Qua khung cửa sổ - Nguyễn Phạm Oanh Oanh

06.08.2018

Qua khung cửa sổ - Nguyễn Phạm Oanh Oanh

Lớp: 8/10, Trường: THCS Lê Lợi - Giải Ba

 

Cuộc sống của tôi thật bình thường, nó cũng trôi chầm chậm như bao ngày khác. Vào buổi sáng, mặt trời thức dậy, cây lá ươm mình trong nắng, mọi người bắt đầu công việc mà họ gọi là hứng thú. Tối đến, trăng nhô lên cao trở thành vị thần ánh sáng thứ hai thay thế cho mặt trời, đom đóm lập lòe, chập chờn cứ như hòa lẫn vào không khí rồi đến một lúc nào đó lại tỏa ra những ánh sáng kỳ bí rồi lặng lẽ tan biến vào hư không. Tôi - một chú sóc thưởng thức tất cả những điều đó qua cái khung cửa sổ quen thuộc trong ngôi nhà thân yêu của mình.

Tôi sống trong cái hốc cây này cũng lâu rồi. Nơi này chính là niềm tự hào của tôi, nó là cái cây đại thụ cao nhất trong rừng, là chốn bình yên nhất, đẹp đẽ nhất. Trong căn nhà nhỏ này tôi như một vị vua, muốn làm gì thì làm, chẳng cần ai cấm đoán. Thế là tôi ngày ngày cứ sống trong cái “cung điện” hăng mùi gỗ xưa, phảng phất cái hương của lá. Mỗi ngày, tôi chỉ có một chuyện là chống cằm bên khung cửa sổ nhìn ra bên ngoài, nếu đặc biệt hơn một chút nữa thì có lẽ tôi sẽ nhấp nháp một thức uống đặc biệt mà chỉ có tôi mới nghĩ ra. Rất đơn giản nó chỉ bao gồm những giọt sương đêm trên nhành lá vào tối qua quyện cùng vài bông hoa nhỏ ở trên ngọn cây (dù tôi chẳng biết tại sao nó lại mọc trên cái cây đại thụ này, nhưng thôi có còn hơn không) thêm một ít mật ong của cái tổ ở tầng phía trên nhà tôi. Thật tuyệt vời! Tựa đầu vào khung cửa, nhâm nhi từng giọt nước thơm ngon, hưởng làn gió trong lành, chẳng gì tốt hơn.

Tôi chẳng quan tâm đến mọi vật bên ngoài hay nói đúng hơn tôi chỉ ra ngoài với một mục đích chính đó là kiếm thức ăn. Nói đến việc tôi trò chuyện cùng mọi người ư, không bao giờ, tại sao người ta cứ hay trò chuyện nhỉ? Nó thật phiền phức và mỗi khi nói một điều gì đó ta lại phải cân nhắc xem đó là ai, là người như thế nào thì mới có thể dễ dàng giao tiếp thoải mái được và trên hết là phải biết lắng nghe. Tôi thì thiên về phía cá nhân hơn, tôi hay tự thắc mắc tại sao họ không lo cho bản thân mình trước mà cứ suốt ngày trò chuyện, cười đùa với người khác. Câu trả lời dù ra sao thì đối với tôi cũng chẳng quan trọng bởi tôi cũng chẳng có mấy hứng thú về việc đó.

Mùa quả rụng. Mọi động vật trong rừng đều chạy băng băng trên nền cỏ xanh, đón lấy những quả ngọt, trái ngon rồi xuýt xoa cầm chắc trong lòng bàn tay. Vài chú thỏ háu ăn, nhanh nhảu chớp lấy quả ngay cả khi chúng mới chạm đất. Chim muôn phiêu theo nhịp điệu rộn ràng của muôn loài nhưng không quên chớp lấy phần của mình. Nắng chói lọi, rực rỡ hơn trong những ngày này, càng nhiều quả rụng nó càng tôn thêm phần lung linh ánh lên từ chính cái vỏ căng mọng, mát lành. Các con vật chia nhau những phần mà mình giành được rồi trò chuyện, vui đùa dưới bóng cây. Tôi nghĩ có vài người trong số họ sẽ nhìn lên hốc cây này rồi bàn tán gì đó về tôi, thường thì là như vậy nhưng tôi chẳng quan tâm. Tôi vẫn bên khung cửa sổ, ngán ngẩm đưa mắt nhìn xuống phía dưới rồi nhìn lên những cây có quả. “Mình có thể hái được những thứ đó với kỹ năng leo trèo của mình mà chẳng cần phải xuống dưới gặp những loài ấy rồi phải bắt chuyện với họ, việc gì phải chia sẻ những thức ăn đó chứ, thật ngớ ngẩn!” Tôi đã nghĩ như vậy.

