Cái bếp lò - Truyện ngắn Nguyễn Hoàng

13.05.2013

Cái bếp lò - Truyện ngắn Nguyễn Hoàng

Mỗi lần về nhà ngoại vào dịp giỗ tết, Nhi luôn nhớ đến cái bếp lò cũ kỹ, đầy bụi bặm nằm trong góc căn bếp hiện đại của cậu Tâm.

Ông ngoại mất từ hồi bà ngoại còn trẻ. Ở vậy suốt một đời chăm chỉ làm lụng, nuôi dưỡng các cậu, dì nên người, dấu vết vật chất ngoại để lại chẳng có gì ngoài chiếc bếp lò. Phục vụ hai bữa ăn cho cả nhà, chiếc lò còn nấu gánh bún, rổ khoai để bà mang ra chợ bán hằng ngày, đó là nguồn thu nhập chính của gia đình vào thuở khó khăn. Sau này, khi đời sống khấm khá lên và cả đến lúc tuổi già, ngoại vẫn thích tự tay nhóm lửa nấu bếp. Có lần mợ Tâm mua chiếc lò thay cho cái cũ bị hỏng nhưng cái mới dùng không tốt: nhen lửa đã khó, khói nhiều và tốn củi. Ngoại phải ra chợ chọn chiếc khác. Kinh nghiệm bao nhiêu năm của ngoại đã mang về những chiếc lò lửa cháy đều, cời tro dễ và không bị khói. Chừng đó đủ để thấy ngoại gắn bó với chiếc bếp lò như thế nào rồi.

Thỉnh thoảng, gia đình các cậu, dì ở ngoài huyện, trên thành phố kéo nhau về thăm ngoại. Đường xa mấy chục cây số, chạy xe máy trong thời tiết ẩm ướt mùa đông, vào nhà bắt gặp lò lửa hồng ngoại nhóm thì không có gì bằng, nhất là mấy đứa nhỏ. Chúng bâu chung quanh ngoại, hơ tay cho nóng rồi xoa lên má, lên tai, bỗng chốc cái lạnh, cái rét mướt biến nhanh.

Ngày cậu Tâm làm nhà mới, gian bếp được lát nền gạch hoa bóng loáng. Tường ốp đủ loại gạch men trang trí, hệ thống bếp ga và tủ đựng thức ăn, chạn bát được bố trí hài hòa thì cái bếp lò tất nhiên là vô dụng. Cậu Tâm định đem chiếc lò ra để ở kho đựng vật dụng linh tinh nhưng ngoại không đồng ý, bảo cứ để trong bếp thỉnh thoảng ngoại nhóm lửa cho ấm cửa, ấm nhà. Ngoại cũng ý tứ là chỉ mua than hoa về nhóm lò, quạt lửa để tránh ám khói nhà bếp. Ngoại không chịu dùng bếp ga vì có lần bà làm cháy nồi cá kho do không biết cách làm nhỏ ngọn lửa nhưng cái chính có lẽ ngoại thấy ngọn lửa than, màu sắc và mùi lửa ấm cúng, thân thuộc hơn.

Nhi vẫn nhớ như in, lần cuối được ngoại ủ ấm bên lò lửa hồng trong chiều mồng một tết con cọp. Lũ cháu con cậu, con dì quây quần bên bếp. Ngoài trời mưa phùn lâm thâm, gió bấc vi vút khiến cái rét len lỏi khắp mọi chốn. Ngoại rang đậu phụng hạt trên chảo gang rồi đổ ra trên chiếc giần, ai nấy nhón từng hạt nóng hôi hổi, bỏ vào miệng thấy ngon chi lạ. Chúng vừa ăn, vừa trêu ngoại:

- Bà ơi, bà là người “Môhican cuối cùng”; à không, “người nhóm lò cuối cùng”.

Đứa khác thì bảo:

      - Ngoại không dùng bếp ga thì để con mua cái bếp điện để ngoại dùng, nó cũng giống cái lò củi này nhưng khỏi quạt thổi lửa.

Ngoại móm mém cười và mắng yêu:

      - Cha bây, nhờ cái lò bếp này mà bà đã nuôi ba mẹ các con nên người đó. Giờ thì già rồi, lẩm cẩm nên không quen dùng bếp ga, bếp điện, bà sợ.

