơn là về tinh thần cách tân quyết liệt trong thơ Trần Dần. Cũng là lẽ thường, bởi với người này, đó là bài học, là niềm hứng khởi thúc đẩy sáng tạo, còn với người khác, sự cách tân như của Trần Dần dù đã khai sinh từ mấy chục năm trước, đến giờ vẫn còn đang ở “thì tương lai” đối với họ. Giải “Thành tựu trọn đời về thơ” của Hội Nhà văn Hà Nội cho “Trần Dần - Thơ” đã nói thay tất cả.

Thú thực, sau “ca đỡ” thơ Trần Dần, tôi mới hiểu thêm nhiều điều về Đà Linh. Có vẻ như trước mỗi một bản thảo chất chứa sự sáng tạo mới lạ, ông không còn là một người biên tập, mà chính là một anh nhà văn trong giây phút cực kỳ hứng khởi trước trang giấy. Một sự “đồng sáng tạo” thú vị. Nhớ có lần ông tâm sự, trong sáng tạo, thường những tác phẩm tài năng nhất luôn có những khoảng trống để người đọc lấp đầy. Còn nếu làm vừa lòng tất cả, e rằng sẽ ít sáng tạo. Và nữa, tập thể Nhà xuất bản Đà Nẵng, trong đó có ông từ bao nhiêu năm nay vẫn nhất quán với một cách ứng xử, đó là hết sức tận tình với cái mới dù là “gai góc” nhưng phù hợp với xu thế phát triển, đó mới đích thực là sự tôn trọng bạn đọc và tôn trọng chính mình. Nhà văn Tạ Duy Anh có lần tâm sự, rằng cuốn tiểu thuyết “Thiên thần sám hối” (2004) với lối viết lối tư duy phá cách của ông phải “trôi dạt” qua 7 “nhà” khác nhau rồi mới được chào đời tại “nhà” Đà Nẵng, để sau đó được tái bản tới 5 lần ở nhiều nơi ! Lần đầu tiên in sách trong nước, nơi gửi gắm của nhà văn Thuận (Pháp) cũng ở Đà Nẵng, với 2 cuốn tiểu thuyết ra mắt cùng năm 2005, là “Phố Tầu” (China Town) và “Paris 11 tháng 8”. Dường như đây là “cú hích” đối với nữ nhà văn có lối “viết khó” này, để chị liên tiếp “về nước” với “T mất tích”, và vừa mới đây là “Vân Vy”. Nhắc đến Thuận, lại nhớ tới “Tình ơi là tình” của nữ nhà văn áo Elfriede Jelinek vốn ầm ào gây tranh cãi khi đoạt giải Nobel 2004, và khi NXB Đà Nẵng và Nhã Nam in ra (2006), dịch giả Lê Quang đã bị phê phán gay gắt vì khi chuyển ngữ đã “trung thành với nguyên tác” ! Cũng trong năm 2006, cuốn tiểu thuyết “Hạt cơ bản” của Michel Houellebecq (Cao Việt Dũng dịch - NXB Đà Nẵng và Trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây) ra mắt khiến giới mê sách trong nước lại một phen xôn xao. Bộ sách triết của Francois Jullien - một triết gia hàng đầu của Pháp cũng là một kỳ công của NXB Đà Nẵng cũng như cá nhân Đà Linh, khi đang chuẩn bị in tới cuốn thứ 14, giới thiệu một phương pháp luận mới lạ mang tính đối sánh giữa triết học hiện đại phương Tây và Minh triết phương Đông. Sự “khó đọc” còn rơi vào hàng loạt những tác phẩm được Đà Nẵng chọn in của những tác giả trong nước : “Cõi người rung chuông tận thế”, “Mười lẻ một đêm”, “Đức Phật, Nàng Sapitri và Tôi” (Hồ Anh Thái), “Ngồi” (Nguyễn Bình Phương”,Người nhìn thấy trăng thật” (Nguyễn Quang Thiều), “Phòng lạ” (Nguyễn Danh Bằng), “Chuyện tình thời tạp kỹ” (Lê Anh Hoài) ... Thậm chí còn gây tranh cãi kịch liệt đến mức trái chiều, như với tiểu thuyết “Ba người khác” của Tô Hoài, tập truyện ngắn “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu ...

Nói Nhà xuất bản Đà Nẵng chuyên “đỡ” những ca khó, cũng phải công bằng nhìn nhận một điều, đó là chính “bà đỡ” này cũng được “đỡ”, được hít thở không khí “mở” và năng động, luôn tiên phong của một địa phương là thành phố Đà Nẵng. Bởi vốn Đà Nẵng - Quảng Nam, mảnh đất từng sinh ra những con người tiền phong về tư tưởng và văn chương : Phan Châu Trinh, Phạm Phú Thứ, Trần Cao Vân, Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Diệu, Phan Khôi, Bùi Giáng, Nguyễn Văn Xuân ..., đã để lại “chiếc nôi văn hoá” đủ lớn để nâng đỡ, cất cánh cho sáng tạo.

Tôi nhớ cái kết nghiệt ngã trong truyện ngắn “Trò chơi tiếp tục” của Đà Linh. Nghiệt ngã không phải ở chỗ có những thứ trò chơi trải qua thời gian, sẽ không còn là trò chơi nữa. Mà là sự cô độc, trơ trọi và trả giá của con người khi quyết sống đúng với mình. Bởi, rất nhiều khi, không phải ngón tay thứ sáu nào cũng có thể co giật và teo lại, rụng đi ...

 Trần Tuấn