Không ngày tháng

29.08.2022
Đỗ Thị Hà Nhi

Không ngày tháng

Minh họa: Lê Huy Hạnh

Năm giờ chiều, trời bắt đầu tối sầm. Có bụi bay trong không khí, chúng tụ lại dần như một lớp vải mờ che phủ, lấp dần ánh sáng yếu ớt. Mặt tôi nóng ran, thở khó khăn, chẳng biết còn bao nhiêu thời gian nữa… có lẽ là vài giây thôi tất cả sẽ sụp đổ, có lẽ là vài giờ. Điều duy nhất tôi biết là tất cả sẽ chấm dứt trong hôm nay.

Tôi không thích bị giễu cợt bởi bất kì một ai nhưng giờ tôi lại tình nguyện làm một con rối. Thật nực cười! Hôm trước mọi chuyện còn êm đẹp: trời vẫn xanh, nắng vẫn vàng… tôi đâu ngu ngốc tới nỗi nhìn một cái cây ra màu tím, nhưng sau một cú xoay chuyển khiến người ta ngỡ ngàng, giờ tôi mới dám chắc nó màu tím than. Mà biết sớm hơn thì sao chứ? Tôi cũng có thể xoay chuyển gì đâu. Đám tiến sĩ khoa học ngoài kia còn từ bỏ huống hồ một đứa con gái như tôi. Các bản tin dồn dập đã không còn chỉn chu như trước, họ nói như đang mếu rồi vứt bản thảo cái “rụp” mà chạy về với gia đình. Ai cũng khóc, nhấn mạnh rằng hãy “ôm lấy người thân yêu một lần cuối”.

Tôi chạm vào ti vi, thấy nó đã nóng kinh khủng - điều duy nhất tôi có thể làm là tắt nó đi, cất điện thoại vào túi áo. Lớp kim loại chạm vào da thật lạnh, càng lúc càng buốt.

Căn hộ tôi ở vắng tanh, tìm một người cũng khó bởi ai cũng lao hết ra đường, nổ máy mà đi, nhưng cả trăm nghìn người đổ xô ra đường thì có thể đi đâu? Tôi choáng trước tiếng còi xe inh ỏi, tiếng chửi ngập trời. Con người dần mất hết nhân tính, dẫm đạp lên nhau mà đi, nhìn họ bây giờ chẳng khác gì những thây ma bị bỏ đói liên tục “cấu xé” những gì còn sót lại cuối cùng. Những cái bóng lướt qua, thành vệt đen mờ cuốn trôi theo gió. Cửa ở đây đều đóng cả nên không phân biệt nổi ai với ai… Vậy cũng đỡ, tôi không muốn nhìn thêm bất cứ vẻ kinh hoàng nào nữa!

Phụ huynh đến đón con họ. Có người mặc đồ công sở, có người vẫn trong bộ đồ ngủ. Họ réo tên con, khổ sở chen lấn trong một “lò bánh mì” đầy ắp, lúc họ tìm thấy con mình - họ òa khóc như những đứa trẻ khi cuối cùng cũng tìm được cái “bánh mì” mà họ cần đem nướng. Họ ôm lấy chúng, chạy vụt đi…

Một người đàn ông dúi cho tôi mớ tiền anh ta moi được trong ví. Cả xấp dày, chẵn lẻ khác nhau - nếu là trước đây có lẽ tôi sẽ sốc lắm - còn giờ bày ra trước mặt như một mớ giấy trắng vô dụng. Tiền? Tôi có thể làm gì được với tiền nữa đây? Anh ta nhìn được vẻ bối rối của tôi, chỉ biết ôm chặt cô con gái bé bỏng và lẩm bẩm một lời xin lỗi không nghe được. Tôi chợt hiểu ra: anh ta muốn tặng tôi thứ gì đó, bất cứ cái gì cũng được, chút lòng thành sau cuối cho ân nhân đã tìm con giúp mình; chỉ là anh thấy hổ thẹn vì đã trao thứ vô dụng nhất lúc này. Mà thú thật, trước một thảm họa kinh khủng thì chẳng có thứ gì đáng giá! Tôi ước mình không nhận ra nỗi lo khổ sở của anh, rồi để cảm giác tuyệt vọng khoét lấy tâm hồn, nhưng tôi vẫn cầm lấy và nở cụ cười.

