Bùi Công Minh & chuyện Ngày và đêm

28.08.2017


Bài thơ Ngày và đêm quả thực mang trong nó những “duyên phận” riêng với nhà thơ Bùi Công Minh. Nó đến với ông tự nhiên như những cảm xúc chân thành, mộc mạc và sâu lắng của một sinh viên văn khoa trẻ tuổi…
Những năm tháng cả nước lên đường đánh Mỹ, chúng ta đã cùng nhau hát vang bài Hành khúc ngày và đêm ở hậu phương cũng như trên chiến trường. Và hôm nay, sau hơn 40 năm tính từ thời điểm ca khúc được viết, khi đất nước đã hòa chung niềm vui thống nhất, độc lập, bài hát ấy vẫn ngân vang, bởi những cảm xúc mà phần nội dung ca từ không hề gói gọn trong một phạm vi mang tính giai đoạn. 

Bùi Công Minh & chuyện Ngày và đêm

Nó là cái tình muôn thuở, cái tình vĩnh cửu của con người. Bởi còn sống, người ta còn yêu. Nhiều người biết tới bài hát Hành khúc ngày và đêm của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, nhưng có lẽ, không phải ai cũng biết, tác giả bài thơ Ngày và đêm, chính là bài thơ được nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc là ai và hoàn cảnh ra đời của bài thơ thấm đẫm tinh thần lãng mạn cách mạng ấy như thế nào.

Tình cờ và duyên nợ

Nhà thơ Bùi Công Minh viết bài thơ này khi ông 21 tuổi. Lúc ấy, ông vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong cảm nhận của chàng sinh viên văn khoa ngày đó, một đặc điểm lớn của tình yêu thời chiến tranh là sự xa cách. Đã có những bài thơ tình viết trong giai đoạn đất nước chiến tranh nói về điều này. Anh ở đầu sông em cuối sông hay Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây. Bùi Công Minh đã chọn đại lượng thời gian để nói về sự xa cách trong tình yêu, đó là ngày và đêm. Giữa ngày và đêm con người yêu thương, con người chiến đấu, con người lao động, nhưng khoảng cách thời gian luôn là thứ lửa làm bùng cháy mãnh liệt tình yêu con người giữa buổi chiến tranh.

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, với thế hệ của nhà thơ Bùi Công Minh, có lẽ hai hình tượng được xem là đẹp hơn cả là hình tượng người lính, cụ thể hơn là người chiến sỹ pháo binh và hình tượng cô giáo. Một bên là những người lính dũng cảm “vít đầu kẻ thù xuống”, tạo nên “cái chết cúi gục đầu” của kẻ địch trước thắng lợi vẻ vang của toàn dân tộc, và một bên là những người làm công tác giáo dục, gieo mầm và chăm chút sự sống cho những thế hệ tương lai của Tổ quốc. Chàng thi sĩ đang độ 20 ngày đó đã chọn hai hình ảnh này để xây dựng nên bài thơ Ngày và đêm. Cũng phải nói thêm một điều, lúc viết bài thơ này, Bùi Công Minh chưa đi bộ đội, nhưng cảm xúc về chiến tranh với ông thì rất rõ rệt và đậm nét.

Ngay từ năm thứ nhất đại học, Bùi Công Minh đã gặp người yêu mà sau này chính là vợ ông, cô gái ấy về sau cũng trở thành nhà giáo. Và bài thơ Ngày và đêm trở thành một sự tiên đoán riêng với cuộc đời thi sĩ. Dù chưa hề có những trải nghiệm thực tế thì nhà thơ đã nhận thấy một cảm hứng dạt dào đến từ tình yêu của bạn bè, từ bức thư của những người yêu nhau gửi về từ chiến tuyến. Ngay cả bản thân nhà thơ cũng phải sống trong sự xa cách của tình yêu vì người yêu ông học và công tác ở nơi khác. Bài thơ đến rất tự nhiên với tác giả. Nó mở đầu bằng sự xa cách, khoảng cách thì “rất dài và rất xa”, nhưng “thời gian trong cách trở đốt cháy ngời tình yêu”. Ông nói ý nghĩa của 2 hình ảnh đó: “Cái chết cúi gục đầu – Cuộc đời xanh tuổi trẻ - Ngày đêm ta bên nhau – Những đêm ngày chiến đấu”. Và với thi sĩ Bùi Công Minh, bài thơ ngoài ý nghĩa như một sự tiên đoán cuộc đời sau này, nó còn thể hiện sự hài hòa trước sau, không mâu thuẫn giữa điều ông nghĩ, điều ông viết và thực tế cuộc sống của ông.

Sau khi viết bài thơ Ngày và đêm, Bùi Công Minh có gửi một chùm 3 bài thơ cho báo Văn nghệ thì báo đăng 2 bài là Mái trường tuổi thơ và Ngày và đêm. Có lẽ đó là 2 bài thơ đầu đời của Bùi Công Minh đánh dấu sự xuất hiện chính thức của ông trên một tờ báo chuyên ngành uy tín của giới cầm bút. Trước đó, ông cũng có làm thơ, nhưng mới chỉ đăng ở báo Thiếu niên tiền phong. Ông cũng từng đoạt giải A về thơ của tờ báo này khi còn là học sinh lớp 5 của trường Học sinh miền Nam. Nhưng lần đầu tiên xuất hiện trên Văn nghệ, cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam, mà lại được đăng những hai bài liền, ông vô cùng sung sướng. Và số phận bài thơ đã rẽ sang một trang mới khi được nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu chắp cánh thêm phần nhạc.

