Thiết kế mô hình đô thị và ứng biến kiến trúc công trình cao tầng tại các đô thị sinh thái – Mang đặc tính bản địa ở Việt Nam
Căn hộ Bình An Pearl tọa lạc số 2 Trần Não , Phường Bình An Quận 2
Từ những khía cạnh đó sẽ làm nổi bật lên đô thị thế kỷ 21, nhận thức được những thách thức về khí hậu, về nhu cầu chất lượng không gian, sức khoẻ cộng đồng, nơi ở tốt cho tất cả mọi người”. Từ đó, đưa đến thông điệp tổng quát: “Kiến trúc và quy hoạch đô thị có những vai trò quan trọng trong việc liên tục xây dựng các thành phố công bằng và bình đẳng hơn. Thiết kế là công cụ thiết yếu để góp phần vào quy hoạch thỏa đáng các đô thị, hiện thực hóa các ý tưởng, thúc đẩy thảo luận và đảm bảo tính khả thi của những sự biến đổi”[1].
Bức tranh toàn cầu hiện nay về đô thị cho thấy: “Thế giới đương đại đang bị uy hiếp bởi hình ảnh đô thị màu xám, nó khiến trái đất nóng lên, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng và con người đang phải đối mặt việc mất dần những không gian dễ thở”[2]. Đồng thời, nguy cơ về biến đổi khí hậu đã cận kề, và việc lựa chọn hướng hữu hiệu để đối phó của hầu hết các quốc gia vẫn còn nhiều lúng túng, chưa có đường hướng rõ ràng. Dịch bệnh Covid -19 đang diễn ra, làm cho loài người thêm bàng hoàng thức tỉnh vì cách lựa chọn cho môi trường sống lâu nay tưởng đã chuẩn thì nay lại bộc lộ quá nhiều vấn đề bất cập, cần tích hợp khẩn trương để tìm phương cách hóa giải, chấn chỉnh khả năng phát triển bền vững. Đô thị chính là nơi gánh hậu quả nặng nề và trực diện nhất của ảnh hưởng này.
Một vấn đề quan trọng đặt ra, làm cơ sở cho phát triển đô thị bền vững chính là lựa chọn mô hình thích ứng cho tương lai. Tập trung nghiên cứu vấn đề này cho thấy, trong 5 xu hướng phát triển đô thị chủ yếu hiện nay. Đô thị tích hợp (integral urbanism); Đô thị sinh thái (ecological urbanism); Đô thị nén tăng trưởng thông minh (compact city, smart growth); Đô thị phát triển theo định hướng giao thông công cộng (transit-oriented development-TOP urbanism), thì đô thị sinh thái là một hướng phù hợp tiến vào tương lai về tạo lập môi trường ngụ cư tốt đẹp, an toàn nhất của loài người.
Đã có hàng trăm định nghĩa về dạng đô thị sinh thái của các chuyên gia hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, dù có những tiểu tiết còn khác nhau, hầu hết định dạng về loại đô thị này đều chốt cơ bản ở sáu đặc trưng, đó là: (i) Giải quyết được vấn đề xâm hại ít nhất đến môi trường tự nhiên; (ii) Tích hợp đa dạng nhất việc sử dụng đất, chức năng đô thị và hoạt động của con người; (iii) Đạt được tỷ lệ cao nhất sự tự cân bằng khép kín cho đô thị, từng vùng đô thị; (iv) Giữ được chủ động việc kiểm soát phát triển dân số đô thị cân đối với năng thế môi trường một cách tối ưu; (v) Tạo lập được môi trường sống tự nhiên tốt để giữ sức khỏe tốt, tạo cảm xúc tốt cho tỷ lệ tối đa con người sống và làm việc tại đô thị; (vi) Tạo ra bản sắc, tính liên kết tự nguyện, dễ tiếp cận hình thái đô thị, đồng thời để con người dễ cảm nhận thấy tinh thần và ý thức của nơi chốn. Đồng thời, cũng thấy rõ những đặc điểm chung mà đô thị nào khi vận hành cũng sẽ gánh chịu: (1) Các TP, các khu vực đô thị hóa là nơi tiêu thụ hầu hết năng lượng và sinh ra hầu hết khí thải; (2) tính bền vững đạt hiệu quả nhất tại các khu vực đô thị khi mà sự phát triển của bản thân các khu vực đó dựa trên nguyên tắc phát triển đô thị bền vững; (3) các vấn đề về hình mẫu đô thị hóa, mật độ, giao thông công cộng, hình thái kiến trúc, độ trải rộng, quản lý nước và tài nguyên, chọn hướng mặt trời và ánh sáng tự nhiên, các hệ thống vận động, các chuỗi cung cấp… là cân bằng quan trọng trong quá trình đưa ra quyết định thiết kế đô thị; (4) thành phố với mô hình gắn kết, đa chức năng thể hiện được phương án tối ưu về không gian, tối ưu về dân số và tối ưu về sử dụng đất trong tương lai.