Ngừng lại một chút, bà thở dài và nói thêm:

       -  À, mà ở nhà này, bà trở thành “người nhóm lò cuối cùng” rồi. Sau này chắc không ai dùng đến cái bếp lò, không có ai đốt lửa sưởi ấm cho các con nữa.

Dì Út nghe giọng ngoại ngậm ngùi liền bảo:

      -  Ngoại đừng lo, lúc nào ngoại yếu, Út nhóm lò, thổi lửa cho ngoại mà.

***

Hơn nửa năm sau đó thì ngoại mất đột ngột vì bệnh tim. Chiếc bếp lò được dì Út giữ lại để một góc, nằm lạc lõng trong căn bếp hiện đại. Cậu Tâm một phần nhớ thương ngoại, phần thì chiều dì nên cứ để yên chỗ cũ. Chỉ khổ mợ Tâm phải nhiều lần giải thích với người quen lý do giữ chiếc lò bếp lại nhưng ai nấy đều bảo thời nào thì thức ấy, để đó chẳng làm gì, thêm vướng. Những năm sau, mỗi lần tết đến, khi cúng tất niên xong, ba mẹ, cậu dì thường tụ họp quanh bếp, gợi chuyện xưa và bao giờ đề tài chiếc lò cũng là câu chuyện rôm rả, đôi khi gây xung khắc nhưng chiếc bếp lò chẳng  được ai nhóm lên.

Cậu Minh, con trưởng nhưng sống ở thành phố khá lâu, tính tình cởi mở, có phần xuề xòa giống ngoại thì bảo:

      - Chú Tâm còn để cái bếp lò làm gì cho choáng chỗ. Bếp núc tinh tươm thế này mà chơi ông đầu rau chình ình ở đây ngó ngứa con mắt.

Cậu Tâm chưa kịp trả lời, dì Út vốn được ngoại và cả nhà cưng lên tiếng:

      - Anh Minh thì sang trọng rồi. Cái bếp là vật kỷ niệm của mẹ mà anh đòi vất đi. Anh đừng có vô tâm.

Cậu Minh quay lại cà khịa:

- Mày quá lạc hậu Út ơi. Nhớ mẹ, lưu giữ kỷ niệm của mẹ thì thiếu chi cách. Mày có thấy như anh tính tình giống mẹ không? Thấy anh thì cũng như thấy mẹ.

Dì Út bắt đầu sụt sịt:

- Anh thì giỏi rồi, chứ em mỗi lần thấy cái bếp lò thì như thấy ngay hình bóng của mẹ.

Cậu Minh khiêu khích:

- À, hay cô Út muốn mang về thì chú thím Tâm cho cô nhé.

Dì Út đáp trả ngay:

- Anh nói hay nhỉ. Để cái bếp lò ở đây mới có ý nghĩa chứ mang lên chỗ em, mấy khi cả nhà đến thăm đầy đủ với đứa út này.

Cậu Tâm dàn hòa:

- Để cái bếp ở đây thì cũng có vướng. Nhưng anh em mỗi lần tụ họp thì thấy ấm cúng. Không sao, khi nào nó bệ rạc quá thì bỏ đi.

Giờ thì cậu Tâm ít quan tâm lắm chuyện cái bếp lò đặt ở đâu vì không thường xuyên vào bếp. Hơn nữa, cậu muốn giữ không khí thuận hòa trong gia đình nên giọng nói có phần ba phải. Mợ Tâm chắc thầm tán đồng với cậu Minh nhưng trong lúc này thì cũng xuôi theo ý chồng chứ cái bếp lò mà dẹp được thì không gian thoáng ra biết mấy.

Sau đó cậu Tâm thuê thợ mộc đóng cái giá như là chiếc tủ nhỏ với cánh cửa lửng. Chiếc lò  được  đặt vào ngăn dưới, ngăn trên đặt bộ ly uống nước, vài vật dụng trang trí linh tinh. Chuyện chiếc lò được giải quyết khá ổn thỏa nhưng công năng của nó không còn thể hiện nữa.

