Những pho tượng Phật chùa làng Phong Lệ

06.04.2021
Võ Văn Thắng

Những pho tượng Phật chùa làng Phong Lệ

Trong những chuyến đi điền dã nghiên cứu lịch sử địa phương tại làng cổ Phong Lệ (Hòa Vang), chúng tôi thường nghe kể về những pho tượng Phật của chùa làng, những câu chuyện pha lẫn màu sắc huyền bí về việc tượng được tìm thấy dưới lòng đất nhờ được báo mộng, chuyện kẻ trộm báu vật đi tìm đồng đen đã lấy đi mấy pho tượng quý. Thực hư câu chuyện thế  nào, tôi đã tìm đến nhà ông Ngô Văn Trâm, 83 tuổi, người đã tham gia cuộc đào tìm tượng Phật. Ông Trâm cho biết việc đào tìm được tượng là khoảng năm 1955-1956, người khởi xướng và tổ chức đào tìm là ông Quản Huệ, tên thường gọi của ông Ngô Huệ (1899 - 1986), người thôn Phong Nam, làng Phong Lệ. Có 7 pho tượng đồng đã được tìm thấy trong một hầm đất ở sau nhà thờ tiền hiền làng.

Ông Ngô Tấn Thứ, 92 tuổi, thôn Đông Hòa, chỉ cho chúng tôi vị trí chùa làng Phong Lệ xưa, gần bên nhà ông Thứ, ở khu vực phía nam của Cầu Đỏ. Trước kia khu vực ven sông tại đây là nơi quần tụ dân cư, chùa có ông Từ trông coi. Khi con đường xe lửa chạy ngang qua đây (từ thập niên 1930) và bờ sông bị xói lở, dân cư dời đi, chùa hoang vắng dần. Cho đến năm 1946 trong giai đoạn "tiêu thổ kháng chiến", chùa bị tháo dỡ để không, trở thành chỗ đồn trú của lính Pháp. Theo ông Thứ và một số người làng thì các pho tượng của chùa có lẽ đã được mang đi chôn giấu trong thời kỳ này(1).

Thời gian đầu sau khi đem lên khỏi nơi chôn giấu, các pho tượng được đặt trong nhà thờ tiền hiền làng, rồi chuyển về thờ tại nhà ông Quản Huệ, sau đó 6 pho tượng được chuyển ra thờ ở Đình Thần Nông, một pho tượng nhỏ nhất được ông Ngô Văn Tề, em nhà chú với ông Quản Huệ, xin đem về thờ ở nhà riêng. Những năm đầu sau Ngày Giải phóng (1975), Đình Thần Nông và các pho tượng Phật không có điều kiện bảo quản chu đáo và đã xảy ra vụ trộm lấy đi mất 2 pho tượng. Trong tình hình đó, ông Quản Huệ bàn với những người trong làng đem 4 pho tượng còn lại sang gửi ở chùa Hòa Thọ, thôn Phong Bắc, nguyên xưa kia cũng thuộc làng Phong Lệ.   

Ngày 04/3/2021, tôi cùng những người bạn đến thăm chùa Hòa Thọ và khảo sát các pho tượng. Với sự hướng dẫn của Đại đức Thích Hải Trí, chúng tôi được quan sát 4 pho tượng đồng làng Phong Lệ gửi tại đây. Trên bàn thờ chánh điện là ba pho tượng Phật ngồi, hình dáng giống nhau. Tượng ở tư thế ngồi kiết già, bàn chân phải đặt trên đùi trái, bàn chân trái đặt trên đùi phải; bàn tay phải đặt trên bàn tay trái, hai đầu ngón cái chạm nhau (ấn nhập định hoặc ấn tam muội); áo choàng nhiều nếp gấp phủ hai bên vai, ngực hở, thân áo phủ lên khuỷu chân, chỉ để lộ hai bàn chân trên hai bắp đùi. Đầu tượng có búi tóc xoắn ốc, màu đen; ở phần tóc phía trên trán có một dấu tròn to bằng một xoắn tóc, màu đỏ sẫm. Tượng không có bệ hoa sen, phía sau lưng không có dấu hiệu về lò đúc hoặc niên đại.