Xu hướng đô thị hóa vẫn đang diễn ra với tốc độ “vũ bão” mục tiêu chính là nhằm đạt kết quả hữu hiệu nhất cho tăng trưởng kinh tế nhanh, đột phá. Ngân hàng thế giới (WB) đã nhận xét: “Không quốc gia nào đạt được mức thu nhập cao và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ mà không trải qua đô thị hóa. Hầu hết mọi quốc gia phải đạt tỷ lệ đô thị hóa tối thiểu là 50% trước khi đạt được vị thế đầy đủ của một quốc gia có thu nhập trung bình”. Việc tiếp tục xây dựng các đô thị hiện hữu và tạo lập những đô thị mới là một nhiệm vụ tối cần thiết đối với mỗi quốc gia. Đại dịch covid-19 vừa qua cũng đã đặt thêm những thách thức mới, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để kịp thời bổ sung thêm vào những mô hình đô thị “ngày mai” này.
Tại Việt Nam, với tốc độ đô thị hóa bình quân chưa cao, hiện nay khoảng 3,4%. Do đó còn nhiều cơ hội giải quyết mâu thuẫn về giao thông, lựa chọn mô thức kiến trúc, nguồn cung cấp năng lượng, khả năng điều hòa không khí, vấn đề rác thải… Điều đó, càng đặt ra thách thức khẩn thiết, từ đó có các mục tiêu, giải pháp kịp thời và hiệu quả, nếu không muốn đi vào những con đường bế trì, đáng tiếc, không còn cơ hội cứu vãn.
Trên cơ sở: “Kiến trúc góp phần tạo lập môi trường sống bền vững; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng; phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu”[3]; “Phát triển kiến trúc đối với mỗi đô thị phải đảm bảo giữ được bản sắc, hài hòa với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trình độ khoa học kỹ thuật. Đảm bảo tính thống nhất trong việc quản lý từ không gian tổng thể đến không gian cụ thể của công trình kiến trúc; đảm bảo kết hợp hài hòa giữa quá khứ với hiện tại; có dự báo hợp lý trong tương lai; phòng chống thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu”[3]… thì mô hình đô thị ở Việt Nam với địa hình địa mạo sẵn có tự nhiên, truyền thống văn hóa đã hình thành gốc rễ, hiện trạng cấu trúc phân bố thành hình, và cả điều kiện xã hội hiện tại, việc lựa chọn mô hình ưu tiên là phát triển đô thị sinh thái, hoặc tạo lập các tiểu vùng sinh thái làm yếu tố chủ đạo trong phát triển đô thị là nên và cần được ưu tiên hơn bao giờ hết.
Vấn đề xây dựng mô hình đô thị sinh thái tại Việt Nam
Vậy, công việc tạo lập đô thị sinh thái theo điều kiện Việt Nam có gì tương tự và có gì khác so với mô hình chung thế giới? Đây là một vấn đề lớn – phức tạp, cần sự vào cuộc nghiên cứu sâu rộng và đầy đủ của các chuyên gia ngành kiến trúc, quy hoạch, xã hội học, văn hóa lịch sử, khoa học kỹ thuật… và các chế tài pháp lý phù hợp. Bài viết chỉ xin nêu một số quan điểm, bàn luận dựa trên nghiên cứu toàn cảnh. Trước hết phải thấy rằng, những nội dung chung về đáp ứng đặc trưng và các khía cạnh cần giải quyết của dạng này ở cấp toàn cầu là hoàn toàn phù hợp với Việt Nam, không nên bỏ bất cứ vấn đề nào. Cùng với đó, đô thị sinh thái ở Việt Nam rõ ràng cũng còn cần bổ sung những đặc thù riêng phải tuân thủ. Trước hết là tính bản địa vùng miền, cần thiết có phân định rõ thành các vùng miền khí hậu và thổ nhưỡng khác nhau, phong tục tập quán văn hóa khác nhau, cả lối ngụ cư khác nhau để lựa chọn mô hình phù hợp. Ví như đô thị ở miền núi phía Bắc thì phải tính kỹ đến tận dụng địa hình, mô hình cần chọn là “Thành phố trong rừng” hay “Rừng trong thành phố”, nhưng lại phải đủ độ thoáng