Phát triển nghệ thuật múa còn nhiều thách thức

01.06.2021
Huỳnh Thạch Hà (thực hiện)

Phát triển nghệ thuật múa còn nhiều thách thức

Múa là bộ môn nghệ thuật biểu diễn sử dụng ngôn ngữ hình thể để phản ánh tình cảm, hiện tượng của cuộc sống. Lâu nay, nghệ thuật múa có nhiều đóng góp vào đời sống nghệ thuật và những thành tựu đạt được đã góp phần phát triển văn hóa nghệ thuật dân tộc. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trong một thế giới phẳng như hiện nay, sự giao lưu giữa các nền văn hóa trên thế giới diễn ra khá nhanh chóng và dễ dàng, những luồng văn hóa mới tràn vào trong nước bằng nhiều con đường và hình thức khác nhau, dẫn đến sự thay đổi về thị hiếu thưởng thức các loại hình văn hóa của các giai tầng trong xã hội là điều không thể tránh khỏi, đây là cơ hội và cũng là thách thức cho ngành nghệ thuật múa. Thêm vào đó, dưới sự tác động của toàn cầu hóa thì việc bảo tồn các giá trị văn hóa nghệ thuật, nhất là nghệ thuật múa của những người làm công tác bảo tồn, những nhà nghiên cứu, biên đạo,... gặp phải nhiều khó khăn.

Múa cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác, muốn tồn tại không thể thoát ly hiện thực cuộc sống, càng không thể cứ bấu víu vào quá khứ để tồn tại. Từ thực tế, việc làm thế nào để phát triển cho nghệ thuật múa là câu hỏi được đặt ra cho các nhà nghiên cứu, biên đạo. Trong số này, Tạp chí Non Nước phỏng vấn Nghệ sĩ nhân dân, biên đạo múa Lê Huân để trả lời cho câu hỏi này.

Huỳnh Thạch Hà (HTH): Ở Việt Nam nghệ thuật múa có nhiều loại hình như: múa dân gian, múa cung đình, múa tôn giáo... Vậy theo ông ở Đà Nẵng có những loại hình nghệ thuật múa nào ?

NSND Lê Huân: Nghệ thuật múa ở Đà Nẵng có lịch sử phát triển khá sớm và tồn tại khá nhiều loại hình khác nhau như: múa cung đình, múa dân gian, múa Tuồng, múa cách mạng, múa hài,...

Ở Đà Nẵng, múa cung đình phải kể đến là múa Chăm bởi vùng đất này trước thế kỷ XIII là nơi đóng đô của các triều đại vương quốc Champa nên có những vũ điệu cung đình của người Chăm. Có thể nói, trong quá trình mở cõi về phương Nam, giữa hai tộc người Việt - Chăm trong quá trình sinh tụ đã có sự giao lưu, tiếp biến văn hóa lẫn nhau, ngoài việc tiếp thu nhiều nét văn hóa của người Chăm thì người Việt cũng tiếp nhận những yếu tố về nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt qua những bức tượng của những vũ điệu cung đình Chăm còn được lưu lại tại các bảo tàng, di tích, các biên đạo đã sáng tạo nên những vũ điệu độc đáo.

Còn múa dân gian cũng có nhiều loại hình độc đáo, điển hình như múa bả trạo trong lễ hội Cầu ngư. Múa bả trạo là loại hình múa trong tín ngưỡng của ngư dân ven biển. Hằng năm, điệu múa này được ngư dân các vùng ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng sử dụng trong dịp diễn ra lễ hội Cầu ngư hay đưa tang cá Ông. Qua diễn xướng bả trạo, các cộng đồng ngư dân qua tay chèo đã mô phỏng quá trình sản xuất cam go trên biển, vật lộn với sóng gió giữa biển cả mênh mông để khai thác hải sản, qua đó khơi dậy tinh thần cần cù lao động, yêu biển, yêu cuộc sống.

