Hòn kẽm đá dừng

28.03.2023
Trần Thiên Hương

Hòn kẽm đá dừng

- Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng

Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi!

- Thương cha nhớ mẹ thì về

Nhược bằng thương kiểng nhớ quê

thì đừng!

Câu hò đối đáp của đôi nam nữ đã đưa tôi về với miền đất thượng lưu sông Thu Bồn - Hòn Kẽm Đá Dừng. Với người Quảng Nam, nơi đây vô cùng đặc biệt, bởi cảnh quan và cả những điều kì bí. Dòng sông Thu Bồn trôi hiền hoà, uốn lượn quanh co, len lỏi giữa hai dãy núi đá dựng sừng sững oai phong, hình thù kì dị…

Trở lại với câu hát, bạn biết chăng, hai câu đầu là lời của cô gái nghe thật da diết:

Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng

Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi!

Cô gái đã từ biệt gia đình, quê hương để về xuôi đi tìm hạnh phúc cho mình, và đó chính là điều mà cha mẹ cô mong muốn. Bởi Hòn Kẽm Đá Dừng không chỉ là vùng đất hoang liêu mà còn đầy trắc trở và cả rủi ro. Có lẽ nơi ấy cô gái từng có một mối tình ngây thơ trong trẻo với anh trai làng, nhưng đành ngậm ngùi từ biệt để ra đi…

“Bậu” là từ để gọi người thương, chính là người mà cô đã theo về. Khi  nghe cô than thở “thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi” thì anh đáp lại:

Thương cha nhớ mẹ thì về

Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng!

Anh ấy hiểu tình cảm của cô với quê hương và người thân, nên rất rộng lòng mà bảo: Thương cha nhớ mẹ thì về! Nhưng anh đâu phải người vô tâm mà không biết ngoài cái tình dành cho cha mẹ, cô còn vấn vương chút tình ý nào khác nữa, nên dứt khoát nói: Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng!

 “Quê kiểng” gắn với những kỷ niệm đẹp đẽ của một thời thiếu nữ, “thương kiểng nhớ quê” là cái tình riêng mà cô gói kín trong lòng, anh không cam tâm để cô lưu luyến trở về!

Mùa Xuân, mời bạn cùng tôi tham quan Hòn Kẽm Đá Dừng một chuyến nhé! Danh thắng này cách thành phố Đà Nẵng gần 100km, nằm ở địa phận thôn Trà Linh Đông (xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam). Nếu như phố cổ Hội An đẹp nên thơ và thánh địa Mỹ Sơn huyền bí trong mắt du khách thì Hòn Kẽm lại tạo nên nét khác biệt với vẻ hoang sơ, hùng vĩ mà không kém nét thơ mộng trữ tình.

 

Tạm biệt Thánh Địa Mỹ Sơn, chúng tôi đi qua đèo Phường Rạnh để đến huyện Nông Sơn. Con đèo này cũng từng là kỷ niệm một thời với những ai đã từng qua đây. Nghe nói nhà thơ Bùi Giáng xưa kia cũng để lại đây nhiều xúc cảm. Trước kia rất hiểm trở gồ ghề, nay đã được xây dựng đẹp đẽ để trở thành con đường giao thông huyết mạch nối liền đồng bằng và miền núi. Gần một nghìn năm trước Công chúa Bô Bô - hay Bà Thu Bồn - đã bị giặc truy đuổi và ngã ngựa, để lại một huyền thoại đẹp cho dòng sông mang tên Bà - sông Thu Bồn - cũng chính ở con đèo này.

Từ bến đò Nông Sơn chúng tôi thuê một chiếc thuyền gắn máy để đi ngược lên thượng nguồn. Là một chiếc thuyền câu nhỏ của dân chài lưới, khi cần đi xa thì gắn động cơ, tôi không thích gọi là ca nô, chỉ là một con đò, nó dân dã và gần gũi.

Anh bạn cùng đi trong đoàn chúng tôi bỗng ngẫu hứng ngâm nga mấy câu thơ của nhà thơ Tường Linh:

“Em Mỹ Lược còn đợi đò Trung Phước.

Anh quá giang ghé lại bến Thu Bồn”…

- Các cô chú ở lại đến mai về chứ ạ? - Cậu lái đò hỏi chúng tôi.

- Trên đó có chỗ ở lại không em?

- Dạ có cái bến, nếu ở lại thì mình dựng trại, đốt lửa chứ chưa có chỗ nghỉ ạ.

