Rượu và thời gian trong thơ Nguyên Lâm Huệ - Phan Trang Hy

13.04.2020

Rượu và thời gian trong thơ Nguyên Lâm Huệ - Phan Trang Hy

Vẫn còn” là tập thơ của Nguyên Lâm Huệ được Nhà xuất bản

Hội Nhà văn ấn hành tháng 10/2018. Đây là tập thơ chắt lọc “những tâm tư tình cảm, những thăng giáng giữa dòng đời của một gã thi sĩ lãng tử suốt một cuộc đời rong ruổi ngược xuôi nghêu ngao cất lên tiếng hát của lòng mình giữa chốn nhân gian bé mọn....” (“Như một lời tâm sự” của Nguyên Lâm Huệ).

Đọc cả tập thơ, nhiều mảng đề tài hiện ra mang nỗi niềm khắc khoải, trở trăn đầy thương yêu của tác giả. Đó là niềm thương nhớ quê nhà, yêu thương hết mình nơi chốn đã níu chân. Đó còn là tình yêu về mẹ, về em, về bạn... Và trên hết là nỗi đớn đau về cuộc sống, về đất nước hôm nay. Nhưng trong phạm vi của bài viết này, tôi muốn chia sẻ cùng quý bạn về “Rượu và thời gian trong thơ Nguyên Lâm Huệ”.

Đọc thơ anh, trong tôi cứ ám ảnh hình ảnh một lãng tử ngạo cuồng trong những cơn say. Theo tôi, thời trai trẻ ai không một lần say? Bởi lẽ như Charles Baudelaire viết: “Đời người phải luôn luôn say. Vì rượu, vì thơ, hay vì nghệ thuật? Tùy bạn chọn. Nhưng dù sao thì hãy cứ say đi”. Có say, bạn mới chính là bạn! Bởi khi say, có thể bạn mới trút mọi nỗi niềm nhân thế, hoặc bạn uống cạn chén sầu muôn thuở vào tận đáy lòng. Và Nguyên Lâm Huệ cũng vậy. Rất nhiều lần anh cùng bằng hữu nâng chén uống cạn nỗi buồn vơi đầy của kiếp phù sinh. Đây là những dòng thơ, anh mượn rượu cùng bằng hữu trào dâng khí khái, tuôn thơ cùng thế thái nhân tình, liêu xiêu cùng đất trời phố biển Nha Trang:

“Đến phố biển ta lang thang trên biển

Đếm dấu chân mình như một

đứa trẻ thơ

Bóng nghiêng ngả giữa đất trời

nghiêng ngả

Trưa mồ côi quạnh vắng đến bao giờ?”

(Đến phố biển)

Đọc thơ anh không biết rượu của anh có phải là rượu của kẻ giang hồ, rượu kiếp du ca, hay là rượu uống cùng Lý Bạch, Đỗ Phủ, Khuất Nguyên và nâng chén cùng ai nữa? Đây còn là rượu chảy những dòng tâm sự khi độc ẩm. Hay nói cách khác, đây là khúc ca độc hành cùng rượu để say cùng đời, nghêu ngao ngạo mạn cùng đời:

“Mơ một ngày xưa trời viễn xứ

Heo may lành lạnh gió thu qua

Nghiêng hồ, chiết tửu, nghêu

ngao hát

TỐNG BIỆT HÀNH ư... Khúc độc ca”.

(Khúc độc ca)

Hoặc rượu tuôn tràn thành lời của kẻ lãng du:

“Ta mệt nhoài ngược dốc Phú Cam

Kiếm chai rượu Kim Long về Tịnh Tâm

độc ẩm

Vua chúa ngày xưa một thời đâu

có sướng

Giống như ta, uống rượu, đọc thơ tràn...”

(Huế - một mình uống rượu)

Còn gì đau đớn khi uống rượu một mình. Uống để mà độc thoại. Uống để một mình nuốt đắng cay, đâu chỉ là rượu, mà đó là cay đắng của cuộc đời này:

“Đã lâu không uống rượu

Hồn bạc thếch như vôi

Đêm nay trong lặng lẽ

Tôi rót rượu mời tôi”

(Chén sầu cuối thu)

Thật là tội nghiệp khi “tôi rót rượu mời tôi”! Đâu là kẻ tri âm tri kỷ? Đâu là người đồng mộng đồng sàng? Nhiều khi nhìn bóng mình khi độc ẩm lại tưởng là bạn cố tri:

