Lời đá
Hòn Đá Bia uy nghi ở Đèo Cả – Phú Yên
Lời của đá là lời của lặng im. Giữa bốn bề đá núi, chỉ nghe thanh âm của cỏ lá khẽ cựa mình xác xao trong gió. Đá lớn đá bé, đá mẹ đá con chen chúc trong một trật tự vững chãi. Những thân đá lặng nằm nhìn mưa nắng, nhìn cỏ cây hoa lá reo vui, nhìn mây trời bốn mùa thản nhiên bềnh bồng vấn vít với mình.
Cần bao nhiêu thời gian của sự biến thiên để tự nhiên tác tạo nên trăm ngàn những hình hài của đá? Nơi thì như những thạch trụ chống trời xếp vòng trong vòng ngoài, lớp này lớp khác, rất trật tự và ngăn nắp. Chỗ lại vương vãi như một trận địa hỗn độn. Nơi như người phụ nữ ôm con ngóng chồng. Chỗ lại như nam thanh nữ tú tình tự bên nhau… Con người cứ thế dựa vào hình hài của đá mà đặt tên cho chúng. Trái đất này có bao nhiêu đời đá có tên và bao nhiêu những đời đá khác người ta chỉ gọi chung chung là đá?
Từ khi xuất hiện sự sống loài người thì đá đã gắn bó với người. Thứ công cụ đầu tiên con người sáng tạo ra để phục vụ đời sống của mình là đá. Đá dùng làm vũ khí tự vệ, săn bắt; đá dùng để chặt, đào, ghè, đẽo; đá còn dùng để làm ra lửa sưởi ấm cho bao nhiêu kỷ đã qua. Chẳng bao giờ đá tự mình cất lời, cho đến khi con người làm ra máy móc để xác minh tuổi đá. Đá lại như nói giúp những niên kỷ đã dằng dặc trôi qua về sự sống tồn tại dưới những mái đá, trong những hang sâu.
Từ thuở nào đó, khi đá đã giúp con người làm ra của cải, được ăn no mặc ấm thì con người lại nghĩ ra việc dùng đá chế tác thành những vật trang sức để làm đẹp cho mình, rồi dùng đá dựng xây nên những công trình kỳ vĩ. Những nét chữ đầu tiên mà loài người còn ghi dấu là ở trên những vách đá, giúp cho người đời sau vén bức màn ẩn sâu trong quá khứ, giải mã được lịch sử cha ông mình. Lặng im như đá mà ôm trong lòng nó bao nhiêu là câu chuyện.
Lời của đá là lời của sự nhẫn nại. Hãy ngồi lại và quan sát cái hốc đá khum khum như lòng một bàn tay ôm giữ vốc đất vừa đủ chỗ để gieo vào một hạt bắp. Cái lòng tay đá ấy nhẫn nại giữ gìn cái vốc đất ấy trong suốt một mùa vụ, cho đến khi cây bắp đã tận hiến hết đời mình. Cái lòng tay đá ấy chẳng khác gì tấm lòng một người mẹ, vun đắp và chở che những mùa vụ cho đời.
Hãy thử nhìn những viên đá cuội với dáng hình tròn trịa đẹp đẽ. Chúng đã mất bao nhiêu thời gian chịu đựng những va đập, tự mài mòn mình đi để có được vẻ tròn trịa hoàn hảo của một viên cuội? Cũng tựa như thế. Bao lâu để tự nhiên tạo tác một tảng đá xù xì thành hình thù dáng khối để người ta phải liên tưởng rồi gọi tên thành Vọng Phu, Trống Mái, Gà Chọi, Núi Đôi?… Bao lâu để những khối đá vô tri trở thành những kỳ quan khiến người người thích thú? Những lớp đá nằm im lìm trong lòng đất, dưới đáy biển đã nhẫn nại làm phần “nền móng” vững chắc góp mặt vào sự sống của vạn vật. Trăm ngàn con sông con suối đêm ngày luồn lách qua những khe đá để đem về nguồn nước mát lành. Bao đời người trôi qua vẫn thấy những đời đá mang trong mình những truyền thuyết, nhẫn nại im lìm trong nắng gió và mây trời.
Nghĩ đến đá là nghĩ đến sự trầm ngâm, vững chãi, lặng lẽ và nhẫn nại. Đá chỉ cất lời khi hòa quyện vào đời sống của nước tạo thành tiếng róc rách suối khe. Đá chỉ cất lời thành những giai âm trầm bổng dưới đôi tay của người nghệ sĩ khi đã chịu đựng sự gọt giũa thành một thứ nhạc cụ giản dị và mộc mạc. Trăm năm triệu năm, những phiến đá mãi trầm ngâm lặng lẽ xếp chồng lên nhau thành núi thành đồi, nằm lặng bên nhau thành ghềnh thành thác, thành tường thành lũy. Lặng lẽ vô tri giữa cuộc đời, nhưng đá đã trở thành một phần không thể thiếu để kiến tạo nên sự sống.
Tôi đang ở trên một cao nguyên, mà gần như nhìn chỗ nào cũng có thể chạm vào đá. Một bình minh vừa ló rạng trên những ngọn cây, tôi nghe những thanh âm ầm ào của thác nước từ trên cao dội xuống, vọng vào núi rừng. Chợt bên tai tôi như vẳng lên những giọt đàn đá trong trẻo, tựa hồ tiếng những giọt nước đang long tong nhảy nhót từ vòm mái hang đua ra vách núi, lại tựa hồ tiếng dòng suối dưới kia rí rách luồn qua những khe đá, xuôi về phía mát lành.
(vanvn.vn)