Gian nan tìm lại bài thơ chữ Hán “Tụng Lỗ Tấn” của Phan Khôi - Phan Nam Sinh

27.05.2020

Gian nan tìm lại bài thơ chữ Hán “Tụng Lỗ Tấn” của Phan Khôi - Phan Nam Sinh

Tháng 10 năm 1956, sau khi báo Nhân Văn bị đóng cửa ít lâu, Phan Khôi được Hội Văn Nghệ Việt Nam cử đi dự Đại hội kỷ niệm hai mươi năm ngày mất của văn hào Lỗ Tấn, tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Cùng đi với Phan Khôi lần đó còn có nhà thơ Tế Hanh.

Điều đó cũng là hợp lý vì Phan Khôi là một trong số các nhà văn đi tiên phong trong việc dịch và giới thiệu Lỗ Tấn với bạn đọc Việt Nam, và có lẽ vào thời đó, ít có ai là người am hiểu Lỗ Tấn bằng Phan Khôi.

Nói như thế là vì, ngay từ năm 1928, khi báo chí Việt Nam còn đang ở dưới quyền của sở kiểm duyệt thực dân Pháp; trong khi chính quyền Tưởng Giới Thạch chỉ cấm 12 thứ sách của Lỗ Tấn thì ở Việt Nam, sách của Lỗ Tấn gần như bị cấm toàn bộ, Phan Khôi đã dịch bài Bờ ao trong Eroshenko đồng thoại tập của Lỗ Tấn, đăng ở Đông Pháp thời báo và Trung lập tại Sài Gòn. Năm 1937, sau khi Lỗ Tấn mất một năm, Phan Khôi lại dịch tiếp bài Hy sinh mộ trong cuốn tạp văn Hoa cái tập đăng ở Đông Dương tạp chí.

Tiếp tới chín năm kháng chiến sống và làm việc tại Việt Bắc, Phan Khôi lại dịch tiếp một số truyện ngắn trong hai tập Nột hám và Bàng hoàng của Lỗ Tấn như Khổng Ất Kỷ, Chuyện cái đầu tóc, A Q chính truyện, Chúc phước dịch năm 1947; Nhật ký người điên dịch năm 1949. Hồi này, Phan Khôi không chỉ dịch Lỗ Tấn mà còn dịch cả một số bài nghiên cứu về Lỗ Tấn của các tác giả uy tín như Đời và tư tưởng của Lỗ Tấn của Phùng Tuyết Phong. Nhưng vì điều kiện in ấn lúc bấy giờ còn khó khăn nên chỉ có một truyện Chúc phước do ông dịch được đăng ở Tạp chí Văn Nghệ, năm 1950.

Tháng 7 năm 1954, hiệp nghị Genève được ký kết, Phan Khôi về lại Thủ đô Hà Nội. Thời gian này, ông tiếp tục dịch tiểu thuyết và cả tạp văn của Lỗ Tấn. Năm 1955, Nhà Xuất bản Văn nghệ xuất bản Tuyển tập tiểu thuyết Lỗ Tấn tập I gồm 7 truyện ngắn; năm 1956, Nhà Xuất bản Văn nghệ xuất bản Tuyển tập tạp văn Lỗ Tấn gồm 39 bài; năm 1957 Nhà Xuất bản Hội Nhà văn xuất bản tiếp Tuyển tập tiểu thuyết Lỗ Tấn tập II gồm 9 truyện ngắn và bài Tựa lấy rút ở tập Nột hám, theo lẽ là phải đăng vào Tuyển tập tiểu thuyết Lỗ Tấn tập I.

Riêng năm 1955, Phan Khôi không chỉ dịch Lỗ Tấn mà còn viết bài hoặc thuyết trình, giới thiệu cuộc đời và văn nghiệp Lỗ Tấn trên các báo hay tại lễ kỷ niệm Lỗ Tấn như Lỗ Tấn, một đại văn hào Trung Quốc và thế giới trên báo Nhân dân ngày 28 tháng 8 năm 1955, bài Sự đấu tranh về văn học của Lỗ Tấn trên báo Văn Nghệ ngày 27 tháng 10 năm 1955, bài nói chuyện Đời sống và sự nghiệp văn học của Lỗ Tấn tại lễ kỷ niệm Lỗ Tấn, ngày 30 tháng 10 năm 1955 tại Hà Nội.

Tại buổi khai mạc Đại hội kỷ niệm hai mươi năm ngày mất của Lỗ Tấn, cùng với bài phát biểu nêu bật ảnh hưởng và tầm quan trọng của tác phẩm Lỗ Tấn đối với nhà văn và văn chương hiện đại Việt Nam, Phan Khôi còn đọc bài thơ Tụng Lỗ Tấn bằng chữ Hán, ông viết trong dịp này. Bài phát biểu và bài thơ sau đó đã được đăng trên Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trở về từ chuyến thăm Trung Quốc lần đó, Phan Khôi đã cho tôi xem tờ Nhân dân nhật báo trong có bài phát biểu và bài thơ Tụng Lỗ Tấn bằng chữ Hán của ông. Tôi đã thuộc lòng bài thơ ngay sau đó và nhớ nhập tâm từ đó tới nay. Bài thơ không chỉ tập trung nói về những phẩm chất tốt đẹp của văn hào Lỗ Tấn như tính cương trực, không khoan nhượng kẻ thù mà còn thể hiện sự kính trọng, nể phục và tình cảm sâu nặng của Phan Khôi đối với nhà văn này.

