Người sao nhà vậy

13.03.2024
Lê Trường An
Nhà là cái có “tâm hồn” nhất trong tất cả vật chất ngoài thân. Người Quảng có nhà Quảng, người kiểu sao, nhà làm vậy!

Người sao nhà vậy

Ngôi nhà tận dụng khoảng đất phía trước để làm sân. Ảnh:FB. Happy Nest

Từ nhà ngang đến nhà mặt phố

Bản chất “nhà ở đô thị” hay “nhà ở nông thôn” đều như nhau. Đó là hình ảnh gần gũi thân thương, đến nỗi, người ta gọi người bạn đời của mình là “nhà tôi”, gọi gia đình là “nhà mình”, gọi quê hương là “quê nhà”, gọi Tổ quốc là “nước nhà”.

Đối với nhà ở đô thị, hiện tăng nhanh theo tỷ lệ tăng của thị dân. Kiến trúc này đang hình thành theo hai cách với hai chiều hướng khác nhau.

Đầu tiên, tạm gọi hướng “từ dưới lên”, có nghĩa là “nhà ở đô thị” phát triển từ những “nhà ở nông thôn”. Quá trình ấy diễn ra một cách từ từ.

Khi xưa ở quê, thường thấy những ngôi nhà ba gian dùng làm nhà chính để thờ tự, tiếp khách và là chỗ ngủ của trai trưởng trong nhà. Cạnh đó thường có thêm gian nhà ngang để đồ nông phẩm, nông cụ và để sản xuất.

Cả khối hình chữ “L” khiêm tốn ấy nằm trong một khu đất rộng, với những hạng mục phụ như sân phơi, nhà bếp, nhà xí, vườn rau, ao cá, đất hoa màu, chuồng gia cầm, gia súc…

Dần dần, kinh tế xã hội phát triển, cơ cấu nghề nghiệp chuyển đổi nhanh chóng và để thích nghi, người ta dành một khoảng sân phía trước để làm cửa hàng hay nhà xưởng. Do đó, ngôi nhà tiến ra phía mặt đường.

Lại nữa, mô hình tứ đại đồng đường ngày nay dường như cũng không còn mấy nữa. Theo ngày tháng, những đứa con trong gia đình lớn lên, ra riêng và bố mẹ bắt đầu tính đến chuyện chia cho mỗi người con một mảnh đất.

Vậy là ngôi nhà đang nằm ngang, chẳng mấy chốc mà xoay ra nằm dọc. Đến một thời điểm, cùng với mức độ đô thị hóa, những ngôi nhà này trở thành... “nhà ở đô thị”.

Nhà theo quy hoạch

Hành trình “nhà ở đô thị” chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của việc hình thành những khu dân cư, khu đô thị. Đến lúc này, kiến trúc nhà ở đô thị ra hình dáng với các dạng cụ thể: Biệt thự (mặt tiền khoảng 9-10m), nhà liền kề (mặt tiền khoảng 7-8m) và nhà phố (mặt tiền khoảng 5-6m). Chúng được quy định khác nhau về mặt độ, chỉ giới xây dựng, số tầng và chiều cao.

Tuy khác nhau về hình dáng, nhưng không gian trong “nhà ở đô thị” cũng có một mẫu thức chung. Bắt đầu từ phòng khách, ngày nay người ta thường chọn không gian thoáng đãng và có thể liên thông với các không gian khác như bếp ăn, giếng trời và sân vườn ngoại thất.

Không gian bếp đã trở thành không gian quan trọng - không gian mở. Từ vị trí bếp có thể quan sát khắp các nơi trong nhà, thậm chí ngoài vườn. Nhiều gia đình còn bố trí không gian ăn riêng, cũng chính là không gian giao tiếp, kết nối tình cảm gia đình. Hiện nay, căn phòng ngủ ở kiến trúc hiện đại có xu hướng vừa phải và chỉ để… ngủ.

Khoảng trống - không gian đặc biệt

Tùy vào nhu cầu và điều kiện cụ thể mà ngôi nhà còn có thể có các không gian khác: phòng thờ, phòng sinh hoạt chung, phòng đọc sách, góc uống trà… Trong đó, khoảng trống cũng là không gian đặc biệt giúp tăng cường chiếu sáng và thông gió tự nhiên.

Khoảng trống cũng chính là “không gian giao tiếp”. Từ đó, các con ở tầng trên có thể nhìn thấy và gọi mẹ ở tầng dưới, hoặc chỉ cần mở cửa sổ ở tầng hai là có thể quan sát đến tận ngoài cổng. Khoảng trống, tưởng như không giá trị, nhưng thật ra giá trị của nó là giúp tôn giá trị cho các không gian khác trong nhà.

Khoảng trống có thể là sân trước, sân sau và giếng trời. Trong điều kiện làm nhà với một diện tích nhất định thì nên để sân trước cho rộng (để làm vườn, để xe, hay tương lai có thể sử dụng vào các mục đích khác).

Sân rộng cũng giúp cho tòa nhà lùi lại, giúp nhìn thuận mắt hơn. Sân sau cũng cần thiết để phơi phóng, trồng rau hay làm vườn cảnh. Như vậy, dù trong bối cảnh đô thị nhưng ngôi nhà cũng nhắc lại dấu tích của ngôi nhà nông nghiệp thuở xưa.

Một ngôi nhà đẹp là tổ ấm nằm trong niềm thân mật của chủ nhà khi đón khách, trong sự khéo léo ở cách pha trà của nữ chủ, trong lời chào hỏi của những đứa con ngoan, trong câu chuyện nói với nhau bằng sự chân thành và lòng bao dung của chủ - khách...

Tất cả làm nên ấn tượng chung, như là linh hồn của ngôi nhà vậy. Ngôi nhà đẹp theo lối sinh hoạt của gia đình và phản ánh được hơi thở cuộc sống vốn giàu màu sắc.

Đó có thể là cuốn sách gia chủ để vội trên bàn sau khi đọc xong, là đồ chơi của con trẻ vương vãi trên nền nhà, là rau củ quả bày trên bệ bếp chuẩn bị cho bữa cơm gia đình...

Điều cốt yếu nhất, ngôi nhà phải tạo ra tự do cho người ở và nỗi nhớ khi đi xa. Để ai cũng có quyền tự hào về ngôi nhà của mình...

(QNO)