đãng để mùa đông tràn đầy ánh nắng, không vùng tối u buồn lạnh lẽo. Ỏ miền Tây Nam Bộ thì lại khác, “đô thị sông nước” là mô hình cần gắn chặt, “sống chung với lũ”, khía cạnh quan tâm về sinh thái nhiều hơn ở đây lại là giải quyết lộng gió và tràn nắng. Đô thị ven biển luôn ưu tiên mô hình là “đô thị biển” thì cây xanh và tính bền vững đủ sức đương đầu bão giông lại được đặt lên hàng đầu, nhưng phía Bắc và phía Nam lại vẫn cần những giải pháp khác nhau… Tất nhiên các dạng đô thị này đều có điểm cốt lõi chung, tích hợp những vấn đề cốt lõi về giải pháp cho đô thị sinh thái nhiệt đới:
Thứ nhất, cần phải chú ý tạo nhiều hành lang khí động (dẫn gió) đúng hướng, kết hợp tạo trục dọc màu xanh giao lộ với các vành đai xanh, mở các ô xanh lớn. Công trình “cấy “ ở các hành lang xanh này phải tính toán với đầy đủ thông số để có quy mô, độ cao, khoảng cách không ảnh hưởng ở mức thay đổi đến luồng khí động. Đồng bộ với vận phối được hiệu suất sinh sôi quỹ đất “vùng xanh” để không bị mất cân bằng kinh tế trong khai thác sử dụng hiệu quả – cân bằng;
Thứ hai, địa hình cảnh quan tự nhiên nhiên phải được tận dụng tối đa và can thiệp tối thiểu. Môi trường tự nhiên phải được phát huy tốt nhất bằng các giải pháp kiến trúc thích ứng;
Thứ ba, tính kỹ hiệu suất đầu tư và hiệu suất lao động chung lại để đưa ra quyết định có tính chiến lược lâu dài và lợi ích trước mắt cân bằng;
Thứ tư, xác định định cư theo “chiều đứng” là tất yếu và trở thành bài toán chính phải giải quyết, dù điều này đi ngược với tập quán dân gian và có vẻ dễ mâu thuẫn với yếu tố “sinh thái”. Việc thay đổi đó là quá trình dịch chuyển không chỉ vấn đề ở, mà cả quá trình chuyển hóa về nghề nghiệp, trình độ, mức độ, lối sống, dịch vụ hạ tầng. Định cư theo chiều đứng càng chiếm tỷ trọng lớn thì tính khả thi về nguồn lực huy động phát triển xây đắp thành phố càng khả thi từ kinh tế quỹ đất, nhưng nếu vượt quá giới hạn cân bằng sẽ làm sụp đổ mô hình sinh thái của đô thị;
Thứ năm, về quy hoạch chấp nhận từ quần cư làng xã chuyển đổi thành quần cư điểm, phù hợp với dây chuyền công nghệ cung cấp năng lượng, nước, dịch vụ… và tổ chức ngành nghề, lối sống mới;
Thứ sáu, giúp người dân chuyển dịch tới những hình mẫu kiến trúc mới thích hợp để họ chuyển đổi cuộc sống thuân tiện và nâng cấp về tiện nghi, có sức hấp dẫn;…
Thứ bảy, chủ động đối diện và chủ động tìm giải pháp ứng biến hữu hiệu cho vấn đề “nén chặt trung tâm bằng cao ốc”. Rõ ràng là ở vùng càng nhiều cao ốc với độ dày đặc, thì xung đột xấu trong các vấn đề đô thị gia tăng và tính sinh thái càng bị đe doạ;
Thứ tám, đối phó với đại dịch có khả năng lây nhiễm hàng loạt theo đường không khí. Đây là một vấn đề không mới theo đề cập lý thuyết cũ, nhưng lại là một nội dung mới khi ứng dụng lý thuyết đã có vào thực tiễn, vừa qua đã tỏ ra rất nhiều bất cập. Giải quyết việc này phải bắt đầu từ khâu quy hoạch với cách tổ hợp “vệ tinh phân tách” từng vùng khu vực thành phố để biệt quản. Cũng cần xem xét tổ chức lại thích hợp các không gian công cộng ngoài trời và trong nhà, thiết kế lại mô hình các công trình chuyên biệt công cộng như bệnh viện, trường học, chợ truyền thống, siêu thị…; tổ chức lại mô hình nhà máy xí nghiệp, và còn nhiều vấn đề cần giải quyết khác. Tất cả đều phải dựa trên nền tảng nhu cầu giao tiếp trực diện và đông đúc của con người trong xã hội phát triển.
