Đờn ca tài tử - Trần Hồng

04.06.2014

Đờn ca tài tử - Trần Hồng

 

 

Tổ chức khoa học, Giáo dục và Văn hoá của Liên hiệp quốc Unesco tại phiên họp Uỷ ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể lần thứ 8 ngày 5/12/2013 đã diễn ra tại thành phố Baku, nước Cộng hoà Azerbaijan đã công nhận Nghệ thuật Đờn ca tài sản Nam bộ của Việt Nam là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Vừa qua, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh long trọng tổ chức buổi lễ đón nhận bằng của Unesco vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bà Katherine Muller Marin, đại diện Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hoá của Liên Hiệp Quốc Unesco đã trao bằng vinh danh  Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ. Đây là di sản Văn hoá phi vật thể thứ 8 của Việt Nam được Unesco công nhận là Di sản văn hoá đại diện của nhân loại và được bảo vệ ở cấp độ quốc tế, thể hiện sự trân trọng và ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam[1]. Bà Katherune Muller Marin nói: "Đây là một minh chứng sinh động về sức lan toả của văn hoá truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập của văn hoá thế giới tạo cơ hội để người dân trên toàn thế giới niềm hân hạnh được thưởng thức và hiểu rõ hơn về nền văn hoá tươi đẹp phong phú của Việt Nam".

Đờn ca tài tử Nam bộ là một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam đã hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, bắt nguồn từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế. Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc  trưng ở Nam bộ, là nghệ thuật của đờn và ca, do nam nữ thanh niên, những người bình dân ở nông thôn Nam bộ đờn ca sau những giờ lao động và nghỉ ngơi. Những người đờn ca tài tử là những bạn bè, chòm xóm với nhau, họ tập trung lại để cùng đờn ca vui chơi trong gia đình, đám giỗ, đám cưới, lễ hội sau khi thu hoạch vụ mùa xong, lúc rãnh rỗi vào những đêm trăng sáng trong xóm làng. Nguồn gốc của nhạc tài tử là ca Huế, giao thoa với dân ca, dân nhạc, từ Huế và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi trở vào. Đờn ca tài tử đang được phát triển ở 21 tỉnh, thành phố phía Nam Việt Nam là Ninh Thuận, Bình Thuận, Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Bình Dương, Bến Tre, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Long An, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long. Nhưng ở Bạc Liêu, Bình Dương, Tiền Giang và thành phố Hồ Chí Minh là những địa phương có nhiều nghệ nhân từ già đến trẻ, cán bộ công chức đều thông thạo đờn ca tài tử nhất.

Ban nhạc thường có năm nhạc cụ gọi là ban ngũ nguyệt gồm đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn nguyệt, đàn cò và đàn tam. Nếu ban nhạc gồm đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu gọi là tứ tuyệt. Sau này thay thế đàn bầu bằng đàn guitare phím lõm hay đàn Violon.

Cổ nhạc Tài tử Nam bộ có 20 bài bản Tổ gồm:

- Ba bài Nam

: Nam Xuân, Nam Ai + Nam Ai lớp Mái, Đảo Ngũ Cung + Song cước

- Sáu bài Bắc

: Lưu thuỷ, Xuân Tình, Phú lục, Bình bản, Tày Thi, Cổ bản

- Bảy bài lễ

: Xàng xè, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giả, Tiểu khúc

- Bốn bài Oán

: Tứ đại oán, Giang nam, Phụng cầu hoàng, Phụng hoàng cầu

- Bốn bài Oán phụ

: Văn Thiên Tường, Bình sa lạc nhạc, Thanh dạ đề quyên, Xuân nữ

 

Bạc Liêu rất tự hào về các nghệ sĩ cổ nhạc rất tài giỏi qua các thời kỳ như: Lý Khị, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Lư Hòa Nghĩa, Năm Nhỏ... Đặc biệt có nhạc sĩ Cao Văn Lầu tác giả bài Dạ cổ hoài lang nổi tiếng đã khởi nguồn ca vọng cổ cho sân khấu Cải lương và đờn ca tài tử Nam bộ phát triển đến ngày nay.