Đặc biệt phải kể đến một loại hình múa ở Đà Nẵng rất phát triển là múa Tuồng. Múa Tuồng có sự tiếp thu từ múa Kinh kịch của Trung Quốc, khi vào Việt Nam thì được biến đổi theo văn hóa, bản sắc con người Việt Nam. Múa Tuồng thể hiện những động tác sinh hoạt và hành động tâm lý trong cuộc sống xã hội của con người. Các thế hệ diễn viên đã chắt lọc những động tác trong sinh hoạt, lao động hàng ngày, tiếp thu những tinh hoa của những hình thái múa dân gian, múa tín ngưỡng, tôn giáo, trong tế lễ, hội hè, trong múa cung đình và trong võ thuật dân tộc để xây dựng vũ đạo Tuồng theo một hệ thống động tác từ đơn giản đến phức tạp. Có thể thấy múa Tuồng tích hợp được nhiều loại hình múa khác nhau trong một bài múa tạo nên tính độc đáo trong các vở Tuồng.

Ngoài ra, ở Đà Nẵng còn có thể loại múa cách mạng, múa hài. Múa cách mạng không những có thể nêu cao tinh thần chiến đấu gan dạ, dũng cảm, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc mà xét ở góc độ nghệ thuật đã có những đóng góp tài tình trong việc xây dựng và khắc họa nhân vật anh hùng trong chiến tranh với những tình tiết dẫn dắt dễ hiểu lôi cuốn người xem, nâng cao tinh thần chiến đấu hy sinh vì ngày mai chiến thắng. Vì vậy, có một giai đoạn, thể loại này rất phát triển. Còn múa hài một thể loại mới, nhưng không kém phần sinh động so với các thể loại múa khác. Tác phẩm múa hài phản ánh được đời sống văn hóa, tinh thần, cuộc sống lao động, quan hệ ứng xử, những câu chuyện vui trong kho tàng văn hóa dân gian cũng như trong hiện thực đời sống đương đại, qua đó phê phán cái xấu, cái thấp hèn để hướng tới cái đẹp, cao cả. Tại Đà Nẵng, cuộc thi sáng tác múa hài Việt Nam lần thứ I năm 2018 (do Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Đà Nẵng tổ chức) khép lại hồi cuối tháng 4/2018 được đánh giá là hướng tiếp cận mới, góp phần đưa nghệ thuật múa đến gần hơn với công chúng. Thành phố Đà Nẵng có 10 tiết mục tham gia dự thi và đạt 2 giải cao. Đây cũng là một thành công lớn của Hội Nghệ sĩ Múa Đà Nẵng.

HTH: Nghệ thuật múa hiện đại đang là xu thế mà nhiều nghệ sĩ trẻ theo đuổi, ông nghĩ gì về việc phát triển loại hình này?

NSND Lê Huân: Trước nhu cầu phát triển của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội... múa hiện đại với đặc điểm và tính chất của nó đã mang đến cho nghệ thuật múa một vũ khí mới khá “lợi hại”. Xét một cách toàn diện, ngôn ngữ múa hiện đại đã giúp cho các tác giả, biên đạo mở rộng biên độ trong tư duy sáng tác tác phẩm múa. Đồng thời có một cách tiếp cận mới hơn đối với các thành tố nghệ thuật khác trong cấu thành tác phẩm múa như: đề tài, nội dung tác phẩm, âm nhạc, kỹ thuật biểu diễn (diễn viên), trang phục, âm thanh, nghệ thuật ánh sáng... Có một cách tiếp cận và ứng xử mới hơn đối với tổng thể tác phẩm. Nhưng một điều chắc chắn có thể khẳng định đó là dòng ngôn ngữ múa hiện đại đến Việt Nam đã tạo được hiệu quả nghệ thuật, thiết thực và có ích.

