Hồn quê bao giờ vơi cạn - Nguyễn Ngọc Thủy Tiên

27.05.2020

Hồn quê bao giờ vơi cạn - Nguyễn Ngọc Thủy Tiên

(Cảm nhận tập sách Lòng chưa cạn đêm sâu của Nguyễn Ngọc Hạnh - Nxb Đà Nẵng, 2019)

Ai chẳng có một quê hương để nhớ thương, để tìm về nguồn cội. Mỗi người trong cuộc đời này đều mang trong trái tim mình hình bóng quê nhà, nơi tuổi thơ một thời ấp yêu kỷ niệm. “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết về làng quê như thế, đó là nơi sinh ra và lớn lên của mỗi đời người gắn bó với bao kí ức hoài niệm, là một thứ vô hình vô dạng nhưng lại in sâu trong mỗi tâm hồn của chúng ta. Có phải từ cội rễ ấy mà hình ảnh cái làng quê nghèo thân thuộc vẫn luôn tồn tại và tỏa sáng trong trái tim của người con xa xứ - nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Lâu nay, bạn đọc thường nghĩ đến ông như một nhà thơ với cái làng quê bên dòng Vu Gia bên lở bên bồi với những bài thơ về làng đầy ắp nhớ thương. Nhưng khi đọc tập ký - phê bình “Lòng chưa cạn đêm sâu” của Nguyễn Ngọc Hạnh chúng ta càng thấy tập sách này gần như không có sự khác biệt nào về chất liệu văn chương của ông; có chăng chỉ là cái tình quê trong thơ càng được chính những trang văn tô đậm hơn, cảm xúc hơn và dường như có một thứ tiếng gọi thầm lay động, trĩu nặng hơn khiến người đọc bùi ngùi.

Trong tập bút ký - phê bình “Lòng chưa cạn đêm sâu”, phần lớn là những bài viết về những năm tháng nhà thơ đi làm báo, đa phần đều thể hiện cái hồn quê trong sâu thẳm những năm tháng ấu thơ, từ cái “đêm xa làng đong đầy nước mắt/ đêm xa làng lòng đau như cắt”, từ “tiếng gõ mạn thuyền trên sông vắng/ mà mái chèo cằn cựa đến xa xăm”... ấy khiến cho tôi - một người con cũng ở xứ thượng nguồn sông Vu Gia, Đại Lộc khi đọc tập sách này cảm thấy lay động và thương nhớ quê mình da diết. Chẳng khác gì những cảm xúc trong thơ văn Nguyễn Ngọc Hạnh, cũng chất chứa nỗi niềm về gia đình, về làng quê bên con sông Vu Gia, một đời không bao giờ vơi cạn. Với lối văn dung dị, thi ảnh đẹp đã lôi cuốn tôi cũng như nhiều bạn đọc quay về kí ức của vùng trời tuổi thơ trước phút xa làng...

Tác phẩm này được chia làm hai phần. Phần một gồm 30 bài ký, tản văn viết về quê nhà, về bạn bè, về đồng nghiệp. Phần hai, “Phơi nỗi buồn lên thơ” là những bài viết về thơ Nguyễn Ngọc Hạnh ở nhiều góc nhìn khác nhau mà “làng” vẫn là những áng văn sâu nặng nhất. Ở phần một, từ “Một ngày quê mẹ”, “Về quê”, “Không đâu bằng chốn quê nhà”... hầu như đều là những cảm xúc từ hình ảnh trong ký ức về quê hương Đại Hồng, Đại Lộc quê ông. Cái làng có nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống ấy đã gắn liền với hình ảnh người cha của ông lúc sinh thời: “Sau này, cứ mỗi lần về quê, ra đứng dọc bờ sông, hồi tưởng lại hình bóng cha tôi ngày ấy, lúc ông ngồi bên ngọn đèn dầu hiu hắt để xắt lá dâu non cho tằm ăn khuya, tôi quặn lòng, không cầm được nước mắt.” (Về quê). Hay trong “Một ngày quê mẹ”, nhà thơ viết: “Và, tôi đang thả tâm hồn tôi, đang mơ được ngồi sau lưng ông ngoại trên yên ngựa để cùng ông lang bạt về nguồn, về nơi có con sông Vu Gia một thời tuổi thơ tôi tắm mát” (Một ngày quê mẹ). Đọc mấy dòng này tôi cảm nhận được sự nặng tình của một người con xứ Quảng với con sông quê nhà, nơi lưu dấu biết bao nhiêu kỉ niệm đẹp của thời thơ ấu. Nỗi nhớ ấy luôn là tâm trạng khắc khoải, bồn chồn đến day dứt, để rồi ông đã viết nên những vần thơ giàu cảm xúc, lay động lòng người:

Cái làng ấy ra đi cùng tôi

Mà tôi nào hay biết

Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết

Con sông quê bóng núi cứ chập chờn

Xưa tôi sống trong làng

Giờ làng sống trong tôi.

                                                    (Làng)

Ta có thể thấy dù rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, hòa mình với nhịp sống thị thành, nhưng trong trái tim thi sĩ Nguyễn Ngọc Hạnh vẫn ngập tràn nỗi nhớ cố hương. Và nỗi nhớ ấy không của riêng ai, ngay cả trong bài viết về người bạn đồng hương “Hồn quê trong thơ Bùi Xuân”, Nguyễn Ngọc Hạnh cũng gửi gắm chút ít lòng mình: “Và trong nỗi đau của Bùi Xuân, ông lại nhớ về dòng sông tuổi thơ, nói đúng hơn là ông muốn quay về cội nguồn tinh khiết của hồn quê: “Ánh sáng thì đầy cõi lòng thì tối/ Nước mưa ngập đường không tìm ra con thuyền giấy và dòng sông tuổi thơ” (Dưới đáy).

