Cơ duyên của Đà Nẵng và nghệ thuật thứ bảy
Rạp Lê Độ là một trong những địa điểm chiếu phim trong liên hoan phim châu Á Đà Nẵng.
Đó là phim truyện điện ảnh Hai năm nữa anh về của đạo diễn Trần Phương và đạo diễn Đặng Tất Bình cùng biên kịch Vĩnh Quyền - một nhà văn Đà Nẵng, phim truyện điện ảnh Phía sau cuộc chiến của đạo diễn Huy Thành sinh ở Đà Nẵng năm 1928 và đạo diễn Trần Vịnh, phim tài liệu truyền hình Sông núi khắc tên của đạo diễn Huỳnh Hùng - nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Đà Nẵng và phim tài liệu truyền hình Ngày hòa bình của đạo diễn Đoàn Hồng Lê - hội viên Hội Điện ảnh Đà Nẵng; và còn có cả một hội thảo với chủ đề Phát triển công nghiệp điện ảnh - Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng. Có thể hiểu đây chỉ là những ưu ái dành cho thành phố chủ nhà nhưng cũng là dịp để người Đà Nẵng suy ngẫm về mối cơ duyên của thành phố bên sông Hàn với nghệ thuật thứ bảy.
Người Đà Nẵng sớm có cơ duyên với điện ảnh quốc tế và vẫn thường tự hào kể cho nhau nghe rằng làng Nam Ô nằm bên bờ vịnh Đà Nẵng là nơi đầu tiên ở nước ta được “lên phim”, bởi sau khi sáng chế ra máy quay phim vào năm 1895, chỉ một năm sau - năm 1896, Auguste Lumière và Louis Lumière đã cử Gabriel Veyre đến làng ven biển Nam Ô để quay các trẻ em chạy chung quanh Gabriel Veyre lúc đang ngồi trên kiệu cầm máy quay phim vào làng - đây được xem là phim đầu tiên thực hiện ở Việt Nam, quay thành hai đoạn ngắn với thời lượng chưa đầy 2 phút, có tựa đề Le Village de Namo - Panorama pris d’une chaise à porteurs, sau đó được chiếu vào năm 1900 ở nhiều nơi trên nước Pháp và châu Âu trong những năm đầu tiên của lịch sử điện ảnh thế giới. Những năm gần đây, hình ảnh Đà Nẵng cũng từng gây ấn tượng trong một số bộ phim nước ngoài, trong đó có phim các nước châu Á, chẳng hạn như cầu Rồng đã xuất hiện rất hoành tráng trong tập đầu tiên của bộ phim truyền hình Hàn Quốc Taxi Driver 2 - tựa Việt: Tài xế ẩn danh 2 - của đạo diễn Lee Dan và biên kịch Oh Sang Ho...
Năm 2015, tại Liên hoan phim quốc tế Busan lần thứ XX, ở hạng mục phim Châu Á hay nhất, phim Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng - từng được trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes hồi tháng 5 năm 1993 và giành được giải Camera vàng cho phim đầu tay - đã được lọt vào danh sách 100 phim châu Á hay nhất với vị trí 66/100, và mặc dầu Mùi đu đủ xanh lấy bối cảnh là thành phố Sài Gòn thập niên 1950 nhưng diễn viên chính thủ vai nhân vật Mùi lúc 20 tuổi của Mùi đu đủ xanh lại là một người phụ nữ Pháp gốc Đà Nẵng - Trần Nữ Yên Khê là cháu ngoại của lương y Phan Châu Toàn nhà ở góc đường Chu Văn An - Hoàng Diệu, cũng là vợ của đạo diễn Mùi đu đủ xanh.
