Truyện ngắn Thạch Lam - Từ góc nhìn thi pháp - Phạm Phú Phong

02.06.2020

Truyện ngắn Thạch Lam - Từ góc nhìn thi pháp - Phạm Phú Phong

Thi pháp là mỹ học của nghệ thuật ngôn từ, hay nói đúng hơn là cái đẹp của nghệ thuật văn chương. Nghĩa là toàn bộ những yếu tố cấu thành hệ thống nghệ thuật của một hiện tượng văn học. Với Thạch Lam, đây không phải là lần đầu tiên nghiên cứu các yếu tố cấu thành hệ thống nghệ thuật trong sáng tác của ông. Theo thống kê không đầy đủ, ít nhất đã có hơn ba mươi công trình với quy mô khác nhau đã nghiên cứu về Thạch Lam, trong đó ít nhiều đã đề cập đến cấu trúc nghệ thuật, các yếu tố hợp thành ngôn từ, về thời gian, không gian, nhân vật, kể truyện, bình luận, ngoại đề, đối thoại, mở đầu, dẫn dắt, kết thúc... nhưng để có một cái nhìn đầy đủ về hệ thống nghệ thuật với tư cách là một chỉnh thể hình thức mang tính nội dung, buộc phải tìm đến lý thuyết thi pháp học.

Cũng chính vì lẽ đó và đồng thời để tránh một con đường đi vòng vốn đã chi chít những dấu chân, xin phép giới hạn trong phạm vi truyện ngắn và gom lại thành mấy vấn đề sau:

1. Với một nhận thức thẩm mỹ sáng rõ, Thạch Lam đã xác định: “Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phát hiện cái đẹp chính ở chỗ mà không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, cho người khác trông nhìn và thưởng thức”1. Đó là quan niệm nghệ thuật hết sức đúng đắn và mới mẻ, chạm đến vấn đề căn cốt của sáng tạo, có giá trị lâu bền, tạo cho dòng mực trong ngòi bút của Thạch Lam chảy theo một lối rẽ khác với những người cùng nhóm trong văn đoàn Tự Lực, nhưng đồng thời cũng không giống với quan niệm của những nhà hiện thực phê phán đương thời, bởi lẽ, điểm xuất phát đến với văn chương của ông từ một phía khác. Thạch Lam cũng đặt ra tiêu chí đầu tiên của tác phẩm là sự chân thực, là phải “tự cày bừa lấy những trang sách nói về người nhà quê trong văn chương”, nhưng ông lấy thế giới chung quanh làm nền tảng, ông đòi hỏi “phải biết quan sát bề trong và biết đi sâu vào những bí mật tâm hồn ấy”2. Nhưng nếu chỉ có thế thì Thạch Lam đã tự xếp vào hàng những nhà văn hiện thực phê phán và đứng gần các cây bút phân tích tâm lý sắc sảo như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng... Thạch Lam cho rằng: “Nhà văn cốt nhất phải đi sâu vào tâm hồn mình, tìm thấy những tính tình và cảm giác thành thực: Tức là tìm thấy tâm hồn của mọi người qua tâm hồn của chính mình, đi đến chỗ bất tử mà không tự biết”3 và “qua tâm hồn ta, chúng ta có thể đoán biết được tâm hồn mọi người. Và chỉ khi nào chúng ta hiểu biết được những trạng thái tâm lý của mình một cách sâu sắc, chúng ta mới hiểu biết được trạng thái tâm lý người ngoài”. Nghĩa là cái hiện thực mà nhà văn quan tâm, đặt lên hàng đầu, là hiện thực tâm trạng, khai thác tận cùng những cảm xúc, quan niệm, cảm quan của tâm hồn mình để khám phá thế giới. Hay nói đúng hơn, cảm xúc tâm trạng của nhà văn bao giờ cũng xuất phát từ thế giới hiện thực, nhưng được biểu hiện qua bút pháp hiện thực, vừa mang vóc dáng lãng mạn, trữ tình.

