Một thời “Hát cho đồng bào tôi nghe” - Trần Trung Sáng

13.05.2013

Một thời “Hát cho đồng bào tôi nghe” -  Trần Trung Sáng

       Sau gần 40 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, đến nay, mỗi lần nghe lại những khúc hát một thời “Hát cho đồng bào tôi nghe”, chúng ta vẫn không khỏi hết sức bồi hồi, nhớ về một giai đoạn lịch sử đấu tranh oai hùng của dân tộc; nhớ về lịch sử phong trào HSSV trong lòng đô thị miền Nam trước 1975- những người trẻ tuổi một thời đã sống không hổ thẹn với lớp lớp cha ông.

    Theo nhạc sĩ Tôn Thất Lập, với gần 300 ca khúc tranh đấu của HSSV thành thị miền Nam được sáng tác từ 1965-1975, các tác giả sinh viên đã sáng tạo ra các tác phẩm âm nhạc đầy rung cảm và thuyết phục với một ngôn ngữ đặc thù. Tuy chỉ là những ca khúc quần chúng ngắn gọn nhưng có sức biểu hiện lớn; chúng kế thừa một cách sáng tạo tính chất âm nhạc dân gian, màu sắc giai điệu dân tộc, tạo được sự rung cảm sâu xa và chinh phục được trái tim quần chúng. Nhạc sỹ kể lại : “Tháng 10/1966, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Phong trào Bảo vệ Văn hóa Dân tộc đã được khởi nguồn. Phong trào này do Thành Đoàn Sài Gòn - Gia Định tổ chức với sự tham gia của các đoàn văn nghệ học sinh, sinh viên Sài Gòn. Từ Phong trào này, nhiều chương trình văn hóa - văn nghệ gắn với chủ đề hòa bình - độc lập - tự do cho dân tộc đã được tổ chức ngay tại trung tâm của Ngụy quyền Sài Gòn, sau đó đã lan tỏa ra khắp các đô thị ở miền Nam”.

   Từ Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, Báo Sinh viên trực thuộc Tổng Hội sinh viên Sài Gòn được thành lập, nhằm mục đích lôi kéo, hướng sinh viên vào các phong trào đấu tranh chống Mỹ-Nguỵ, bảo vệ nền văn hóa dân tộc... Đây được coi là những hoạt động mở đầu của Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, làm tiền đề cho cao trào đấu tranh thông qua hình thức văn hóa - văn nghệ của học sinh, sinh viên trên các đô thị miền Nam những năm đế quốc Mỹ bắt đầu mở rộng “Việt Nam hóa chiến tranh” tại Việt Nam.

   Trong các năm từ 1970 đến 1972, “Hát cho đồng bào tôi nghe” đã dâng lên thành một cao trào. Đặc biệt, không khí đấu tranh của sinh viên và giới trẻ càng trở nên sôi động khi xuất hiện những lời ca thúc giục, khích lệ tinh thần tuổi trẻ: “Dậy mà đi! dậy mà đi!/ Ai chiến thắng không hề chiến bại/ Ai nên khôn không khốn một lần... Đừng tiếc nữa can chi mà khóc mãi/Dậy mà đi núi sông đang chờ... Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi” ("Dậy mà đi" của Nguyễn Xuân Tân). Hay: “Ngày nào thênh thang dân đứng lên phá xiềng nô lệ/Ngày nao hiên ngang ta cùng nhau đứng chung đồng bào/Dành lại dòng sông này cho lúa chín khắp đồng xanh/Dành lại thành phố đó Việt Nam nâng cao hòa bình…” ("Hát cho dân tôi nghe" của Tôn Thất Lập)... Những bài hát này như những ngọn lửa thổi bùng lên mạnh mẽ tinh thần và tấm lòng yêu nước của phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn và đô thị miền Nam từ những năm 1966 - 1970, và kéo dài trong nhiều năm sau đó với mục tiêu hướng tới là giành độc lập - tự do cho dân tộc. Đội ngũ nhạc sĩ sáng tác ngày càng đông đảo hơn: Họ từ mọi miền quê đất nước tụ hội trong phong trào yêu nước học sinh, sinh viên ở Sài Gòn và các đô thị miền Nam vì mục tiêu đấu tranh giành độc lập - tự do của nước nhà.

