Ra mắt 2 tác phẩm Trần Quý Cáp - Chí sĩ làng tân học và Những con chữ tái sinh

31.08.2024
P.V
Chiều 30/8, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng phối hợp với Thư viện khoa học tổng hợp Đà Nẵng và CLB Di sản Áo dài tổ chức giới thiệu trường ca Trần Quý Cáp - Chí sĩ làng tân học của nhà thơ Lê Anh Dũng và tập thơ Những con chữ tái sinh của nhà thơ Lê Hưng Tiến.

Ra mắt 2 tác phẩm Trần Quý Cáp - Chí sĩ làng tân học và Những con chữ tái sinh

Bìa của 2 tác phẩm “Trần Quý Cáp - Chí sĩ làng tân học” và Những con chữ tái sinh"

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ các hoạt động của sự kiện “Ngày hội văn hóa đọc Đà Nẵng năm 2024 lần 3” nhằm mục đích đề cao tôn vinh giá trị văn hóa đọc.

Trường ca Trần Quý Cáp - Chí sĩ làng tân học do NXB Hội Nhà văn ấn hành vào tháng 8/2024 là tập trường ca thứ 10 của nhà thơ Lê Anh Dũng. Tác phẩm về viết về một nhân vật lịch sử mà nhiều con đường, nhiều ngôi trường trong cả nước mang tên. 

Tập trường ca dày gần 80 trang, chia thành 8 chương, gồm: Chương 1: Lời đề từ; Chương 2: Xứ làng "có một không hai"; Chương 3: Người lĩnh xướng vì dân; Chương 4: Khát vọng duy tân;  Chương 5: Cảo thơm lần giở; Chương 6: Hóa trăng sao; Chương 7: Dân thương, dân lập đền thờ; Chương 8: Nghìn thu sáng mãi.

Nhân vật lịch sử Trần Quý Cáp sinh năm 1870 tại làng Bất Nhị, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, mất năm 1908 tại Khánh Hòa. Tuy xuất hiện trong một giai đoạn lịch sử rất ngắn ngủi, rời thế gian ở tuổi 38 đang độ sung sức cống hiến cho đời, nhưng chí sĩ Trần Quý Cáp đã để lại tư tưởng, dấu ấn sâu sắc trong lòng dân tộc và lưu danh thiên cổ. Ông cùng với các bạn đồng môn và danh sĩ đương thời như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Quang (Quảng Nam), Trương Gia Nô, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi (Bình Thuận)… dấy lên phong trào Duy Tân nhằm mục đích thức tỉnh thân phận nô lệ của người dân An Nam và canh tân đất nước thoát khỏi xích xiềng nô lệ của thực dân Pháp. Vì vậy, ông bị khép tội mưu phản chế độ và bị án chém tại Khánh Hòa.

Bằng ngôn ngữ thể loại trường ca, nhà thơ Lê Anh Dũng muốn gióng lên hồi chuông vang vọng nhắc nhở thế hệ sau ghi ơn những lãnh đạo xuất sắc Phong trào Duy Tân: "Mấy trăm năm vẫn nối truyền/ Canh tân đất nước mãn nguyền từ Ông/ Trời cao biển rộng mênh mông/ Ông là nguyên khí hanh thông nước nhà".

Nhà thơ, Nhà báo, Đại tá Lê Anh Dũng, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, sinh năm Kỷ Hợi tại Đa Hòa, Điện Hồng, Điện Bàn, Quảng Nam, hiện sống và viết tại Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Các tác phẩm đã xuất bản gồm 10 tập trường ca, 9 tập thơ và 1 tập bút ký. Ngoài ra, còn viết in chung và chủ biên nhiều tập ký sự, tuyển thơ và lịch sử...

Tập thơ Những con chữ tái sinh của nhà thơ trẻ Lê Hưng Tiến do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2024. Tác phẩm gồm 43 bài thơ song ngữ Việt - Anh được tác giả sáng tác trong thời gian khá dài. Những bài thơ trong tập này thường đan xen giữa hiện thực và tưởng tượng, giữa truyền thống và hiện đại, tạo nên một không gian nghệ thuật độc đáo. Tập thơ không chỉ nói về tình yêu mà còn đề cập đến những vấn đề thời sự cũng như những kỷ niệm về gia đình và quê hương. Tác giả dẫn dắt người đọc vào những suy tư từ những chi tiết đời thường đến những câu chuyện vừa mộng vừa thực cùng nỗi cô đơn của người viết, một cô đơn đối mặt tận cùng với sáng tạo, một cô đơn chỉ được thắp sáng bằng chính mỗi câu thơ.

Lê Hưng Tiến là nhà thơ trẻ yêu và đam mê thi ca đến bất ngờ. Điều đó thể hiện ở ý thức sáng tạo mãnh liệt, trước hết là ý thức lập ngôn, hay nói một cách chính xác nhất, đó là ý thức kiến tạo chữ và sau đó là tạo sinh nghĩa mà anh quyết tâm theo đuổi. Anh viết không nhiều và không nhanh nhưng quan trọng là anh đã để lại chất lượng thơ đặc biệt trong người đọc. Từ tập thơ Chân dung ảo (2011) đến Những con chữ tái sinh (2024) là khoảng thời gian để anh tự nhận ra chính mình thông qua hành trình tư duy và lao động chữ nghĩa. Anh hiện là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, hội viên hội nhạc sĩ và hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Anh được biết đến là người ăn uống, ngủ nghỉ và luôn sống hết mình với Thơ tân hình thức. Nhiều người gọi anh là Người Tân hình thức.

Nhà thơ Lê Hưng Tiến giao lưu, trao đổi tại buổi giới thiệu tác giả tác phẩm.

Nhận xét về thơ Lê Hưng Tiến, TS Lê Văn Trung nhận định: "Song hành với những điểm mới về thi pháp, diễn ngôn thơ Lê Hưng Tiến đã đưa đến sự phong phú cho ngôn ngữ thơ tiếng Việt trong giai đoạn thơ đương đại. Với chất liệu là ngôn ngữ đời thường, không/rất hiếm sử dụng biện pháp tu từ, không chú trọng về vần, câu thơ xuống dòng và sự lặp lại đầy dụng công, nhạc tính lạ, cấu trúc trữ tình thường dẫn dắt một câu chuyện nào đó; thơ Lê Hưng Tiến đã xác lập một diễn ngôn mới, góp phần làm phong phú cho ngôn ngữ thơ Việt hiện nay".

Tại buổi ra mắt hai tác phẩm mới, nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình tại Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam... đã phát biểu đánh giá về các tác phẩm mới. Đây là một sinh hoạt học thuật góp phần đưa tác phẩm văn học đến gần hơn với bạn đọc.