Từ quan niệm hiện thực vận động trong con người đã đưa đến một thế giới đông đảo, phong phú, đủ “thập loại chúng sinh” về đứng chật trong thế giới tâm hồn Thạch Lam. Xin đừng vội tin vào “tuyên ngôn” của các nhà văn. Khi Thạch Lam phác thảo về Chân dung người nhà quê trong văn chương, như tựa đề một tiểu luận viết vào năm 1939 của ông, chúng ta chớ vội tin là toàn bộ sáng tác của ông viết về những người lao khổ. Thế giới nghệ thuật của ông là thế giới của những người nghèo khó cam chịu như mẹ Lê (Nhà mẹ Lê), chị Sen (Đứa con), những người ý thức thân phận như Tâm (Cô hàng xén), Lan và Huệ (Tối ba mươi), Liên (Một đời người), Dung (Hai lần chết), những người dân quê phố huyện như vợ chồng bà Cả và cô Lan (Tình xưa), người bà và cô Nga (Dưới bóng hoàng lan), Liên và An (Hai đứa trẻ)... nhưng ngòi bút của ông còn có thiện cảm với những người giàu có, những người mà số phận đã ban cho một đời sống sung túc như gia đình chị em Lan, Sơn (Gió đầu mùa), Thanh (Một cơn giận), tấm lòng xót thương vì một tiếng chim kêu của những người có mức sống trung lưu (Tiếng chim kêu), thậm chí thương cả những người đầm Tây, “chưa bị cái hoàn cảnh bên ngoài làm xấu đi (...) lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ và cúi mình trên những đau khổ của người ngoài. Và tôi thấy cái ý muốn được thân thiện hiểu biết những người đàn bà ấy (Người đầm). Có thể nói rằng, con người trong thế giới nghệ thuật của Thạch Lam, cả những người nghèo khổ đến kẻ giàu sang, cả những người đói vật vã vì cái ăn, cái mặc đến những người may mắn trong đời đều có tâm trạng buồn thương cam chịu về thân phận làm người - những con người có độ dư về phẩm chất làm người, như chính cái nhìn yêu thương ấm áp đối với con người của tác giả, khác với con người làm trò, con người đánh rơi phẩm chất làm người trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan; khác với con người oan trái nhưng không bị tha hóa bởi hoàn cảnh trong sáng tác của Ngô Tất Tố; khác với con người bị vật hóa, con người bán dần sự sống của chính bản thân mình, lê tấm thân vật vã áo cơm trong sáng tác của Nam Cao; khác với con người vô nghĩa lý trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng; đồng thời cũng khác với tư duy của những nhà lãng mạn với con người giao hòa nhân ái của Xuân Diệu, con người hành động cải tạo xã hội với không ít những ảo tưởng xa vời của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo... Tâm hồn Thạch Lam là đối tượng cho nhà văn khám phá và miêu tả. Đó là những khối thủy tinh trong suốt, mỏng mảnh, dễ vỡ, không quen va chạm với những xung đột, mâu thuẫn khắc nghiệt, ngay cả lúc ông tả Một cơn giận hoặc Hai lần chết mà chẳng thấy có gì giận dữ hoặc xác chết đâu cả, nhưng mỗi khi khép lại những trang cuối truyện, tâm hồn ta cứ phảng phất một nỗi buồn thương nhẹ nhàng nhưng day dứt, sâu nặng khó nguôi về thân phận con người.

