Tư tưởng Hồ Chí Minh về tuyên truyền điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước

15.07.2019

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tuyên truyền điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước

Bảy mươi mốt năm trước, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” nêu rõ mục đích, phương châm, khẩu hiệu thi đua và tin tưởng: “Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi”.

Lời kêu gọi không chỉ có ý nghĩa, tác dụng lúc đó mà trở thành lời hiệu triệu, cổ vũ và là kim chỉ nam cho phong trào thi đua yêu nước lập thành tích kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người hiện nay của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; nhất là việc vận dụng sáng tạo và thực hiện hiệu quả lời dạy của Người về bồi dưỡng, phát động việc học tập và làm theo các điển hình tiên tiến.

“Bồi dưỡng và phát huy tác dụng của điển hình, rút kinh nghiệm của điển hình"

Từ thi đua yêu nước trong chiến tranh giải phóng dân tộc đến thi đua yêu nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ trực tiếp xác định mục đích, ý nghĩa, nội dung, con đường, biện pháp xây dựng và tuyên truyền điển hình tiên tiến trong thi đua xã hội chủ nghĩa mà Người còn là bậc thầy trong việc tổ chức xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong thi đua xã hội chủ nghĩa theo một quy trình chặt chẽ: “Trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ (giải thích, cổ động, xét kỹ kế hoạch mỗi nhóm, mỗi người). Trong lúc thi đua, phải thiết thực đôn đốc, giúp đỡ, sửa đổi. Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi”1. Theo đó, chúng tôi có thể khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh về tuyên truyền điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước trên các nội dung cơ bản sau:

Một là, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò quan trọng của việc tuyên truyền điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước. Người cho rằng, xây dựng và tuyên truyền điển hình tiên tiến là một phương pháp có hiệu lực, là đòn bẩy để động viên tinh thần trách nhiệm, phát huy được tài năng, trí sáng tạo của quần chúng trong thực hiện nhiệm vụ của cách mạng. Trong Bài nói chuyện tại Đại hội Thi đua “Năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều” toàn miền Bắc, Người chỉ rõ “đối với sáng kiến cũng như đối với việc trồng cây, trồng cây nào phải tốt cây ấy, hơn là trồng nhiều mà cây sống ít. Khi có sáng kiến mới thì tập thể phải bổ sung nó, cải tiến nó, phổ biến nó, áp dụng nó”2 và “muốn thành công, cán bộ cần giải thích, tuyên truyền, cổ động theo dõi rút kinh nghiệm, phổ biến kinh nghiệm, thúc đẩy giúp đỡ người lạc hậu, khen thưởng người có công”3.

Hai là, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra mục đích tuyên truyền điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước. Mục đích tuyên truyền điển hình tiên tiến, theo Người phải hướng đến đích cuối cùng là “bồi dưỡng và phát huy tác dụng của điển hình, rút kinh nghiệm của điển hình mà chỉ đạo phong trào chung để tiến bộ đều”4. Nói cách khác, là để các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua tỏa sáng, tạo sức lan tỏa trong từng tập thể và toàn xã hội trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ, đặc điểm của thi đua ái quốc là đưa tất cả tinh thần và lực lượng của quân và dân Việt Nam để thực hiện mục đích chính trị của giai cấp, của dân tộc: “Dưới chế độ tư bản, thực dân và phong kiến quyết không thể có phong trào thi đua yêu nước, vì giai cấp lao động không dại gì mà ra sức thi đua làm giàu thêm cho bọn chủ để rồi lại bị chúng áp bức bóc lột thêm. Chỉ có dưới chế độ dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa, dưới chế độ mà nhân dân lao động làm chủ nước nhà, thì mới có phong trào thi đua. Phong trào thi đua yêu nước ở ta ngày càng phát triển vì nhân dân ta đã làm chủ nước nhà, vì nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một thành viên trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa, vì ta được sự giúp đỡ vô tư của các nước anh em, trước hết là Liên Xô và Trung Quốc”5.

Ba là, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra chủ thể lực lượng tiến hành tuyên truyền điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước. Trong “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc”, Người đã nêu tính nhân dân của phong trào thi đua. Đối tượng, lực lượng tham gia phong trào thi đua ái quốc là toàn dân, không phân biệt: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần trở nên một chiến sỹ đấu tranh… ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta phải biết rằng: Lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng. Kinh nghiệm trong nước và các nước chứng tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”6. Theo đó, mỗi người dân Việt Nam là một chiến sĩ tuyên truyền, mỗi điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước từ đó mà được lan tỏa trong cộng đồng.