Từ xưa người ta cho rằng đờn ca tài tử mang tính không chuyên nghiệp có  nghĩa là tài tử. Thực tế về vai trò của nhạc sĩ và ca sĩ luôn hoà quyện song song với nhau rất bình đẳng, giữa nam nữ ca sĩ với người chơi nhạc.

Ta thấy rất rõ các nghệ sĩ, nghệ nhân của 21 tỉnh, thành phía Nam đã trình diễn nghệ thuật đờn ca tài tử tại buổi lễ đón nhận bằng vinh danh của Unesco hôm nay. Có thể nói, dù trải qua nhiều thay đổi, thăng trầm của lịch sử nhưng đờn ca tài tử vẫn luôn phát huy và phát triển không ngừng theo cùng nhịp sống của thời đại mà không làm mất đi những nét tinh tuý riêng, vẫn giữ được "Quốc hồn quốc tuý", vẫn đủ sức lan toả và hấp dẫn nhiều thế hệ người chơi và người thưởng thức rất say mê ngày nay.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc Unesco vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ thể hiện sự trân trọng và ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam. Đây không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Nam bộ của người Việt Nam chúng ta, mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự đa dạng các biểu đạt văn hoá trong kho tàng văn hoá thế giới. Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Tỉnh, Thành cùng các nghệ sĩ - nghệ nhân và nhân dân cả nước, nhất là các địa phương quê hương của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, với tất cả tình cảm và trách nhiệm hãy hợp tác chặt chẽ, triển khai có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, để loại hình nghệ thuật độc đáo này luôn được bảo tồn và phát triển, sáng tạo, luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào Miền  Nam, của nhân dân Việt Nam và của nhân loại.

 

T.H



[1] Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, Hội Gióng Hà Nội, Hát Xoan, Ca trù, Quan họ Bắc Ninh, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Đờn ca tài tử Nam bộ.

Bài viết khác cùng số

Gò ông Thức - Bùi Tự LựcNữ hoàng thuở 40 - Đỗ Nhựt ThưBao giờ? - Hoàng Thanh Thụy Đáo bỉ ngạn - Quế Hương Những cuộc gặp gỡ giữa Bác Hồ với danh họa Picasso và vua hề Charlot - Trần Trung SángMột cựu chiến binh làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ - Phương NghiTôi làm đường, được gặp ông Núp - Trần PhóngDharamsala- xứ sở bình yên - Nguyễn Nhã TiênThơ Phạm PhátDấu cũ - Nguyễn Hoàng SaVô ngại - H.ManTrong một giấc mơ xa - Võ Kim NgânLang thang qua đồng rau cũ - Trương Đình ĐăngTrở về một dòng sông - Thuận TìnhKhi cơn bão qua - Nguyễn Ngọc Hạnh Biển thanh xuân - Trương Điện Thắng Nằm mơ bóng nguyệt - Ngân Vịnh Hôn em trên đỉnh Trường Sơn - Đỗ Văn ĐôngNghe anh kể chuyện - Quốc Long Nhớ Hịch Tướng Sĩ - Lê Anh Dũng Bác Hồ của chúng ta - Nguyễn Thành Long Tháng 5 - Lê Huy Hạnh Ngày thăm lăng Bác - Nguyễn Công Toản Nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh qua đánh giá của Unesco - Trần Nguyên Hào Đất và người xứ Quảng - Người đại diện Nam triều ký bản đồ hình thành Đà Nẵng - Châu Yến LoanMột con người đầy suy nghĩ và giàu lòng nhân ái - Thanh Quế Cảm nhận bài thơ “Bóng chữ” của Lê Đạt - Lưu Phương ĐịnhTuyên ngôn tượng trưng Dạ đài – bước cách tân cuối cùng của phong trào Thơ Mới - Chế Diễm TrâmĐờn ca tài tử - Trần Hồng