Chữ nghĩa bay lên bát ngát mùa xuân của Lê Thiếu Nhơn

07.02.2018

Chữ nghĩa bay lên bát ngát mùa xuân của Lê Thiếu Nhơn

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, NXB Văn Nghệ và Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TPHCM đã ấn hành “Chữ nghĩa bay lên bát ngát mùa xuân” của nhà thơ - nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn.

Đây là tác phẩm viết về những gương mặt văn chương nổi tiếng từng gắn bó với chiến trường miền Nam như Anh Đức, Nguyễn Chí Hiếu, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi, Hoài Vũ, Giang Nam, Huỳnh Văn Nghệ, Diệp Minh Tuyền…

Trong lời nói đầu, tác giả nhấn mạnh: “Hầu hết nhân vật đề cập trong cuốn sách này đều gắn bó với Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Tôi đã nhiều lần đến mảnh đất chiến khu xưa Tân Biên – Tây Ninh, nhìn những cánh rừng u tịch và những trảng cỏ cháy nắng, để hỏi một niềm riêng đầy sẻ chia: Cảm hứng anh hùng cách mạng đã được nuôi dưỡng như thế nào suốt giai đoạn cam go và khốc liệt? Tôi tự giải mã quá khứ bằng sự nghiêm túc đọc lại trang viết của họ, một cách khách quan và hệ thống”.

Với 150 trang sách, nhà thơ - nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn giúp độc giả hình dung hành trình sáng tạo của những người lính cầm bút lừng lẫy một thời. Ngoài hai nhân vật hy sinh ngay trong chiến dịch Mậu Thân là nhà văn Nguyễn Thi và nhà thơ Lê Anh Xuân, “Chữ nghĩa bay lên bát ngát mùa xuân” còn giới thiệu và phân tích nhiều tác phẩm được viết ngay trong cuộc tổng tiến công cách đây 50 năm, như truyện ngắn “Khói” của nhà văn Anh Đức, truyện ngắn “Chị Nhung” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, bài thơ “Nữ pháo binh Long An” của nhà thơ Nguyễn Chí Hiếu hoặc bài thơ “Chia tay hoàng hôn” của nhà thơ Hoài Vũ. Đặc biệt, “Chữ nghĩa bay lên bát ngát mùa xuân” nhấn mạnh đề tài Mậu Thân tiếp tục được lan tỏa trong những sáng tác sau ngày non sông thống nhất, như truyện ngắn “Người Sài Gòn” của nhà văn Lê Văn Thảo, hoặc trường ca “Ánh chớp đêm giao thừa” của nhà thơ Giang Nam.

Văn học cách mạng thường được mặc định là khô khan, nhưng qua cách nhìn và cách cảm của nhà thơ – nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn lại mang đến cho bạn đọc nhiều xao xuyến. Cuốn sách “Chữ nghĩa bay lên bát ngát mùa xuân” có những nhận định khá thấu đáo và thuyết phục. Thí dụ, đánh giá về truyện ngắn “Mẹ vắng nhà” của nhà văn Nguyễn Thi: “Được viết tháng 6-1966, “Mẹ vắng nhà” có thể xem như một trong vài truyện ngắn hiếm hoi trên thế giới viết về chiến tranh mà không có cảnh bom rơi, đạn bay, máu đổ và nước mắt. Chiến tranh được nhìn qua lăng kính trẻ thơ, càng hồn nhiên thì càng khốc liệt”. Hoặc nhận định về thơ Lê Anh Xuân: “Sự nghiệp của Lê Anh Xuân chỉ gói gọn 10 năm, ngay trong bom đạn dữ dội, nên tính nghệ thuật nhiều tác phẩm chưa kịp chưng cất thật hàm súc. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ lưỡng những vần điệu Lê Anh Xuân để lại, thì cũng rất bất ngờ khi bắt gặp những câu thơ đậm đà phẩm chất tài hoa của một người đầy mơ mộng “anh là con sông chảy trước nhà em”!”.

Cuốn sách “Chữ nghĩa bay lên bát ngát mùa xuân” không chỉ đơn thuần là một tác phẩm phê bình văn học, mà còn góp phần phác thảo chân dung những nhân vật cầm bút. Chẳng hạn “Diệp Minh Tuyền mỗi bài thơ đẹp một đóa hồng” hoặc “Nguyễn Kim Ngân phơi đỡ lòng ta trước gió mùa”. Thậm chí, chỉ cần vài câu ngắn đã ít nhiều khơi gợi cho công chúng mường tượng về cuộc đời nhân vật: “Cha mất sớm, thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ trưởng thành từ bàn tay lam lũ của người mẹ. Khúc sông Bao Ngược nhỏ xíu chảy qua xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương chưa bao giờ lặng sóng trong trái tim Huỳnh Văn Nghệ những năm trai trẻ xa nhà!”.

Cuốn sách “Chữ nghĩa bay lên bát ngát mùa xuân” được in với hai dạng ấn phẩm, một loại “sách không bán” cho hệ thống thư viện và một loại sách có ghi giá bán để phát hành trên thị trường. Nhà thơ – nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn chia sẻ: “Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, đối với thế hệ sinh sau năm 1975, chỉ có thể hình dung qua những bức ảnh chiến trường hoặc những thước phim tư liệu. Tôi muốn đưa ra câu chuyện khác, câu chuyện của một đội ngũ cầm bút đã in dấu chân qua mùa xuân 1968. Tất nhiên, giá trị văn chương không quyết định bởi hoàn cảnh cụ thể, nhưng cách họ cống hiến, cách họ thao thức, cách họ sáng tạo ngay trong khói lửa… cũng mang lại nhiều suy tư thú vị cho độc giả hôm nay!”.

Hoàng Văn
(nhavantphcm.com.vn)