Một buổi chiều nhẹ nhàng, có lẽ là như vậy nếu như  bọn nhóc không tổ chức trò chơi ngay chính phía dưới tán cây nhà tôi. Khỉ con dùng cái vỏ dừa khô bày trò cho lũ nhím, thỏ, chồn... Chúng chia thành đội rồi sau đó tuyên bố luật chơi. Luật chơi rất đơn giản, cả hai đội sẽ ném quả dừa khô sao cho đội đối phương không bắt được. Tiếng cười đùa huyên náo một vùng.

- Nhanh lên rùa, cậu chậm quá không khéo chúng ta sẽ thua mất!- Thỏ con thúc giục.

- Chim ơi, cậu bay vừa thôi bay cao quá, không công bằng với mọi người đâu? Một ai đó ở đội đối phương lên tiếng.

- Này gấu nhỏ, cậu đừng có nhét cái vỏ vào bộ lông dày của mình rồi lén lút ném đi mà không ai thấy, chúng tôi biết tỏng rồi.

- Haha. Tớ là người chơi giỏi nhất ở đây. - Một chú chồn vỗ ngực tự hào. Ngay sau đó nó bị trái dừa khô chọi thẳng vào đầu.

Trận đấu chỉ vừa tạm dừng đi một chút khi chẳng may quả dừa khô dính chặt vào gai của nhím khó mà rơi ra được. Cả bọn tụm lại tìm cách gỡ ra. Nắng đổ xuống, lan ra trên đầu và trên mặt của bọn trẻ, mồ hôi trổ ra nhưng không đứa nào rời đi. Phải mất một lúc lâu mới giải quyết được vấn đề. Tiếng cười nắc nẻ lại vang lên.

“Bùm”. Tôi cứng đờ người, miệng há hốc. Trời! Làm sao tụi nó có thể ném một trái dừa khô lên tít trên này chứ. Tất cả bất ngờ dần chuyển thành tức giận. Nó chắn ngay cái khung cửa sổ của tôi, cũng may là vừa lúc đó tôi đang định đi kiếm cái gì lót dạ chứ nếu không chắc tôi cũng bực bội với cái trò này. Phải chật vật lắm tôi mới đẩy cái vỏ dừa ra được. Nhìn xuống phía dưới, bọn nó sợ hãi, chạy té khói, nhất là khỉ con, nấp mình trong bụi nhưng vẫn lòi đuôi ra ngoài. Vốn tính của tôi cũng chẳng muốn nhiều lời với người khác nên chỉ đảo mắt lườm vài đứa rồi thôi. Một chú nai nhút nhát bỗng bước ra đứng trước cái cây rồi đưa mắt nhìn lên cái hốc của tôi:

- Tụi em xin lỗi. Lần sau chúng em sẽ cẩn thận hơn, mong anh Sóc sẽ tha thứ cho lỗi vô ý lần này.

Tôi chỉ ném cho chú nai cái nhìn hững hờ. Nhìn chú nai có vẻ thành khẩn nên tôi bớt nóng đi phần nào. Thật may mắn cho tụi nó, nếu như chú nai kia không ra mặt xin lỗi thì tôi sẽ chẳng để bọn nó tiếp tục vui chơi ở đây một cách yên bình đâu.

Gió thét gào, rít lên từng hồi không ngơi nghỉ. Trời tối sầm, mây đen đặc sệt, sấm rền vang và tối như buổi tối hôm đó. Một đêm dông với từng giọt mưa nặng trĩu cứa vào sâu bên trong những vật mà nó chạm vào. Mẹ thân yêu của tôi nét mặt lo lắng, hai tay bà đan chặt vào nhau, miệng lẩm bẩm vài câu gì đó. Tôi nằm co ro trong chăn, không hề cảm thấy sợ hãi. “Đùng”, dường như trọng lực ngôi nhà chúng tôi đang thay đổi, tất cả đồ đạc trong nhà bị hất tung lên, tôi ngả nghiêng cố bước tới chỗ mẹ mình.

- Con trai à! Cái cây này sẽ không chống trụ được bao lâu nữa, hãy mau chạy ra khỏi nơi này đi!