Trong khi khẳng định lực lượng chủ yếu là nhân dân, song, Người nhấn mạnh vai trò là lực lượng tiên phong của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nhất là các đồng chí bí thư và ủy viên các cấp trong tuyên truyền điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, để đảm bảo tín định hướng chính trị của phong trào. “Để lãnh đạo tốt, các đồng chí bí thư và ủy viên, các đồng chí chủ tịch các cấp từ tỉnh đến xã cần phải thật sự tham gia vào một tổ đổi công hoặc một hợp tác xã nông nghiệp, phải lao động thật sự để rút kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm. Cần tổ chức tham quan những xã điển hình tốt, để học hỏi lẫn nhau”7. Người còn yêu cầu: “Lãnh đạo phải cụ thể, phải kịp thời, phải thiết thực, phải có trọng điểm và nắm điển hình. Phải chống tư tưởng ngại khó khăn, tư tưởng ỷ lại. Phải tuyên truyền rộng khắp các chính sách khuyến khích sản xuất”8.

Vì vậy, khi phát động, tổ chức và tham gia phong trào thi đua, cũng như tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước thì chủ thể làm công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến phải nhận thức rõ, hiểu đúng ý nghĩa và thực tiễn sâu sắc của mục đích chính trị, tính chất giai cấp; phải đứng trên quan điểm, lập trường giai cấp, lợi ích giai cấp và của dân tộc. Hình thức tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến phải phong phú, đa dạng, luôn vận động và phát triển cùng với sự vận động và phát triển của xã hội như tuyên truyền miệng, tuyên truyền thông qua các cuộc sinh hoạt của các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể quần chúng và trong các tổ chức khác; tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình, sách vở, báo chí; tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến thông qua các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao như phim ảnh, sân khấu, âm nhạc, các đội văn hóa thông tin, bảo tàng, triển lãm, các đội thể thao, các buổi biểu diễn nghệ thuật. Các hoạt động đó vừa có ý nghĩa giải trí, nhưng đó cũng là môi trường thuận lợi để giới thiệu, phổ biến các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước.

Bốn là, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra phương thức tiến hành tuyên truyền điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước. Người cho rằng, phải phổ biến kinh nghiệm hay, cách làm hay trong phong trào thi đua cũng như những phương thức tiến hành tuyên truyền điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước: “Gom góp sáng kiến. Rút kinh nghiệm, tổng kết kinh nghiệm, trao đổi và phổ biến kinh nghiệm. Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung cho cả dân tộc. Chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi. Đầu thì lan khắp một đơn vị, một nhà máy, một làng, v.v.. Dần dần lan khắp cả quân đội, cả ngành công nghệ, cả nước. Sáng kiến và kinh nghiệm cũng như những con suối nhỏ chảy vào sông to, những sông to chảy vào bể cả. Không biết quý trọng sáng kiến và phổ biến kinh nghiệm tức là lãng phí của dân tộc”9.

Người yêu cầu cán bộ phải là những người tích cực tuyên truyền nhất: “Cán bộ phải làm gương mẫu, đi sát với quần chúng, việc tuyên truyền, cổ động, đôn đốc, kiểm tra, thưởng phạt phải đúng mực”10 và “Để thực hiện chính sách, làm trọn nhiệm vụ, cán bộ chẳng những phải chịu khó giải thích, tuyên truyền, cổ động mà còn phải bàn bạc với quần chúng, hỏi han ý kiến, gom góp sáng kiến của quần chúng. Lãnh đạo quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình... Tóm lại, phải đi đúng đường lối quần chúng. Thế là có tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, đối với Chính phủ, đối với nhân dân”11. Chính vì vậy, Người rất quan tâm đến việc cổ vũ, động viên, khuyến khích và thường xuyên nêu gương người tốt, việc tốt, lấy gương người tốt, việc tốt trong nhân dân và cán bộ, đảng viên ta mà giáo dục lẫn nhau, đó chính là một cách tuyên truyền điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước thiết thực và hiệu quả nhất. Trong các hội nghị tổng kết thi đua, không bài phát biểu nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh không nêu tên, biểu dương những ngành, những địa phương, những đơn vị, cá nhân có thành tích; nêu lên những kinh nghiệm thành công và không thành công với tinh thần động viên, nhắc nhở ân cần.

Những chỉ dẫn trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tuyên truyền điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước đã, đang và sẽ là kim chỉ nam cho toàn bộ phong trào thi đua yêu nước nói chung và công tác tuyên truyền điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước nói riêng trong tình hình mới.


