Lối đi mới cho ban nhạc Việt
Ban nhạc Da LAB với những buổi diễn đông đầy ắp khán giả
Tối ngày 5-5, ban nhạc Chillies đã phát hành album đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc mang tên "Qua khung cửa sổ". Trước đó, công chúng thực sự ấn tượng khi album "Qua khung cửa sổ" được mở pre-order (bán trước) và cán mốc 1.000 bản album vật lý - một con số ấn tượng đối với những nghệ sĩ trẻ như Chillies giữa thời đại nhạc số đang lên ngôi.
Khi thời đã tới
10 ca khúc trong album là 10 câu chuyện cuộc sống do Chillies kể thông qua những lăng kính và "khung cửa sổ" khác nhau. Không bó buộc mình trong một thể loại âm nhạc nhất định, album "Qua khung cửa sổ" thể hiện sự đa màu sắc của Chillies, đi từ Alternative Rock như "Vùng ký ức", "Em đừng khóc", "Đường chân trời" đến các bản pop như "Bao nhiêu", "Qua khung cửa sổ", "Mascara" và thử sức với cả Synthpop với "Giá như", "Mộng du", hay R&B/hip-hop trong "Ms. May" và "Một cái tên".
Với album đầu tay, Chillies đưa khán giả đi qua đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc trong cuộc sống, đồng cảm với tâm tư và trải nghiệm của những người trẻ. Tuy phong phú về thể loại âm nhạc nhưng từng ca khúc trong album vẫn in dấu Chillies khi sử dụng ca từ đậm chất tự sự, khơi gợi lên nhiều dòng ký ức và thức tỉnh người nghe bằng phần giai điệu mạnh mẽ, đầy sáng tạo.
Ban nhạc Bức Tường (The Wall) cũng vừa trở lại với album mới kỷ niệm 25 năm sự nghiệp biểu diễn với tựa đề "Con đường không tên". Thay thế cho vị trí của Trần Lập là giọng ca Phạm Anh Khoa máu lửa và cảm xúc không kém. Thủ lĩnh hiện tại của Bức Tường, guitarist Trần Tuấn Hùng chia sẻ "ban nhạc từng trải qua những tháng ngày hoang mang, mất phương hướng, tưởng chừng như sụp đổ. Nhưng rồi chúng tôi quyết định đi tiếp vì đó chính là ý nguyện của cố nghệ sĩ Trần Lập". Là một ban nhạc rock nổi tiếng, Bức Tường luôn có những khán giả trung thành, gắn bó trong các chương trình biểu diễn. "25 năm trước, Bức Tường đã bước trên một con đường không tên như thế, để rồi sau này nó được nhắc nhở bằng cái tên "Đường đến ngày vinh quang". Giờ đây chúng tôi lại tiếp tục một hành trình mới, một con đường không tên khác. Và các bạn sẽ tự mình gọi tên nó mai này" - thành viên Bức Tường Trần Tuấn Hùng chia sẻ.
Tạo nên nhiều ấn tượng tại live show ca sĩ Thanh Lam và cũng là ban nhạc được yêu thích hiện nay, Da LAB (đoạt Giải Mai Vàng 2020 hạng mục Nhóm nhạc được yêu thích nhất) vừa giới thiệu album "Thở" (feat Juky San) đầy thú vị. Da LAB vẫn giữ được tính độc lập nhưng cũng rất ngọt ngào trong âm nhạc của mình.
Bài toán mới
Đời sống nhạc Việt đang có nhiều màu sắc mới khi xuất hiện nhiều nhóm nhạc trẻ mang phong cách riêng, chú trọng tới yếu tố bản sắc. Đa số các ban nhạc mới này đều theo đuổi dòng nhạc Indie. Họ yêu thích dòng nhạc này bởi nó thể hiện được rõ cá tính và hầu như không bị giới hạn trong một khuôn mẫu nào. Hầu hết các nghệ sĩ Indie đều tự thân vận động trong tất cả các khâu, từ sáng tác, hòa âm, sản xuất đến phát hành, quảng bá.
