Nỏ bao giờ sai

30.03.2023
Tống Phước Bảo
Lừng khừng mãi chẳng thể từ chối được, cô cũng đồng ý thực hiện chuyến công tác. Cô đến chia sẻ vài điều cần thiết, tham dự tiệc chiêu đãi. Đây là vấn đề đối ngoại. Hai công ty cũng là đối tác với nhau hơn 10 năm rồi.

Nỏ bao giờ sai

Minh họa: HIỂN TRÍ

Ngay thời điểm kẹt người anh nhờ cô một lần vậy. Ông trưởng phòng giọng nửa như khẩn khoản nửa như mệnh lệnh. Trời hôm đó nhiều gió. Thành phố hôm đó âm trầm màu ghi đục. Cô rời công ty và đi lang thang dọc con phố sầm uất. Phố dần lên đèn.

Cô chọn cho mình một góc ngã tư quen, kêu ly nước, ngồi nhìn người lướt vội dọc ngang các nẻo đường. Quán cóc liêu xiêu dăm ba chiếc ghế đẩu. Nơi góc quán này, nhiều năm về trước luôn có những chiều bàn chân bước song đôi. Thoảng khi bà má già bán nước hay trêu cô, tính ở vậy thiệt luôn à? Cô cười bâng quơ. Bà má già cũng cười, bắc cái ghế ngồi cạnh cô.

Xuân thì con gái đâu có đợi ai. Chừng tới cái thời khắc heo may tự dưng mình lại tiếc cho cái thanh tân đời mình. Như má nè, bôn ba từ ngoài đó vào đây vì một người. Nhưng cũng vì một người mà rồi gieo neo phận mình nơi này. Nghe má đi nỏ bao giờ sai. Chiều lồng lộng gió lên những sợi tóc rối đen nhánh. Chiều cuồn cuộn gió lên những lọn mây lốm đốm trắng. Chiều thành phố chẳng biết buồn hay vui.

*
*       *

Máy bay đáp xuống sân bay lúc hơn bảy giờ tối, cô bước vội để ra đúng điểm hẹn cho tài xế chở thẳng về khách sạn. Chú tài xế già giọng Quảng đặc sệt nhưng nói chậm và rõ. Dọc con đường về, chú tài xế hỏi han cô đủ chuyện. Lần đầu đến Hội An thì cô phải đi quán này, phải ăn món kia. Nhớ đi Chùa Cầu nữa nhé.

Cô làm thủ tục nhận phòng. Căn phòng thiết kế đậm phong cách Hội An. Thứ phong cách chẳng lẫn vào đâu giữa nhiều phong cách trang trí người ta gọi tên Á, Âu, Ý, Pháp. Nhưng riêng cái kiểu đèn lồng, tường vàng và bàng bạc màu thời gian in lên mái ngói, rêu phong bám tường thì trong tâm tưởng biết bao người vẫn cứ là Hội An.

Cô ngả mình xuống chiếc giường đơn có mắc hàng vải voan mỏng màu kem đục. Ánh sáng trong phòng dìu dặt. Đêm sâu. Lòng đầy. Cô chợp mắt. Cô thấy bàn tay mình có ai đó nắm và dìu đi giữa những tán cây xanh. Bàn tay ấm, quen thuộc…

Hàng cây xanh nối dài trên con phố nhỏ nằm ngang hai đại lộ sầm uất. Tiệm bánh có cái đèn đường sơn màu đỏ. Anh hay đứng ngay góc đó mỗi chiều đón cô. Thoảng khi là bịch bánh tráng trộn, có lúc là mấy cái su kem… những thứ quà vặt kiểu để cô lót bụng buổi chiều chạng vạng rồi cùng cô dạo quanh những con phố lấp lánh khu trung tâm.

Cô gặp anh đúng ngay hôm đầu tiên đi phỏng vấn xin việc. Tòa nhà cao tầng hình búp sen nằm ngay phố đi bộ. Sàn nhà lót những viên gạch bằng đá hoa cương lớn và láng muốt vừa mới lau còn ướt. Cô loạng choạng trên đôi giày cao gót, hấp tấp sao đấy cô đánh rơi cả bộ hồ sơ và ngã sóng soài lên sàn nhà. Anh đến nhẹ nhàng đỡ cô và cởi cái áo khoác cột vào chân váy chữ A đang rách một đường dọc lên khá cao nơi chân cô. Cô đỏ mặt. Anh vẫn lạnh lùng chẳng mỉm cười dù khi ấy cả đám đông nhìn cô cợt nhã.

