Ngũ Hành Sơn đang vươn mình để trở thành đô thị hiện đại - Ban biên tập

05.10.2015

Ngũ Hành Sơn đang vươn mình để trở thành đô thị hiện đại - Ban biên tập

BBT: Quận Ngũ Hành Sơn nằm về phía Đông Nam thành phố Đà Nẵng - mảnh đất “có núi, có sông, ruộng đồng, biển cả” (thơ Nguyễn Bá Thanh) -  nơi có con sông Cổ Cò chảy qua, có cụm núi Non Nước quyến rũ, có làng nghề điêu khắc đá tinh xảo… Quận Ngũ Hành Sơn cũng là một vùng đất có nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và cách mạng kiên cường. 

Nhằm góp phần quảng bá những giá trị văn hóa, lịch sử và những thành quả đổi mới không ngừng của quận Ngũ Hành Sơn trong thời gian qua, Tạp chí Non Nước có buổi làm việc, trao đổi cùng đồng chí Đào Tấn Bằng, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn.

 

- Tạp chí Non Nước: Trong những năm qua, quận Ngũ Hành Sơn có nhiều bước phát triển mới về kinh tế, văn hóa và du lịch, đồng chí vui lòng cho biết một số thành tựu phát triển văn hóa, du lịch hiện nay và định hướng của Quận về phát triển văn hóa, du lịch trong thời gian đến.

- Đồng chí Đào Tấn Bằng:

Có thể nói rằng từ một địa phương thuần nông những ngày đầu mới thành lập năm 1997, trải qua gần 20 năm xây dựng và phát triển, quận Ngũ Hành Sơn đã có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt, trong đó phải kể đến thành tựu về văn hóa, du lịch.

Tận dụng những ưu thế về mặt tự nhiên đã ban tặng cũng như những công trình, những di tích văn hóa - lịch sử cha ông đã để lại, Ban Chấp hành Đảng bộ quận Ngũ Hành Sơn qua các thời kỳ luôn tâm huyết lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển văn hóa, du lịch và đã đạt được một số thành tựu khả quan. Tôi chỉ xin nêu lên những điểm nhấn quan trọng nhất trong những thành tựu về văn hóa, du lịch của Quận.

Với sự đầu tư đúng định hướng, Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn hiện nay đã trở thành điểm du lịch được biết đến rộng rãi trong và ngoài nước, hằng năm thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan, chiêm bái. Riêng trong nhiệm kỳ qua (2010 - 2015), Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn đã đón trên ba triệu lượt khách (trong đó có trên một triệu lượt khách quốc tế), đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách Nhà nước của Thành phố và của Quận.

Lễ hội Quán Thế Âm - Một trong 15 lễ hội lớn nhất cả nước được tổ chức hằng năm (từ ngày 17/2 đến ngày 19/2 âm lịch) với quy mô được đầu tư lớn và các hoạt động ngày càng phong phú, đa dạng, có sức hấp dẫn, lôi cuốn các tăng ni, đạo hữu phật tử Phật giáo và khách du lịch thập phương. Qua Lễ hội Quán

Thế Âm, hình ảnh du lịch của thành phố Đà Nẵng nói chung và quận Ngũ Hành Sơn nói riêng ngày càng được quảng bá rộng rãi.

Làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước - Niềm tự hào của người dân Ngũ Hành Sơn đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2014. Để tiếp tục bảo tồn và phát triển Làng nghề, đồng thời bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị, các cơ sở sản xuất đá đã được quy hoạch và di dời vào Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước.

Ngoài ra, các di tích văn hóa - lịch sử như Đình làng Khuê Bắc với dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh, Khu căn cứ cách mạng K20 - chứng tích một thời đấu tranh oanh liệt với kẻ thù của quân dân Ngũ Hành Sơn,.. được quan tâm trùng tu, tôn tạo và đã, đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia và cấp thành phố. Quận cũng đã đầu tư xây dựng nhà truyền thống Khu III Hòa Vang, nơi giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ của Quận, tạo tiền đề để hình thành những điểm đến du lịch hấp dẫn mới của Quận trong tương lai.  

