Hoa loa kèn

08.09.2021
Nguyên Thi
Tháng tư bắt đầu trong tôi bằng những cảm xúc gắn liền với màu trắng trinh khiết kiêu sa của một loại hoa có nguồn gốc cổ xưa nhất trong lịch sử các loài hoa cỏ mọc trên trái đất - hoa loa kèn.

Hoa loa kèn

Tôi vẫn thầm hỏi vẩn vơ, sao những bông hoa cũng mong manh như màu trắng ấy lại chọn cho mình sự đối nghịch với đất trời, khi mỗi năm chỉ nở một lần vào tháng tư đầu mùa nắng nóng như vậy? Cái nắng nóng mà cách chúng ta gần hai thế kỷ cụ Nguyễn Khuyến đã phải thở than: Tháng tư đầu mùa h/ Tiết tri tht oi / Tiếng dế kêu thiết tha/ Đàn mui bay tơi t! Vạn vật đều mệt nhoài không thở nổi, còn hoa thì vẫn kiêu hãnh vươn mình như cho con người một điểm tựa. Sau những giờ làm việc mệt mỏi trở về, bỏ lại sau cổng nhà bao bụi bặm, nắng gió, bao tiếng ồn ào của phố phường, bao lo toan thường nhật, bao thị phi vây bũa… được ngồi bên hoa, nghe hoa thầm thì một mùi hương dịu nhẹ, lòng người yêu hoa dường như cảm thấy trong khoảnh khắc được “Thoát trn mt gót thiên nhiên/ Cái thân ngoi vt là tiên trên đời” giữa một miền thanh thản bao quanh! Mùa hoa ngắn trong một tháng. Đời hoa ngắn không quá một tuần. Thương quá hoa ơi!

Đi giữa cái nắng cái nóng nhức nhối của Sài Gòn tháng Tư, lòng chợt bâng khuâng nghĩ về một màu hoa chưa bao giờ cũ, về những mùa hoa hồ như không phai tàn trong ký ức tôi. Bóng cây bên đường, quạt tay, quạt máy, rồi máy điều hòa …và còn bao nhiêu thứ tiện nghi khác nữa của đời sống hiện đại có thể giúp con người dễ thích nghi với thời tiết ngày càng căng thẳng ở từng vùng miền, với tình trạng khí hậu biến đổi không lường trên toàn trái đất. Nhưng trong thế giới ngày càng hiện đại đó vẫn có một người không được hiện đại lắm. Là Tôi. Cái nóng bức của tâm hồn tôi có lẽ chỉ được dịu mát chút nào nhờ vào những cảm xúc của trái tim!

Hoa loa kèn còn có tên gọi là huệ tây, bách hợp… Tên bách hợp thì đơn giản rồi. Có lẽ là biểu tượng cho sự sum vầy đoàn tụ vốn là mong ước của loài người từ Đông sang Tây bao đời nay. Gọi là huệ tây có lẽ để phân biệt với giống hoa huệ ta, cũng màu trắng, cũng hương thơm, chỉ khác hình dạng: hoa nhỏ, mọc chi chít trên mỗi cành hoa, lá cũng xanh nhưng dài cuống hơn. Huệ ta được người Việt dùng rất phổ biến trong các lễ tang, bàn thờ Phật, các đền miếu, chùa chiền… Hay gọi huệ tây theo cách hiểu nôm na trong dân gian về nguồn gốc của hoa vốn được du nhập từ phương Tây? Trong thực tế, hoa loa kèn đã được du nhập vào nước ta từ nhiều nguồn: Pháp (vào khoảng 1945-1955), Hàn Quốc (1970), Nhật (1972)...

Có rất nhiều huyền thoại về sự xuất hiện của hoa loa kèn. Về nguồn gốc của loài hoa này, truyền thuyết cổ kể rằng, sau khi phạm tội ăn vụng trái cấm, cùng với Adam, Eva bị phạt phải rời khỏi vườn địa đàng! Nàng Eva đã không giấu được nỗi cảm hoài quê cũ nhà xưa của mình. Vừa đi vừa ngoảnh lại nhìn, bất giác nàng ứa ra những giọt lệ lưu luyến, gieo xuống trần gian những hạt mầm đầu tiên mọc ra loài hoa màu trắng có hình như loa kèn. Phải chăng hoa loa kèn có nguồn gốc từ nước mắt của nàng Eva.