Mãi sau này khi đã đan tay nhau đi những ngày vui, những đêm muộn, những khoảng đường đầy nắng và ngập gió, anh bảo khi ấy chực trào cười nhưng nhìn ánh mắt ngấn nước của cô thì lại thôi, làm nghiêm mặt lạnh lùng. Đời anh sợ nhất phụ nữ khóc.

Má khóc ngày ba đi, xứ Tiên Phước của anh cơ cực lắm, ba chẳng thể cam lai cùng khổ cả đời với má. Trên chuyến xe hàng một mùa lòn bon nào đó, ba đi không trở lại.

Nghe người làng nói ba theo bà nhà giàu hay về xứ gom trái mấy mùa thu hoạch. Bữa nội ra ngoài chợ nghe người ta nói, nội về hỏi ý má còn muốn ở xứ lòn bon này nữa không hay về Thanh Hà. Má lặng im không trả lời. Chiều má dẫn anh lên đồi nhìn về khoảng trời mênh mông, má hỏi anh chọn đường nào? Anh kể đến đó rồi ngưng bặt.

Cô nhớ đó là năm thứ ba cô và anh yêu nhau, ngay lúc cô phải lựa chọn việc đi nước ngoài tu nghiệp theo quyết định công ty để tiến thêm những chặng dài sự nghiệp hay chọn ở lại cùng anh.

Đêm anh đưa cô về dãy nhà trọ ọp ẹp của anh, trong cái xóm nhỏ đường đan chéo nhau như cái bàn cờ. Anh bảo cô đi đi. Tuổi trẻ là tương lai. Chim trời chẳng ai có thể buột. Như quê anh đấy, lòn bon đúng mùa mới ra trái. Như hồi ba về là lúc anh đã có thêm đứa em trai cùng cha.

Mọi người lặng thinh nhìn nhau. Anh là người đầu tiên đến, nắm tay con bé dẫn ra vườn lòn bon. Mọi chuyện đều là duyên số. Chẳng ai có thể cưỡng cầu bất cứ đều gì trong cuộc đời này. Là duyên thì đến hay đi cũng là duyên. Nặng hay nhẹ của cuộc đời này là do bản thân mình biết nắm hay buông mà thôi.

Ngày cô đi, anh rời thành phố nắng ấm phương Nam.

*
*        *

Cô chọn quán cà phê Faifo ngắm trọn phố cổ buổi sớm trong lành mờ sương. Cô nhớ ngày còn quen nhau, cô bảo sẽ có lúc mình về xứ Quảng, đến Hội An và chụp những bức hình cùng anh. Anh chỉ cười bảo cô đợi khi cả hai đủ tiền. Anh mới ra trường vài năm, đang tích cóp xây lại nhà cho nội. Ba giờ đã có gia đình riêng, anh phải gánh vác chứ trách ngắn than dài cũng có thay đổi được gì đâu.

Những chuyến đi cuối tuần hầu như chỉ quanh quẩn những nơi gần thành phố, chưa bao giờ anh dẫn cô về Quảng dẫu là ngày tết hay nhà có giỗ. Anh bảo xứ nghèo còn thiếu thốn, cô về lại không quen nhiều thứ. Đợi đến một lúc nào đó mùa lòn bon ra trái, anh đưa cô về.

Nhưng, những mùa lòn bon tiếp nối cô vẫn chưa bao giờ về Tiên Phước. Những mùa lòn bon nơi xứ người cô tự hỏi anh ở đâu khi chặn hết mọi đường liên lạc. Anh chọn cách biến mất như thể chưa hề tồn tại. Ngày cô về, dọc ngang cả thành phố vẫn chẳng thể tìm thấy anh. Cô quen dần với những chiều lẻ bước.

Chú tài xế điện thoại báo cô ra đường lớn chứ giờ này phố cổ chẳng cho xe vào được. Cô vội vã nhìn ánh mặt trời chiếu lên từng mái ngói đỏ quạch nằm san sát nhau. Chiếc xe đưa cô đến buổi hội thảo phát triển du lịch tỉnh. Cô trình bày tham luận một cách nhanh chóng.