Chúng tôi thảo luận nhanh rồi đưa ra quyết định: sẽ ở lại chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi rừng, sông nước về đêm. Cậu ta nhanh nhẹn lên bến vác một bao to vứt xuống thuyền.

 - Cái gì trong ấy thế?

- Bắp với sắn đó. Đây là quà của nhà con biếu cho các cô chú đấy ạ.

 Thuyền bắt đầu nổ máy, nhìn lên thấy sừng sững ngọn núi Cà Tang phía trước mặt. Phía sau lưng là Núi Chúa của Mỹ Sơn với cái mỏ Chim Thần như vẫn còn dõi theo đoàn chúng tôi trên sông.

Từ dưới sông nhìn lên hai bên bờ thấy những bãi bắp xanh tươi. Đàn bò ung dung gặm cỏ non mơn mởn. Trên sông một vài chiếc thuyền câu đang thả lưới. Phong cảnh thật yên bình, tôi chợt nhớ đến hình ảnh con sông Đà trong tùy bút của Nguyễn Tuân, nơi đây cũng chẳng kém cạnh gì. “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử…, như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa…”.

- Người dân ở đây sống bằng nhiều nghề, nhưng có lẽ nghề chài lưới và chăn thả là khỏe nhất. Bò dê cứ thả lên bãi cho ăn, chiều lùa về; cá tôm ở dưới sông mùa nào cũng có, chẳng lo chi trơn.

Cậu bé chèo thuyền nói với chúng tôi.

Ôi! Đúng là “khỏe” thật. Họ chẳng cần bon chen gì với đời nhiều, chỉ bấy nhiêu thôi là đủ!  

Thấp thoáng trong những khu rừng hai bên sông là những căn nhà ngói nhỏ. Và kia, một trường học vừa mới xây. Dưới bến, một chiếc thuyền lớn đỗ chờ đón các em đi học về. Lại có những em bé men theo đường mòn xuống bến tắm, vẫy vùng trong làn nước trong xanh. Thấy chúng tôi đi qua, các em nhìn theo, tay vẫn còn vẫy vẫy…

Đi ngược lên thượng nguồn, có những chỗ xoáy nước rất nguy hiểm, do hai bên bờ sông có khúc cua. Những địa danh nơi đây cũng nghe rất lạ: Dùi - Chiêng - Sé - Tý. Tý còn có Tý Lở, Tý Bồi, do con sông bên bồi bên lở. Đúng như câu ca dao (hay thơ của ai đó tôi không nhớ rõ):

“Phù Sa bên lở bên bồi

Người xuôi về bến, kẻ trôi lên nguồn…”

Tạm biệt những triền dâu, bãi bắp, đã bắt đầu thấy những phiến đá dựng đứng hai bên bờ sông. Chúng tôi dừng lại bên một phiến đá tảng có khắc những dòng chữ Chiêm Thành. Đây có thể là dấu tích xưa kia của một đôi tình nhân - một cặp vợ chồng để lại - người con trai Đại Việt và cô gái Chăm Pa, tôi sẽ kể cho bạn nghe trong một câu chuyện khác.

Khúc sông này còn có những thắng cảnh gắn liền với câu chuyện về Mẹ Thiên Y Ana - nữ thần Chăm Pa, bởi vậy đi từng đoạn sông, bạn có thể nhìn thấy rải rác đây đó những đền thờ nữ thần còn lưu lại.  

- Nơi đây xưa kia là căn cứ địa cách mạng, bộ đội, du kích của mình nấp ở trong kia để chờ giặc đến đó. - Cậu bé chèo đò bỗng trở thành hướng dẫn viên du lịch từ lúc nào, nói với chúng tôi.

- Em cũng am hiểu lịch sử vùng này nhỉ. - Tôi nói.

- Dạ nghe ông bà kể lại nên cũng biết chứ cô.

- Còn biết cái chi nữa không?

- Dạ còn nghe nói là trận địa khởi nghĩa của cụ Nguyễn Duy Hiệu trong phong trào Cần Vương từ thế kỷ XIX nữa ạ.

- Vậy sao?

- Dạ.

- Đúng là một nơi giàu truyền thống lịch sử!

Đã thấy từ xa Hòn Kẽm sừng sững hiên ngang phía trước, lên càng gần mới biết không chỉ Hòn Kẽm mà hai bên đều có núi đá dựng ngất trời xanh. Nên “Đá Dừng” vốn là cách nói chệch cho dễ nghe của từ “đá dựng”. Còn vì sao lại gọi là Hòn Kẽm? “Kẽm” được dịch nghĩa từ Giáp 峽 trong Hán ngữ
(巫山巫峽氣蕭森 Vu sơn Vu giáp khí tiêu sâm - Đỗ Phủ), là nơi hai bên núi đá dựng đứng, ở giữa có dòng sông chảy qua. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương từng tả:

Hai bên là núi, giữa là sông

Có phải đây là Kẽm Trống không?...