Những đứa trẻ thơ ngây ấy chỉ thấy mừng vì được đón về sớm. Về nhà có mẹ, có bà, có những bữa cơm được dọn sẵn. Chúng vẫy tay chào tôi, bóng xa dần rồi hòa vào dòng người. Tôi chào lại, chợt thấy mình ngu ngốc và bình tĩnh quá mức. Nếu cả thế giới ai cũng như tôi thì tận thế cũng chỉ là một cơn mưa rào để người ta chết một cách chết “thơm tho” và “nhẹ nhàng” mà thôi!

Nơi đây vẫn còn khoảng chừng năm, sáu đứa nữa chưa ai đón về. Tôi tìm cô giáo, nhưng cô đã đi, chắc đi từ sớm. Chỉ còn cuốn danh bạ, tôi rút điện thoại ra và cố gọi. Kết nối chập chờn rồi tắt phụt… Tôi nhắn tin, đáp lại là lặng câm. Có lẽ làn bụi dày ngoài kia đã phá sóng hoặc điều tồi tệ… đã thực sự xảy đến. Tôi tự bào chữa cho những phụ huynh đó là do quá khó khăn để vượt qua đống hỗn độn ngoài kia mà đến trễ hoặc họ sẽ không đến.

Các em đến hỏi tôi vì tôi là người duy nhất ở cùng các em.

- Tại sao mọi người lại chạy loạn vậy ạ?

- Chắc do họ trễ làm… vì ngủ dậy muộn.

Một lí do mà đến đứa con nít cũng không tin nhưng tôi đâu biết làm gì ngoài nói dối chúng - đây là sự lựa chọn cuối cùng.

- Vậy bao giờ chúng em được về ?

Một đứa mếu máo hỏi khi thấy bụng mình kêu lên “òng ọc”.

- Một lát nữa thôi, khi bố mẹ các em đến thì mấy đứa sẽ được về… Cho đến lúc đó chị sẽ đợi cùng các em.

- Chị cũng đợi mẹ sao?

- Không, chị đợi một thứ khác, kinh khủng hơn mẹ nữa!

Tôi làm điệu bộ khủng long gào lên cho chúng sợ mà thôi hỏi nhưng đáp lại tôi chúng chỉ dùng ánh mắt long lanh chực trào như sắp khóc.

Trong nhà trẻ, mọi thứ đều bé nhỏ và khép kín. Thú thực thì tôi luôn ghét nơi đây. Ai ngờ được thế mà lại là sự thật, nhưng giờ tôi không còn ghét nó nữa. Chốn chật hẹp tự dưng lại trở thành thánh địa an toàn.

Mẹ gọi điện đến.

Tôi cố gắng giải thích mọi thứ, còn bao nhiêu đứa trẻ ở đây, rằng lát nữa thôi ba mẹ sẽ đến đón chúng và con “sẽ về”. Thật lạ, chỉ thêm vài tiếng nữa thôi là mọi thứ chẳng còn quan trọng nữa, chúng tôi sẽ tan vào cát bụi. Một đám trẻ không quan hệ máu mủ với mình thì có gì mà phân vân. Nhưng vấn đề là thế: chúng là trẻ con, chúng không còn ai để bám víu; chúng không biết cũng không thể hiểu và tôi không nỡ bỏ “đám gà con” ấy lại trong “chuồng” một mình mà chút nữa thôi những cảm xúc sẽ ăn mòn khối óc và giết chết chúng từ từ.