2. Một quan niệm nghệ thuật bao giờ cũng là tiền đề của một thi pháp nghệ thuật tương ứng. Thạch Lam thường kể chuyện theo trình tự phát triển của thời gian, khó tìm thấy những yếu tố kỹ thuật mang tính chất “làm văn”. Đọc lại những hồi ký Những kỷ niệm chia bùi xẻ ngọt cùng với Thạch Lam của Đinh Hùng, Giai thoại một chầu hát không tiền khoáng hậu - Thạch Lam thẩm âm của Hoàng Điệp Thứ Lang (1965), Người em thứ sáu của Nguyễn Thị Thế, Tìm kiếm Thạch Lam của Thế Uyên, Thạch Lam cha tôi trong trí tưởng của Nguyễn Tường Giang... chúng ta thấy hầu hết những truyện của Thạch Lam đều có những cốt truyện có thật, chuyện trong gia đình, trong bạn bè được ông kể lại bằng một lối kể bình thường, chân chất và hầu hết đều dưới điểm nhìn của nhân vật tôi - vừa là nhân vật, vừa là người trần thuật, vừa là tác giả. Do đó, những ý kiến cho rằng văn chương của Tự Lực văn đoàn nói chung, của Thạch Lam nói riêng đều là tình thương theo kiểu ban ơn của những người giàu có, dư dật cúi xuống nhìn những mảnh đời nghèo khổ, ngày nay đã tỏ ra thiếu cơ sở, vì gia đình của anh em nhà Nguyễn Tường đã từng nghèo khó sa sút. Thạch Lam và người chị thứ năm đã từng dọn quán hàng xén đợi chuyến tàu đêm ở phố huyện Cẩm Giàng. Với cái nhìn hiện thực sinh động, Thạch Lam đã tìm ra trong những chuyện thường ngày tưởng như không có chuyện gì ấy, những điều cần kể, và khi đã kể thì lập tức thành truyện. Chuyện một đêm mưa gió hai anh em nằm nghe tiếng chim kêu, thương con chim muốn mở cửa đưa vào, nhưng cả chị và em đều ngại rét, sáng ngủ dậy hóa ra không phải tiếng chim mà là tiếng hai cây tre chạm nhau (Tiếng chim kêu); chuyện một lần đi xem phim, thấy một người đầm mua vé hạng nhì, đoán chắc người đầm cũng thuộc loại nghèo khó, tưởng ra “cái làng nhỏ ở sườn đồi, cái nhà thờ cao trên rặng cây, cánh đồng cỏ, mấy con bò đủng đỉnh bên cái suối” (Người đầm); chuyện đi tàu gặp một người đồng hành đang đọc chính cuốn sách của mình viết (Cuốn sách bỏ quên); chuyện đi đường gặp một người hành khất từng đi lính cho Tây (Người lính cũ); chuyện có lần định lấy cắp tiền của bạn (Sợi tóc). Có truyện suốt từ đầu truyện Thạch Lam đã sử dụng mạch phát triển ngầm của tâm lý, dòng chảy của tiềm thức, với những khoảnh khắc cô đơn trong thế giới mà đôi khi con người không có ngôn ngữ để diễn tả hết tâm trạng, phải dùng đến “ngôn ngữ” của cử chỉ, nét mặt, ánh nhìn, bước đi, dáng đứng... Không tìm thấy một cơ sở chắc chắn nào để để phủ nhận nguyên lý coi văn học là một hình thái ý thức xã hội, nhưng cũng không thể không công nhận đôi khi văn học chỉ là tiếng nói của tiềm thức, của giấc mơ chiếm lĩnh thế giới tinh thần con người. Bởi lẽ, bản chất của văn học không chỉ phản ánh hiện thực mà còn đề ra những ý thức mới, những tư tưởng nghệ thuật, mà trạng thái tinh thần, trạng thái tâm lý không phải bao giờ cũng được ý thức một cách đầy đủ. Muốn tiếp xúc thế giới hình tượng của các nhà văn tài danh như Marcel Proust, Kafka, Hemingway, của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Thạch Lam, hoặc sau này của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài... người đọc phải hóa thân vào nhân vật, cùng chui xuống tầng ngầm của những thế giới chưa được ý thức một cách rõ rệt ấy. Từ tầng ngầm của dòng chảy ý thức mới nhận thức được sự chi phối hệ thống các quan niệm, sự hằn nổi hình tượng tác giả trong các hình tượng văn học, mối liên hệ mật thiết giữa hình tượng không và thời gian, các yếu tố của thi pháp cấu trúc...

Điều quan trọng đối với Thạch Lam, là sự nhất quán trong giọng điệu và cảm xúc. Niềm yêu thương, trân trọng đối với con người của ông đã tạo cho giọng điệu văn chương ông một hơi thở ấm áp, ngay cả khi kể về sự oan trái cay nghiệt của cuộc đời, Thạch Lam cũng luôn giữ con người đứng bên này bờ vực của sự yêu thương cam chịu (Đói, Trong bóng tối buổi chiều, Tối ba mươi); hoặc khi đẩy nhân vật vào vực thẳm của nỗi đắng cay chua xót, ông cũng biết dừng lại, lửng lơ, mở ra những tuyến, những đường cho người đọc tự hình dung, chứ không chỉ ra hết mọi điều, mọi lẽ (Nhà mẹ Lê, Một cơn giận, Người bạn cũ, Hai lần chết). Còn gì buồn hơn cho thân phận con người, khi vì cái đói của đàn con mà người mẹ phải đành liều đi vay, bị nhà giàu xua chó cắn, về nhà lên cơn mê sảng rồi chết. Nhưng còn đàn con kia chắc chắn cũng sẽ chết, không vì chó cắn mà vì cái đói còn đeo đuổi mãi. Người ta gom góp nhau mua cổ áo quan chôn người mẹ xấu số, “khi trở về, qua căn nhà lạnh âm u, họ thấy mấy đứa con nhỏ của bác Lê ngồi ở vỉa hè, con Tý đang dỗ thằng Hy nín khóc, nói dối rằng mẹ nó đi một lát sẽ về. Nhưng họ biết rằng bác Lê không về nữa. Và họ thấy một cái cảm giác lo sợ đè nén lấy tâm can họ, những người ở lại, những người còn sống mà cái nghèo khổ cứ đeo đuổi mãi không biết bao giờ mới dứt” (Nhà mẹ Lê).

