Nhà văn và đất nước

19.02.2024
Nguyễn Hữu Quý
Nếu ở ngoài Tổ quốc nhà văn còn lại gì? Một cuộc sống không có cội nguồn, xứ sở, không có sự gắn bó với những gì thân thuộc nhất. Sẽ có một nhân loại chung chung chăng và thực sự tồn tại không một nhân loại như thế trong mỗi con người cụ thể vốn mang trong mình những dấu tích của xuất xứ xa xăm.

Nhà văn và đất nước

Tôi khắc ghi vào tâm hồn mình những câu thơ này của Nguyễn Khoa Điềm: Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi/ Đất nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể/ Đất nước có trong miếng trầu bây giờ bà ăn/ Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc (Mặt đường khát vọng); của Hữu Thỉnh: Một đời người mà chiến chinh nhiều quá/ Em níu giường, níu chiếu đợi anh (Nghe tiếng cuốc kêu); của Trần Mạnh Hảo: Mẹ ơi, bao người chưa từng nói về Tổ quốc/ Lấy mồ hôi gieo hạt lúa nhọc nhằn/ Tâm hồn họ như khoai vùi trong bếp/ Lúc đói lòng xin được bới ra ăn (Tổ quốc, con âm thầm yêu mẹ); và trước đó nữa là của Nguyễn Đình Thi: Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may (Đất nước); của Quang Dũng: Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/ Em có bao giờ em nhớ thương? (Mắt người Sơn Tây)… Còn nhiều, nhiều lắm những câu thơ hay viết về đất nước của mọi thời đại mà khi đọc lên lòng ta thấy rưng rưng. Những câu thơ hay không hề phụ thuộc vào sự mới hay cũ, được biểu đạt bằng thể thức thi ca nào, xuất hiện trong giai đoạn nào, vì nó chung một không gian trữ tình mang tên đất nước.

Người cầm bút chân chính chưa bao giờ từ bỏ Tổ quốc mình và luôn gắn trách nhiệm của họ với đất nước. Yêu nước thương dân vốn là điều muôn thuở của kẻ sĩ; trong văn chương nó cũng là tiêu chí số một đánh dấu cái tâm của người cầm bút. Muốn lưu danh phải có tài cao nhưng cái tài đó phải luôn được bảo hiểm bằng cái tâm sáng, diễn đạt như đại thi hào Nguyễn Du thì Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Câu chuyện về trách nhiệm của nhà văn đối với đất nước cũng chẳng có gì mới mẻ cả. Nó được coi là thiên chức hay nếu không ngại mang tiếng đại ngôn thì gọi là sứ mệnh của người cầm bút cũng được. Những tác phẩm văn học thấm đẫm lòng yêu nước vẫn được dân tộc ta bảo lưu gìn giữ như những giá trị thiêng liêng nhất. Bởi lẽ, giá trị văn hóa truyền thống luôn được nêu lên hàng đầu của dân tộc Việt Nam chính là lòng yêu nước. Lịch sử chép lại và đánh giá sự kiện còn văn học phản ánh tâm thức dân tộc trong những nổi chìm của số phận mảnh đất đầm đìa mồ hôi, máu và nước mắt này. Vì thế, nhà văn gắn kết với đất nước như con cái gắn bó với người mẹ vậy. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng nói tới điều ấy: “Người nghệ sĩ là một đứa con của đất nước mà chỉ có nó mới có thể giao cảm hết những cái vui buồn và nhọc nhằn của người mẹ - cả những điều mà người mẹ không bao giờ nói ra” (Trang giấy trước đèn). Trên tạp chí Văn học, tháng 5 năm 1989, cũng Nguyễn Minh Châu đã chỉ ra: “Diễn tả chân thực đời sống con người Việt Nam thấu tận chiều sâu triết học, con đường văn học ta luôn luôn được cầm tay nhân dân và tìm thấy tiếng nói trong nền văn học thế giới.” Chiến tranh hay hòa bình, giá trị của nhà văn được đo bằng những tác phẩm hay chứa đựng lòng yêu nước, thương dân sâu sắc. Đồng hành cùng dân tộc là lựa chọn đúng đối với mỗi nhà văn và đó cũng là lộ trình hòa nhập vào nền văn học nhân loại bao la, đa dạng, phong phú. Ai đó đã từng nói, đi tận cùng dân tộc rồi sẽ gặp nhân loại. Nhân loại có một Việt Nam với bản sắc độc đáo về văn hóa được tích hợp từ mấy nghìn năm lịch sử, trong đó không thể thiếu những đóng góp cần thiết của văn học.