Thứ chín, chống chọi thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài các nội dung đã lồng ghép ở tám yếu tố trên, thì việc có những yêu cầu đặc biệt cần bài toán giải cho việc này. Nhất là trong điều kiện nước ta nằm trong vùng mưa bão thường xuyên – cao của thế giới, trong nhóm 1 chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Kiến trúc nhà cao tầng trong các đô thị sinh thái Việt Nam
1. Sự cần thiết của kiến trúc cao tầng trong các đô thị sinh thái
Từ việc tạo lập và phát triển thích ứng với nhu cầu thực tiễn đô thị trên thế giới, nhà cao tầng đã bắt đầu xuất hiện từ rất lâu và tạo thành điểm nhấn đô thị cho từng vùng, cụm nhà cao tầng xuất hiện ngày càng nhiều trong các khu vực đô thị nén. Ở châu Á điều này xảy ra muộn hơn, nhưng sự xuất hiện này hiện nay đã được chấp nhận như là một phát triển tất yếu của các đô thị phát triển. Người ta nhận ra một điều rõ ràng, nếu không có phương cách khai thác quỹ đất TP và tạo lập hình ảnh không gian ấn tượng cuốn hút từ những công trình cao tầng, TP sẽ không thể hình thành động lực phát triển hùng mạnh về kinh tế cho mỗi quốc gia, thậm chí sớm “chết yểu” do không tạo nên được hệ sinh thái nhân tạo hợp lý của thị trường và đô thị để nuôi dưỡng và phát triển chính đô thị đó. Tại Việt Nam, khi các TP phát triển theo “kế hoạch thuần túy bao cấp”, đến gần cuối thế kỷ 20, sự bình yên nghèo nàn của mỗi đô thị vẫn rất ổn định, đứng ngoài quy luật vận động về xung đột thị trường và đô thị, vì vậy ở đó hầu như chưa đặt ra vấn đề phát triển cao tầng, nhất là cao tầng vì kinh tế khai thác. Sang cuối thế kỷ 20, khi hệ thống kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được xác lập và vận hành, mâu thuẫn phát triển thiếu chiều cao của mỗi TP trở nên ngày càng trầm trọng, đặc biệt là khi chúng ta chợt nhận ra đất là một trong những tài nguyên quý giá nhất nhưng hữu hạn nhất. Trong hội thảo tại Nha Trang – Khánh Hòa mấy năm trước đây với chủ đề: “Nhà cao tầng trong đô thị nén – giải pháp kiến tạo bền vững”, nhiều chuyên gia đã đề cập xác thực về vấn đề này. Tại đó, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam đã cho rằng: “Nhà cao tầng tại nội đô cũng là một trong những chỉ tiêu của một đô thị phát triển bền vững. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc phát triển công trình cao tầng phù hợp với chiến lược phát triển đô thị là giải pháp khai thác hiệu quả không gian đô thị, cũng như chính sách trong chuyển nhượng quyền phát triển không gian”. KTS Khương Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, khi đề cập đến sự phát triển của Hà Nội và bức tranh chung phát triển đô thị Việt Nam giai đoạn mới đã khẳng định: “Hà Nội cần khoanh vùng khu vực phải bảo tồn, khoanh vùng khu vực cần phát triển. Tôi đồng ý quan điểm là cần đô thị nén, đô thị nén không có tội gì hết. Lịch sử để lại một đô thị chưa hoàn thiện thì có khó khăn là đương nhiên”.
Như vậy, với câu hỏi: “Đô thị sinh thái có nên và cần nhà cao tầng không?” hiện nay, vẫn có một hướng chuyên gia cho rằng không được làm cao tầng tại đây, vì khi đó yếu tố sinh thái bị phá vỡ. Nhưng rõ ràng không phải như vậy – Vì đô thị sinh thái trước hết và sau cùng vẫn là một đô thị, nên vẫn phải giải quyết trọn vẹn yêu cầu “tạo lập hệ sinh thái tự nhiên và nhân tạo hợp lý cân bằng của thị trường và đô thị”, để có khả năng “độc lập” bền vững trong kết nối phát triển. Chỉ có điều, cần giải quyết vấn đề đó theo mục tiêu sinh thái làm chủ đạo. Bài học về đô thị sinh thái không cần cao tầng ta có thể thấy rõ ở mô hình “TP vườn” của Ebenezer Howard từ những thế kỷ trước, một mô hình thật lý tưởng cho con người trong hài hòa gần gụi thiên nhiên, nhưng không thể tồn tại được vì mất cân bằng lớn về kinh tế – đô thị. Canberra, thủ đô Australia được xây dựng theo nguyên lý mô hình này dù đã có nhiều cải biên, nhưng đến giờ vẫn là một TP có sức hút cư trú kém xa Sydney và Melbourne, đóng góp rất nhỏ GDP cho quốc gia, dù điều kiện sống rất lý tưởng cho sức khoẻ con người.