Phát hiện, biểu dương, khen thưởng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến

Trong những năm tới, công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước có vai trò, ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thông qua công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến mà các quan điểm tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với quần chúng, thâm nhập vào quần chúng, hình thành tình cảm, ý chí và niềm tin trong quần chúng, tạo nên phong trào cách mạng rộng rãi trong quần chúng; là nguồn lực quan trọng tạo ra và khơi dậy những tiềm năng, nhiệt tình của quần chúng, làm nên sức mạnh to lớn của toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Tích cực xây dựng con người mới, cuộc sống mới, do đó nó có vai trò giáo dục, bồi dưỡng, phát triển con người, cải tạo thực tiễn, đấu tranh xóa bỏ những thói hư, tật xấu, hình thành nhân cách con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cổ vũ phong trào thi đua yêu nước của nhân dân; tập hợp, giáo dục và tổ chức quần chúng hành động cách mạng để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị do Đảng đề ra. Đó là việc làm thường xuyên, cần thiết của bất cứ tổ chức, phong trào nào muốn lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia theo đúng định hướng và đạt kết quả cao. Ngăn chặn những tiêu cực, hạn chế trong xã hội và chống lại các âm mưu phá hoại của kẻ thù; tạo sự thống nhất cao giữa Đảng, Nhà nước với quần chúng nhân dân.Vì vậy, quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về tuyên truyền điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến ở nước ta hiện nay cần tập trung vào những nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, những thành tích xuất sắc trong công cuộc đổi mới. Coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với điển hình tiên tiến và công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến trong tình hình hiện nay.

Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và biện pháp tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến theo hướng thiết thực, phù hợp với thực tiễn đất nước và yêu cầu nhiệm vụ chính trị mới. Gắn chặt việc tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững trật tự an toàn xã hội và củng cố an ninh quốc phòng.

Ba là, phát huy tính chủ động của nhân tố con người - nguồn nội lực quan trọng nhất trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Đẩy mạnh phong trào thi đua, phát huy nguồn lực con người chính là bảo đảm cho mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi đơn vị, mỗi cộng đồng “nguồn vốn” quan trọng để tạo ra cơ sở vật chất cho xã hội. Tuyên truyền thật tốt nhân tố mới, điển hình tiên tiến sẽ tạo ra phong trào thi đua ngày càng rộng lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của từng địa phương, đơn vị và đất nước.

Bốn là, xây dựng nội dung cụ thể, thiết thực, thông qua hành động cách mạng, phong trào thi đua, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để làm công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến.

Nghị quyết của Đảng đã xác định: Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, “gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng và an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”12. Đây chính là mục tiêu, yêu cầu cho công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến. Chẳng hạn, trong lĩnh vực kinh tế, cần tập trung tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong việc phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất; trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực vào phát triển kinh tế. Trong lĩnh vực văn hoá - xã hội, cần tập trung tuyên truyền, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo, phát triển giáo dục toàn diện; sự nỗ lực vươn lên trong giảng dạy và học tập, ý thức tự học tập, học tập suốt đời. Trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, cần hướng tới các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh, trong tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chú trọng việc tuyên truyền nhân rộng các điển hình tiên tiến trong quần chúng nhân dân, nhất là ở cơ sở và người lao động, khơi dậy ý thức tự giác, sức sáng tạo, vượt khó vươn lên. Tập trung tuyên truyền, nhân rộng những tập thể, cá nhân trong xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, trong sản xuất kinh doanh, giúp nhau xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu dân cư; trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, góp ý xây dựng cán bộ, đảng viên, công chức của Đảng và Nhà nước...

Năm là, đổi mới công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến. Công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến phải bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu thi đua để tạo ra sức mạnh tập trung, giải pháp hiệu quả thúc đẩy phong trào thi đua. Việc lựa chọn nhân tố mới, điển hình tiên tiến làm sao tạo ra được sự quan tâm của xã hội, góp phần giải quyết những vấn đề xã hội sẽ góp phần nâng cao sức mạnh của công tác tuyên truyền thi đua. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến trong xã hội của các cơ quan thông tin đại chúng. Đồng thời, đổi mới công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến phải gắn với Luật Thi đua, Khen thưởng để bảo đảm tính pháp lý trong hoạt động. Có như vậy mới tránh được tình trạng buông lỏng, hạ thấp công tác này, hoặc thực hiện không đúng với quy định của pháp luật.

Như vậy, công tác tuyên truyền nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là tổng kết và phổ biến những bài học kinh nghiệm đặc sắc của các mô hình, điển hình tiên tiến. Đây là việc làm thường xuyên của các tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể, các tổ chức kinh tế, văn hóa, xã hội, của cán bộ, đảng viên, và là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng nhằm tuyên truyền, nhân rộng các nhân tố tích cực trong xã hội, góp phần xây dựng xã hội mới, con người mới và nền văn hóa mới hiện nay của Đảng, Nhà nước ta vì mục tiêu xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh dân chủ, công bằng, văn minh./.

Nguyễn Bảo Minh
(Trang thông tin điện tử Hồ Chí Minh)

-----------------------------------

 1, 3, 9, 11, Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.146; tr.346; tr.404; tr.249
2. Sđd, tập 14, tr.484
4. Sđd, tập 13, tr.261
5, 7. Sđd, tập 11, tr.495; tr.493
6. Sđd, tập 5, tr.335
8. Sđd, tập 10, tr.213
10. Sđd, tập 8, tr.149
12. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2016, tr.63.