Người ta cũng từng gặp hoa loa kèn trong thế giới văn chương nghệ thuật tôn giáo từ thưở xa xưa. Trong thần thoại Hy Lạp cổ đại, loài hoa này được làm biểu tượng cho nữ thần Hê-ra, vợ của thượng thần Dớt, chúa tể của thế giới thần thánh trên đỉnh Olympia. Nữ thần Hê-ra được miêu tả đẹp lộng lẫy, phong thái uy nghiêm. Chỉ cần bà xuất hiện ở cửa, là cả cung điện sáng bừng lên rực rỡ. Không chỉ các vị thần đang có mặt đều cung kính đón chào, mà thần Dớt cũng tỏ ra rất yêu quý nàng, ngài khẽ nâng bàn tay của Hê-ra dìu lên cùng ngự trị trên ngai vàng thượng giới trước bao nhiêu ánh mắt ngưỡng mộ. Không chỉ được chồng tôn trọng ở chỗ đông người. Không ít cảnh thần thoại đã miêu tả những cuộc mây mưa của họ thật say đắm thật nên thơ. Đặc biệt nữ thần Hê-ra có đôi mắt bò cái hiền từ và cánh tay dài trắng muốt chấp chới như đôi cánh những khi bay xuống trần gian thực hiện thiên chức đỡ đầu cho các bà mẹ và trẻ em trong cuộc sinh nở được mẹ tròn con vuông. Bà còn là nữ thần của hôn nhân, của hạnh phúc gia đình.

Trong tín ngưỡng Cơ Đốc giáo, hoa loa kèn được biểu tượng cho sự trong trắng, đức hạnh của người phụ nữ.. Vào các nhà thờ ta thường gặp hình ảnh hoa này trong các bức họa Đức Mẹ đồng trinh Maria. Dù là người ngoại đạo, nhưng khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thánh thiện của Đức Mẹ, mà dưới chân người là màu hoa trắng trinh khiết ấy, lòng tôi như được thắp sáng một niềm cảm xúc thiêng liêng.

Bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” của họa sĩ Tô Ngọc Vân

 Nhớ lần ngồi chờ trong phòng khách một nhà người quen, tôi thơ thẩn đưa mắt ngắm bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” của họa sĩ Tô Ngọc Vân (1908-1954) treo trên tường. Rõ ràng chỉ là tranh phiên bản thôi, nhưng hình ảnh cô gái mặc áo dài trắng nghiêng đầu thật duyên dáng bên bình hoa huệ trắng đã làm tôi xúc động…Từ dáng ngồi, màu áo, một cánh tay nâng hoa, cánh tay kia vén tóc vướng vành tai, người con gái trong tranh toát lên một thần thái vừa thực vừa mơ, vừa gần vừa xa, vừa nền nã vừa gợi cảm. Toàn cảnh bức tranh trên màu tường cũng trắng đã đọng lại trong tôi một nỗi buồn man mác. Hoa bên người người bên hoa, dưới tay cọ thiên tài của người họa sĩ đã được phối hợp với nhau thật sinh động, làm nên một cái đẹp rất Việt Nam, khi chất “lụa tâm hồn”của phụ nữ phương Đông được thể hiện trong phương thức tạo hình. Và cái đẹp ấy cũng rất …Tây với những bông hoa huệ to ánh lên trong chất liệu sơn dầu hãy còn mới mẻ ở Việt Nam vào thời điểm ấy. Tôi cứ giả thử, nếu như họa sĩ vẽ trên nền lụa, và với mực tàu! Hoặc, nếu như là bình hoa huệ ta mà không phải huệ tây! Có lẽ cảm nhận trong tôi cũng đổi khác. Bức tranh và người phụ nữ trong tranh đã nói lên một nét đẹp vừa truyền thống vừa hiện đại trong cốt cách của người con gái Việt Nam một thời chưa xa mà đã xưa!

Ký ức gợi lại những năm 1970, khi còn học phổ thông, cứ mỗi mùa hoa loa kèn bắt đầu tháng tư, tôi có thói quen len lỏi trong các hàng hoa để được ngắm, được cảm nhận mùi hương rất đỗi dịu dàng của nó từng chút từng chút sâu lắng vào trái tim mình...

                                                        N.T