Tôi hốt hoảng, mặt tái xanh, trong đầu tôi chỉ có một chuyện rằng phải cùng mẹ thoát ra khỏi nơi này. Chúng tôi chạy được nửa quảng đường, mẹ tôi hét lên một tiếng kêu thảm thiết. Tôi sững sờ quay lại và không tin vào mắt mình nữa. “Tại sao ông trời lại cướp đi mẹ tôi chứ ? Tại sao bao nhiêu chỗ để nó rơi nhưng cành cây đó lại rơi trên người mẹ tôi?”. Mẹ chỉ kịp ôm tôi vào lòng, hôn vội lên đầu tôi cái hôn dịu dàng, nó nóng rang như giọt nước mắt mặn chát ứa ra từ khóe mắt tôi rồi mỉm cười, vẫn nụ cười hiền hậu như ngày nào với đôi mắt đỏ hoe chẳng thể khóc nổi nữa vì những vết thương trên người mình. Tay mẹ níu chặt tôi rồi đẩy tôi ra xa. Một đợt nước lạnh lẽo, điên cuồng từ đâu cuốn trôi tất cả mọi thứ, cuốn ngôi nhà của tôi theo, cuốn mất tuổi thơ tôi rồi cuốn luôn người tôi yêu quý nhất. Tôi chết lặng vài giây rồi không để cho nó cuốn đi, vội vã chạy đi tìm người giúp.

- Có ai... không..., giúp... giúp cháu...với...

Tôi đã kêu như thế hàng tiếng đồng hồ, giọng nói lúc này đã khản đặc. Tôi cố nheo mắt nhìn xung quanh nhưng không một ai xuất hiện, không một bàn tay nào chìa ra, không một ánh sáng, không một giọng nói, không gì cả. Chỉ có tiếng mưa cứ rơi liên hồi, gió cứ ào ào, luồn lách qua từng ngóc ngách, bóng tối lặng thinh đồng hành cùng tôi đêm ấy. Bộ lông mượt mà mẹ đã chải cho tôi hằng ngày nay co lại, ướt nhẹp, bết dính bùn đất, tôi cố lau đi như muốn níu giữ một chút gì đó nhưng bất giác dừng lại. Từ giây phút mà mẹ rời xa, nỗi trống rỗng cứ hiện hữu trong tôi ngày một lớn dần.

- Cộc... Cộc... Cộc. Cho... tôi... trú... nhờ... với...!

Tiếng đập cửa làm tôi bừng tỉnh sau cơn ác mộng ấy, không biết nên vui hay nên buồn nữa, nó thật phiền phức. Tôi miễn cưỡng, nhòm qua khe hở khung cửa bịt bằng rơm rạ xem thử có thứ gì bên ngoài. Ồ! Một chú chim. Nhưng tại sao nó lại gõ cửa nhà mình nhỉ? Chắc đang tìm chỗ trú rồi. Tôi lắc đầu, mặc kệ, rồi tiếp tục vùi mình vào trong chăn. Chú chim đó chẳng sao đâu, vẫn còn rất nhiều ngôi nhà khác ngoài kia mà, chắc chắn nó sẽ tìm được chỗ mới thôi. Tôi chẳng có thói quen giúp đỡ hay nói chuyện với người khác nên cũng chẳng quan tâm. Tiếng gõ cửa vẫn vang lên, tiếng kêu cầu cứu vẫn phát ra nhưng dường như nó đã nhỏ hơn vài phần. Tôi tò mò tiếp tục ngó ra bên ngoài, con chim vẫn còn sống, chỉ mệt lả đi thôi. Chắc sẽ không sao đâu! Một cái gì đó làm tôi chóng mặt, hình ảnh của con chim đó rất quen, tôi nhớ là tôi chỉ vừa bắt gặp hình ảnh đó thôi. Thôi đúng rồi chính là hình ảnh đó, hình ảnh làm tôi day dứt không nguôi, hình ảnh mà mỗi khi nghĩ đến tôi lại run cầm cập, mồ hôi ứa ra. Chợt tiếng gõ cửa nhức đầu đột nhiên biến mất, tiếng kêu kia cũng như cuốn theo từng giọt mưa, chỉ còn tiếng thở nặng nhọc. Tôi biết tôi sẽ không thích điều này nhưng rồi tôi cũng hối hả mở cái cửa ra và cố gắng lôi con chim vào. Tôi đưa mắt lướt một lượt lên chú chim, xem ra chú vẫn còn sống và chỉ xây xát một tí xíu thôi, tôi lặng lẽ thở phào nhẹ nhõm. Tôi kéo nó đến góc phòng rồi vứt cho nó cái chăn cũ, rách nát tạm bợ. Tôi đánh một giấc sâu vì đêm nay có lẽ là một đêm dài.

Sau cơn mưa trời lại sáng. Đúng như vậy, hôm nay bầu trời xanh hơn, cao hơn mọi ngày. Tôi dụi đôi mắt thiếu ngủ, ngáp một cái để chào ngày mới. Vì hôm qua khá bề bộn nên tôi cũng chẳng kịp chuẩn bị bữa sáng cho mình.

- Ồ! Anh bạn tỉnh dậy rồi à, cậu ngủ ngon chứ. Cảm ơn nhiều vì hôm qua đã cho tôi trú nhờ.