“Chỉ còn lại chén này mời bạn hữu

Kẻ cùng ta thức suốt cả đêm dài

Khi ta uống gật gù ngươi cũng uống

Khi ta đi ngươi khật khưỡng theo ta

Ta ngồi lại đắm mình trong suy tưởng

Ngươi cũng trầm ngâm như một gã

triết gia”

(Say)

Mượn rượu để quên đời ư? Đâu dễ! Mượn rượu để thét tiếng nộ cuồng cùng thế sự ư? Cũng đâu dễ! Bởi thời gian đâu có giúp tiếng lòng quên mọi nỗi ưu tư. Và chính vì thế, thời gian cũng là một nỗi ám ảnh trong thơ Nguyên Lâm Huệ. Thời gian trong thơ anh hầu như thoáng hiện qua từng tâm trạng, nghĩ suy. Thời gian ở đây, là “Xuân về”, “Hè sang”, “Thu tan”, “Đông tàn”. Riêng mùa xuân trong thơ anh thường được đề cập đến như là thời gian đặc biệt. Và nhất là thời khắc giao thừa của đứa con xa trở về “đón giao thừa trên quê cha đất tổ” với bao nỗi trở trăn về làng quê yêu dấu:

“Ôi làng Hạ quê tôi

Phút giao thoa giữa trời và đất

Tôi như thấy lòng mình quặn thắt

Bao nỗi niềm dồn nén cứ rung rung

Làng Hạ quê mình... Lại thêm một

mùa xuân”

(Làng Hạ quê tôi)

Và đây là thời gian như là niềm đau thử thách, đánh cược với số phận thi nhân:

“Nhớ thuở xưa tung bờm giương vó

Ngựa non quen thói cũ tung hoành

Đời biển lận biết bao trò nghiêng ngửa

Ta trở về đây gối mỏi chân chùng”

(Xuân nghèo)

Thời gian qua đi, chỉ còn lại những gì đáng nhớ. Kể cả thời gian mang sắc màu. Một thời, thi sĩ Đoàn Phú Tứ đã từng cảm nhận thời gian: “Hương thời gian thanh thanh/ Màu thời gian tím ngát” (Màu thời gian). Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ là màu của mơ mộng một trời nhung nhớ. Còn màu thời gian của Nguyên Lâm Huệ là màu của sự đói nghèo, khắc khoải kiếp nhân sinh:

“Cuộc sống để lại cho đời nhiều

nỗi đau

Nhưng có lẽ nỗi đau này lớn nhất

Em hãy sống với lòng mình trung thực

Dẫu tương lai có xanh như màu da

Và niềm tin có vàng như màu mắt”

(Những điều còn sót lại)

Kiếp nhân sinh mai sau ra sao, khi thi nhân từ giã trần gian này? Có phải “cát bụi trở về cát bụi”? Hay là còn lại cõi thơ vô thủy vô chung qua từng trang giấy, qua từng kỷ niệm còn lại giữa biển đời:

“Bởi ta biết khi trở về với đất

Dế cùng giun tấu bản nhạc giao hòa

Nắm đất nặng, nỗi lòng ta nghẹn mãi

Chẳng biết ai còn có nhớ đến ta...”

(Biển chiều và em)

Thôi thì, dù một thoáng, hay ngàn năm, thời gian trong thơ anh vẫn cứ nỗi niềm theo khúc hát, nụ cười của tre,

của trúc:

“Sơn Trà một thoáng Tịnh Viên

Người về mang mãi nỗi niềm đầy vơi

Giữa lòng thành phố biển khơi

Mãi còn trúc hát, tre cười ngàn năm...”

(Một thoáng Tịnh Viên)

Đặc biệt, thời gian tồn tại trong thơ anh như khẳng định rằng, mọi thứ đi qua cuộc đời anh vẫn còn đó, vẫn còn dù là “một chút heo may”, “một thoáng dịu êm” hay “một trời... Sắc - Không”:

“Vẫn còn

Một chút heo may

Lẫn trong màu nắng

Chan đầy mắt em

 

Vẫn còn

Một thoáng dịu êm

Em xanh màu gió

Trốn tìm trong tôi

Chiều vàng

Chiếc lá nhẹ rơi

Chơi vơi tím biếc

Một trời... Sắc - Không”

(Vẫn còn)

Đôi điều về rượu và thời gian trong thơ Nguyên Lâm Huệ là tôi muốn đề cập đến hạn hữu và vô cùng của thơ anh. Rượu là cái hạn hữu, thời gian là cái vô cùng. Cơn say nào rồi cũng qua đi. Chỉ có thời gian là mãi mãi. Hy vọng rằng những gì anh viết theo ngày tháng “vẫn còn” với thời gian.

P.T.H
(Tạp chí Non Nước số 266)