Sống gần dân, thương dân và vì dân

19.05.2016

Sống gần dân, thương dân và vì dân

Trong bài "Chủ tịch Hồ Chí Minh" (tháng 5/1960), Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: "Đời sống của Hồ Chủ tịch rất giản dị, thanh đạm. Hồ Chủ tịch thường nói: Nước ta còn nghèo, chúng ta không thể sống khác đồng bào. Bao lâu quen đời sống khắc khổ, Hồ Chủ tịch không thể có đời sống khác, không thể chịu lối sống xa hoa" (Sách "Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ", NXB Văn học, Hà Nội, 1973, tr. 254).

Thật vậy, Bác Hồ luôn luôn sống gần dân, đồng cam cộng khổ với nhân dân, cảm thông sâu sắc với nhân dân. Lời nhắc nhở của Bác đối với cán bộ, đảng viên: "Chúng ta không thể sống khác đồng bào" thể hiện lòng yêu nước, thương dân vô hạn, lối sống giản dị và khiêm tốn của Người - một phẩm chất đạo đức cách mạng hết sức cao đẹp.

Những năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Bác Hồ đã phải kiếm sống bằng nhiều nghề bình thường nhất: nấu bếp, bồi bàn, thợ ảnh… sinh hoạt kham khổ với bánh mì không và vài ba bộ quần áo thợ thuyền. Những đêm rét buốt ở Paris, Bác phải nướng nhờ viên gạch trên bếp lò, rồi bọc báo lót dưới giường nằm. Sau ngày đất nước giành được độc lập (9/1945), nạn đói hoành hành, Bác Hồ đã vận động cán bộ và nhân dân bớt bữa, lập "Hũ gạo cứu đói" để giúp đỡ đồng bào nghèo, và chính Bác làm gương về việc này.

Năm 1958, khi Bác đi thăm các nước bạn, Bộ Chính trị mới "bí mật" làm cho Bác một ngôi nhà sàn như của đồng bào Việt Bắc, với vài ba phòng đơn sơ. Bữa cơm hàng ngày của Bác chỉ có vài món giản đơn, Bác thường thích ăn cá kho tương và cà pháo nén - những món ăn thường thấy của đồng bào Nghệ - Tĩnh.Những năm kháng chiến chống Pháp, Bác ở chung với đồng bào Việt Bắc, ăn chung với các đồng chí giúp việc, cùng chịu rét mướt với bộ đội và dân công. Hòa bình lập lại, tháng 10/1954 trở về Hà Nội, Trung ương Đảng muốn Bác đến ở tòa nhà to đẹp của Phủ Toàn quyền, nhưng Bác nhất quyết từ chối, mà chỉ ở căn nhà nhỏ vốn là nơi ăn ở của một người thợ điện phục vụ cho Phủ Toàn quyền trước kia.

Lúc ăn, Bác không để rơi vãi một hột cơm; ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại thì được sắp xếp tươm tất để dùng cho bữa sau. Điều đó chứng tỏ Bác rất quý trọng công sức lao động của nhân dân và tôn trọng những người phục vụ. Năm 1957, Bác về thăm quê. Lúc ăn cơm với đồng chí Nguyễn Sĩ Quế (Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh khi đó), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và một vài đồng chí khác, Bác đã để bớt ra ngoài mâm mấy món ăn, rồi nói: "Ăn hết, lấy thêm. Không ăn hết, để người khác ăn, đừng để người ta ăn thừa của mình".

Thấy chiếc xe Bác dùng, do Liên Xô tặng, đã quá cũ, Trung ương muốn thay xe mới cho Bác, nhưng Bác nhất định không thay xe. Bác thường nhắc nhở, phê phán hiện tượng nhiều cán bộ, đảng viên lợi dụng chức quyền của mình để "vinh thân phì gia", tham ô lãng phí. Ngôi nhà tranh của gia đình Bác ở quê hương Nam Đàn vẫn nguyên vẹn như hồi cuối thế kỷ XIX khi Bác mới sinh thành, không biến thành biệt thự lộng lẫy với những tòa ngang dẫy dọc và những tiện nghi đắt tiền như của nhiều cán bộ, viên chức thời nay!

Nhà thơ Tố Hữu có nhiều dịp được tiếp xúc, làm việc với Bác, đã viết về "tài sản" của Hồ Chủ tịch:

Nhà gác đơn sơ, một góc vườn
Gỗ thường mộc mạc, chẳng mùi sơn
Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối
Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn

                              (Theo chân Bác)

Hai bộ kaki bạc màu, vài bộ quần áo nâu đồng bào gửi tặng, đôi dép cao su, chiếc đài bán dẫn Bác nghe tin thời sự, mẩu bút chì xanh, đỏ Bác thường dùng khi đọc báo và đánh dấu những gương "Người tốt, việc tốt" để gửi tặng huy hiệu của Người, chiếc máy chữ (loại cũ) Bác được tặng, cho đến món tiền tiết kiệm từ nhuận bút viết báo, viết sách và từ đồng lương của mình, Bác cũng thường trích ra để tặng các cụ già và các em thiếu nhi kiểu mẫu, tặng bộ đội trực chiến. Đấy là tất cả tài sản của vị lãnh tụ tối cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta!

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết rất sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Rất lạ lùng, rất kỳ diệu là trong 60 năm của cuộc đời đầy sóng gió diễn ra ở rất nhiều nơi trên thế giới cũng như ở nước ta, Bác Hồ vẫn giữ nguyên phẩm chất cao quý của một người chiến sĩ cách mạng, tất cả vì nước, vì dân, vì sự nghiệp lớn, trong sáng, thanh bạch, tuyệt đẹp" (Sách đã dẫn, tr. 278).

Từ lối sống giản dị, thương dân, gần dân, đồng cam cộng khổ với nhân dân, Bác đã hiểu và đồng cảm sâu xa tâm nguyện của nhân dân. Từ đó, Người xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh, thu hút được các bậc hiền tài ra giúp nước, đề ra những chủ trương, chính sách mang tính cách mạng, hợp lòng dân, nhằm đem lại độc lập cho đất nước, tự do, dân chủ và hạnh phúc cho nhân dân. Cũng vì thế, Bác Hồ được toàn dân vô cùng kính yêu, biết ơn và tuyệt đối tin tưởng đi theo con đường cách mạng của Người! Cũng vì thế, Bác Hồ được UNESCO vinh danh: "Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới"!

"Chúng ta không thể sống khác đồng bào"! Bác Hồ đã làm đúng như điều Bác nói, trở thành tấm gương sáng ngời về lẽ sống "Tận trung với nước, tận hiếu với dân" và "Cần - Kiệm - Liêm - Chính, Chí công vô tư". Đó cũng là lối sống thủy chung như nhất, giản dị mà vô cùng cao đẹp - lối sống của "người đầy tớ thật trung thành của nhân dân" (Di chúc) mà Bác Hồ đã suốt đời thực hiện.

Đào Ngọc Đệ 
(vnca.cand.com.vn)