Bộ tượng Tam Thế chùa làng Phong Lệ đng thờ tại chùa Hoà Thọ (ảnh Vũ Hùng)

Đây là bộ tượng thường được gọi là Tam thế Phật, tức là ba vị Phật của ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai. Vì mang tính đại diện cho vô lượng Phật ở các đời nên ba tượng trong bộ Tam thế Phật đều được thể hiện giống nhau, với các dấu hiệu chung về nhân tướng tốt đẹp theo quan niệm Ấn Độ xưa như tai dài, mũi thẳng, tóc xoắn tròn thành từng lọn nhỏ đều đặn, ngón tay thon dài mềm mại, trên đầu có một khối thịt nhỏ nhô lên trông như một xoắn tóc (nhục kế).

Ở một bàn thờ nhỏ bên trái chánh điện là một tượng có dạng người ngồi trên bệ, hai chân buông thỏng. Đầu tượng có khăn vành chạm rồng; hay khủy tay có đầu rồng làm giá đỡ. Trên ngực áo chạm nổi hình chim phụng; hai ống tay áo rộng, nhiều nếp gấp thòng xuống khỏi cổ tay; hai tay chắp trước ngực như dáng cầm thẻ bài (có lỗ trống ở vị trí có thể đã có thẻ bài gắn vào nhưng nay đã bị mất); thân áo dài phủ xuống đến mắt cá, ở vị trí ống chân có chạm hình đầu hổ; hai bàn chân mang hài; trước bụng có đai lớn chạm mặt hổ. Những dấu hiệu trên trang phục và tư thế ngồi rõ ràng là của một vị Vua (rồng, phụng, hổ), và có lẽ đây là tượng Ngọc Hoàng.

Tượng Ngọc Hoàng chùa làng Phong Lệ đang thờ tại chùa Hoà Thọ (ảnh Vũ Hùng)

 

Ngày 05/3/2021, chúng tôi khảo sát pho tượng thứ tư tại nhà ông Ngô Văn Hưng, con của ông Ngô Văn Tề. Tượng thể hiện một người đứng trên bệ vuông. Đầu tượng có dạng khăn trùm, có nếp gấp ở giữa đầu; hai mắt khép, nhìn xuống, khuôn mặt hiền hậu. Áo choàng có viền cổ, cổ tay rộng, áo dài phủ đến mắt cá chân. Hai tay chắp trước ngực và có dấu sứt mất vật cầm tay. Đặc biệt có chi tiết một vành đai bao quanh đầu, xuống tới ngực, có thể đây là thể hiện cách điệu của một loại mũ Quan Âm hay khăn Bồ Tát.  Chúng tôi tạm gọi là tượng Bồ Tát Đại Thế Chí, thường có mặt trong bộ tượng Di Đà Tam Tôn cùng với Phật A Di Đà và Bồ Tát Quán Thế Âm.

Tượng Bồ tát Đại Thế Chí đang thờ tại nhà ông Ngô Văn Hưng (Ảnh: VVT)

Dù có 2 tượng đã thất lạc, 5 pho tượng đồng còn lại của chùa làng Phong Lệ cũng gợi ra một số nhận định về một giai đoạn phát triển của Phật giáo ở vùng Đà Nẵng. So sánh với tượng ở các chùa lân cận chúng tôi thấy các pho tượng chùa làng Phong Lệ rất giống với các pho tượng tại chùa Hải Tạng (Cù Lao Chàm, niên đại 1758, 1770)  ở các đặc điểm về nếp gấp trang phục; đầu tóc xoắn ốc với dấu hiệu nhục kế không nhô cao lên mà gắn liền với tóc; tay bắt ấn nhập định; đáy tượng phẳng, không ngồi trên bệ hoặc tòa sen. Tượng Ngọc Hoàng ở chùa Hải Tạng cũng tượng tư phong cách với tượng Ngọc Hoàng chùa Phong Lệ, nhưng tượng Phong Lệ có nhiều chi tiết đặc trưng hơn cho một vị vua. Đối chiếu với các chùa ở đồng bằng Bắc Bộ, có thể nhận ra nét tương đồng giữa tượng Tam thế Phong Lệ với bộ Tam thế ở chùa Bút Tháp (tỉnh Bắc Ninh, thế kỷ 17-18)(2). Tượng Ngọc Hoàng cũng đã xuất hiện ở một số chùa đồng bằng Bắc bộ từ thời nhà Mạc, thế kỷ 16(3). Riêng tượng "Bồ tát Đại Thế Chí" Phong Lệ, chúng tôi chưa tìm thấy pho tượng nào ở các chùa khác có kiểu dạng tương tự để đối chiếu.

