Giải thưởng Dế mèn: Kích hoạt, khích lệ khát vọng sáng tác cho trẻ thơ
Tập truyện "Cơ Bản là Cơ Bản" của tác giả Phạm Huy Thông là một trong năm tác phẩm được nhận giải thưởng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Lễ trao Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 3-năm 2022 do báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức đã diễn ra tối 31-5.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Ngô Văn Giá, thành viên Hội đồng giám khảo cho hay năm nay, số lượng các tác phẩm dự thi ít hơn nhưng vẫn có nội dung phong phú, đặc biệt là số lượng các sáng tác văn chương chiếm ưu thế hơn so với các loại hình nghệ thuật khác.
Bội thu các tác phẩm văn học
Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Ngô Văn Giá, thành viên Hội đồng giám khảo, điều này không khó lý giải, bởi năm vừa qua đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, trong đó những sản phẩm nghệ thuật tổng hợp như điện ảnh, âm nhạc, sân khấu đòi hỏi sự tham gia của cả một tập thể, một êkíp cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.
“Khác với các loại hình khác, công cụ của văn học là ngôn ngữ. Tác giả có thể ngồi một chỗ, cứ thế đào sâu vào nội tâm để viết ra. Vì thế, mùa giải lần 3 này, thể loại văn học chiếm ưu thế cũng là một thành công đối với Ban tổ chức”, ông nhận định.
Đánh giá về chất lượng tác phẩm, ông nói: “Trước tiên, nhìn vào lực lượng người viết dự giải có thể thấy viết cho trẻ thơ vẫn là niềm mơ ước của bất cứ ai, bất cứ người cầm bút nào. Nhìn rộng hơn, khát vọng viết cho trẻ thơ của chính trẻ thơ và của người lớn vẫn là khát vọng thường trực và đau đáu. Đây là điều may mắn và đáng quý. Giải thưởng đã góp phần kích hoạt, khích lệ những mơ ước, khát vọng này”.
Ông nhận định rằng khi viết cho trẻ thơ, các tác giả không còn viết theo lối áp đặt. Thay vào đó, là lối viết về cơ bản đã “thanh toán được chất giáo huấn”.
“Những người viết đã khai thác, huy động được con người trẻ thơ trong chính mình để cất tiếng. Nhờ vậy, truyện tự nhiên, gần gũi với thế giới tâm hồn, cách cảm, cách nghĩ, cách quan sát của trẻ thơ đối với đời sống”, ông nói.
Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Ngô Văn Giá, tổ chức Giải thưởng Dế Mèn là sự đầu tư có lãi nhất cho đời sống và sự tiến bộ của xã hội.
"Một trong những công lao lớn nhất của Dế mèn chính là phát hiện ra những tác giả mới, khích lệ chính các tác giả ấy, những người quan tâm đến văn học thiếu nhi thủy chung, bền vững đi trên con đường văn học thiếu nhi, cho thiếu nhi và vì thiếu nhi", ông nói.
Nhức nhối dịch Covid-19 và môi trường sống
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cho hay các tác phẩm năm nay có nội dung phong phú, đặc biệt mang nhiều dấu ấn của đại dịch Covid-19 và thể hiện sự quan tâm của tác giả về môi trường và thiên nhiên.
“Năm nay, có rất nhiều tác giả trở về với thiên nhiên, với không gian sinh thái, như để thầm nói với bạn đọc mà trước nhất là với những đứa trẻ rằng thiên nhiên chính là bầu bạn, là mái nhà che chở, nuôi dưỡng tâm hồn, và giúp con người cảm thấy yêu và gắn bó hơn với đời sống này”, ông nói.
Cụ thể, trong Top 8 chung khảo có tới 3 tác phẩm có bóng dáng của đại dịch Covid-19, gồm: “Cơ bản là Cơ bản” của Phạm Huy Thông được viết nhanh trong một tuần tác giả phải tự cách ly; “Trường học chẳng có gì vui?” là một câu chuyện dí dỏm của các em học sinh khi phải học online ở nhà; đề cập trực diện đến đại dịch là “Covid trong mắt trẻ thơ” - series sách tranh gồm 7 tập, do 7 em thiếu nhi phụ trách vẽ và 4 em phụ trách dịch lời sang tiếng Anh.