Như vậy, có nghĩa là, đô thị sinh thái cũng phải dựa trên cơ sở làm sao để người dân đô thị có cơ hội tiếp cận với nơi ở riêng hợp túi tiền, đáp ứng nhu cầu chính đáng sinh sống và làm việc cho bản thân và gia đình, các nhu cầu chăm sóc phục hồi sức khoẻ vật chất và tinh thần cho mọi thành viên hiện hữu của đô thị. Phát triển công trình cao tầng, nhất là các công trình đa chức năng có thể làm giảm chuyển dịch về khoảng cách chức năng trong đô thị, làm tăng giá trị sử dụng – giảm thiểu lãng phí đất đai, bảo tồn cảnh quan sinh thái. Khi đó, ta có thể hình dung về khung phát triển đô thị theo mô hình sinh thái vẫn là: Nhà thấp tầng và cảnh quan cây xanh hài hòa, không tranh chấp với nhà cao tầng. Hai loại hình hoàn toàn có thể sống chung và hỗ trợ cho nhau, bởi vì nhà thấp tầng thuận tiện, phù hợp cung cấp tiện ích văn phòng, dịch vụ cho nhà cao tầng. Nhà cao tầng cung cấp quy mô dân số khả dĩ, có lợi cho người sở hữu mặt đất, thấp tầng. Đại dịch covid-19 vừa qua đặt thêm một vấn đề về khả năng kiểm soát lây nhiễm khi dịch bệnh, nhà cao tầng ngoại trừ cầu thang và giao thông chung cần phải nghiên cứu lại, đã đóng góp hai khả năng ưu thế quan trọng: Do quần cư điểm, nên việc khoanh vùng kiểm soát là thuận tiện và tối ưu hơn dạng thấp tầng phân tán; Với quần cư cao tầng, nếu xác lập kiểu vận hành hoạt động cá nhân con người trong hành vi giao kết hàng ngày theo phương châm “15 phút đi bộ” thì mô hình cao tầng rất phù hợp cho việc thực hiện trong thực tế.
Vì vậy, yếu tố “ngoại lai” hiện hữu, bắt buộc và khó “nhằn” nhất tại các đô thị ở Việt Nam nói chung và đô thị theo mô hình sinh thái nói riêng – công trình cao tầng là nhiệm vụ khó giải quyết nhưng bắt buộc nếu đô thị muốn tồn tại phát triển và quốc gia muốn tăng trưởng về kinh tế, dù đây là loại hình không hề có trong truyền thống, đại đa số cộng đồng Việt Nam sống ở đô thị trước đây hay miền quê cũng đều chưa quen với tập quán này. Chúng ta cũng cần nhìn rõ, sự ứng biến kiến trúc cao tầng với đô thị sinh thái nếu không khéo sẽ đặt ra hệ lụy phức tạp, với nhiều nguy cơ về hậu quả xấu hơn hẳn so với công trình thấp tầng, nhất là công trình cao tầng ở các vùng nén.
Tuy vậy, tại các đô thị Việt Nam nói chung, cho thấy le lói bức tranh giải quyết các vấn đề này đã có những hiệu quả tốt, dù các đô thị đó chưa phải là tại các đô thị thuần sinh thái. Ở các TP lớn, nhiều tổ hợp mới, “cấy nguyên khối” vào đô thị, yếu tố sinh thái đã trở thành nền tảng kiến tạo. Tại đây, vùng sinh thái trong lòng đô thị đã hình thành nguyên thân và có khả năng đầy đủ để tiến vào tương lai theo yêu cầu, nếu không bị vì lợi nhuận hoặc những mục đích khác mà bị điều chỉnh tăng mật độ, tăng chiều cao tầng ở giai đoạn tiếp theo. Dạng này ở Hà Nội như: Ecopark, Vinhomes Riverside, Oceanpark…; ở TP HCM như: Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm, Vinhomes Grand Park, Vinhomes Central Park, Celadon City, Thảo Điền… Còn tại các đô thị còn nhiều cơ hội trở thành mô hình sinh thái toàn vẹn hơn (như các đô thị nghỉ dưỡng Sa Pa, Đà Lạt…), đô thị tỉnh lỵ toàn quốc, các đô thị vùng núi, ven biển, sông nước, thì hiện nay may mắn là hầu hết tổ hợp cao tầng mới dừng ở kế hoạch nhiều hơn, do nhu cầu sử dụng thực tế chưa tạo sức ép, hoặc chưa huy động được nguồn lực. Xung quanh vấn đề nghiên cứu, cũng cần đồng hóa ba khái niệm “xanh”, “sinh thái” và “bền vững” cơ bản là một. Tuy có những chi tiết bao hàm còn chưa thật thống nhất – “Kiến trúc xanh hoặc bền vững đơn thuần là những thuật ngữ khác nhau về vấn đề thiết kế vì thiên nhiên và thiết kế vì môi trường”[4]. Đó là dạng kiến trúc với sự góp phần của sinh thái, bảo tồn, bền vững vì cộng đồng và môi trường.