     Bên cạnh những tên tuổi Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, Trần Xuân Tiến, Nguyễn Phú Yên…nhiều ca khúc của các nhạc sĩ miền Trung cũng góp mặt trong phong trào. Đó là Nguyễn Nam (1952-2011), trước khi theo học Đại học Văn khoa Vạn Hạnh Sài Gòn (1972) nguyên giữ vai trò Trưởng đoàn văn nghệ Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng, gây xúc động với những lời ca:“ Ơi người em gái tôi ơi/ Trường học dạy em công dân sử ký/ Trường học dạy em điạ lý, anh văn/ Nhưng không dạy em căm thù xâm lược/ Khi miền Nam mình đang cần môn đó em ơi? Lá thư này ngày mai tôi sẽ gởi...” (Thư gởi cho người em gái Sài Gòn). Đó là Miên Đức Thắng ngay khi rời khỏi thành phố Huế quê nhà, bước vào trường Đại học Khoa học kỹ thuật Sài Gòn, những sáng tác của anh đã nhanh chóng tạo nên sự chú ý và phổ biến rộng rãi khắp nơi trên đường phố và trên mọi trường học miền Nam. Nhiều lời ca trong tập ca khúc Hát từ đồng hoang của anh được học sinh, sinh viên truyền tay nhau, có khi ghi cả trên bờ tường và hát trong những đêm không ngủ, đòi hòa bình cho dân tộc như: “Người lính khe khẽ hát / Mẹ ơi ơi mẹ ơi / Vì con không muốn giết / Bao anh em của mình / Vì con không muốn giết /Nên con làm tù binh (Mẹ ơi nuôi con lớn để con làm tù binh), hoặc: “Ôi những viên đạn bằng đồng thật tươi thật đỏ hồng / Những viên đạn bằng đồng/ Dân Việt chết đói khô/  Không làm sao nhai được/  Triệu viên đạn đỏ hồng/ Cha con mình gặp nhau/ Trong tầm bay viên đạn/  Anh em mình gặp nhau/ Trong tầm bay đạn đại bác/ Anh em làng gặp nhau/ Trong tầm súng cộng đồng...(Viên đạn). Anh cũng là nhạc sĩ duy nhất bị chế độ Sài Gòn kết án 5 năm tù khổ sai, vì chính những sáng tác của mình. Đó là La Hữu Vang (1935-2007) từ quê hương Bình Định vào Sài Gòn với những ca khúc nổi tiếng như: Không ai ngăn nổi lời ca, Hát cho quê hương, Tổ quốc ơi ta đã nghe...

      Tại Đà Nẵng, theo luật sư Đỗ Pháp (Ban liên lạc Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng), vào năm 1971, khối văn nghệ do anh Phạm Văn Đồng (tên thật Nguyễn Nam) phụ trách, tập hợp một đội ngũ học sinh tuy không chuyên nhưng được các nhạc sĩ phong trào như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Khoái, Nguyễn Huy Hùng kèm cặp nên ca hát bốc lửa. Khối văn nghệ đã tổ chức nhiều đêm văn nghệ đấu tranh như: “Hát cho đồng bào tôi nghe”, “Đồng bào ta cùng hát”, “Đốt lửa căm thù”, “Đốt lửa Phan Châu Trinh”…Đặc biệt nhất là tổ chức thành công hai đêm hát : “Từ trong lòng đồng bào ta lớn dậy”..

    Năm 1972, Hội liên hiệp thanh niên tại Pháp cho ấn hành tập ca khúc “Hát cùng đồng bào ta” đã thu hút sự tham gia các tầng lớp thanh niên, sinh viên Mỹ, dấy lên làn sóng phản chiến trên khắp nước Mỹ. Họ ủng hộ hoạt động yêu nước của HSSV miền Nam Việt Nam. Diễn viên màn ảnh nổi tiến Jane Fonda từng hát bài “Dậy mà đi” trong những cuộc tuần hành phản chiến của thanh niên Mỹ.

   Nhìn chung, phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” trong lòng Sài Gòn và các đô thị miền Nam những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước là sự biểu hiện rực rỡ cao độ của tinh thần yêu nước, chí khí bất khuất của con người Việt Nam; như ngọn lửa thiêng của lòng yêu nước, của tuổi trẻ luôn sẵn sàng trong khí thế sức trẻ vùng lên góp phần đem lại thắng lợi mùa xuân 1975. Những tác phẩm của phong trào đã có được vai trò xứng đáng trong sự nghiệp của nền âm nhạc đương đại Việt Nam.  “Những lời bài hát đẹp lắm, hay lắm, kỳ lạ lắm. Hát mà trong tim như có lửa. Nó như là tuyên ngôn của một thế hệ thanh niên. Bao nhiêu người của thế hệ đó đã hy sinh. Mỗi lần tui hát là tui lại nghĩ về những người đã đứng lên, rồi đã ngã xuống. Những bài hát giữ lửa cho một thế hệ, truyền đến hôm nay”. Anh Trần Xuân Tiến, một nhạc sĩ trưởng thành từ phong trào này đã nói như vậy.

                                                                                                                        T.T.S