Thạch Lam biết đặt những câu, những từ đúng vị trí của nó nhằm hắt sáng lên vấn đề, gợi lên một cách rõ ràng những hình tượng, những trạng thái cảm xúc của tâm hồn: “Có những ngày mà tự nhiên, không hiểu tại sao, ta thấy khó chịu, hay gắt gỏng và không muốn làm việc gì (...). Đó là khởi đầu cho cái giận vô cớ đưa đến sự ân cần sám hối trước nỗi đau của con người” (Một cơn giận). Tình yêu đầu đời của chàng trai tỉnh và cô gái quê nơi chàng trọ học “có cái gì dịu ngọt chăng tơ nơi đây khiến chàng vương phải” (Tình xưa); hoặc: “Thanh tiễn Nga ra đến cổng, đi qua hai bên bờ lá đã ướt sũng, mùi hoàng lan thoang thoảng bay trong gió mát” (Dưới bóng hoàng lan). Có những trang văn đẹp, gợi nhớ đến không khí Tôi đi học của Thanh Tịnh: “Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ, những tiếng vang ra để gọi buổi chiều” (Hai đứa trẻ).

3. Hình tượng không gian, thời gian gắn quyện với nhau để nhằm gợi sâu tâm trạng, không gian và thời gian không thể chia cắt ra được. Trong bóng tối buổi chiều, Tối ba mươi, Nhà mẹ Lê gợi cho ta hình dung ra bóng tối đang đổ ập về phía số phận những con người bé nhỏ đang hắt hiu như ngọn đèn trước gió. Cái nhìn lo âu của Thạch Lam đang xoáy sâu vào những khía cạnh còn khuất tất của hiện thực. Không gian sinh hoạt của đời sống phố huyện tù đọng, giam hãm con người. “Bóng tối trải dài trên quãng đường mấp mô chân trâu. Trên đường phố huyện le lói ánh đèn dầu, khoảng tối đêm ba mươi trong căn buồng nhà xăm, nơi cô gái điếm đang đón giao thừa hoặc khoảng tối trong “dãy nhà lụp xụp, thấp lè tè, xiêu vẹo trên bờ một cái đầm mà nước đen và hôi hám tràn cả vào đến thềm nhà. Trong cái hang tối tăm bẩn thỉu ấy, sống một đời khốn khổ những con người gầy gò, rách rưới”. Ngay cả khi không gian nghệ thuật được Thạch Lam hé mở chan hòa ánh nắng trong Dưới bóng hoàng lan, cũng chưa có một điều gì chắc chắn sẽ đem lại hạnh phúc cho con người, ngoài những lời hứa hẹn. Có khi, không gian nghệ thuật là một không gian lép. Người viết lướt qua không gian sinh hoạt, không gian hiện thực để vượt lên không gian suy tưởng, cô đúc vo tròn lại, nén lại trong phạm vi một chiếc dạ dày, như không gian của Sinh (Đói), trong một khoang xe như không gian của Thành (Cuốn sách bỏ quên), trong rạp hát như không gian của Người đầm... Từ những điểm của tâm tưởng, hay là dự trên một điểm của tâm tưởng về không gian quá khứ, về không gian song hành hiện tại, hoặc hướng về ước mơ tương lai không lấy gì làm chắc chắn để nói lên sự tồn tại chông chênh của thân phận con người.

Cái trục không gian - thời gian nghệ thuật của Thạch Lam là nơi tồn tại một thế giới khốn cùng, quẩn quanh, ngột ngạt, từng mảnh đời vụn vỡ, có ý nghĩa khái quát, trong đó hằn sâu lên sự vấn tâm - cũng là lời đối thoại với cuộc đời của tác phẩm - rằng, liệu con người có đủ sức vùng vẫy thoát khỏi tình trạng khốn cùng của cái không gian chật hẹp ấy không?