2. Chọn mô hình Kiến trúc cao tầng phù hợp đô thị sinh thái và khu vực đô thị sinh thái Việt Nam
a. Bài toán tổng quan:
Những tồn tại căn bản trong thiết kế nhà cao tầng xanh ở Việt Nam: Về tiêu chuẩn hiện tại, chưa có các tiêu chuẩn riêng hoặc quy định riêng cụ thể; khâu quy hoạch cũng chỉ mới dừng ở mức khoanh lô, quy định mật độ, chiều cao tầng, hoàn toàn chưa có quy định nào liên quan đến yêu cầu “xanh” cho công trình. Về khoảng lùi, cây xanh, mặt nước, thông gió, chiếu sáng…đang ở dạng khuyến cáo; bên cạnh đó cũng chưa có các yêu cầu về môi trường khí hậu, các chỉ tiêu sinh khí hậu, an toàn sức khoẻ… cấu trúc, vật liệu, công nghệ xây dựng…; thẩm mỹ cho loại công trình cũng chỉ nêu tổng quát. Trong lúc đó, các mục tiêu kinh tế lại cho phép các chủ đầu tư đặt ra quá cao, không quy định trần giới hạn rõ ràng; hoàn toàn vắng bóng những yêu cầu về phòng chống dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Như vậy, việc xác định rõ tiêu chí riêng cho thể loại công trình sinh thái cao tầng là rất cần bài bản cụ thể. Giải pháp khung cũng nên được áp dụng cho giai đoạn sắp tới.
Về xác định tiêu chí với các công trình cao tầng sinh thái, có thể cơ bản gồm [5]:Xác lập hiệu quả cân bằng năng lượng của công trình và sử dụng kính: Khai thác nhiều khí tự nhiên và giảm điều hòa không khí ở mức đạt ngưỡng (thế giới quy định 30-50% với công trình xanh); giảm được tối đa (trên 40%) lượng nhiệt bức xạ mặt trời truyền qua kết cấu bao che của tòa nhà (xác định bằng hệ số OTTV); giảm thiểu tính toán sử dụng kính low-E; sắp xếp mặt bằng công năng các tầng của tòa nhà hợp lý theo hướng tự nhiên (các phòng ở làm việc hướng Nam – Đông Nam, khối phòng phụ trợ, cầu thang, khu phụ nằm ở hướng Tây…);
Vị trí xây dựng công trình và mật độ xây dựng: Cần quan tâm đến vị trí sinh thái của khu đất, xét đến khoảng cách từ các dòng chảy: Đường phố, sông, biển, dải xanh đến công trình. Làm sao tạo được thông thóang xuyên phòng tốt nhất; ánh sáng tự nhiên được khai thác ổn định và thuận lợi nhất, tránh che tầm nhìn đẹp, chắn gió, gây hiệu ứng đảo nhiệt độ thị…;
Mật độ xây dựng cụm khối, khu vực và phân bố cơ cấu tầng cao cho từng công trình: Liên quan lớn đến tỷ lệ không gian xanh, là một chỉ số quan trọng đánh giá mức độ “đạt” về sinh thái. Cây xanh được xác định rõ là lá phổi của đô thị dễ thở và thở sạch, vừa là yếu tố quan trọng ngăn hiệu ứng đảo nhiệt. Tính toán kỹ để xen thấp tầng trong vùng cấu trúc đáp ứng cân bằng công năng hoạt động, nhưng không ảnh hưởng yêu cầu sinh thái.
Chất lượng môi trường và mức độ tiện nghi sinh khí hậu trong công trình: Xét từ các không gian chuyển tiếp trong và ngoài nhà; các sân chung và riêng; không gian giao tiếp gặp gỡ; các không gian riêng cho mỗi bộ phận thao tác và sinh hoạt; các không gian phụ cũng cần tiện nghi và đảm bảo thông thóang theo yêu cầu…;
Khả năng phòng chống dịch bệnh lây lan: Đây là một yêu cầu mới đặt ra. Cần có giải pháp thỏa đáng từ giải quyết không gian chung ngoài nhà, trong nhà, đến khả năng tách biệt cho từng nhóm cụm để giảm thiểu ảnh hưởng lẫn nhau. Trong mỗi khu vực chức năng cũng cần có giải pháp dự phòng hợp lý cho ngăn chia, cách ly khi có yêu cầu đặt ra bất thường. Các hệ thống trang bị và thiết bị phụ trợ cũng cần được tính đến trong tổng hòa giải pháp.