Năm 1974, khi Bùi Công Minh đang lang thang trên đường phố Hà Nội, ông chợt nghe thấy bài thơ của mình nằm gọn ghẽ trong những dòng nhạc của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu. Về sau, khi có dịp gặp lại ông, Bùi Công Minh mới biết nhạc sỹ cũng có con trai đi bộ đội và con gái ông cũng là cô giáo. Lúc đọc được bài thơ của Bùi Công Minh trên báo Văn nghệ, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu đã cảm thấy ngay sự đồng điệu và phù hợp của bài thơ với tâm trạng mình nên ông đã phổ nhạc. Sau này, rất tình cờ, nhà thơ Bùi Công Minh biết, giữa mình và nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu còn có một điểm chung đặc biệt nữa, họ đều là người Đà Nẵng. Và sau năm 1975, qua mối duyên thơ và nhạc, hai con người đó đã vỡ òa trong cảm xúc khi tái ngộ trên quê hương ngày giải phóng. Từ đó, họ vẫn thường xuyên liên hệ với nhau. Người ta khó có thể nói gì hơn ngoài việc tin rằng, ở đời, luôn có những cái duyên hội ngộ đặc biệt đến vậy.

Khác với một bài thơ khác của thi sĩ Bùi Công Minh là bài Những tuyến đường quan họ, khi phổ nhạc, nhạc sỹ Đoàn Nhương chỉ chọn một số ý, một số câu, bài thơ Ngày và đêm hầu như được giữ nguyên trọn vẹn và gọn ghẽ trong nhạc phẩm của Phan Huỳnh Điểu. Chỉ riêng câu cuối, để cho câu nhạc hoàn chỉnh hơn, nhạc sỹ có thêm câu “Đêm ngày trong chiến đấu, anh với em sống vẫn gần nhau”.

 

Nhà thơ của một bài

Ngẫm về trường hợp bài thơ Ngày và đêm của nhà thơ Bùi Công Minh, dù bản thân ông luôn khiêm tốn nói rằng, ông không dám so với nhiều nhà thơ đi trước, nhưng chúng tôi vẫn cho rằng, ta có thể xếp ông vào trường hợp những nhà thơ của một bài như Vũ Cao với Núi Đôi, Hữu Loan với Màu tím hoa sim, Vũ Đình Liên với Ông đồ, TTKH với Hai sắc hoa ti gôn, v.v… Bởi lẽ, cũng theo chính lời chia sẻ của nhà thơ, đúng là cho tới giờ, khi đã có tới 4 tập thơ được xuất bản, nhưng có lẽ, bài được nhiều người nhớ đến và yêu mến hơn cả của ông vẫn là Ngày và đêm. Bài thơ đó cũng trở thành cái duyên của riêng ông. Sau này khi Bùi Công Minh đi dạy học ở trường sư phạm hay trong các trường quân đội, hoặc cả khi ông trở thành giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng trước đây, bài hát đã trở thành cầu nối giữa ông giám đốc ngành với các thầy cô giáo ở những nơi ông công tác. Bởi lẽ, khi hát lên ca khúc này, mọi người đã có thể hiểu nhau ngay và mọi công việc cũng trở nên trôi chảy.

Có thể nói, bài hát Hành khúc ngày và đêm đã sống trong lòng công chúng hơn 40 năm và với riêng nhà thơ Bùi Công Minh, ông đã có rất nhiều kỷ niệm gắn liền với nó. Bài hát, theo nhà thơ, như là sự kết hợp của ba cảm xúc rất thật: cảm xúc thật của người làm thơ, cảm xúc thật của người phổ nhạc và cảm xúc thật của những người đang yêu nhau, trong chiến tranh cũng như khi hòa bình. Có một chuyện vui thế này, khi Bùi Công Minh còn ở bộ đội, thường là trong các buổi tối sinh hoạt chung, mọi người vẫn hát bài Hành khúc ngày và đêm mà không hề biết ông chính là tác giả phần ca từ bài hát đó. Lúc ấy, Bùi Công Minh cũng là một người lính ngồi hát với mọi người. Vì lời bài hát có những câu thật trúc trắc như “có cái chết cúi gục đầu”, “thời gian trong cách trở”, nhiều người hát không đúng, và ông đã chép lại cho họ. Khi chép xong, mọi người rất ngạc nhiên, hóa ra, đây là bài thơ 5 chữ. Có người hỏi Bùi Công Minh có biết tác giả bài thơ là ai không thì ông chỉ cười và  bảo, đó là của một người thầy giáo có làm thơ.

Bài thơ Ngày và đêm quả thực mang trong nó những “duyên phận” riêng với nhà thơ Bùi Công Minh. Nó đến với ông tự nhiên như những cảm xúc chân thành, mộc mạc và sâu lắng của một sinh viên văn khoa trẻ tuổi. Và nó đã dõi theo suốt cuộc đời ông cho tới bây giờ, sau hơn 40 năm ra đời và được nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu chắp cánh cho phần nhạc. Ngẫm về sức sống trường tồn của ca khúc cũng như của bài thơ, người ta càng yêu hơn vẻ đẹp lý tưởng và tinh thần sáng ngời tỏa ra từ phần ca từ mà tác giả đã viết bằng cả tấm lòng và sự nhiệt thành tuổi trẻ trong những ngày thanh niên sôi nổi đó.

Dương Kim Thoa
(nhavantphcm.com.vn)