Tại Đà Nẵng, các biên đạo đã cập nhật những yếu tố kỹ thuật của múa hiện đại đưa vào sáng tác của mình tùy theo mức độ và cấp độ khác nhau. Đó là thành tựu bước đầu của quá trình hội nhập với nghệ thuật múa thế giới. Ngôn ngữ và kỹ thuật múa hiện đại đã trở thành phương tiện, công cụ có tính biểu cảm cao. Tuy nhiên, Đà Nẵng vẫn chưa có nghệ sĩ nào theo hẳn thể loại múa này. Thực tế không ít các tác phẩm múa thể hiện sự chắp vá, lắp ghép một cách thụ động và “cơ học” những luật động, tổ hợp ngôn ngữ múa hiện đại với ngôn ngữ các dòng múa khác một cách thiếu hiểu biết, vô cảm. Một số tác giả biên đạo do thiếu hiểu biết đã lạm dụng một cách vô thức ngôn ngữ múa hiện đại trong quá trình xây dựng tác phẩm, cách làm đó dẫn đến tình trạng làm nhạt nhòa thậm chí đánh mất bản sắc dân tộc của tác phẩm.

Ngoài ra, phần đông khán giả chưa tiếp nhận được thể loại này bởi múa hiện đại mang tính tượng trưng cao, ngôn ngữ múa mới, đi sâu khám phá mọi khả năng kỳ diệu của cơ thể con người nên có khả năng biểu hiện cảm xúc đa chiều, diễn tả mọi ngóc ngách tâm lý nhân vật. Đây cũng là một nguyên nhân khiến thể loại này ở Đà Nẵng chưa phát triển.

HTH: Trong một thế giới phẳng như hiện nay, với nhiều loại hình giải trí phong phú thì việc phát triển nghệ thuật múa gặp phải những khó khăn và thách thức gì?

NSND Lê Huân: Nghề múa xưa nay vốn lắm gian nan, không phải ai yêu nghề cũng có thể theo được. Những khó khăn, thách thức của nghệ thuật múa có lẽ chỉ những người trong cuộc mới có thể cảm nhận rõ nhất. Thêm nữa, không phải ai cũng có thể hiểu, thưởng thức được múa. Múa là nghệ thuật của tạo hình nên có tính trừu tượng cao, không phải ai xem múa cũng có thể hiểu và thấy được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật múa. Ở Đà Nẵng không có nhiều chương trình nghệ thuật múa chuyên nghiệp, đến xem cũng chủ yếu là người trong ngành hoặc liên quan.

Ngoài ra, cơ chế thị trường mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức cho nghệ thuật nói chung. Riêng với nghệ thuật múa, chưa cần kể đến quá trình khổ luyện đến đổ máu để trở thành một diễn viên múa ra sao nhưng kể cả trong các show diễn, thù lao của diễn viên múa cũng thường thấp hơn so với ca sĩ hay nhạc công. Điều này cũng một phần xuất phát từ cách nhìn của xã hội chưa đúng mực, chưa coi trọng múa. Việc đào tạo lớp kế cận cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều em có năng khiếu, được gia đình cho học múa từ nhỏ nhưng bố mẹ có thể cho con đi học múa để cơ thể dẻo dai, năng động chứ để cho con theo học múa chuyên nghiệp thì không. Tuyển sinh ngành múa khó cũng chính từ sự nhận thức, coi trọng của xã hội với múa chưa đúng mực. Vì vậy, để xã hội hiểu đúng về vị trí của múa thì cần để múa tiếp cận với công chúng nhiều hơn. Vấn đề kinh phí tổ chức các chương trình nghệ thuật múa cũng là bài toán nan giải bởi để có một tác phẩm múa hoàn chỉnh trên sân khấu thì từ khâu biên đạo đến dàn dựng, trang phục, âm nhạc, diễn viên luyện tập... tốn một khoản kinh phí không hề nhỏ.

HTH: Theo ông, để phát triển nghệ thuật múa tại Đà Nẵng thì cần có giải pháp gì?

NSND Lê Huân: Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP trong công tác quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam những năm vừa qua. Những nghị định này ra đời đã khiến chúng ta loại bỏ đi những “hạt sạn” lớn trong các hoạt động biểu diễn, trong đó có biểu diễn nghệ thuật múa. Thêm một vấn đề cốt lõi mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ ra là tiếp tục đổi mới tư duy sáng tạo, dám nghĩ dám làm trong văn học, nghệ thuật. Sự đổi mới quyết liệt và mạnh mẽ, phải bắt đầu từ trong các cấp ủy Đảng đến chính quyền, từ Trung ương đến địa phương. Từ chính sách đãi ngộ, sự quản lý chặt chẽ, đồng bộ của các cơ quan, ban ngành...