Đã có khá nhiều ban nhạc để lại ấn tượng với công chúng, như Ngọt - ban nhạc thuần Việt gây ấn tượng với nhiều ca khúc đi vào đời sống của giới trẻ một cách tự nhiên. Bốn thành viên đều là những bạn trẻ 9x, hoạt động âm nhạc một cách độc lập, thành công của Ngọt mang lại cảm hứng cho nhiều ban nhạc trẻ đi theo mô hình này, như Cá hồi hoang, Lộn xộn band, Oplus...
Mới đây, dự án LiveSpace Vietnam - dự án tìm kiếm tài năng âm nhạc do Viện Pháp tại Hà Nội - L’Espace tổ chức, chính thức được khởi động, thu hút sự chú ý. Trong buổi gặp gỡ báo chí trước dự án LiveSpace Vietnam, đại diện một số ban nhạc tham gia như Limebócx, Những đứa trẻ và Chú cá lơ đã chia sẻ về nỗ lực tồn tại của họ. Một trong những khó khăn lớn nhất là vấn đề tài chính. Hoạt động âm nhạc không đủ để các nhóm chi trả nên họ phải làm thêm nhiều việc khác, thời gian dành cho âm nhạc không còn nhiều. "Các thành viên đều có công việc riêng. Rất khó để có được bản thu hoàn chỉnh bởi tất cả phải sắp xếp thời gian" - Hải Hà, thành viên ban nhạc Chú cá lơ, cho biết.
Cùng chung tâm trạng đó, Nguyễn Bá Trường Sơn - thành viên ban nhạc Những đứa trẻ - nói: "Khi mới chơi, chúng tôi chỉ có mối quan tâm duy nhất là âm nhạc. Nhưng giờ, mọi người đã 25-26 tuổi, bắt đầu gặp nhiều áp lực hơn, phải lo cho cuộc sống của mình trước đã". Mặc dù đã thành lập được 5 năm, có phần quen thuộc hơn với khán giả trẻ Hà Nội và từng có show diễn nhỏ "Mùa hè đến đây" nhưng doanh thu ít vẫn chưa đủ giúp Những đứa trẻ chi trả cho hoạt động âm nhạc.
Khó khăn nữa là các ban nhạc muốn tìm màu sắc âm nhạc riêng nhưng không có định hướng rõ ràng về cách hoạt động, hướng đi nên đến giờ vẫn còn loay hoay. Huy Tuấn - thành viên của Limebócx - nói: "Mọi thứ, từ khâu sản xuất như master, mix... cần có sự hỗ trợ từ người chuyên nghiệp nhưng chúng tôi lại phải tự mày mò". Chính vì mày mò nên nhiều sản phẩm có chất lượng tốt vẫn không được nâng tầm hay quảng bá đến công chúng một cách hiệu quả.
Nay với xu hướng nghiêng hẳn về những đêm live của ban nhạc, các ban nhạc đang được săn đón. Những đêm diễn của Ngọt band luôn được đón đợi và đêm nhạc "Đối thoại trên mây" cách đây ít ngày tại Đà Lạt cháy vé. Theo nhạc sĩ Dương Cầm, phương thức tháo gỡ khó khăn cho ban nhạc chính là tìm và tạo ra những sân chơi, cơ hội tiếp cận công chúng. Chính vì vậy, anh đã tổ chức dự án Bandland - chuỗi chương trình dành cho những ban nhạc trẻ Việt Nam trên kênh YouTube Bandland Channel - với kỳ vọng tạo "sân chơi" mới ươm mầm, phát hiện, phát triển các ban nhạc trẻ tài năng, triển vọng, đặc biệt là những ban nhạc Indie của Việt Nam.
(nld.com.vn)