'Cá hồi' - Tiểu thuyết như ngụ ngôn đậm chất thơ về đời sống

10.03.2016

'Cá hồi' - Tiểu thuyết như ngụ ngôn đậm chất thơ về đời sống

“Nhắc đến cá hồi là thấy dậy mùi nước sông.” Cuốn tiểu thuyết ngụ ngôn của Ahn Do-huyn mở đầu bằng một câu rất lạ khiến người đọc không khỏi suy ngẫm.

Dù chín phần mười cuộc đời một con cá hồi trải qua trong biển cả mênh mông thì cội nguồn của nó vẫn nằm ở thượng nguồn xa xôi, nơi cá hồi phải sinh ra và trở về để thực hiện một sứ mệnh thiêng liêng. Đó là lẽ sống lớn nhất của loài cá hồi, không con nào mảy may nghi ngờ về điều đó. 

Nhưng một ngày kia, một con cá hồi tên là Ánh Bạc bỗng chất vấn về lẽ sống ấy. Câu hỏi đeo đẳng Ánh Bạc suốt hành trình trở về thượng nguồn: Ngoài đẻ trứng ra, hẳn còn một lý do nào đó khác cho việc cá hồi sống trên đời?

So với tấm lưng màu xanh thẫm như nước biển của các cá hồi khác, Ánh Bạc như một “giống lạc loài”. Trong Ánh Bạc nảy sinh một cảm thức về sự khác biệt giữa mình và các cá hồi trong đàn. Khi nhận được ánh nhìn dè bỉu, sự mỉa mai về ngoại hình dị biệt của mình, Ánh Bạc từng có suy nghĩ ngạo mạn rằng, những con cá hồi khác nên “nhìn vào tận tâm hồn” cậu để hiểu được cậu, thay vì nhìn vào vẻ ngoài. 


Khi cùng cả đàn đối mặt với một thử thách sinh tử, Ánh Bạc đã hiểu ra một điều: mỗi cá thể cá hồi phải đấu tranh chống lại nỗi sợ hãi trong chính mình để “cá hồi đi con đường của cá hồi”, chứ không phải một con đường dễ dàng hay con đường của bất kỳ loài nào khác. Trên hành trình cùng cả đàn trở về thượng nguồn Sông Xanh, Ánh Bạc đã nhận ra nhiều điều. Khi cá hồi chị vì bảo vệ Ánh Bạc mà trở thành mồi ngon cho Ưng Biển, cô cá hồi Mắt Trong vì bảo vệ Ánh Bạc khỏi gấu nâu mà bị thương, trong tâm thức Ánh Bạc chợt có một sự tỉnh thức quan trọng. Thay vì ý nghĩ “không thể chịu được cái cuộc sống này”, Ánh Bạc dần dần cảm nhận nỗi đau trong tâm hồn mình. Cũng là lần đầu tiên cậu biết được một điều, mình có thể cảm thấy đau vì một ai đó dù không trực tiếp mang trên mình vết thương. Đó là thứ tình cảm vừa lạ lẫm vừa mới mẻ đối với Ánh Bạc. 

Qua toàn bộ trải nghiệm đó, Ánh Bạc cũng thấu hiểu lẽ sống mà cậu vẫn kiếm tìm bấy lâu. Dẫu cái đích cuối cùng của cá hồi vẫn là đẻ ra những quả trứng, nhưng “chẳng phải thời khắc chúng ta đang trải qua ở đây ngay giờ phút này, rồi sẽ trở thành xương thịt con cái chúng ta sau này, trở thành sự sống đủ đầy tròn mẩy hay sao. Lý do chúng ta phải chọn thác nước, con đường khó khăn, thay vì con đường dễ dàng chỉ là như vậy mà thôi”. 

Câu chuyện về cá hồi, theo như tác giả nói, là bằng “con mắt biết trông ngang để nhìn cá hồi một cách bình đẳng”. Đó cũng đồng thời là câu chuyện của con người. Đời người chẳng phải cũng sinh ra, rốt ráo trong cuộc tồn sinh và rốt ráo tìm cho mình một lẽ sống hay sao? Lẽ sống đời người nằm ở đâu là bởi những gì con mắt tâm hồn người đó đã nhìn thấy, đã cảm nhận, đã chiêm nghiệm. Đó là “con mắt khát khao nhìn những gì không thấy được, bởi vậy mà nhìn thấy được cả những điều không hiển hiện.”


Bên cạnh đó, thông qua hình ảnh cá hồi bị dị dạng vì ô nhiễm nước sông, qua tâm lý đề phòng con người của loài cá hồi, tác giả cũng đem đến cho người đọc bài học thực tế về chủ đề môi trường. Câu chuyện ngụ ngôn mượn loài cá hồi làm điểm cất cánh cho trí tưởng tượng và cả chất thơ được kể một cách giản dị bằng lời văn súc tích, cô đọng và giàu biểu tượng. Có lẽ, tâm hồn nhà thơ của Ahn Do-huyn đã mang tới cho cuốn ngụ ngôn - tiểu thuyết một không khí trữ tình với những ngôn từ tinh tế. Dù là nỗi đau hay thử thách, cảm nhận về tình yêu hay lý tưởng cao đẹp, hào quang của sự trưởng thành hay ánh chớp của cuộc giã từ sự sống cũng đều kín đáo, giản dị và có khả năng len lách thấm sâu, không phô diễn, không khoa trương, không màu mè.

Toàn bộ câu chuyện như một lời tỉnh thức. Phải chăng, con người đang ngày càng rời xa “nguồn cội” của mình. Kết cục của việc thoát khỏi mối giao hảo tốt đẹp với thiên nhiên, chống lại thiên nhiên, đi ngược lại lẽ sống của tự nhiên từ ngàn vạn năm sẽ là những con người biến dạng về hình thể và dị dạng về tâm hồn.

Ahn Do-huyn, vẫn là một cái tên thuộc thế hệ nhà văn sinh ra vào những năm 1960 tại Hàn Quốc – một thế hệ đã có nhiều tên tuổi đang dần trở nên quen thuộc với độc giả Việt Nam. Sự nghiệp văn chương của ông gắn liền với thơ và những giải thưởng thơ. Ông từng đạt giải cuộc thi sáng tác thường niên Daegu Maeil Shin-mun năm 1981, giải cuộc thi sáng tác thường niên Dong-A Ilbo năm 1984, giải thưởng nhà thơ trẻ năm 1996 và giải thưởng Văn chương Kim So-wol năm 1998. Ngoài ra, ông cũng cho ra đời các tác phẩm văn xuôi như Thời của Cô Đơn, Hãy để mình đơn độc, Cá hồi, Các mối quan hệ và Album ảnh.

Yên San
(news.zing.vn)