Cả khi Nguyễn Ngọc Hạnh trong một lần đến Houston, Hoa Kỳ, ông gặp lại người bạn xứ Quảng là nhà thơ Nguyễn Hàn Chung, hai nhà thơ bầu bạn một thời bên thị trấn nhỏ Vĩnh Điện xa xưa, họ vốn là đồng nghiệp ngày nào cầm phấn đứng trên bục giảng với sự tận tâm của nghề dạy học. Cả hai gặp nhau, tay bắt mặt mừng, tâm sự thâu đêm suốt sáng về kỷ niệm văn thơ đất Quảng... Nguyễn Ngọc Hạnh vẫn biết, “nửa vòng trái đất thì xa”, thế mà nhà thơ vẫn “mượn câu lục bát quê nhà nương thân” đầy cảm xúc:

Một mình lạc giữa trời xa

Mượn ai đây chút quê nhà nương thân

Xứ người lạ đến phân vân

Cả vầng trăng cũng khác

 vầng trăng quê

Ở đây biển rộng bốn bề

Mà sao lòng cứ muốn về sông xưa

Nơi này nhiều kẻ đón đưa

Mà sao đất khách vẫn thừa mình ra

Nửa vòng trái đất thì xa

Mượn câu lục bát quê nhà nương thân.

                                (Nương thân)

 Đâu riêng gì Nguyễn Ngọc Hạnh, cả nhà thơ Nguyễn Hàn Chung cũng như nhiều người xa quê khi sống nơi đất khách quê người đều nhớ về cái làng quê yêu dấu của mình. Trong bút ký “Một chút nỗi niềm”, nhà thơ Nguyễn Hàn Chung tâm sự: “Mình là công dân Mỹ, sống ở Mỹ, có thể chết Mỹ nhưng mãi mãi vẫn là nhà thơ, nhà văn Việt Nam với đất nước, dân tộc của mình. Mình khác các thế hệ đi trước, khi hai đứa con của mình học hành, công việc ổn định, mình sẽ trở về làng xưa, sống với quê nhà”. Những dòng tâm sự này đã nói lên nỗi lòng của những người nghệ sĩ xa quê, những người con xa xứ. Cho dù họ có một cuộc sống sung túc ở nơi xứ người tráng lệ nhưng trong lòng vẫn đau đáu nỗi nhớ quê, lẫn niềm tự hào vì được là nhà văn hay người con của đất nước mình.

Phần hai, “Phơi nỗi buồn lên thơ” với 30 bài của các nhà phê bình, nhà thơ, nhà báo khắp cả nước về thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Các tác giả bằng nhiều góc nhìn và cách tiếp cận văn bản khác nhau đã phác họa nên một hồn quê, một chân dung thơ Nguyễn Ngọc Hạnh với một khía cạnh rất riêng. Nhưng tất cả dường như đều phảng phất hình ảnh của đứa con xa làng với một tình yêu thương vô bờ.

Nhà thơ Ngô Minh - một người bạn làm báo với ông đã nhận xét: “...Thế mới biết làng quê đã thành máu thịt của Hạnh như thế nào. Đến nỗi mỗi một lần nhà thơ trở về qua con sông Vu Gia, cảm xúc luôn tràn ngập: “Không gọi đò, con gọi mẹ ơi/ Sông thì hẹp mà vô bờ đến vậy/ Con đi qua hết một thời trai trẻ/ Từ con đò lòng mẹ mênh mông” (Nguyễn Ngọc Hạnh, Lửa thức). Qua những dòng nhận xét này tôi cảm nhận được điều mà nhà thơ trăn trở sâu nặng cả một đời, đó không chỉ là tiếng gọi đò, tiếng gọi quê hương mà chính là tiếng gọi “mẹ ơi” thân thương. Và tiếng gọi đó như tiếng lòng của một người con xa quê luôn mang trong lòng hình bóng cha mẹ, quê nhà như máu thịt. Hay trong “Mơ mơ chạm tới không cùng”, nhà thơ Nguyễn Đông Nhật chia sẻ: “Với tôi, mười mấy năm sau, cái làng quê ấy vẫn không ngừng ẩn hiện trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, cứ mãi chập chờn trong ngõ khuất của tâm hồn một nhà quê xa xứ: “đâu biết xa quê/ tiếng chim buồn lẻ bạn/ tuổi thơ tôi mãi với làng”. Có lẽ nỗi nhớ về làng quê và khao khát quay về với những năm tháng tuổi thơ ấy chính là nguồn cảm xúc chủ đạo để làm nên một Nguyễn Ngọc Hạnh, một hồn thơ xứ Quảng đậm đà.

Còn nhiều, nhiều lắm những phẩm bình của các nhà văn, nhà thơ tên tuổi về thơ Nguyễn Ngọc Hạnh nhưng trong bài viết này không thể dẫn hết ra đây. Chỉ biết rằng , tập ký - phê bình “Lòng chưa cạn đêm sâu” của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đã nói hộ nỗi lòng của những người con xa xứ, luôn đau đáu nhớ quê nhà. Nếu không có một tình yêu sâu đậm, một tâm hồn thơ đa cảm, chân thành thì không thể làm nên những trang viết về quê hương mang tâm trạng của nhiều người thiết tha như vậy. Tôi bồng bột nghĩ rằng, văn chương của một “người mang thơ từ làng ra phố”, Nguyễn Ngọc Hạnh đã thực sự chạm đến trái tim tôi và bạn đọc qua tập sách này. Hồn quê biết bao giờ vơi cạn!

N.N.T.T