Hình thái công trình: Kiến trúc hiện đại, bản sắc, tốt công năng, giàu thẩm mỹ, có tính xã hội nhân văn cũng là những yêu cầu không thể thiếu của loại công trình này.
Các giải pháp kiến trúc khung để “tạo xanh” cho nhà cao tầng tại đô thị sinh thái:Đón không khí tự nhiên tối đa, giải pháp của kiến trúc truyền thống Việt Nam: Qua nghiên cứu sinh khí hậu cho thấy, các vùng nóng ẩm như nước ta rất cần có gió tự nhiên, có thể tăng cường bằng hệ thống quạt. Đóng kín sử dụng thụ động điều hòa là giải pháp tạo độ hoạt năng thấp hơn, bất lợi hơn nhiều về sức khoẻ, lại có khả năng lây lan mạnh dịch bệnh. Trong khi đó, vùng nóng khô ở nhiều quốc gia khác thì lại cần kín gió. Tại Việt Nam, thống kê cũng cho thấy trung bình có đến 40% số giờ trong một năm thời tiết tự nhiên nằm trong vùng tiện nghi, tức là thời tiết tự nhiên hoàn toàn có khả năng giao hòa “miễn phí” trong và ngoài nhà nếu có giải pháp thiết kế hợp lý. Đặc biệt là các TP ven biển thì tỷ lệ số giờ tiện nghi đề đạt mức trên 70%; Tổ chức sân vườn – bộ phận gắn kết hữu cơ quen thuộc với truyền thống: Đối với nhà cao tầng sinh thái, đây cũng là giải pháp bắt buộc. Với giải pháp tốt nhất là tạo lập sân vườn riêng theo từng hộ sử dụng. Tuy nhiên, cũng chấp nhận giải pháp sân chung theo cụm khối. Việc tổ chức cây xanh tràn lan như một số nhà cao tầng hiện nay không bất hợp lý, nhưng chưa phải là nhất thiết.
Mái xanh, mặt đứng xanh – một dạng tiếp biến truyền thống sáng tạo: Cảnh quan đứng (vertical landscaping) cần được xem là một bộ phận “mới” thiết yếu của cảnh quan đô thị. Đó cũng chính là giải pháp tốt để bù đắp phần xanh đã lấy đi của đô thị khi xây dựng công trình. Mái xanh là một phương án có hiệu quả cao, trong bài toán đặt ra với nhà cao tầng ở đô thị sinh thái. Tỷ lệ tối thiểu diện tích mặt bằng mái đề xuất phải đạt trên 30% công trình trong từng cụm. Giải pháp này có khả năng mang lợi ích kép, vừa tạo yếu tố xanh cần có cho sinh thái vừa giải quyết yếu tố tự cân bằng sinh sống hàng ngày, thậm chí sinh lợi kinh tế cho đời sống gia chủ; Giảm tối đa bức xạ mặt trời chiếu lên vỏ nhà – việc mà mái nhà truyền thống đã giải quyết tốt: Cần tạo bóng và che nắng nhiều nhất cho vỏ bao che, đặc biệt là các tường nhà ở hướng bất lợi. Giảm kính đến mức cần thiết cũng là một yêu cầu quan trọng vì xử lý bức xạ ở vùng nhà, thì phần bao che kính là khó khăn nhất. Chọn hướng tốt cho tòa nhà kết hợp sắp xếp mặt bằng sử dụng hợp lý cũng là những yếu tố cần thực hiện. Trong lựa chọn mặt bằng, các hình lượn tròn – triệt hướng bất lợi hơn là hình góc cạnh. Cấu trúc che nắng, tạo bóng cho vỏ bao che bằng giải pháp chủ động là rất nên đối với vùng nhiệt đới, tuy nhiên phải kết hợp chặt ý tưởng thẩm mỹ;
Tạo các loại sân xen kín – hở giữa các khối cao tầng là cách phát huy vận dụng từ truyền thống: Cần phải tạo các sân trong này để đón, hút và điều hòa gió. Đồng thời các sân này cũng là nơi pha loãng và triệt tiêu khí thải, nguồn lây dịch bệnh, tạo tầm nhìn dễ chịu cho các cửa sổ đơn nguyên trong các khối đối diện, đan chéo trong cùng tổ hợp;
Liên kết, cân bằng toàn hệ thống năng lượng và hệ thống cấp thải nước chủ động: Là một yêu cầu chung cho các công trình sinh thái. Việc này cũng cần ưu tiên giải quyết hiệu quả, phải đạt được tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch, tái tạo và hệ thống nước xử lý tuần hoàn càng kín càng tốt;
Giải pháp cho phòng chống lây lan dịch bệnh: Cần đặt ra và giải quyết cụ thể phù hợp với từng thể loại công trình, cụm công trình cao tầng. Bao gồm cả lây lan chủ động và lây lan bị động. Trong đó, giải pháp phải hướng tới cơ bản cho hoạt động bình thường thường xuyên là chính, nhưng cần có khả năng điều chỉnh linh hoạt khi dịch bệnh xảy ra. Giải pháp này không được tăng vô lý giá thành xây dựng và không bị lãng phí khi sử dụng bình thường;
Giải pháp phòng chống thiên tai – chống biến đổi khí hậu: Được đặt ra và giải quyết đồng bộ. Cách thực hiện như công trình cao tầng bình thường, kết hợp với các giải pháp riêng cho dạng nhà cao tầng sinh thái một cách hài hòa hiệu quả.