Và không thể không nhắc đến điểm nhấn kiến trúc đô thị độc đáo của Quận, đó là hàng loạt các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, sân golf, khu đô thị Phú Mỹ An, khu đô thị Nam cầu Tuyên Sơn, khu đô thị sinh thái Hòa Quý, khu đô thị công nghệ FPT,.. được cấp phép đầu tư, đang tập trung triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động.

Trước những thành tựu đạt được trên lĩnh vực văn hóa, du lịch trong những năm qua, đồng thời xác định những thời cơ lẫn thách thức mới trong những năm tới, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ quận Ngũ Hành Sơn lần thứ V, nhiệm kỳ 2015 - 2020, quận Ngũ Hành Sơn xác định sẽ cố gắng, nỗ lực huy động mọi nguồn lực đầu tư hoàn thiện và đồng bộ cơ sở hạ tầng để phát triển ngành dịch vụ và du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quận. Tranh thủ sự chỉ đạo quyết liệt của Thành phố, Quận sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc triển khai xây dựng các dự án về du lịch, dịch vụ, giải trí; bảo tồn, phát huy, đầu tư và đưa vào khai thác các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Kết nối với các điểm du lịch trên địa bàn Thành phố cũng như các địa phương lân cận để thúc đẩy nhanh sự phát triển du lịch, dịch vụ tại địa phương.

- Tạp chí Non Nước: Công viên văn hóa - lịch sử Ngũ Hành Sơn đang được lãnh đạo Thành phố quan tâm đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, tình hình triển khai chưa thật đồng bộ và còn chậm chạp. Theo đồng chí, làm sao cho Công viên văn hóa - lịch sử Ngũ Hành Sơn sớm hình thành góp phần nâng cao đời sống văn hóa, thu hút khách du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của Quận.

- Đồng chí Đào Tấn Bằng:

Dự án công viên văn hóa - lịch sử Ngũ Hành Sơn là tâm huyết của tập thể lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn, và cũng là niềm hy vọng của các tầng lớp nhân dân Quận, bởi nếu dự án hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho Quận, đó là góp phần giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động địa phương; tăng nguồn thu ngân sách của Quận; hình thành thêm một điểm nhấn du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh hấp dẫn của thành phố Đà Nẵng.

Được sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố, năm 2009, dự án Công viên văn hóa - lịch sử Ngũ Hành Sơn được từng bước đầu tư xây dựng. Trong những năm qua, cả hệ thống chính trị của Quận đã tập trung công tác giải tỏa đền bù, bàn giao mặt bằng để triển khai thi công các hạng mục công trình, tuy nhiên hiện nay, việc triển khai thực hiện chưa thật sự đồng bộ (mới chỉ đầu tư được một số tuyến đường: Nguyễn Duy Trinh, Sư Vạn Hạnh, Huyền Trân Công Chúa và Non Nước) và công tác giải phóng mặt bằng chậm tiến độ đề ra, mà nguyên nhân chính là nguồn kinh phí hạn hẹp của Thành phố.

Trước tình hình đó, Thành phố đã có chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư dự án theo hướng xã hội hóa. Gần đây nhất, lãnh đạo Thành phố và Quận đã có buổi tiếp xúc với lãnh đạo Công ty cổ phần du lịch văn hóa Suối Tiên để kêu gọi đầu tư vào dự án. Đầu tháng 9/2015, đồng chí Huỳnh Đức Thơ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã có buổi làm việc với Quận và chỉ đạo trước mắt tập trung đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng khu vực xung quanh ngọn Thủy Sơn, đầu tư hệ thống chiếu sáng về đêm, hệ thống giao thông nội bộ, trồng cây xanh,… để tạo cảnh quan phục vụ cho Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại thành phố Đà Nẵng năm 2017.

Thiết nghĩ đây là một chủ trương rất đúng đắn trong tình hình nguồn ngân sách Thành phố gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Với sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, qua đó từng bước nâng cao đời sống văn hóa, thu hút khách du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của Quận trong những năm đến.