Trong mấy cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc gần nhất, một đội ngũ nhà văn chiến sĩ đã được sinh ra. Họ là minh chứng rõ ràng và sinh động nhất về trách nhiệm của nhà văn với đất nước. Họ viết văn, trước hết là cho đất nước và vì đất nước, vì nhân dân. Trong “Lời nói đầu” của bộ Tổng tập Nhà văn Quân đội (kỉ yếu và tác phẩm) in năm 2023 rất đồ sộ, đại tá - nhà văn Nguyễn Bình Phương đã khẳng định: “Bằng sức sáng tạo của mình, những nhà văn - chiến sĩ thời đại Hồ Chí Minh đã góp phần làm nổi bật lên hình ảnh cao đẹp của tinh thần quả cảm chiến đấu hi sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc, vì sự toàn vẹn của Tổ quốc. Xét về phương diện tuyên truyền, có thể nói tác phẩm của các nhà văn quân đội đã làm tròn nhiệm vụ một cách xuất sắc với việc kịp thời động viên chiến sĩ trong những thời khắc cam go nhất, lúc lòng dạ con người xốn xang vì sự lựa chọn giữa mạng sống cá nhân với lẽ tồn vong của Tổ quốc. Nhưng sâu hơn, các sáng tác ấy đã bồi đắp, nâng cánh cho tâm hồn người lính trong chiến tranh, gieo vào họ tình yêu quê hương, gieo vào họ tinh thần nhân đạo và nghị lực chờ đợi ngày mai.” Đúng vậy, tình yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí quyết chiến, những giá trị làm người chân chính đã được thể hiện trong những tác phẩm của họ trong và sau chiến tranh. Tôi cho rằng, không thể phủ nhận những giá trị đích thực của văn học kháng chiến, không thể coi nhẹ sự đóng góp của những nhà văn cách mạng. Có ai đó “dị ứng” với chất anh hùng ca, tính công dân, tinh thần tập thể của những tác phẩm một thời nhưng đấy không phải là số đông. Văn học kháng chiến đã làm tròn bổn phận, góp phần xứng đáng vào công cuộc giải phóng đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Và nó đã được đông đảo công chúng thừa nhận từ những giá trị cao cả, trong sáng, đẹp đẽ của lòng yêu nước, sự xả thân vì non sông. Có cố tình bôi đen, hạ thấp cũng rất thiếu tính thuyết phục dù văn học kháng chiến vẫn còn đó những khoảng trống, những nông cạn, thậm chí ấu trĩ, những sơ sài, những vội vàng, hấp tấp... Coi thường văn học cách mạng cũng là quay lưng lại với quá khứ bi tráng của dân tộc, một quá khứ xứng đáng được ghi nhận và tri ân. Chúng ta không có quyền lãng quên quá khứ, một quá khứ còn lại muôn vàn dấu tích chiến tranh dữ dội, đang còn hiển lộ và khuất lẫn đó đây. Quá khứ đang truyền tải năng lượng to lớn vào hiện tại trong dòng chảy không đứt đoạn của lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Cuộc đời vẫn rất cần những ngọn lửa ấm từ trang viết của những nhà văn chân chính, biết bổ sung thêm những thiếu hụt, những khoảng trống của văn học quá khứ với sự điềm tĩnh, sâu sắc, đa diện hơn. Tuy nhiên, bút pháp cũng phải thật đa dạng trong tiến trình đổi mới để khẳng định bản sắc dân tộc trong hòa nhập ngày thêm sâu rộng với nhân loại. Văn học Việt Nam đang chuyển động theo hướng đó; thân phận con người là điều mà người cầm bút quan tâm trước hết, tuy nhiên nó không bao giờ tách rời khỏi không gian lịch sử xã hội nước ta với những ám ảnh khôn nguôi về cái thiện cái ác, cái tốt cái xấu, những mảng sáng tối song hành, những đối chọi hết sức tương phản như cuộc sống đang diễn ra như thế, không thể khác được. Văn học vẫn tiếp tục đi trên con đường chưa hết trắc trở, gập ghềnh nhưng đã được ánh sáng nhân văn tỏa rộng. Tiếp nhận và làm mới nền văn học thời hậu chiến từ sự hội nhập sâu rộng với thế giới một cách có ý thức cầu thị nhưng cũng đầy bản lĩnh để không bị sa lầy trong sự lai căng, bắt chước vô tội vạ. Những nền tảng truyền thống không bị làm xói lở, và nó đã được gìn giữ phát huy đổi mới tạo ra được diện mạo văn chương đa dạng trên đất nước ta như hôm nay.