Mẹ chỉ khóc, đó luôn là vũ khí của bà trong những cuộc cãi vả. Bà biết tôi đúng nhưng bà không thể vì cái đúng mà mất tôi nhanh hoặc chậm hơn vài giây. Mẹ vừa khóc vừa mắng, tiếng gào van xin quanh quẩn bên tai, càng lúc càng lớn, dù tắt âm đi vẫn còn văng vẳng.

Mẹ liên tục gọi lại. Bố cũng gọi. Đến cả chị gái tôi - người căm ghét em mình cay đắng cũng gọi. Tiếng chuông đổ dồn khiến điện thoại tôi như sắp nổ tung. Dù vậy tôi vẫn im bặt, vì biết những lời họ nói sẽ là gì và cũng vì sợ chính bản thân mình sẽ mủi lòng. Đầu tôi bây giờ đau lắm: một nửa là gia đình, một nửa là trách nhiệm. Cuối cùng lí trí cũng nhượng bộ cho con tim, tôi rút sim ra rồi quẳng luôn vào thùng rác.

Tôi biết mình không thể ở bên họ được. Nhưng bố mẹ không cô độc, họ còn chị tôi - người sẽ an ủi họ vào giờ khắc cuối. Còn lũ trẻ chỉ có mình tôi thôi!

 Chỉ ước bản thân không đau đớn nhường này.

… Tôi đã lẩm bẩm với cái điện thoại này nãy giờ. Mà đây không phải là một dấu hiệu tốt - có lẽ tôi đã phát điên thật rồi! Thật may là tôi đã ghi âm tất cả từ cái đoạn “Năm giờ chiều…”. Cho dù hỗn loạn thật nhưng bản ghi như đang liên tục nhắc nhở mình rằng không thể ngã quỵ được. Tôi đã đánh đổi cả gia đình để được chăm sóc các em vì thế bây giờ, các em là gia đình của tôi.

Tôi cho bọn nhóc xem ti vi, may là còn mấy đĩa nhạc thiếu nhi để mở. Mạng và cáp sập cả rồi, kênh nào cũng hiện lên thông báo bảo trì, tiếng rè rè chói tay. Cũng phải, ai còn muốn làm việc lúc này nữa. À… tôi đây!

Nhờ mấy đĩa nhạc, tôi có chút thời gian ra ngoài xem xét tình hình. Đường bây giờ vắng và im lặng đến đáng sợ - dường như chỉ có âm thanh từ cái ti vi và tiếng thở nặng nề của tôi.

Xa xa đằng kia có một đám thiếu niên, bọn chúng mặc nguyên đồng phục, cầm theo bia rượu và thuốc lá, tiếng leng keng của thủy tinh va chạm vào nhau. Tôi tự hỏi làm sao chúng có thể bình tĩnh như vậy! Ai cũng bẩn thỉu, nhếch nhác, quần áo xộc xệch như vừa đánh nhau.

Tôi vội lùi lại, nhưng không còn kịp nữa. Chúng thấy tôi, lại gần hỏi thăm tại sao còn đứng đây ngơ ngẩn. Lúc ấy tôi sợ lắm, cơ thể cứ run lên bần bật. Bị một đám hư hỏng tuổi vị thành niên đua đòi vây quanh. Vậy mà vẫn nói thật, có lẽ vì tôi sợ quá hoặc cũng vì tôi quá cô đơn.

Không biết mình đã nghĩ gì nữa!

Tôi chờ đợi một trận đánh, một tràn cười cợt nhưng một giây… hai giây…tiếng tích tắc trên đồng hồ kéo tôi về hiện thực. Hiện thực không đen tối như tôi nghĩ nhưng ít ra cũng vô tâm. Đám thanh niên lại như chẳng quan tâm - say chuếnh choáng dìu nhau đi xa. Có lẽ một phút giây nào đó tôi đã đặt niềm tin vào họ nhưng giờ thì hay rồi… bọn nhóc không hề có “trái tim”.