- Tạp chí Non Nước: Thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất Ngũ Hành Sơn một cảnh quan tuyệt diệu, trong một diện tích nhỏ, Ngũ Hành Sơn vừa có núi Non Nước nên thơ có bề dày văn hóa, lịch sử, tôn giáo; vừa có bãi biển khá đẹp quyến rũ nhiều nhà đầu tư và khách du lịch trong và ngoài nước; vừa có dòng sông Cổ Cò một thời nối liền Đà Nẵng với thương cảng Hội An. Bên cạnh đó, Ngũ Hành Sơn còn là mảnh đất mang trong lòng nó những giá trị văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm và giao thoa nhiều nguồn văn hóa trong nước và nước ngoài…. Với những đặc thù như vậy, Ngũ Hành Sơn là một vùng đất có triển vọng lớn trong phát triển, tuy nhiên muốn phát triển mạnh hơn rất cần sự quan tâm, nỗ lực của lãnh đạo Quận.

Với tư cách Bí thư Quận ủy, đồng chí vui lòng cho biết thêm những trăn trở, khát vọng, mong muốn của cá nhân đồng chí về lĩnh vực văn hóa, du lịch trên địa bàn quận.

- Đồng chí Đào Tấn Bằng:

Khi đồng chí hỏi tôi câu hỏi này, những cảm xúc những ngày đầu mới nhận chức Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn trong tôi lại ùa về. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc khi đảm nhận chức vụ mới, nhưng cũng đồng nghĩa với những trọng trách, những nhiệm vụ mới nặng nề hơn. Đó là niềm hân hoan, lòng rạo rực muốn được đem nhiệt huyết, sức trẻ của mình để cùng với tập thể Ban Thường vụ Quận ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ quận lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đưa quận Ngũ Hành Sơn ngày một phát triển.

Điều tôi nhận thấy, đó là quận Ngũ Hành Sơn may mắn được thiên nhiên vô cùng ưu đãi, nằm trên trục di sản văn hóa thế giới (Quảng Bình với Phong Nha - Kẻ Bàng, Huế với Cố đô Huế, Quảng Nam với Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn), có những bãi biển cát vàng dài và đẹp, có Khu danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn vang danh gần xa, có những lễ hội, những di tích văn hóa - lịch sử đặc sắc như Đình làng Khuê Bắc hay lễ hội Quán Thế Âm, có Làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước với những bàn tay tài hoa và khối óc đầy sáng tạo của các nghệ nhân; và đặc biệt, người dân có truyền thống cần cù lao động và vô cùng hiếu khách,.. tạo điều kiện rất thuận lợi để phát triển ngành du lịch, dịch vụ của Quận.

Trong suốt một năm rưỡi công tác tại Quận, tôi đã cùng tập thể Ban Thường vụ Quận ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ quận phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất cao đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt cho lĩnh vực văn hóa, du lịch của Quận như: Hoàn thành và đưa vào sử dụng 04 tuyến đường (Nguyễn Duy Trinh, Huyền Trân Công Chúa, Sư Vạn Hạnh, Non Nước) trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn để thúc đẩy kinh tế phát triển; nâng tầm Lễ hội Quán Thế Âm, lễ hội Vu Lan rằm tháng 7 hằng năm để vừa duy trì các nét văn hóa truyền thống vừa tạo ra các sản phẩm du lịch tâm linh độc đáo; quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa, các hoạt động văn nghệ - thể thao cho các tầng lớp nhân dân,...

Tuy nhiên, tôi vẫn còn nhiều suy nghĩ, nhiều trăn trở là làm sao cho quận Ngũ Hành Sơn phát triển hơn nữa trên lĩnh vực văn hóa, du lịch bởi tiềm năng của Quận là rất lớn và chưa được khai thác một cách triệt để. 

Tôi hy vọng trong thời gian công tác của mình tại Quận, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Thành phố, sự đoàn kết, thống nhất trong tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ quận và sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân quận nhà, dự án Công viên văn hóa - lịch sử Ngũ Hành Sơn sẽ được đầu tư và đưa vào hoạt động, mở ra sự phát triển mới của Quận trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ; đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng các tuyến phố chuyên doanh để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch.  

