Văn học Đà Nẵng trước thời đại mới
Độc giả thành phố đến với ngày hội văn hóa đọc tại Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG |
Văn học thành phố không ngừng phát triển
Trong 50 năm qua, văn học, nghệ thuật thành phố Đà Nẵng có nhiều tác phẩm, công trình sáng tạo tiêu biểu, có giá trị về nội dung, tư tưởng, chất lượng nghệ thuật, phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc và đặc trưng văn hóa thành phố, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân. Đến nay, đã có 113 nhà văn các thế hệ từ trước và sau 1975, đặc biệt là lớp nhà văn lão thành giàu kinh nghiệm sáng tác từ chiến tranh và các nhà văn trẻ sau năm 1986 năng động, nhiệt tâm trên con đường sáng tạo văn chương với nhiều đam mê, hạnh phúc trên từng trang viết.
Nhìn lại hành trình sáng tạo văn học của các nhà văn Đà Nẵng sau năm 1975, nhà thơ Nguyễn Kim Huy, Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố cho biết, hơn 50 năm qua, nhiều tác giả là hội viên Hội Nhà văn thành phố liên tục ra mắt bạn đọc xa gần hằng năm với nhiều tác phẩm có sức lan tỏa rộng rãi và được trao tặng nhiều giải thưởng văn học quốc tế, quốc gia…, nổi bật với các tên tuổi được bạn đọc ghi nhận như: Phan Tứ, Hoàng Châu Ký, Thu Bồn (Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật); Lưu Trùng Dương, Thái Bá Lợi, Thanh Quế (Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật); Vĩnh Quyền (Giải thưởng Văn học ASEAN 2021)…
Những tác phẩm có giá trị văn học được dư luận bạn đọc đánh giá cao và từng được trao tặng các giải thưởng quốc tế (Văn học ASEAN, Văn học sông Mê Kông), quốc gia (Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương; văn học, nghệ thuật định kỳ 5 năm và hằng năm các tỉnh thành…) và thành phố (Giải thưởng văn học, nghệ thuật định kỳ 5 năm của UBND thành phố, giải thưởng hằng năm của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố và Hội Nhà văn thành phố) của các tác giả là hội viên Hội Nhà văn được Hội Nhà văn Đà Nẵng tập hợp biên soạn và giới thiệu khá phong phú trong Tuyển tập “Hội Nhà văn Đà Nẵng - Tác phẩm đoạt giải 2001-2021” (NXB Đà Nẵng, 2022).
Mỗi năm có 10 đến 18 tác phẩm văn học, thơ ca của hội viên được xuất bản giới thiệu, nhiều tác phẩm được bạn đọc đón nhận rộng rãi, đánh giá cao. Đặc biệt, rất đáng ghi nhận sự sáng tạo tác phẩm thường xuyên bền bỉ mang hơi thở và sức sống thời đại mới rất rõ của các tác giả trẻ như: Lệ Hằng, Vũ Ngọc Giao, Trần Ngọc Đức, Nguyễn Thị Thu Thủy, Trương Thị Bách Mỵ, Lê Hải Kỳ, Trần Thiên Hương…
Nhà thơ Thanh Quế cho rằng, với lực lượng viết văn ngày càng đông đảo, nhiều tác phẩm văn học ra đời, trong đó có những tác phẩm có chất lượng, các nhà văn Đà Nẵng đã ghi dấu son trên bản đồ văn học Việt Nam. Từ trong phong trào sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học ở Đà Nẵng, đã xuất hiện những cây bút có tài năng, được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, góp phần vào sự phát triển lực lượng sáng tác chủ lực của nền văn học cả nước.
Hướng tới những tác phẩm mang dáng vóc thời đại
TS. Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, trong 50 năm đồng hành nền văn học nghệ thuật nước nhà, đội ngũ văn nghệ sĩ Đà Nẵng ghi dấu ấn qua nhiều tác phẩm nổi bật, mang giá trị nội dung, tư tưởng, nghệ thuật, thẩm mỹ sâu sắc. Các tác phẩm ấy không chỉ phản ánh hiện thực sinh động mà còn làm phong phú thêm kho tàng văn hóa, nghệ thuật dân tộc, góp phần khẳng định vị thế của văn học, nghệ thuật Việt Nam trên trường quốc tế.
Các tác phẩm văn học, nghệ thuật của văn nghệ sĩ thành phố phản ánh tương đối toàn diện sự nghiệp đổi mới và phát triển của thành phố và của đất nước, khẳng định những nhân tố mới, điển hình mới, đấu tranh phê phán cái xấu, cái ác, khơi dậy và phát huy những giá trị lịch sử, truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước, con người Đà Nẵng. Cụ thể, có những công trình, tác phẩm, tác giả đạt danh hiệu tiêu biểu trong 50 năm qua như: giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật; giải thưởng văn học sông Mê Kông...
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hầu hết các nhà văn Đà Nẵng đều viết văn trong tư thế là nghề tay trái. Phần lớn trong số họ gắn bó với công việc ổn định, có thể nuôi sống bản thân và gia đình như: nhà báo, bác sĩ, nhà giáo, doanh nghiệp… Chỉ khi nghỉ hưu, các nhà văn mới rời khỏi công việc để toàn tâm toàn ý sống và viết với nghề văn, trở thành một nhà văn toàn phần, chuyên nghiệp. Do đó, để những người viết văn định hướng trở thành nhà văn chuyên nghiệp thì thành phố cần có những chương trình, kế hoạch ngắn và dài hạn trong việc đầu tư, xây dựng, đào tạo những nhà văn chuyên nghiệp. Khi có nhà văn chuyên nghiệp, mới có hy vọng xuất hiện những tác phẩm lớn mang dáng vóc thời đại, mang hơi thở cuộc sống hiện đại gởi lại cho mai sau.
“Muốn có tác phẩm lớn, mỗi nhà văn chẳng những phải dấn thân theo đuổi một lý tưởng nghệ thuật văn chương rõ ràng, đúng đắn, mới mẻ, thể hiện nó mạnh mẽ và xuyên suốt trong từng trang viết của mình, mà còn phải có thời gian đầu tư công sức cho tác phẩm của mình một cách chuyên nghiệp”, nhà văn Nguyễn Kim Huy chia sẻ.
Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng là một trong những trung tâm văn hóa- thể thao của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế. Để thực hiện thành công mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW có vai trò, trách nhiệm của Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố.
Bên cạnh đẩy mạnh hoạt động sáng tạo và quảng bá tác phẩm giàu tính nhân văn, giáo dục sâu sắc truyền thống dân tộc, truyền thống lịch sử và cách mạng, đội ngũ nhà văn cần có những sáng tác phản ánh chân thực đời sống xã hội, phục vụ thiết thực sự nghiệp xây dựng văn hóa và con người Đà Nẵng. Có như thế, phong trào sáng tác văn học có những bước phát triển mới với những tác phẩm mang dáng vóc thời đại, phản ánh sự phát triển vượt bậc của thành phố.
(baodanang.vn)