Vạt nắng mùa đông trong ta

02.08.2023
Bằng Việt

Vạt nắng mùa đông trong ta

(Đọc tập thơ Hái mùa đông vạt nắng của Vạn Lộc)

Nói tới thơ Vạn Lộc, người ta thường nhắc đến Gió thổi từ Đông Yên, Lá thức, Chín chín nhịp, Gió miền lục bát, Miền mây trắng, Lá trên cành đang thu... Bây giờ, thêm vào danh sách ấy, bạn đọc chắc chắn sẽ nhớ tới Hái mùa đông vạt nắng - chút nắng vừa ấm áp vừa xót xa của một nhà thơ đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm”, luôn luôn có ý thức trọn vẹn về những gì mình đã, đang và sẽ phải trải qua, như tác giả vốn vẫn rất điềm tĩnh ghi nhận trong thơ:

Sắp tròn một ván cờ người Chẳng ai thắng nổi trò chơi luân hồi!

Nói vậy mà vẫn không phải vậy, vì một con người tràn đầy nghị lực và cảm xúc với cuộc đời này như chị, thì đâu có dễ dàng chịu đầu hàng thụ động trước số phận và thời gian, mà lúc nào cũng biết gìn giữ nguyên vẹn những gì tốt đẹp nhất mà cuộc đời này đã gieo vào tâm hồn mình, để mãi mãi nó sẽ còn lại đó:

Ngủ đi, nhật nguyệt ơi à/ Thiên thu còn cả bao la hồn mình!

Quả thực, trong hồn tác giả, vẻ đẹp thiên thu của quê hương lắng vào quá sâu và quá đậm, đến mức dù chỉ trong một giây lát “thức với sông quê” giản dị vậy thôi, mà hình ảnh hàng ngàn năm của cả làng quê xanh mướt dâu tằm, vẫn hiện lên trọn vẹn, đầy gần gũi và thương cảm:

Tôi về thương lấy ngàn năm/ Bãi bờ xanh với dâu tằm quê xưa...

Tình cảm ấy, dù cả khi tác giả không còn, thì hẳn có người khác vẫn nhắc lại, để thế hệ mai sau sẽ nối liền với mạch cảm xúc không bao giờ đứt đoạn này:

Rồi đây, những buổi chiều rơi

Còn ai ngồi hát những lời thơ ta

Ca dao lục bát thiệt thà

Tầm xuân xanh nụ tím cà vườn quê

Tiếng chim mắc võng bờ tre

Ru hồn cổ tích ta về ngày xưa...

(Nỗi buồn xanh)

Không chỉ giữ được tình cảm gắn bó, đầy đặn và bền vững đến mức như bất biến trong tình cảm đối với quê hương, mà ngay trong tình yêu, Vạn Lộc cũng sẵn sàng thể hiện một sự bền chặt dài lâu như thế:

Phải chi hẹn được kiếp sau,

Em chờ anh đón trên cầu trùng lai,

Bước mùa xuân nhẹ gót hài,

Cỏ bồng thì thắm, bông mai thì vàng...

(Sương khói)

Sự bền chặt và bất biến ấy trong tình yêu thể hiện tác giả luôn có một ý chí mạnh mẽ, dám dành cho tình cảm của mình vượt khỏi mọi mốc thời gian, dù rằng trong đời thực, chị cũng không hề có chút mơ hồ nào với thực tế nghiệt ngã này: Sáu mươi năm, cuộc tình dài/ Thiên thu đá nát vàng phai cũng rồi!

Câu thơ hay vì sự trầm tĩnh, dám công nhận điều mình không hề muốn xảy ra, nhưng nó vẫn đến, như một quy luật của tự nhiên, của định mệnh. Lối suy nghĩ này còn được tác giả lặp đi lặp lại trong nhiều câu thơ hay khác nữa: Một đời, mấy đục mấy trong/ Gạn hư không, thấy hư không đã kề! (Về quê). Và có câu thơ công nhận một sự thật mà lại như một khám phá mới:

 Va vào bóng tối,

Thấy mình hư không

 Kiếp người vời vợi

 Cũng rồi mênh mông! (Va)

 

Mẹ cha giờ đã mênh mông

Đã mây đã nước đã không không rồi

Tôi về thăm gió lưng đồi

Mới hay gió cũng mồ côi như mình!

(Hồn quê)

Trong Hái mùa đông vạt nắng, tác giả vẫn thoải mái, ung dung xử lý các chất liệu quen thuộc với một cách viết đa dạng, tung hứng, với câu từ nhuần nhị, với các hình ảnh có nhiều khám phá. Bút pháp của một nhà thơ đang bước vào “mùa đông” của đời mình mà vẫn rất chững chạc, uyển chuyển, trẻ trung. Như có lúc tác giả đã tự ví von: Cuộc hành trình đời em chưa tận/ Hồn thơ em vẫn đương rất xanh (Ga cuối).

Đấy là khi chị viết về “ga cuối” trong hành trình của mình, nhưng bạn đọc không hề nghĩ rằng “hồn thơ rất xanh” ấy đã có thể đi vào “ga cuối”, mà hẳn sẽ còn có nhiều ga tiếp theo nữa, để chúng ta còn được thưởng thức thêm nhiều vần thơ hay về một vùng Quê hương cát sỏi cũng thành ca dao, cũng như về một mối tình trọn vẹn, nối dài mai này với trăm năm khác, sâu nặng và đắm say của tác giả.

Xin được chúc mừng thành công mới của nhà thơ Vạn Lộc. Hái mùa đông vạt nắng của chị, bây giờ cũng đồng thời là một vạt nắng mùa đông đầy xúc cảm và ấn tượng không phai trong mỗi chúng ta.

B.V