Đặc biệt, cuối tháng 3 vừa qua, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã có buổi làm việc với đại diện văn nghệ sĩ 9 Hội chuyên ngành trong đó có Hội Nghệ sĩ Múa. Một trong những nội dung của buổi làm việc là việc sẽ có cơ chế đặt hàng cho Hội Nghệ sĩ Múa khi tổ chức những hoạt động chính trị, văn hóa của thành phố và hỗ trợ sáng tạo tác phẩm mới. Đây chính là động lực cho anh em hội viên Hội Nghệ sĩ Múa sáng tạo nên những tác phẩm mới, có chất lượng cao.

Để có những tác phẩm có giá trị thì những nghệ sĩ làm công tác biên đạo cần mở rộng, đào sâu tầm hiểu biết để khám phá, sáng tạo; những nghệ sĩ làm công tác biểu diễn phải có ý chí, quyết tâm, có lòng yêu nghề, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo không dừng ở mức thường thường bậc trung chỉ lo cơm áo. Nghệ sĩ trên sân khấu múa chuyên nghiệp ở Đà Nẵng phải đạt đến trình độ solits ngang tầm với các nghệ sĩ múa ở các nhà hát kịch múa ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng cần tập trung nhiều hơn nữa cho công tác lý luận phê bình các tác phẩm múa để từ đó khơi nguồn sáng tạo cho từng biên đạo, từng cán bộ giảng dạy và kể cả việc tạo chiều sâu cho mỗi nghệ sĩ biểu diễn vươn tới tầm cao

Tôi cho rằng, Hội Nghệ sĩ Múa ngoài hoạt động chuyên môn thì cần tổ chức những đợt bồi dưỡng kiến thức, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, những trại sáng tác, những đợt thâm nhập thực tế... cho các biên đạo, các nghệ sĩ để họ có cơ hội tham gia trải nghiệm, nghiên cứu, sưu tầm và sáng tạo tác phẩm.

Hiện nay lực lượng Hội Nghệ sĩ Múa thành phố Đà Nẵng khá mạnh với 1 Nghệ sĩ nhân dân, 6 nghệ sĩ ưu tú, 5 thạc sĩ và hơn 100 hội viên (trong đó có 45 hội viên Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam) hoạt động chuyên nghiệp trong Đoàn Văn công Quân Khu 5, Nhà hát Ca múa nhạc Trưng Vương, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và một số nghệ sĩ hoạt động tự do ở các câu lạc bộ, tôi tin rằng, nếu có thêm sự chung tay góp sức của các cơ quan chức năng, của các nhà làm nghệ thuật thì chắc chắn sẽ làm thay đổi bộ mặt hoạt động biểu diễn nghệ thuật múa theo hướng tích cực.

HTH: Xin cảm ơn nghệ sĩ về cuộc trao đổi. Chúc ông và Hội Nghệ sĩ Múa thành phố Đà Nẵng vượt qua những khó khăn và thách thức để sáng tạo nên nhiều tác phẩm giá trị, phục vụ cho công chúng.

 

NSND Lê Huân sinh năm 1944, tại Sơn Tây, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp khóa biên đạo đầu tiên của Trường Múa Việt Nam (1959 - 1964), ông được giữ lại trường làm công tác nghiên cứu và giảng dạy. Năm 1968, khi vừa tròn 24 tuổi, ông tình nguyện vào chiến trường Khu 5 xây dựng Đoàn Văn công Giải phóng miền Trung Trung Bộ. Sau hơn 50 năm hoạt động nghệ thuật, ông đã đạt nhiều danh hiệu như: Huân chương Chiến công về hoạt động nghệ thuật ở chiến trường năm 1970; Giải A, Giải thưởng của Bộ Quốc phòng năm 1985; Huân chương Lao động nghệ thuật năm 1996; Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2007. Ông được phong Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012. Hiện nay, NSND Lê Huân vẫn không ngừng sáng tạo và biên đạo nhiều tác phẩm múa đạt nhiều giải cao của Trung ương và địa phương.

H.T.H