Nhà văn hướng tới những khát vọng cao cả, tốt đẹp của con người. Xưa, nay đều thế cả; nhân dân ghi nhận sự đóng góp của nhà văn với cuộc sống, với xã hội chủ yếu là ở đó. Thời cuộc muôn vàn biến động, thiên hạ tan hợp nổi chìm nhưng ánh sáng nhân văn chiếu toả ra từ các trang sách vẫn luôn được nâng niu, gìn giữ. Từ những ấn tượng, ám ảnh mang lại cho người đọc, nhà văn ngoài chức năng sáng tạo văn chương được coi như nhà tư tưởng, nhà đạo đức. Tuy nhiên, tư tưởng và đạo đức của nhà văn được gửi gắm vào hình tượng nghệ thuật thông qua ngôn ngữ thể hiện trong tác phẩm. Có lẽ vì thế mà nhà thơ Chế Lan Viên đã từng đúc rút: Thơ cần có ích/ Hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi. Thực ra, vấn đề nhà văn sống trong lòng dân tộc, viết cho đất nước và viết vì đất nước không mới nhưng chẳng bao giờ cũ. Những nhà văn, nhà thơ chân chính không bao giờ quay lưng lại hay thoát li khỏi dân tộc mình, trái lại họ đằm sâu, bám riết vào cuộc sống đồng bào, nghe rõ tiếng rơi của mỗi hạt mồ hôi, cảm được hơi nóng của từng giọt máu trên mỗi chặng dựng nước, giữ nước bi tráng. Họ chẳng bao giờ thờ ơ với số phận đất nước, cảnh ngộ nhân dân, vậy nên lòng yêu nước, thương dân mới thấm thía trong từng trang viết. Nguyễn Trãi đâu chỉ lừng danh với Bình Ngô đại cáo sau chiến thắng giặc Minh mà còn chẳng bao giờ khuất lấp trong lòng ta với những câu thơ thao thức: Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ/ Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên (Quan hải), Hưởng Triều dịch là: Lật thuyền thấm thía: dân như nước/ Cậy hiểm mong manh: mệnh ở trời (Đóng cửa biển). Đây nữa, những câu thơ vẫn còn nguyên giá trị với hôm nay và mai sau: Quyền mưu bản thị dụng trừ gian/ Nhân nghĩa duy trì quốc thế an (Hạ quy Lam Sơn - kì nhất), Nguyễn Khuê dịch thơ: Quyền mưu vốn để diệt trừ gian/ Nhân nghĩa duy trì thế nước an (Mừng về Lam Sơn - bài một).

