Tôi làm đường, được gặp ông Núp - Trần Phóng

04.06.2014

Tôi làm đường, được gặp ông Núp - Trần Phóng

Tôi đi lên đến Eo Xà lang thì gặp anh Ka, anh nằm trên võng do hai người dân công cáng xuống. Bốn mắt nhìn nhau thay lời chào hỏi. Tôi ghé tai sát mặt anh, nghe anh nói giọng thều thào: Mày lên thay tao!...Định nói thêm gì nữa nhưng lại hụt hơi, tắc tiếng. Anh Ka là cán bộ kỹ thuật, người Nghệ An, anh bị sốt rét ác tính. Ban Dân vận Khu 5 cử tôi lên thay anh. Về sau nghe nói anh được đưa ra Bắc điều trị.

Eo Xà lang là một đoạn đường đèo yên ngựa, nằm giữa Trà My- Quảng Nam và Trà Bồng- Quảng Ngãi. Hai bên đèo đã được dân công làm xong rồi. Phía bên này từ Trà Giáp lên, phia bên kia từ Trà Niêu qua, chỉ còn thi công hạ dốc đèo Eo Xà lang  là thông suốt đoạn đường ô tô từ ngoài Thạnh Mỹ- Quảng Nam vào đến Trà Bồng, qua ngầm Xà Lò đến thung lũng Tà Ma, Sơn Hà. Từ đây có đường lên Kon Tum do D215 đang thi công và một con đường đi xuống Ba Tơ, qua Dốc Cọp, tránh Minh Long, Giá Vực, đến Ngã ba Đá Chát, Phổ Cường- Quảng Ngãi, từ đó đi Bình Định.

Công trường làm đường do Ban Dân vận Quân khu 5 phụ trách, được tổ chức thực hiện sau hiệp định Paris năm 1972.

Lúc đó, lực lượng dân công mở đường là đồng bào Cor, Hre, Cơ tu, sau này có thêm các đơn vị Thanh niên xung phong của Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và tiểu đoàn D215. Tuyến đường Đông Trường Sơn thuộc địa bàn các tỉnh Khu 5 cũ dài mấy trăm cây số được đồng loạt thi công rầm rộ không kể ngày đêm, khí thế ngất trời.

Công việc của tôi là sáng sớm tinh mơ ra tuyến cắm cọc, chăng dây phía trên sườn núi; xác định vị trí hướng tuyến. Thi công thường là nửa đào nửa đắp để đỡ tốn công sức, sau đó cùng với một tổ đã được huán luyện kỹ thuật tiến hành đào hàng chục, hàng trăm lỗ dọc sườn đồi trên những đoạn đất đá cứng. Sau đó chôn thuốc nổ TNT đã nhồi kíp, dây cháy chậm. Phân công nhau mỗi người đốt một cụm, mỗi cụm khoảng năm, mười lỗ. Khi mìn nổ, đất đá tơi ra, dân công đến hiện trường đào, cuốc và trang đất ra thành đường. Lo nhất là việc kiểm tra hiện trường, nếu có lỗ mìn nào không nổ thì phải đào lên lấy lại thuốc và kíp. Cứ thế ngày qua ngày tuyến đường đất đỏ hiện dần ra. Ngày ấy ở chiến trường Khu 5 gọi là B1, làm đường bằng thủ công, dùng sức người là chính.

Một hôm sau khi đã thực hiện công việc kỹ thuật như mọi ngày, tôi lên đỉnh đèo lấy thuốc rê vấn hút. Lúc này con đường giao liên đi bộ đã dần dần thành đường cho ô tô chạy. Người dân trong nóc ông Trang, ông Đồi hay mang gà qué, rau quả bầu bí, phần nhiều là chuối, mít, thỉnh thoảng có cả mật ong...bày ở vệ đường để đổi hoặc bán cho người qua lại.

Đang lơ mơ theo làn khói thuốc thì nghe tiếng rì rào lao xao của một tốp người đang đi đến. Khi đến gần chỗ chúng tôi ngồi, họ dừng lại nghỉ chân và chia nhau mấy quả mít rồi cùng ăn. Chắc là mít này họ mới mua của người dân ở nóc. Họ đang ăn thì có một ông già trong số đó đứng lên, vừa nói ông vừa chỉ tay ra tứ phía. Ăn mít xong mọi người gom hết xơ mít lại, nhặt hột mít để riêng. Không chỉ nhặt hột mít của họ mà họ nhặt hột mít của những người trước còn bỏ lại bên đường. Sau đó họ chia nhau rải những hột mít đó ngay phía dưới sườn dốc của con đường. Có lẽ họ làm theo lời nói lúc nãy của ông già chăng?