Trong sáng tác của Thạch Lam, không gian cá nhân bị dồn nén đến mức ngột ngạt, làm xuất hiện sự cô đơn của nhân vật, và không khí nhân vật tự đối diện với mình làm bộc lộ sự suy tưởng. Dưới bóng tre làng đen dày, trong căn nhà “ổ chuột” tối tăm, nhân vật của Thạch Lam miên man trong những suy nghĩ, độc thoại nội tâm, sự day dứt âm thầm và chua xót về đời mình: “Tâm dấn bước. Cái vòng đen của rặng tre làng Bằng bỗng vụt hiện lên trước mặt tối tăm và dày đặc. Tâm buồn rầu nhìn thấu cả cuộc đời nàng, cuộc đời cô hàng xén từ tuổi trẻ đến tuổi già, toàn khó nhọc và lo sợ, ngày nọ dệt ngày kia như tấm vải thô sơ. Nàng cúi đầu đi mau vào trong ngõ tối” (Cô hàng xén). Đối với mẹ Lê, cho đến cuối đời, trước khi chết trong cái đói vật vã của cả nhà và sự cấu xé của con chó nhà giàu, mẹ tổng kết cuộc đời mình: “Bác Lê tưởng nhớ lại cả cuộc đời mình, từ lúc còn bé đến bây giờ, chỉ toàn những ngày khổ sở, nhọc nhằn. Cái nghèo nàn không biết từ bao giờ đã vào nhà bác, từ lúc sinh ra bác đã thấy nó rồi” (Nhà mẹ Lê). Nhân vật Sinh vật vã trên chiếc phản gỗ, trong căn nhà tối tăm, chống chọi một cách bất lực với cái đói, đến nỗi “chàng chỉ muốn chết ngay lúc bấy giờ để tránh khỏi cái nghèo khó, nặng nề quá, đè ở trên vai” (Đói).

Nhớ lại, hồi tưởng lại được Thạch Lam sử dụng như một yếu tố của thời gian nghệ thuật. Thời gian quá khứ được hồi tưởng lại, bao giờ cũng được huyền thoại hóa với những ngọt ngào ấm áp. Nhưng với Thạch Lam, thời gian như là người bạn đường của đau khổ, nhớ lại, tưởng lại chỉ làm tăng thêm nỗi đau khổ trong hiện tại (Nhà mẹ Lê, Cô hàng xén, Một đời người, Người lính cũ, Người bạn cũ...). Thạch Lam sử dụng thời gian quá khứ để diễn tả tâm trạng, còn thời gian tương lai chỉ là một giả định, một khoảng mờ tối, không được hình dung rõ ràng. Những ước mơ đời thường của con người hầu như ít diễn ra, bởi vì con người lúc nào cũng loay hoay với cái ăn, cái mặc, chống chọi với đói rét trước mắt. Thời gian hiện tại là những sinh hoạt thường nhật, là thời gian hiện thực được miêu tả song hành với thời gian tâm trạng. Đối với Liên (Một cuộc đời), quãng thời gian lấy chồng, sống dưới sự khắc nghiệt của người chồng vũ phu và mẹ chồng ác nghiệt là thời gian nặng nề, đau khổ cả đời người, mới “Bảy tám năm qua mà Liên tưởng hình như lâu lắm, hình như đã hết nửa đời người”. Sự xuất hiện thường xuyên yếu tố lãng quên về khái niệm thời gian thường nhật, bởi sự tồn tại và chi phối của thời gian tâm tưởng: “Không nhớ là mấy tháng sau, anh Bảo đến chơi nhà tôi” (Người bạn trẻ); “Nàng không nhớ rõ gì cả. Ra đến sông lúc nào nàng cũng không biết” (Hai lần chết).

Thạch Lam là một nhà văn sử dụng không gian và thời gian đến mức nhuần nhuyễn trong quá trình sáng tạo. Không gian và thời gian chuyển động, thay đổi, tính cách nhân vật cũng thay đổi theo. Cùng với thay đổi thời gian nghệ thuật cũng mở ra nhiều chiều, nhờ có hồi tưởng, ước mơ...

Trên đây chỉ là mấy vấn đề cơ bản trong thi pháp truyện ngắn Thạch Lam. Cần phải có sự đi sâu nghiên cứu một cách đầy đủ hơn những vấn đề mà Thạch Lam đề ra cho đến nay vấn còn nguyên giá trị. Ví dụ, vấn đề tính chân thực, về nghệ thuật kịp thời và vĩnh cửu, về tính cách nhân vật, về thế giới quan và tài năng trong quá trình sáng tạo, quan niệm về thể loại tiểu thuyết... đã được ông trình bày trong tiểu luận Theo dòng (1941) cho đến nay đã hơn ba phần tư thế kỷ, vẫn còn mới mẻ, có giá trị khám phá.

Chỉ với khoảng thời gian hơn năm năm đi với văn chương, Thạch Lam đã để lại ba tập truyện ngắn, một tiểu thuyết, một tập bút ký, một tập tiểu luận và hai tập truyện viết cho thiếu nhi, đã kịp tạo nên một cái nhìn yêu thương, ấm áp đối với con người, tạo ít nhiều ảnh hưởng cho những người đến sau dõi theo hướng nhìn trong vùng sinh quyển của văn chương ông, như Hồ Dzếnh, Võ Hồng, Phan Du, Trần Thùy Mai... Điều đó đã đưa Thạch Lam càng gần gũi với đời sống văn học, với độc giả ngày nay.

P.P.P