(Kẽm Trống)

Nghe nói Hòn Kẽm thời xa xưa vốn là một một dãy núi đá kỳ vĩ như một bức tường thành mỗi ngày soi bóng xuống dòng sông. Thời gian trôi qua với những biến đổi địa chất đã khiến ngọn núi sừng sững ấy bị xẻ thành hai vách núi cao hơn 500m nằm ở hai bên thượng nguồn. Hai vách núi đá này đứng thẳng vươn mình lên bầu trời và mang những hình thù kì dị như thể đang nhô ra cản lấy dòng chảy của lòng sông và tạo nên một khung cảnh tuyệt mỹ khiến bất cứ ai đến đây đều ngỡ như được chiêm ngưỡng một bức tranh kỳ thú của tạo hóa. Một màu xanh của núi điệp trùng bao quanh hai bên bờ sông, hơi mát từ dưới sông tỏa lên, từ trên núi cao phả xuống thật là dễ chịu. Không khí tuyệt đối trong lành. Không biết có ai thử cảm giác mạnh để trèo lên trên đó hay chưa, còn từ dưới sông nhìn lên chỉ tưởng tượng thôi cũng đã thấy ngợp!

Lòng sông đoạn này sâu hun hút, nước xanh thẳm, sạch sẽ và mát rượi. Chúng tôi cúi xuống vốc nước lên rửa mặt, cảm nhận được hơi mát như lan tỏa khắp trong cơ thể. Từ trong núi, có những khe nhỏ chảy ra sông, quanh năm suốt tháng không bao giờ cạn. Đặc biệt, khúc sông bên bờ Hòn Kẽm đầy dẫy những bãi đá lô nhô bất chấp dòng nước chảy xiết vươn mình ra khỏi mặt nước đón lấy ánh nắng mặt trời. Nhìn lên hai bên bờ sông thấy lô xô những lùm cây dại đan xen vào nhau và những chú khỉ tinh nghịch leo trèo len lỏi trên những vách đá. Cảm xúc thật tuyệt, như được hòa mình với thiên nhiên hùng vĩ, và càng cảm thấy con người mình nhỏ bé vô cùng!

Đi hết đoạn sông có kẽm dựng, chúng tôi đến một bãi đá, nơi đây từ ngàn  xưa hoang vu, nay đã được xây một cây cầu bê tông chắc chắn nối hai bên bờ, và cây cầu này còn là con đường chiến lược nối với Đông Trường Sơn. Bãi đá dưới chân cầu rất đẹp, những hòn đá cuội màu trắng màu lam trơn nhẵn đủ mọi kích cỡ. Có lẽ nó đã có mặt ở nơi này từ xa xưa, thời gian và nước đã bào mòn để nó trở thành viên mãn, theo đúng nghĩa đen của từ này.

Chiều xuống. Sương đã bắt đầu giăng giăng trên mặt sông, cảnh vật càng thêm lung linh huyền ảo. Bỗng nhớ bài hát “Nắng chiều” của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, nghe đâu cũng lấy cảm hứng từ một chiều ngược trên dòng sông Thu, và nhớ về một người con gái:

Qua bến nước xưa lá hoa về chiều

Lạnh lùng mềm đưa trong nắng

lưa thưa

Khi đến cuối thôn chân bước

không hồn

Nhớ sao là nhớ bóng người ngày thơ

 

Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy

Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh

Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm

Má em màu ngà tóc thề nhẹ vương

Nay anh về qua sân nắng

Chạnh nhớ câu thề tim tái tê

Chẳng biết bây giờ

Người em gái duyên ghé về đâu?

 

Nay anh về nương dâu úa

Giọng hát câu hò thôi hết đưa

Hình bóng yêu kiều

Kề hoa tím biết đâu mà tìm…

 

Trong khi chúng tôi lên bãi đá ngồi tán gẫu, chụp ảnh này nọ thì cậu bé lái đò đã đem lưới xuống sông giăng. Khi bước lên cậu tươi cười nói với chúng tôi:

- Đến tối con sẽ đãi cho các cô chú một “bữa tiệc” ngoài trời vui vẻ!