Từ năm 2013 đến năm 2019, đạo diễn Trần Anh Hùng cũng thường có mặt tại Đà Nẵng - thành phố đăng cai tổ chức các chương trình Gặp gỡ mùa thu/Autumn Meeting hằng năm với tư cách người đồng hành cùng sự kiện điện ảnh này trên cương vị là giảng viên của khóa học dành cho đạo diễn trẻ cũng như trên cương vị người đứng đầu ban giám khảo lựa chọn các dự án làm phim xuất sắc nhất - Gặp gỡ mùa thu lần thứ V năm 2017 là năm đầu tiên có lớp học về thiết kế mỹ thuật và phục trang do diễn viên Trần Nữ Yên Khê đứng lớp. Và từ Gặp gỡ mùa thu lần thứ II năm 2014, chương trình đã mở rộng ra cả khu vực châu Á, chẳng hạn tại Gặp gỡ mùa thu 2014, hai nhà quay phim xuất sắc đến từ điện ảnh Hàn Quốc là Kim Hyung Koo và Lee Doo Man cũng sang Đà Nẵng để dẫn dắt khóa học ngắn về quay phim; hay tại Gặp gỡ mùa thu 2015, Toma Ryu - Hiệu trưởng Học viện Điện ảnh quốc gia Hàn Quốc Kafa và Matthew Poon - Giám đốc Chợ dự án Liên hoan phim quốc tế Hongkong đã tham gia ban giám khảo lựa chọn các dự án làm phim xuất sắc nhất; hay tại Gặp gỡ mùa thu 2017 nữ đạo diễn quyền lực nhất Hàn Quốc Yim Soon Rye và nữ diễn viên Hàn Quốc Lydia Park - người nhiều năm giảng dạy tại Học viện điện ảnh quốc gia Hàn Quốc/KAFA - sang tham gia đứng lớp; hay tại Gặp gỡ mùa thu 2018, lần đầu tiên hai hãng sản xuất hoạt hình hàng đầu của Nhật Bản là I.G Production và Mont Blanc Pictures đến Đà Nẵng tìm hiểu thực trạng và tìm cơ hội hợp tác... Có thể nói trong bảy năm liền, cứ mỗi độ cuối thu, Đà Nẵng lại trở thành nơi hội ngộ của đông đảo các nhà làm phim trẻ tài năng, các đạo diễn, diễn viên nổi tiếng ở Việt Nam và một số nước châu Á. Tiếc rằng sau hai năm 2020 và 2021 bị gián đoạn vì đại dich Covid-19 Đà Nẵng không thể đăng cai tổ chức chương trình Gặp gỡ mùa thu, và chương trình Gặp gỡ mùa thu năm 2022 cũng đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, Đà Nẵng là một trong ba địa phương trong cả nước (cùng với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) có Hội Điện ảnh (được thành lập theo Quyết định số 6216/QĐ-UB ngày 08 tháng 8 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng) trực thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố. Ngoài ra còn có Chi hội Điện ảnh Việt Nam tại Đà Nẵng, thực chất là hội viên Hội Điện ảnh thành phố đủ tiêu chuẩn về tay nghề để được kết nạp vào hội chuyên ngành Trung ương, là thước đo chất lượng hội viên của Hội Điện ảnh thành phố. Chỉ tính riêng hai mươi lăm năm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, có thể thấy đây là thời điểm những người làm điện ảnh Đà Nẵng liên tục gặt hái thành tựu trong nghề. Chỉ tính riêng khu vực châu Á, có thể kể đến bộ phim Chiếc chiếu của bà Bứa/ Mrs Bua's Carpet của đạo diễn Dương Mộng Thu từng đoạt giải Ogawa Shinsuke - giải cao nhất hạng mục phim tài liệu Châu Á tại Liên hoan phim quốc tế Yamagata 2013 (trước đó, tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Jean Rouch 2012 ở Paris, Chiếc chiếu của bà Bứa đã được một thư viện công của Pháp mua bản quyền). Cũng có thể kể đến đạo diễn Đoàn Hồng Lê từng sang Hàn Quốc với Lời cuối của cha - bộ phim được làm theo phong cách Varan tức phong cách điện ảnh trực tiếp/cinema direct và được trao giải thưởng trong hạng mục Dự án phim tài liệu dài tại Liên hoan phim quốc tế DMZ 2015...
*
Để kết thúc bài viết này, nhân sự kiên điện ảnh Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất sắp diễn ra tại thành phố bên sông Hàn vào tuần đến, xin mượn lời Đạo diễn Lê Quý Dương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam: “Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ chiến tranh và các xung đột địa chính trị, Liên hoan phim Châu Á được tổ chức tại Đà Nẵng không chỉ là cơ hội hội ngộ cho giới điện ảnh chuyên nghiệp trong khu vực mà còn thực sự là nơi bày tỏ khát vọng hoà bình, sáng tạo và đoàn kết của các nghệ sĩ điện ảnh Châu Á tham dự Liên hoan phim lần này. Sáng kiến tổ chức Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng đã được Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng thống nhất phấn đấu thực hiện định kỳ hằng năm với mong muốn phát triển Đà Nẵng trở thành một trung tâm điện ảnh hấp dẫn trong khu vực châu Á và quốc tế”./.
B.V.T