Mỗi nhà văn, nhà thơ vừa sống giữa đời thực, vừa tồn tại trong tác phẩm của mình. Ở không gian nào, thực tại hay nghệ thuật thì họ vẫn phải minh chứng được tình yêu và trách nhiệm với xã hội, với cuộc sống. Nhà văn trước hết là người biết yêu và luôn đứng về cái đẹp, cái tiến bộ. Ánh sáng trong văn chương là ánh sáng của cái đẹp. Cái đẹp được lưu truyền từ quá khứ, chuyển động trong hiện tại và nó cũng thuộc về những dự cảm của tương lai. Cái đẹp văn chương vừa phản ánh tâm hồn, trí tuệ người cầm bút vừa xác lập tài năng của họ. Đương nhiên rồi, nhà văn có nhiệm vụ, khi thì đánh thức được những người đang ngái ngủ, khi thì chắp cánh cho sự tốt đẹp bay cao. Gần gũi với hàng triệu bạn đọc nước ta là những tác phẩm đề cao lòng nhân hoà, ngợi ca tri ân những cống hiến hi sinh vì Tổ quốc trong chiến tranh và thời bình. Trong thời Đổi mới đã xuất hiện và chúng ta đánh giá cao những tác phẩm xoáy sâu vào thân phận con người với cái nhìn thông cảm, đa chiều, nhiều sẻ chia nhưng không vì thế mà coi thường, hạ thấp hay xét lại những tác phẩm văn học đã làm nên diện mạo của văn học kháng chiến. Trong công cuộc xây dựng non sông và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, thông qua trang viết của mình, các nhà văn vẫn mang sứ mệnh bồi đắp thêm lòng yêu nước, thương dân. Tôi nghĩ, đây vẫn là vấn đề trung tâm của văn học, không sợ, không ngại nó đã cũ kĩ, quen thuộc. Nhân dân và chiến sĩ vẫn cần lắm những tác phẩm xúc động viết về đất nước thân yêu. Chẳng lỗi thời chút nào, chẳng nhạt nhoà chút nào những tác phẩm mang tâm thức đất nước bao la, sâu thẳm: Buồm ơi buồm, ngươi có thực hay chăng/ Để con sóng ngổn ngang lời tâm sự/ Để mỗi sáng, mỗi chiều như nỗi nhớ/ Tự chân trời Tổ quốc lại hiện lên (Điệp khúc vô danh - Anh Ngọc).

Không có điều gì thuộc về con người lại xa lạ với nhà văn cả. Nhà văn có thể viết tất cả những cái thuộc về cuộc sống, từ chuyện xã hội đến chuyện riêng tư, từ cái tốt đến cái xấu, từ sự lương thiện đến độc ác. Dù viết gì thì cái tâm của nhà văn phải luôn trong sáng, vẫn phải thể hiện tình yêu hoà bình, yêu con người. Và trước hết họ là người yêu tha thiết đất nước, đồng bào. Chúng ta đã nói đến nội lực trong phát triển kinh tế bền vững. Thế thì, văn học nước nhà có cần nội lực không? Có! Nội lực có từ mỗi nhà văn và nó được cộng hưởng vào tiềm năng, sức mạnh của dân tộc. Nếu như tác phẩm mang dấu ấn sáng tạo cá biệt của người viết thì nền văn học của một dân tộc cũng cần có bản sắc của nó được thể hiện trong cả nội dung và hình thức. Tuy nhiên, bản sắc dân tộc ta nói đến đó vừa là cái đã bắt rễ, cắm sâu nhưng cũng đã, đang và sẽ chuyển động, chuyển tiếp tới cái phổ biến của nhân loại. Tác phẩm lớn mang trong nó tư tưởng tiến bộ, hình thức thể hiện độc đáo và cuối cùng là tạo ra ấn tượng mạnh mẽ sâu sắc cho đông đảo người đọc. Thật cực đoan khi ai đó nghĩ rằng, tôi chỉ viết cho tôi, mà chẳng quan tâm gì đến Tổ quốc và nhân dân. Cái tươi mới trong văn học hiện đại chẳng hề đố kị với các giá trị truyền thống, nhân vật của nhà văn cũng chính là nhân vật của thời đại chúng ta đang sống và bạn đọc hôm nay tìm thấy trong đó mọi cảm xúc, suy ngẫm của mình. Hành trình sống cũng là hành trình sáng tạo, hành trình sáng tạo cũng là hành trình sống của nhà văn. Không thể khác được, nhà văn phải luôn đồng hành cùng Tổ quốc, cùng nhân dân.

(VNQĐ)