Tôi vẫn đứng đó, chờ những cơn gió như quất bụi vào mặt, để cảm nhận cái khô rát men theo từng thớ thịt, chà xát vào tay tôi những vệt máu nóng, tôi bất lực, gục xuống , mặc cho nỗi đau cứ cấu xé và ăn mòn chính mình. Giờ tôi chỉ muốn chết cho xong nhưng tôi đâu thể ích kỷ như vậy được? Còn đám nhóc trong nhà trẻ, có khi bây giờ chúng đang khóc vì nhớ ba, nhớ mẹ và vì gọi tôi đến khàn cả cổ mà chẳng thấy đâu. Sao tôi tệ thế! Bản ghi âm được bật lên, một lần nữa tôi thấy bản thân mình vài chục phút trước... Còn bọn trẻ chỉ có mình tôi…”. Tôi đã khóc, đây là giọt nước mắt từ ban đầu mà tôi cố nén lại, giờ nó trào ra, vỡ vụn và tan nát.

Xem ra tôi chỉ đang giả vờ mạnh mẽ!

Trong nước mắt, tôi cảm nhận được có thứ gì lăn lóc dưới chân… Một trái táo… mà táo ở đâu ra? Một phép màu lóe lên trong đầu tôi khi nhìn những cái bóng thân thuộc khuất dần vào bụi cát. Một túi đồ ăn có bánh mì, nước ngọt, sữa, trái cây và kẹo đủ loại… chắc chắn “bóng đen” đã vơ vét từ cửa tiệm tạp hóa gần đó.

Dưới ánh sáng mờ mờ, cái bóng không rõ khuôn mặt nên tôi không nhìn ra được biểu cảm của chúng nhưng tôi biết, đó là một sự ngập ngừng, là từ thương xót đến cảm thông. Không rõ khuôn mặt nhưng có tấm lòng, có trái tim và thật sai lầm khi tôi đã bác bỏ trái tim tuyệt vời của những “cái bóng” chỉ vài phút trước.

Bởi vì tôi quá ngây ngốc, thậm chí quên béng mất cho lũ trẻ ăn. Lúc này thì không moi đâu ra cơm được, tự dưng túi bánh trái lại thành thứ quý nhất của tôi. Trong túi đồ nhỏ chan chứa một tình yêu to, tôi không biết tên của ai trong số “cái bóng” nhưng tôi sẽ không quên một người nào cả vì những món quà của họ.

Các em vui lắm, mấy món này ở nhà toàn bị cấm, giờ thì chất đống trước mặt như một bữa tiệc thịnh soạn. Vỏ bánh vứt bừa, nước ngọt dây khắp sàn, lũ trẻ hò hét, đuổi bắt nhau giành đồ ăn ngon. Tiếng cười náo nhiệt, khuấy động lòng tôi. Đâu ai nghĩ vài giờ trước thảm họa lại có một đám nhóc cười đùa vui vẻ như thế! Nhìn cảnh ấy tôi cũng thấy an ủi, bởi trong căn phòng này, mọi thứ vẫn bình yên. Các em sẽ mãi vui, mãi nhớ đây là ngày hạnh phúc nhất của chúng.

Tôi còn cho chúng cầm màu vẽ khắp phòng tùy ý nghịch ngợm, kể cả trên tường, dưới sàn, trên tủ bếp nếu chúng với tới được. Dù sao cũng chẳng cần dọn nữa! Tận thế cũng có cái vui, bày bừa ra, không cần quan tâm hệ quả đằng sau. Ở đây các em như những họa sĩ thực thụ, là những chủ nhân của cái nhà trẻ chật ních. Tôi cũng ước được tự do như các em..

Tôi để các em vui nỗi vui của các em, còn tôi chìm nghỉm trong nỗi sầu của chính tôi. “Gia đình” - tôi muốn gọi cho họ, muốn nghe giọng họ, muốn được ăn mắng. Nhưng cái miếng sim bé tí kia lạc lúc hỗn loạn rồi! Moi khắp các thùng rác, rà soát trên sàn... mà nó mất tăm, bốc hơi cái “xèo” như chưa từng tồn tại.