À! Thì ra là con chim xui xẻo hôm qua, nó hồi phục nhanh quá nhỉ. Nhưng tại sao nó lại cảm ơn tôi chứ ? Đúng là tôi đã cho nó trú nhờ nhưng tôi đâu có thân thiện với nó tới mức “anh bạn” như nó nói. Bất chợt nó chạy thật nhanh đến ôm tôi. Một cái ôm ư! Bao lâu rồi tôi chưa được ôm nhỉ? Nhưng phải công nhận tôi thích cảm giác này, thật ấm áp giống như... mẹ tôi từng làm.

- Quên mất, chưa giới thiệu, tôi là chim Sẻ, cây sồi gần đây chính là nhà của tôi. Hôm qua, tôi cố gắng đưa một chú chim non khác về tổ nên mệt lả không thể trở về nhà được, may mà có anh chứ nếu không tôi chẳng biết làm sao. Tôi có thể biết tên của anh được không? Hôm nay có lễ hội đấy, anh ra ngoài cùng tôi được chứ? Chú chim vẫn vẻ mặt ấy, nụ cười ngô nghê, ánh mắt biết nói nhìn tôi chân thành, rồi chìa cánh ra làm quen.

Tôi nhìn nó với một ánh mắt khó hiểu. Tôi có bạn sao, người như tôi mà cũng có bạn sao? Bỗng một lực đẩy vô hình ngay cả chính tôi cũng không rõ đã làm tôi bắt tay với chú chim vui vẻ kia. Việc mà bấy lâu nay tôi chẳng hề có hứng thú.

- Xin... chào! Tôi... tôi là Sóc. Nhà tôi... ở đây như anh đã biết...

Tôi ấp úng đáp lại, mắt vẫn không dám nhìn thẳng vào phía đối diện.

Có một cái gì đó rất khác. Không phải tôi đã từng trải qua rồi nhưng có lẽ thời gian đã vùi kín nó trong tiềm thức của tôi và nay nó lại được khai phá. Đã bao lâu rồi tôi chưa trò chuyện, đã bao lâu rồi tôi chưa nói lời xin chào, đã bao lâu rồi tôi mới có cảm giác này. Thật lạ lẫm nhưng tôi thích nó!

Có lẽ hôm nay tôi sẽ ra ngoài một chút. Không phải chỉ để tìm kiếm thức ăn đâu, tôi còn muốn làm một việc nữa mà đã lâu rồi tôi không quan tâm.

Tôi là Sóc, hôm nay tôi sẽ không nhìn qua khung cửa sổ nữa, tôi sẽ ra ngoài và tận mắt trải nghiệm nó.

N.P.O.O

Bài viết khác cùng số

Chiều Chiều và Nu Nu - Nguyễn Thị Như ThắmKho báu - Trần Thị TuyếtQua khung cửa sổ - Nguyễn Phạm Oanh OanhKhông ngừng mơ ước bay xa...- Trần Trung SángThêm nhiều nét vẽ mới - Hồ Đình Nam KhaMỗi mùa pháo hoa… - Phan NamKịch - Nguyễn Đặng Thùy TrangNgười Phi chúng tôi chỉ dùng thức uống nhẹ - Alejandro RocesXinh đẹp và kiêu hãnh - Hoàng Thảo NhiBay - Võ Thanh Nhật AnhCuộc phiêu lưu của mặt trời - Nguyễn Hà Anh ThưValse tháng tám - Đinh Thị Như ThúyHải Vân Quan - Thạch ChâuĐất gọi - Nguyễn Hoàng SaĐôi lúc thấy mình như là ngụm khói - Trương Đình PhượngVà ngọn đèn xanh ấy không còn - Trần Trình LãmTôi ê a hát - Ngân VịnhMột sớm mùa hè - Nguyễn Thánh NgãGiấc rời - Hoàng Thụy Anh Thơ Xuân CừThơ Phạm Trí ThuQuả bàng vuông - Nguyễ Hưng HảiMột định nghĩa thiêng liêng - Kai HoàngĐà Nẵng như người tình - Đình ThuDấu ấn địa phương trong truyện ngắn Quế Hương - Võ Anh TuấnKhi văn chương không còn biên giới - Nguyễn Thị Anh ĐàoChuyện một người Quảng hiến kế làm trong sạch bộ máy quan lại - Vân TrìnhBùi Công Minh - Tiếng hát biển sôi động, hiền hòa - Đoàn Trọng HuyPGS,TS. Nguyễn Ngọc Thiện con người như tên gọi - Ma Văn KhángLưu Quang Vũ - “Thơ là bó đuốc đốt thiêu là bàn tay thắp lửa” - Huỳnh Thu HậuLưu Quang Vũ và những quan niệm thơ - Mai Bá Ấn