Trong màu nắng tháng Ba...

17.03.2023
Huỳnh Thị Kim Cương
Khi màu nắng tháng Ba trải tràn trước ngõ, lòng ta lại bâng khuâng một nỗi nhớ không rõ hình thù. Dường như trong từng ngọn nắng tháng Ba luôn chất chứa những xốn xang, xao động lòng người.

Trong màu nắng tháng Ba...

Có lẽ, vì thế mà người ta thường dễ nhận ra cái nắng tháng Ba dịu dàng, e ấp như mơn man chút nắng xuân còn sót lại. Ta thường đạp xe vòng phố chợ, ngắm nhìn những bà mẹ quê ngồi nép mình bên chợ, buôn bán chút tấm lòng thơm thảo nhà quê. Bên góc đường ngày xưa mẹ ngồi, giờ mọc lên những căn nhà lạ lắm. Nhưng hình như bóng mẹ vẫn còn đó, phơi dài trên màu nắng tháng Ba. Chợ chiều đã vãng, chút nắng vàng vẫn còn lấp ló trên hàng cây đứng tuổi. Ta bước đi trong cơn gió chiều man mác, những miền ký ức ngày xưa hiện về chật đầy tâm khảm. Chợt nghe văng vẳng bên tai một lời rao vừa gần, vừa xa...

Dòng sông quê lững lờ theo từng con nước lớn ròng, ta đưa mắt nhìn những cánh lục bình vừa trôi vừa nở, một đời thầm lặng với quê. Ngỡ như mình chưa từng rời xa chốn quê xưa, rời xa màu khói lam chiều khắc khoải, rời xa những thanh âm vang động trong chiều. Bờ rào xưa mục rỗng, bầy nhện kéo về giăng kín cả miền tuổi thơ. Bếp nhà quê ấm những ngọn khói lên trời. Mẹ ngồi đổ bóng lên vách, từng giọt mồ hôi rơi bết vào mái tóc nhuốm đầy sợi bạc, mẹ nheo mắt nhìn ánh lửa liu riu thắp sáng một góc nhà.

Giây phút đó, ta chỉ muốn được trở về nép sau áo mẹ, nghe cổ tích xa xưa có ông Bụt già tóc trắng, có cô Tấm hiền lành chịu khó, có chàng Thạch Sanh dũng cảm... Những câu chuyện nghe đến thuộc làu nhưng không bao giờ cũ. Dọc ngang đường đời, có biết bao lần vấp ngã, hụt hơi tuổi thơ những xa hoa chốn thị thành, tưởng như ta đã bị cuốn vào vòng xoáy không thể quay đầu. Nhưng hình bóng mẹ vẫn hoài trong tim, những lời ru nhân nghĩa ngọt ngào, những câu chuyện hiền lành như mẹ cứ dắt ta đi qua tháng ngày đổ vỡ.

Tháng Ba cũng có ngày dành cho mẹ, để những đứa con vô tâm như ta có cơ hội nhìn lại, nhớ đến người mẹ quê tảo tần sớm tối. Mẹ ta suốt đời lam lũ lo cho chồng con, từng tháng năm đi qua đời mẹ như một vệt dài hun hút. Ta ngồi nhổ tóc bạc cho mẹ, tự dưng môi mắt rưng rưng. Mẹ già thật rồi... mà ta thì vẫn còn bé dại.

Tháng Ba như mang nỗi nhớ theo về. Ta đứng tần ngần trước ngõ nhà xưa. Hình bóng thân quê đã trôi về miền xa vắng, chỉ còn ký ức xanh nguyên ở lại. Những tiếng cười như rớt lại trên sân, ta nhớ cậu bạn ngày thơ chơi trò đuổi bắt, nhớ lúc té ngã trật chân, bạn đã thủ thỉ vào tai ta “khi nào lớn mình sẽ bảo vệ bạn”. Câu nói tưởng như vô tình đó đã đi theo ta suốt hành trình khôn lớn, để những chiều nắng bâng quơ ký ức như duỗi dài, không cách nào ngăn lại được...

Từng vòng xe chầm chậm trên đường, những tà áo trắng bay phất phơ trong gió. Ta như thấy lại đời mình trong ánh mắt lũ học trò tan học. Từng hạt nắng sóng sánh rơi trên làn tóc mênh mông, cái nắm tay ngại ngần như vẫn còn đây, bức thư vương màu mực mới như vẫn còn đây, bài hát xưa như vẫn còn đây âm vọngđến tận bây giờ. Chợt thấy, tháng Ba hiền lành đến lạ. Tưởng như mọi thứ sẽ quay về trong màu nắng tháng Ba.

Căn nhà xưa lại rộn ràng khuya sớm. Ba vẫn tất bật chuyện đồng áng, mẹ lại bận bịu với bầy heo, mảnh vườn nhà vun xới. Mỗi lần có dịp về quê, ta đều bước ra vườn, dang tay hít căng lồng ngực mùi vị của quê nhà. Mảnh vườn nhỏ lại được mẹ trồng đủ thứ cây trái. Mẹ thường nói “đất biết trả ơn người” khi mẹ cắm cây gì vào đất, nó lại xanh um tùm, rực rỡ đơm bông. Nhưng ta biết chính bàn tay chai sần của mẹ, chính những giọt mồ hôi mặn đắng đã vun đắp cho cây trái đâm chồi. Những tiếng chim trở về khu vườn cũ, chúng hót râm ran như rót mật vào chiều. Và hình như trong mảnh vườn nhà của mẹ, cỏ cây cũng biết mỉm cười... Tháng Ba về đứng với hiên nhà mẹ, nghe tháng năm đi qua đắp đổi nên mình.

(VNCA)