Nhưng rồi cũng chỉ được thời gian đầu. Về sau, lớp tôn quấn quanh chiếc lò đã rỉ sét, lớp gạch, xi măng bong tróc ra từng mảng. Thêm nữa, gián, dế chui vào làm tổ khiến cái giá gỗ không che hết vẻ nhếch nhác. Năm tháng tiếp nối, việc bà ngoại mất cũng nguôi ngoai dần. Đến lúc đó, không cần mợ Tâm nhắc nhủ, cậu Tâm cũng đã mang chiếc bếp lò ra vất thùng rác và cất luôn cái giá đựng.

Tết năm nay, đại gia đình tụ họp khá đầy đủ. Cúng bái, ăn uống xong, các cậu, dì tụ tập trong căn bếp theo thói quen. Trời giá buốt, dường như tết này lạnh nhất trong mấy năm gần đây. Mùi khói hương, tiếng người chuyện trò rộn ràng nhưng không xua cái rét đi được. Ai cũng có cảm giác thiếu cái gì đó, cuối cùng dì Út chắc lưỡi:

- Giá còn cái bếp lò mà nhóm lửa cho ấm nhỉ.

Cậu Minh trêu:

- Chưa già mà đã sợ lạnh. Nhóm lửa hả? Cần gì bếp lò. Cô Út lấy chiếc chậu nhôm là nhen lên được ngay thôi.

Dì Út ngúng nguẩy:

- Anh Minh giỏi thì đi nhóm đi. Ở thành phố biết gì mà củi lửa. Có cái bếp lò mà cứ nay đòi vất, mai đòi bỏ, giờ lấy gì mà nhóm. Anh thấy chưa, nó không chỉ là kỷ niệm mà còn cần thiết như lúc này.

Cậu Minh tếu táo:

- Cái bếp lò đã hoàn thành “sứ mạng lịch sử”, để nó yên nghỉ là đúng  rồi. Bắt nó phục vụ khi đã quá đát là không thuận lòng trời đâu.

Cậu Tâm, người luôn đóng vai trò hòa giải lên tiếng:

- Bác Minh và cô Út cứ khắc khẩu. Bây giờ còn cái lò thì nhóm lửa cũng không được. Củi than không, trấu tro nỏ có thì nhóm bằng cái gì. Ráng chịu lạnh đi. Ngày xưa, anh em mình chỉ mấy chiếc áo vải sờn mặc chồng vào nhau cũng qua hết bao nhiêu mùa đông, nay thì đủ loại len dạ, sợ gì lạnh nữa.

Cậu Minh phân bua:

- Khắc khẩu gì đâu. Thấy con Út đàng điệu như bà già, anh khoái chọc chơi. Tưởng anh không đốt lửa được à. Nhớ thời chúng mày còn bé, bao nhiêu lần anh phải dậy sớm giúp mẹ nhóm lò, thổi lửa nên chuyện đó trở thành kỹ năng rồi. Giờ chỉ cần ra vườn bứt mấy nhành cây khô và thêm tờ giấy loại là có ngay bếp lửa, cần gì phải tro trấu. Nhưng thôi, chú Tâm nói phải, phải biết vất bỏ những thứ không còn phù hợp với thời cuộc…

Cậu Tâm đồng tình tiếp lời:

- Cũng như chuyện đốt pháo. Khá lâu rồi, không nghe tiếng nổ đì đùng vào đêm giao thừa thì cũng thiếu phần ấm cúng. Nhưng dân mình kém quá, xài pháo thiếu ý thức, làm cháy nổ gây bao thảm cảnh nên dù đó là truyền thống lâu đời mà chính phủ cấm thì mọi người đều đồng tình thực hiện.

Tiếng nhạc xuân phát ra từ chiếc ti vi trong phòng ăn vang lên. Mợ Tâm chợt nhớ đến giàn karaoke mới tậu tháng trước nên mời mọi người lên phòng khách thử giọng.  Cánh phụ nữ và bọn trẻ hào hứng với những bài ca quen thuộc. Cánh đàn ông vào phòng ăn, lai rai với chén rượu, nói chuyện thời cuộc.

Chuyện về chiếc bếp lò chắc là ngừng hẳn từ đây.

N.H