Nói rồi cậu ta lại nhanh nhẹn đi vào rừng, lúc sau trở ra đem theo một bó củi to. Cậu bắt đầu nhen lửa.

Bờ sông bên kia từng đàn khỉ kéo nhau ra uống nước, nhìn dễ thương đến lạ! Cậu bé lái đò thật chu đáo, lại đem theo cả bạt, chúng tôi chọn một chỗ bằng phẳng để dựng lều. Trăng nhô lên, rải ánh bạc bao phủ một miền núi - nước hiền hoà, không kiêu sa mà đẹp bình dị đến bất ngờ, khiến ta có cảm giác như lạc vào một miền cổ tích…

Lửa đã bắt đầu bén, làn khói lam uốn lượn bay lên hòa quyện với ánh trăng và sương khói trên sông tạo nên một khung cảnh trữ tình hoang dã. Đã lâu lắm rồi chúng tôi không còn ai nhen bếp lửa bằng củi nữa, nay giữa núi rừng sông nước hiện ra bếp lửa ấm cúng ai nấy đều cảm thấy xốn xang, nhớ một thời đã xa xôi…

Đêm xuống dần. Những khúc củi to đã bén lửa, cho bếp than đỏ rực. Cậu lái đò bảo chúng tôi bóc vỏ sắn, vỏ bắp để chuẩn bị nướng, còn cậu xuống sông kéo lưới. Ôi, nào tôm, cá còn nhảy nhót!

 Một cảnh tượng tuyệt vời, vừa lạ vừa quen: sắn, bắp nướng trên than hồng thơm phức, nóng hổi và hấp dẫn. Những câu chuyện rôm rả bắt đầu. Ai cũng nhớ cái “ngày xưa” và tranh nhau kể, những vui buồn trong ký ức mỗi người lại hiện về… Nửa đêm thì đến tiết mục tôm, cá nướng. Chẳng thể nào tả hết cái hương vị thơm ngọt tự nhiên của nó. Sơn hào hải vị là đây chứ đâu xa. Những món đặc sản ở các nhà hàng đắt đỏ để trong tủ đông cả tháng trời làm sao sánh được với món ăn dân dã ở đây, giữa núi rừng bạt ngàn và mênh mang sông nước!

Đêm khuya, nhưng ai cũng còn thao thức, có lẽ trong đời chỉ có một vài lần được đến miền sơn cước này nên không muốn ngủ để tận hưởng hết cái thú vị đó chăng?

Sáng hôm sau chúng tôi men theo con đường mòn trên bãi sông để vào làng. Đi qua những nương sắn nương dâu thật thanh bình. Và người dân bản địa vô cùng hiếu khách, họ niềm nở đón chúng tôi bằng những nụ cười đầy thân thiện và cả những sản vật tự làm ra. Chao ôi! Ở đâu đó người ta giẫm đạp lên nhau để tranh giành từng chút lợi danh thì ở đây con người vẫn sống thật hồn nhiên và tình nghĩa! Phải chăng vẻ đẹp tâm hồn đó đã khiến cho vùng đất này càng trở nên kỳ diệu!

Khi mặt trời đã chếch về tây, chúng tôi lại xuôi dòng. Sương hay hơi nước vẫn còn phủ kín mặt sông, lại nhớ Nguyễn Tuân tả màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu” trên sông Đà, thấy rằng sông Thu Bồn cũng chẳng thua Đà giang là mấy!

 “Người lái đò” của chúng tôi còn rất trẻ, không như ông lão 60 của Nguyễn Tuân, nhưng cậu ta cũng rất khéo léo. Đặc biệt, rất mến khách và yêu cái công việc giản dị của mình. Cậu bé ấy chính là người giữ hồn cho cảnh vật thiên nhiên. Biết đâu mai này người ta sẽ xây dựng những khu nghỉ dưỡng, những tổ hợp nhà hàng - khách sạn nọ kia trên vùng sơn - thủy này, và chở khách tham quan trên những chiếc du thuyền… thì chiếc thuyền nhỏ bé của cậu ta vẫn mang lại một cảm giác thú vị, như chiếc cầu nối quá khứ với tương lai.

Dòng sông Mẹ Thu Bồn vẫn cứ lặng lẽ trôi giữa hai bờ đá dựng, mang trên mình những vết hằn của thời gian, qua những bước thăng trầm của lịch sử, đã khiến bất cứ ai khi đặt chân đến đây đều cảm thấy lòng bình yên và thấy mình nhỏ bé trước sự bao la hùng vĩ của thiên nhiên.

T.T.H