b. Một số lưu ý đối với từng dạng đô thị:
Với công trình cao tầng tại các vùng nén đô thị hiện hữu không còn khả năng điều chỉnh được cấu trúc: Việc bổ sung những giải pháp trên nên đặt ra và thực hiện tối đa theo khả năng cấu trúc và kinh phí. Đó có thể là xanh hóa mái và tổ chức các vườn đứng để tăng độ che vỏ chống bức xạ. Bổ sung các hệ thiết bị tạo năng lượng tái chế. Tổ chức lại các hệ thống sân vườn xen…
Với công trình cao tầng tại các vùng nén đô thị còn có khả năng điều chỉnh được cấu trúc nhất định: Cần thực hiện triệt để các nội dung còn có thể điều chỉnh được theo các tiêu chí “xanh” cho từng công trình. Nên phân loại các công trình còn khả năng điều chỉnh để thực hiện riêng biệt và phối hợp.
Với công trình cao tầng xây dựng điểm nhấn cho các đô thị đã hình thành theo hướng sinh thái: Đây là cơ hội để tạo lập những kiến trúc độc lập, có khả năng trở thành đơn vị cân bằng sinh thái độc lập. Đồng thời, hoàn toàn có khả năng tạo thành các điểm nhấn về kiến trúc hướng vào tương lai cho chính đô thị đó. Việc giải quyết này cũng cần đồng bộ với không gian khu vực có công trình và kết nối chặt chẽ với hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh; Đối với công trình cao tầng tại các đô thị quy hoạch xây dựng mới theo hướng sinh thái: Bài toán với các đô thị này có thể áp dụng 100% các tiêu chí, giải pháp đã nêu và những tiêu chí giải pháp học tập trong quá trình hội nhập. Cách vận dụng cần hết sức linh hoạt hài hòa, nhưng không tách rời và hạ thấp những yêu cầu cơ bản. Thẩm mỹ kiến trúc đối với các dạng công trình này là cánh cửa rộng mở cho mỗi cơ hội sáng tạo. Tuy nhiên cũng cần tính đến yếu tố ăn nhập, tương tác với những công trình, cụm công trình lân cận và cảnh quan chung toàn đô thị.
Sơ bộ tóm lược, việc tạo lập đô thị sịnh thái – hay gọi tổng quát là đô thị xanh là một hướng đi hợp lý, cần thiết và đúng thời điểm cho Việt Nam trong tương lai phát triển và hội nhập. Trước hết đó là vì an toàn sức khỏe về vật chất và tinh thần cho cộng đồng, đồng thời tạo những nền tảng phát huy cân bằng sinh thái kinh tế – đô thị. Ở Việt Nam, sự đặc sắc riêng của văn hóa từng vùng miền cũng tạo nên một cơ hội lớn hơn cho những tạo lập đó. Gải pháp ứng biến nhà cao tầng tại các đô thị sinh thái trên thế giới, trong đó kiến trúc là yêu cầu dẫn dắt đã diễn ra rất quyết liệt, có nhiều thành công, nhưng cũng còn nhìn thấy những thất bại đắt giá. Đó là bài học quý cho Việt Nam chúng ta để chọn lựa được những hướng đi phù hợp nhất, vừa mang tính phổ cập đại chúng thế giới, cũng mang đến những mảnh đất thú vị đặc sắc cho KTS, trong môi cảnh vùng đất kiến tạo giàu chất liệu văn hóa truyền thống, hiện còn “hoang hóa” và là cơ hội lớn để giới nghề có thể “khai khẩn”.
(Tapchikientruc.com.vn)