Cô đặt trọn niềm tin sự hồi sinh du lịch của một nơi mà thiên nhiên ban tặng núi sông hài hòa. Cô tin chắc nguồn khách quốc tế nơi công ty cô sẽ là một sự quảng bá tuyệt vời nhất dành cho xứ sở này. Cô nói mình thích phố cổ. Lần đầu tiên cô đến đây mà như thể gặp lại người tình. Cử tọa vỗ tay rần rần. Hội thảo còn mời đến một nông dân đã làm rạng danh xứ lòn bon.

Một người đã kết hợp được làng nghề và hình thành khu du lịch sinh thái. Anh chàng nông dân bỏ phố về quê bước lên bục cất lời chào, ánh mắt chạm nơi bàn đại biểu. Khoảnh khắc ấy, thời gian như ngưng lại với cô.

*
*          *

Bà má già bán nước nơi góc phố quen của thị thành phồn hoa hay nhắc về xứ Quảng với nhiều cái hay. Thể như sau khi rời khỏi bổn xứ gá phận mình nơi nào đó thì lòng vẫn cứ the thắt miền cố thổ. Bà má già hay kể chuyện núi, chuyện rừng, chuyện người, nhiều lắm những câu chuyện không đầu không đuôi. Nhưng khi hỏi sao không về lại xứ quê sau quãng đời mỏi mòn phiêu linh. Bà má già nhìn cô rồi cười xa xăm.

Theo người đàn ông yêu thương rời quê lên chốn này lập nghiệp, gồng gánh thêm ba mặt con, cứ vậy mà lay lắt đi qua bao mùa mưa gió dãi dầu. Chừng ngó lại, đã bạc màu sương mai. Mấy đứa nhỏ cũng đã ổn định công việc, ông chồng ra đi vì một khối u. Bán cái quán cóc cũng hai chục năm, từ hồi chưa có phố đi bộ, chưa có mấy tòa nhà cao cao.

Giờ thành quen, bán không phải vì tiền bởi tụi nhỏ đã đủ sức nuôi bà má già. Mà má bán vì cái tánh nhiều chuyện. Nghỉ một ngày khách hỏi, nghỉ hai ngày là họ điện thoại. Hồi dịch nghỉ ở nhà mấy tháng, khách hỏi còn đồ ăn không, có khẩu trang chưa. Trời nghe hỏi cái rớt nước mắt. Đất chật nhưng lòng người rộng. Chính cái thứ vô hình đó mới níu má lại đất này.

Thường thì kể vòng kể vo qua ngã ba ngã bảy thể nào bà má già bán nước cũng chốt hạ một câu. Nói gì nói, cứ phố Hội muôn đời là của sông Hoài, nỏ bao giờ sai. Như hồi cô nói sẽ ra Hội An, bà má già ngó chiều nghiêng qua thành phố, thở dài thườn thượt. Bà má già lấy giọng hò Quảng: “Ai về phố Hội Chùa Cầu/ Để thương, để nhớ, để sầu cho ai/ Để sầu cho khách vãng lai/ Để thương, để nhớ, cho ai chịu sầu”. Chuyến bay đêm đó cô chẳng biết là thương hay nhớ. Phải chăng là sầu?

*
*       *

Sau tiệc chiêu đãi, anh cùng cô đi dạo dọc sông Hoài. Phố Hội đêm lung linh hoa đăng. Cô hỏi anh vì sao ra đi? Anh lặng im rồi thì thào là vì thương. Thương đất quê nên về. Thương cô nên về. Đời anh chẳng có gì. Giữa liến xáo thị thành, cô cần một mái ấm sung túc, chứ chẳng phải căn nhà trọ trong một hẻm nghèo hun hút sâu.

Cô chẳng nói gì, chỉ nhìn đêm bắt đầu thưa người. Cô trầm mặc sau quãng đời xa xứ và xa anh. Anh mặn mà đáy mắt mênh mông ngày gặp lại. Cô như phố cổ với nét u hoài bảng lảng đón đợi sự chiêm ngưỡng.

Anh như sông Hoài lòng nước chứa những niệm lành của người đời gởi gắm. Người ta nói, đừng hôn ở Hội An, sẽ chẳng thể về nhà mình được. Cô có muốn về nhà không? Cô thương, cô nhớ hay cô sầu? Cô đâu thể trả lời giữa thời khắc này. Giữa đêm ngọt và môi mềm, cô tin, phố Hội muôn đời là của sông Hoài, nỏ bao giờ sai.

(QNO)