Ngoài ra, cùng với dự án Công viên văn hóa - lịch sử Ngũ Hành Sơn, những di tích văn hóa - lịch sử, những lễ hội truyền thống khác như Đình làng Khuê Bắc, Khu di tích lịch sử K20, miếu Tiến Sĩ, lễ hội Quán Thế Âm, lễ hội Vu Lan, lễ hội Thạch nghệ Tổ sư,... sẽ tạo ra một chuỗi các điểm du lịch tâm linh riêng của Quận trên địa bàn Thành phố. Từ đó, sẽ thu hút càng nhiều các nhà đầu tư đến với Ngũ Hành Sơn hơn.

Và có lẽ điều tôi mong muốn nhất, đó là người dân được thụ hưởng những thiết chế văn hóa một cách đầy đủ nhất; từng bước hình thành nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.

Tôi tin tưởng rằng những trăn trở, mong muốn trên nếu được triển khai thực hiện sớm sẽ góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Ngũ Hành Sơn lần thứ V, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra, sớm đưa quận Ngũ Hành Sơn trở thành đô thị hiện đại, là trung tâm du lịch, dịch vụ của thành phố Đà Nẵng.

Non Nước 

Bài viết khác cùng số

Gửi núi Non Nước - Vũ Quần PhươngTân binh phố Đá - Trần Quốc CườngCát cháy - Thanh QuếTĩnh lặng Ngũ Hành Sơn - Nguyễn Văn ChungTản mạn chuyện nước non - Như HạnhBâng khuâng giữa Động Huyền Không - Thu HàHòn Thủy - “cố nhân” của khách lãng du - Dã ChâuLần theo dấu đá trăm năm - Nguyễn Nhã TiênLạc qua Non Nước... - Văn Thành LêNgũ Hành Sơn đang vươn mình để trở thành đô thị hiện đại - Ban biên tậpThăm lại Ngũ Hành Sơn - Tường LinhBên vú đá Ngũ Hành Sơn - Trinh Đường (1917 - 2001)Ngũ Sơn lĩnh phạm âm - Chí Đình Nguyễn Văn Lý (1795 - 1868)Cẩm thạch Ngũ Hành - Lê Bá Trinh (1878 - 1934)Huyền sử Non Nước mây - Tô Như ChâuThạch khí danh lam - Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947)Viếng cảnh Non Nước - Bà Bang Nhãn Lê Thị Liễu (1853 - 1927)Hoài cảm chùa Non Nước - Phan Bội Châu (1867 - 1940)Viếng động Ngũ Hành – Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền (1868 - 1925)Vịnh Tam Thai - Thích Đại Sán (1633 - 1704)Viết ở Ngũ Hành Sơn - Trần Văn ThọNon Nước chiều xưa - Phan Hoàng PhươngChuông chiều Huyền Không - Phụng LamChiều Ngũ Hành Sơn - Mai Hữu PhướcTrên Ngũ Hành Sơn - Ngân VịnhNgười tạc tượng Bác Hồ ở chân núi Ngũ Hành Sơn - Ngô Văn PhúKhí thiêng Ngũ Hành Sơn những giá trị văn hóa cộng hưởng - Nguyễn Quang Trung TiếnĐôi nét sơ lược về vùng văn hóa Hóa Khuê - Mỹ Thị - Ngũ Hành Sơn - Phan Duy NhânBàn về việc xây dựng Lễ giỗ Thạch nghệ Tổ sư và Lễ hội làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Bùi Văn TiếngPhổ Đà sơn linh trung Phật một văn bia quý ở Đà Nẵng - Nguyễn Hoàng ThânLăng Ông Tân Trà - Đinh Thị TrangKết quả khai quật Di chỉ vườn đình Khuê Bắc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn năm 2015 - Hồ Tấn Tuấn, Phạm Văn TriệuXây dựng danh thắng Ngũ Hành Sơn là điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện - Lê Quang TươiDòng sông Cổ Cò - Trương Văn KhoaTrăn trở làng đá Non Nước - Trần Trung Sáng