Nói về đề tài thiên nhiên, “Cá linh đi học” của Lê Quang Trạng là một thiên sử thi về cá linh, một loài cá của sông Mekong, thường xuất hiện ở miền Tây bao la vào mùa nước nổi. Dưới ngòi bút của nhà văn, cuộc phiêu lưu của chú cá linh được phủ lên sắc màu cổ tích, huyền thoại nhưng vẫn không kém phần khốc liệt bởi những "bẫy giăng, lưới sập" của con người trong cơn lốc tàn hại môi trường.
Bên cạnh những tác giả đã thành danh, ở mùa giải năm nay có những tác phẩm do các em thiếu nhi chỉ mới 9-12 tuổi sáng tác."Có những em còn tham gia cùng người lớn trong vai trò là họa sĩ minh họa các cuốn sách tranh hoặc dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Có em còn viết tiểu thuyết giả tưởng dài 3 tập, dày hàng trăm trang, dựng lên một thế giới nghệ thuật đồ sộ. Có em còn viết truyện trực tiếp bằng tiếng Anh sau đó tự dịch ra tiếng Việt. Giải thưởng cũng thu hút các tác phẩm của tác giả Việt kiều, hoặc các tác giả, họa sĩ người nước ngoài", ông Khoa nói.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ sự vui mừng bởi điều đó chứng tỏ cuộc thi có sự lan tỏa rộng, không phải chỉ trong nước.
Mặc dù năm nay, Ban tổ chức chưa tìm ra giải thưởng lớn nhưng các thành viên Hội đồng giám khảo cho rằng đó là điều bình thường vì giải thưởng Hiệp sĩ Dế mèn là sự vinh danh dành cho tác giả đã có sự cống hiến lâu dài và có thành tựu đáng kể trong sự nghiệp.
Giải thưởng Dế mèn mùa thứ 3 đã thu hút 89 tác phẩm, chùm tác phẩm dự thi với 60 bản thảo và 29 tác phẩm đã công bố hoặc xuất bản; trong đó có 9 chùm thơ và tập thơ hoặc series thơ nhiều tập, 19 phim hoặc series phim hoạt hình, còn lại là các tập truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết...
Hội đồng giám khảo đã bỏ phiếu để chọn Top 8 tác phẩm vào vòng Chung kết chấm điểm. Kết quả: Không có giải thưởng lớn mang tên Hiệp sĩ Dế Mèn. Ban tổ chức trao 5 giải Khát vọng Dế Mèn (trị giá 10 triệu đồng/giải) cho các tác phẩm: “Biệt đội thám tử” và “Emma thảm họa” (2 truyện dài của Quyên Gavoye, Nhà xuất bản Kim Đồng); “Cơ Bản là Cơ Bản” (truyện dài, Phạm Huy Thông, Nhà xuất bản Kim Đồng); “Đu đưa trên ngọn cây bàng” (bản thảo truyện dài, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy); bản thảo chùm truyện ngắn của Nguyễn Vũ An Băng (9 tuổi) và “Chiếc dép thất lạc” (sách tranh của Geralda De Vos (Bỉ)-Sofia Holt (Thụy Điển), Kim Ngọc dịch, Nhà xuất bản Kim Đồng).
Cũng trong khuôn khổ lễ trao giải, Ban tổ chức đã tiến hành đấu giá các tác phẩm nghệ thuật, gây quỹ "Vì mái trường cho em", thu được tổng số tiền là 564 triệu đồng. Ban tổ chức sẽ sử dụng số tiền này trước tiên để hoàn thiện cơ sở vật chất cho điểm trường Huổi Khương thuộc Trường Mầm non Sao Mai, xã Nậm Mằn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, sau đó sẽ nhân rộng ra nhiều nơi khác.
(vietnamplus.vn)