Đoàn người chuẩn bị tiếp tục đi lên đỉnh đèo. Khi ông già đi ngang qua tôi, tự nhiên tôi bật đứng dậy, trân trân nhìn ông không chớp mắt! Dáng ông to lớn, tóc bạc phơ, trán cao, da dẻ màu đồng, anh mắt tinh anh, đuôi mắt có mấy vết nhăn như cười cười, tay ông cầm cây gậy dài ngang tầm vai. Ông bận bộ bà ba màu cỏ xanh nhạt, trên cổ quấn một chiếc khăn mặt loại dệt kim đông- xuân. Ông cùng mấy người đi ngang qua tôi thì dừng lại, nhìn tôi như dò hỏi. Lúc đó tôi đang bận bộ đồ Tô Châu đã sờn màu, đầu đội chiếc mũ tai bèo, chân đi dép cao su đúc, thắt lưng ngang hông đeo bình toong đựng nước uống, tay trái nắm một nắm dây cháy chậm đã gắn kíp. Ông nhìn tôi, thân mật nói:

- Ồ, chuyên gia làm đường hả? Tốt lắm!

Hồi đó những người không phải là bộ đội mà đi vào chiến trường thì gọi là đi B. Khi đi mỗi người được phát hai bộ quần áo, một bộ theo kiểu ông già và đoàn người đang mặc, một bộ theo kiểu tôi đang dùng, vì thế gặp là hiểu nhau liền. Ông hỏi tôi công việc có thuận lợi không. Ông mô tả các loại đất đá ở vùng núi này, rồi cách đặt mìn phá ra sao cho hiệu quả.... Tôi phấn khởi tiếp chuyện với ông một lúc. Thấy ông vui quá, tôi mạnh dạn hỏi ông điều phân vân lúc nãy:

- Hồi nãy thấy bác với mấy anh trong đoàn ăn trái mít xong, đem hột rải ra khắp rừng, làm chi vậy?

- Hà! Hà! Hà! Mình làm vậy là để người sau có mít mà ăn, mà tiếp tục đánh Mỹ chứ!

Ông già vừa cười vừa nói, giọng trầm ấm, hào sảng, vang vọng.

Về đơn vị nghe tôi kể chuyện lại, mọi người mới cho tôi hay đó là ông già Núp. Ông đi họp ở Khu 5 về. Lúc đó cơ quan Khu ủy còn đóng ở Nước Oa- Trà My. Như vậy từ chỗ tôi, đoàn của ông còn phải đi bộ mươi lăm ngày nữa mới tới Kông Ha Nừng, căn cứ Tây Nguyên.

Trời đất! Tôi đã gặp được ông Núp, một đại anh hùng của Tây Nguyên ngay tại đỉnh đèo Eo Xà Lang này. Không thể nào tin được!

Hồi học lớp Bốn, lớp Năm ở trường học sinh miền Nam, chúng tôi đã cùng  nhau chụm đầu lại, say sưa đọc cuốn Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc. Nhớ mãi câu chuyện anh hùng Núp bắn Pháp chảy máu! Người Ba Na làng Koong Hoa thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Chuyện như thần thoại!

Bây giờ gặp ông ở đây, bằng xương bằng thịt sừng sững giữa núi rừng Tây Nguyên, ông lại trở về để đánh Mỹ đấy!

Bậc thánh cũng không thể nào có được tính cách tự nhiên trong sinh hoạt thường ngày như vậy! Từ đó, trong suốt thời gian ở chiến trường Khu 5, hình ảnh và câu chuyện ăn trái mít của ông cứ in sâu trong tôi.

Mỹ mà biết chuyện đó, chắc nó bỏ cuộc từ lâu rồi!

Tháng 3/2014

                                                                                                               T.P

Bài viết khác cùng số

Gò ông Thức - Bùi Tự LựcNữ hoàng thuở 40 - Đỗ Nhựt ThưBao giờ? - Hoàng Thanh Thụy Đáo bỉ ngạn - Quế Hương Những cuộc gặp gỡ giữa Bác Hồ với danh họa Picasso và vua hề Charlot - Trần Trung SángMột cựu chiến binh làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ - Phương NghiTôi làm đường, được gặp ông Núp - Trần PhóngDharamsala- xứ sở bình yên - Nguyễn Nhã TiênThơ Phạm PhátDấu cũ - Nguyễn Hoàng SaVô ngại - H.ManTrong một giấc mơ xa - Võ Kim NgânLang thang qua đồng rau cũ - Trương Đình ĐăngTrở về một dòng sông - Thuận TìnhKhi cơn bão qua - Nguyễn Ngọc Hạnh Biển thanh xuân - Trương Điện Thắng Nằm mơ bóng nguyệt - Ngân Vịnh Hôn em trên đỉnh Trường Sơn - Đỗ Văn ĐôngNghe anh kể chuyện - Quốc Long Nhớ Hịch Tướng Sĩ - Lê Anh Dũng Bác Hồ của chúng ta - Nguyễn Thành Long Tháng 5 - Lê Huy Hạnh Ngày thăm lăng Bác - Nguyễn Công Toản Nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh qua đánh giá của Unesco - Trần Nguyên Hào Đất và người xứ Quảng - Người đại diện Nam triều ký bản đồ hình thành Đà Nẵng - Châu Yến LoanMột con người đầy suy nghĩ và giàu lòng nhân ái - Thanh Quế Cảm nhận bài thơ “Bóng chữ” của Lê Đạt - Lưu Phương ĐịnhTuyên ngôn tượng trưng Dạ đài – bước cách tân cuối cùng của phong trào Thơ Mới - Chế Diễm TrâmĐờn ca tài tử - Trần Hồng