Đáng tiếc là tờ báo ấy mấy năm sau đã bị thất lạc nên vào năm 1990, tôi đã dựa theo trí nhớ của mình chép lại phần phiên âm rồi dịch nghĩa và giới thiệu với bạn đọc Tạp chí Kiến thức ngày nay. Về sau, bài thơ đã được bà Phan Thị Mỹ Khanh đưa vào cuốn Nhớ cha tôi Phan Khôi ở lần xuất bản đầu tiên, Nhà Xuất bản Đà Nẵng năm 2001 và nhà nghiên cứu Vu Gia đưa vào cuốn Phan Khôi - Tiếng Việt, Báo chí và Thơ mới Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2003. Năm 2013 lại được Phan An Sa đưa vào cuốn Nắng được thì cứ nắng của Nhà Xuất bản Tri thức. Trong công trình nghiên cứu của mình, nhà nghiên cứu Vu Gia đã đánh giá rất cao bài thơ này. Ông viết: Người Trung Quốc làm thơ ca tụng Lỗ Tấn như thế nào, tôi không biết, chứ người Việt Nam nếu có ai làm thơ về đề tài này thì theo tôi, khó có ai vượt qua bài thơ Tụng Lỗ Tấn của Phan Khôi.

 Nhiều năm nay tôi đã cố tìm lại nguyên văn chữ Hán bài thơ Tụng Lỗ Tấn bằng mọi cách, kể cả việc nhờ các lưu học sinh Việt Nam đang tu nghiệp tại Trung Quốc tìm hộ nhưng chưa có kết quả. Vì vậy nên nay tôi đành phải dựa vào trí nhớ của mình, phục dựng lại nguyên văn chữ Hán, dịch nghĩa và dịch ra thơ lục bát để một lần nữa cống hiến các nhà nghiên cứu cũng như những bạn đọc yêu quý và quan tâm tới Phan Khôi.

Nguyên văn:

頌 魯 迅

 反 孔 子 不 為 以 甚

 打 落  水 狗

不 寬  恕  誰

 反 耶 蘇  愛 敵 如 友

巍 巍 乎 魯 汛 無 產 階 級 的 聖 人

我 深 信 此 言 不 謬

我 讀 公 書 三 十 年

恨 不 相 見 公 死 前

 千 幸 能 及 我  死 前

 得 見 公 子 新 中 國 的 天

Phiên âm:

Tụng Lỗ Tấn

Phản Khổng Tử bất vi dĩ thậm(1)

Đả lạc thủy cẩu(2)

Bất khoan thứ thùy

Phản Gia tô ái địch như hữu(3)

Nguy nguy hồ Lỗ Tấn vô sản giai cấp đích thánh nhân(4)

Ngã thâm tín thử ngôn bất mậu

Ngã độc công thư tam thập niên

Hận bất tương kiến công tử tiền

Thiên hạnh năng cập ngã tử tiền

Đắc kiến công tử tân Trung Quốc đích thiên        

Dịch nghĩa:

Bác lời Khổng Tử “không làm điều thái quá”

Ông chủ trương đánh chó phải đánh cả khi nó rơi xuống nước

Không dung tha kẻ thù nào

Chống lại lời dạy của đạo Gia tô phải yêu kẻ thù như bạn

Vòi vọi như núi cao! Lỗ Tấn là ông thánh của giai cấp vô sản

Tôi tin lời xưng tụng ấy không hề sai lầm

Đã ba mươi năm nay tôi đọc sách của ông

Giận mình chẳng được gặp ông trước lúc ông mất

May mà trước lúc tôi xuôi tay nhắm mắt

Còn được thấy bầu trời nước Trung Hoa mới của ông!

Dịch thơ:

Ca tụng Lỗ Tấn

Bác lời Khổng Tử khuyên can:

Làm chi thái quá để mang tiếng đời

Đánh chó chớ đánh nửa vời

Phải dìm cho chết dẫu rơi ao tù

Không khoan dung lũ nghịch thù

Đừng như đức chúa Giêsu dạy đời

Non cao chất ngất lưng trời

Thánh nhân vô sản như lời tụng ca

Tin người xưng tụng chẳng ngoa

Ba mươi năm ấy tôi đà đọc ông

Gặp ông mong được thành không

Vãn niên may thấy cờ hồng Trung Hoa!

 

(1) “Bất vi dĩ thậm” là lời Khổng Tử dạy môn sinh, nghĩa là “chớ làm điều thái quá”.

(2) “Đả lạc thủy cẩu” là chủ trương rất nổi tiếng của Lỗ Tấn, có nghĩa là “đánh con chó đã rơi xuống nước rồi còn phải theo mà đánh nữa”.

(3) “Ái địch như hữu” là lời Giê su dạy tín đồ, nghĩa là “yêu kẻ thù như yêu bạn mình”.

(4) “Lỗ Tấn thị vô sản giai cấp đích thánh nhân” dịch sang tiếng Việt là “Lỗ Tấn là ông thánh của giai cấp vô sản”. Đây là lời Mao Trạch Đông xưng tụng Lỗ Tấn.

P.N.S