Tượng Tam Thế của chùa Hải Tạng (Ảnh: Ngô Đức Chí)

Sự có mặt của 7 pho tượng đồng khá lớn cho thấy chùa làng Phong Lệ đã có sự bảo trợ và cúng dường của những người giàu có và thế lực. Từ thế kỷ 17, ở khu vực Đà Nẵng và lân cận cũng đã có những ngôi chùa được những người quyền quý cúng dường nhiều đất ruộng để làm Tam Bảo điền, như chùa Phổ Khánh ở xã Đại An, huyện Đại Lộc, Quảng Nam (văn bia lập năm 1678), và chùa Linh Sơn ở Cẩm Lệ, giáp ranh với Phong Lệ. Hai văn bia lập vào năm 1643 và 1654 của chùa Linh Sơn cho biết chùa thuộc địa phận “xã Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn, Quảng Nam xứ”(4).

Tượng Ngọc Hoàng chùa Hải Tạng (Ảnh: Ngô Đức Chí)

Đặc biệt là đến nay ngôi chùa cổ Linh Sơn đã hoàn toàn biến mất, không để lại dấu vết gì ngoại trừ hai bản dập văn bia thực hiện vào đầu thế kỷ 20 hiện lưu trữ tại Viện Hán Nôm (Hà Nội). Như vậy, sự việc một ngôi chùa làng với những pho tượng đồng quý hiếm như Phong Lệ lại không thấy nhắc đến trong thư tịch nào về lịch sử Phật giáo vùng Đà Nẵng, Quảng Nam cũng trở nên dễ hiểu khi đặt nó trong bối cảnh đầy thăng trầm, sóng gió của vùng đất này. Dẫu sao 5 pho tượng chùa làng Phong Lệ, sau chặng đường lưu lạc, nay đã trở lại nơi điện thờ cũng là một duyên lành. Hy vọng rằng một ngày không xa, 2 pho tượng còn lại cũng sẽ "châu về Hợp phố" và sẽ có sự nghiên cứu chuyên sâu hơn toàn bộ các pho tượng độc đáo này để xác định niên đại, kỹ thuật, nguồn gốc lò đúc, qua đó góp phần lấp đầy những khoảng trống trong lịch sử lâu dài của làng Phong Lệ, vốn đã có những dấu mốc quan trọng từ hơn 1000 năm trước.

V.V.T

(1) Ông Thứ kể rằng sau khi Nhật đảo chính Pháp ông Quản Huệ đã về tham gia phong trào Việt Minh tại địa phương, và được giao phụ trách cuộc vận động "Rào làng kháng chiến", do đó có thể đã tham gia hoặc biết việc chôn giấu. Nhưng cũng có câu chuyện được truyền miệng rằng ông Quản Huệ đã được báo mộng nhiều lần và sau đó tìm được các tượng Phật. Câu chuyện này dẫn đến giả thuyết là các tượng Phật có thể đã được chôn giấu từ một chính biến xưa hơn, như thời Nghĩa hội (cuối thế kỷ 19) hoặc thời Tây Sơn (cuối thế kỷ 18); bởi vì nếu chôn giấu vào khoảng năm 1946 với quy mô 7 pho tượng đồng nặng nề ấy ở địa điểm cách xa chùa hơn 1 km thì ắt hẳn phải có nhiều người trong làng tham gia và chứng kiến chứ không thể chỉ có ông Quản Huệ là người biết và xúc tiến việc tìm kiếm tượng. Và sau khi tượng được tìm thấy đến nay cũng không nghe có người nào (hoặc con cháu họ) nói là họ có chứng kiến việc chuyển và chôn giấu tượng năm 1946.

(2) Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long, Chùa Việt Nam, Nxb Thế Giới, HN 2013, tr 222.

(3) Trần Lâm Biền, Chùa Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, 1996, tr 164.

(4) Xem Tập san Liễu Quán, số tháng 5 và số tháng 8/2020, Nxb Thuận Hóa.