Các em mệt quá nên đã ngủ rồi. Tôi cũng mệt, rất mệt, mệt đến mức không ngủ nỗi. “Nếu như bằng một phép màu nào đó, có ai sống sót và tìm được chiếc điện thoại này, ở chính đây mà nghe được bản ghi âm của tôi. Hãy biết là tôi đã làm hết sức mình. Tôi đã cho lũ trẻ ngày tuyệt vời nhất đời chúng.

Tôi biết mình rất ích kỷ, vì tôi không muốn tận thế đến bây giờ. Tại sao không phải là 20 hay 50 năm nữa, khi tất cả đám nhóc đều đã lớn, đã thấu hiểu cuộc đời như một phần của cơ thể. Thật không công bằng… cả đám nhóc, đứa lớn nhất cũng mới lên ba. Ba tuổi! Còn bao nhiêu dang dở… Chúng sẽ chẳng thể nếm được hương vị tình đầu, nỗ lực để theo đuổi ước mơ. Rồi gia đình cho riêng chúng, những đứa con dễ thương và bé bỏng chúng sẽ nâng niu… Hết rồi! Hết thật rồi!

Có những hình vẽ trên tường, nơi sàn nhà, cả trên tủ bếp vì chúng đã cố bắt ghế với lên. Có một quả bóng tròn, xiêu vẹo thêm vài đường chéo và gọi đó là con nhím. Có một củ cà rốt bị cắn dở bởi một con thỏ trắng. Có một siêu nhân mặc áo choàng phấp phới đang giúp một bà cụ qua đường. Các em đã vẽ lại ước mơ của mình và đã kể cho tôi nghe về câu chuyện đằng sau đó.

Nói thật thì trẻ con vẽ xấu lắm, không ra hình thù gì cả. Chỉ khi chúng nói chúng vẽ con nhím, củ cà rốt, con thỏ, siêu nhân thì ta mới biết đó thực là con nhím, củ cà rốt, con thỏ, siêu nhân… Nhưng tôi vẫn hi vọng, nếu có cơ may căn phòng này vẫn được giữ nguyên thì làm ơn đừng xóa nó đi. Đây là dấu tích của chúng tôi, đã từng ở và từng sống, đã từng nô đùa. Đây có thể chỉ là bức tường gạch vô tri lúc bấy giờ nhưng sau này nó có thể là một di sản. Dù không vĩ đại nhưng đó là điều đẹp đẽ nhất mà chúng tôi có thể trao lại. Cả bản ghi âm này nữa, mong rằng có người sẽ nghe. Và nếu có nhận ra tôi thì đừng buồn rầu hay hối hận.

  Gần đến rồi! Tôi tắt điện thoại trước khi tiếng khóc dần át hết mọi thứ. Đám trẻ bâu lấy, chúng ngây thơ nhắc rằng đừng lo, chúng sẽ chia sẻ đồ ăn cho tôi. Trong tâm trí bé bỏng ấy có lẽ chưa thể tiêu hóa được một thứ u uất như cái chết và tôi ước gì chúng mãi không bao giờ hiểu.

Một đêm đầy sao mờ, mỗi chấm từ trên trời hạ xuống, đâm sầm. Thế giới rung chuyển, bắt đầu chỉ là một chút chao đảo và choáng váng nhưng cơn địa chấn kéo ngay theo. Tất cả cứ như trong phim, trồi lên thành lớp sóng thần cuộn trào về phía tôi.

 Bọn trẻ không ngủ được, ôm choàng lấy tôi, chúng có hơi run rẩy. Không biết vì hoảng sợ… hay vì lạnh. Đột nhiên tôi lại bật ghi âm một lần nữa.

Đ.T.H.T