Hưởng thụ và cống hiến
Tác phẩm "Mục đồng". Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Thật khó lý giải cho rõ trác tuyệt là gì. Có thể là: điêu luyện, thông minh cùng một nền cảm xúc mạnh. Điêu luyện tất nhiên là riêng. Thông minh cũng riêng. Cảm xúc lại càng riêng. Cái riêng độc đáo trong sáng tác của họa sĩ Thành Chương còn là sự vương vấn níu kéo hòa chung của một giọng đồng dao làng quê, âm ba vang vọng.
“Trâu ơi ta bảo trâu này...”, “Cái cò, cái vạc, cái nông...”... Nhịp mộc mạc xa xưa được hiển thị trên những đường nét và màu sắc chắt lọc, sang trọng. Người vẽ này thật sung sướng. Anh được đặc ân vô hình cho anh hưởng thụ thấm thía cái vẻ đẹp ước lệ của nghệ thuật dân gian, để sau đó anh cống hiến cho cộng đồng những sáng tác trác tuyệt của mình.
Người sáng tạo sẽ không thể chuyển hóa được điều gì để có cái riêng cho mình, nếu như trong anh không có tình yêu mê mải tận từ tâm huyết, tận từ tài năng và tận từ lao động miệt mài.
Các tác phẩm của họa sĩ Thành Chương tài hoa phủ kín từng chi tiết. Có những độ rung rất nhỏ, đến ngạc nhiên, thường rung lên giữa sự đơn giản của toàn bộ tác phẩm. Cảm giác như anh có thể gọi ra những ẩn náu sâu kín trong tâm can mình.
*
Hưởng thụ rồi cống hiến. Thẩm thấu rồi tỏa lan. Thật là một sự hưởng thụ thích đáng được ưu đãi cho người nghệ sĩ này, để anh cất lên lời gọi tình yêu Việt. Nước non, đồng quê, hồn cốt và hy vọng, tưng bừng trong niềm cảm hứng đương đại mới mẻ.
“Dân tộc - Hiện đại” bàn quá nhiều rồi. Mình đang sống vào lúc này, mình chân thực với tình yêu của mình, chắc chỉ là vậy thôi. Cái thực có thì mới có, cái không thực có thì không thể. Sáng tác của họa sĩ Thành Chương rất thực. Dân tộc hiện đại cả về tri thức, cả về tình cảm.
Có ai gọi cây cầu Long Biên là cầu Vàng chưa, và thể hiện cây cầu với sự trân quý đến thế. Anh đã tự hưởng thụ sự nâng niu của mình, rồi cống hiến cho đời cách đặt để cái quý yêu, cách trân trọng những điều phải trân trọng.
Người hôm nay nhớ chính ngày hôm nay. Ngày hôm nay ấp ôm cả một quá khứ. Đến con mèo cũng đồng quê vô cùng. Tôi nhớ thi sĩ Nhất Phương có một câu rất hay: “Những câu thơ lấy từ trong ngực”. Quả nhiên phải từ trong ngực mới đủ chắt chiu đau đớn và yêu thương, mới thực chân thực.
Hội họa của họa sĩ Thành Chương thơ mộng. Các tác phẩm của anh như những tứ thơ “Ý tại ngôn ngoại”, ẩn dụ nhiều hơn diễn tả. Tuổi của anh đến nay cũng đã cũ rồi, nhưng những bài thơ anh viết bằng bảng màu riêng của mình thật là trẻ trung. Một nhịp thơ mạnh mẽ lại mang mang nỗi nhớ.
*
Vào năm 1973, tôi đi qua thị trấn Đông Hà, Quảng Trị. Lúc này Đông Hà tan hoang đến mức mắt nhìn không vướng vào đâu cả. Có một cái lưng khom khom, một cái cặp phía trước, một cái đầu ngẩng lên cúi xuống. Ở nơi khét lẹt, bắt gặp dáng ngồi quen thuộc của người đang vẽ, tôi rụng rời, chạy ào tới, thì là anh Thành Chương. Hai anh em cùng học một mái trường xưa, gặp nhau giữa nơi sống chết chen lấn, là một kỷ niệm không quên.
Và rồi nhiều năm sau, một không gian văn hóa, không gian kỷ niệm, không gian tình cảm của người Việt đã được hình với rất nhiều công phu và tâm huyết của anh. Hội họa của Thành Chương tương xứng với nhiệt huyết trong anh. Nhiều người không trong nghề đã rất thích tranh của họa sĩ Thành Chương. Đấy là hạnh phúc của người sáng tạo.
Bao la đến đâu rồi cũng phải đậu lại ở lòng người. Không thế thì sẽ là gì. Tôi đã xem bảo tàng Mỹ Thuật ở một số nước. Đứng giữa rộng lớn, tôi nhận ra rằng nếu là dân ca, hội họa của chúng ta đương nhiên cùng đứng ngang với tất cả. Dân ca không hề nhỏ bé.
Và dân ca của họa sĩ Thành Chương được ngân nga với một nhịp điệu mới, sảng khoái, quyến rũ, độc đáo. Lúc này Hội họa của anh có thể là sự cổ vũ cho nhiều người. Tôi là một trong số đó. Xin cám ơn anh.
(baodanang.vn)