Covid-19 và những hẻm, kiệt

31.08.2021
Phan Công Khương
Từ nhiều chuyến lang thang kiệt, hẻm mà tôi nhận ra rằng, Đà Nẵng có cả một lớp văn hóa ẩn mình trong kiệt, hẻm. Từ những con hẻm, đoạn kiệt nầy, biết bao cái nghề ra đời: Bún gánh; Bánh bưng; Xôi đội; Thùng đẩy (Những chiếc thùng có 4 bánh xe đựng dụng cụ dán, vá áo mưa; bơm mực bút bi, sửa dày, dép). Những nghề mang (Mang tráp đựng dụng cụ đánh giày); Nghiệp xách (Những công chức, viên chức ngày ngày xách cặp đến công sở); Và, những đôi chân với quần ống thấp, ống cao cùng chiếc xích lô (ống cao ở phía nhông – sên - dĩa, phải xắn lên để khỏi bị nhai rách) nhưng vẫn lận theo cuốn Descartes, Hình học không gian của Nguyễn Văn Phú, Anh ngữ thực dụng và các quyển khác nữa ...

Covid-19 và những hẻm, kiệt

Những năm nửa sau thập niên 80 và những năm nửa đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, giảng dạy tại một trường Trung học Phổ thông tận một huyện miền núi mới thành lập của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nhưng may mắn hằng năm, tôi được về Đà Nẵng vài, ba bận, lưu trú để chấm thi tốt nghiệp và đưa học sinh của mình về tham gia những cuộc thi Thuyết trình Văn học toàn tỉnh. Vốn thích lang lang, cũng bởi là người miền núi được về phố nên sau mỗi ngày xong việc, tôi rời khách sạn hoặc nhà công vụ của Sở Giáo dục tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để bách bộ theo những con đường lớn hoặc vào các kiệt, hẻm của các con đường: Lý Thái Tổ, Hùng Vương, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Chí Thanh, Phan Chu Trinh, Cầu Vồng. Thời gian làm nghề phụ - chủ một tiệm chụp ảnh thì nhiều lần len lỏi vào một con kiệt đất của đường Hoàng Diệu, nay đã nhường cho đường Nguyễn Văn Linh, để được gặp người thợ giỏi sửa chữa những chiếc máy ảnh cơ. Từ những lần lang thang nầy mà tôi cũng học lóm được nhiều nghề phụ, kể cả nảy ra ý tưởng trở thành một photographer, rồi mở tiệm chụp ảnh để giúp nuôi giữ cái nghề chính của mình: Cầm phấn.

Đến khi may mắn trở thành phóng viên của một Đài PT-TH, tôi lại tiếp tục tranh thủ giờ trưa hay cuối ngày, với chiếc xe máy, luồn lách vào các con hẻm của đường Hải Phòng, Lý Tự Trọng, Trần Cao Vân, Lê Duẩn, Lê Độ v.v…. Thú vị nhất là khi lạc trong những con hẻm ngoằn ngoèo, khó tìm đường ra, rồi nhờ người trong hẻm ngồi sau đèo luôn, để dẫn đường giúp. Từ những con hẻm, đoạn kiệt nầy, biết bao cái nghề ra đời: Bún gánh; Bánh bưng; Xôi đội; Thùng đẩy (Những chiếc thùng có 4 bánh xe đựng dụng cụ dán, vá áo mưa; bơm mực bút bi, sửa dày, dép). Những nghề mang (Mang tráp đựng dụng cụ đánh giày); Nghiệp xách (Những công chức, viên chức ngày ngày xách cặp đến công sở); Và, những đôi chân với quần ống thấp, ống cao cùng chiếc xích lô (ống cao ở phía nhông – sên - dĩa, phải xắn lên để khỏi bị nhai rách) nhưng vẫn lận theo cuốn Descartes, Hình học không gian của Nguyễn Văn Phú, Anh ngữ thực dụng và các quyển khác nữa (Có cuốn mà sau nầy, tôi mới có dịp đọc được từ tủ sách gia đình của cụ nhạc tôi và có cuốn đã được thầy giáo dạy Toán của tôi hồi lớp 10 nói đến); những tấm lưng thẳng rướn mình với vòng bánh chiếc xe đạp thồ (xe ôm) nhưng vẫn tươm tất; khi nóng quá thì phạch ngực áo nhưng gặp khách thì vội vàng cài nút ngay và dạ, thưa lịch sự. Và, biết bao nét đẹp dung dị đời thường khác cũng từ các hẻm, kiệt tuôn ra.

Từ nhiều chuyến lang thang kiệt, hẻm mà tôi nhận ra rằng, Đà Nẵng có cả một lớp văn hóa ẩn mình trong kiệt, hẻm. Tôi nảy ý tưởng sẽ thực hiện một ký sự truyền hình nhiều tập về văn hóa kiệt, hẻm Đà Nẵng. Nhưng, do lu bu với những ký sự nhiều tập: “Trầm tích quê hương” (Về đất và người Đà Nẵng, Quảng Nam), “Kể chuyện dòng sông” (Về những nét văn hóa và di sản văn hóa dọc theo các dòng sông Đà Nẵng - Quảng Nam)… nên đành lỗi hẹn với ký sự nầy. Từ nhiều lần lang thang đó, tôi đã thấy và đi qua những con hẻm chỉ đủ cho 2 người bộ hành tránh nhau. Nếu chạy xe đạp thì họ rất giỏi đoán định khoảng cách để ai gần chỗ rộng do một chút lõm tại một hiên nhà nào đó, là tấp vào để người kia qua. Tự giác, tự nguyện rồi nở nụ cười, chẳng ai xin ai đi trước, chạy sau. Nhà này mở cửa cùng với nhà đối diện thì con hẻm là cái sân chung. Nếu đặt cái bàn giữa khoảng sân chung đó thì sẽ trở thành bàn trà, bàn nước, bàn rượu mà chỗ ngồi là căn nhà của mỗi người cùng nhau “thù tạc”. Nhiều nét sinh hoạt dung dị hằng ngày nhưng rất thú vị từ những con hẻm nầy không thể kể hết. Có thể, nhà mặt tiền sẽ qua nhiều lần đổi chủ. Chứ chắc rằng, trong những con hẻm nầy, mỗi căn nhà phải là nhiều thế hệ cùng lưu trú và trải qua nhiều đời người sinh ra, lớn lên, rồi tiếp tục làm dày thêm lớp trầm tích văn hóa Đà Nẵng. Bởi, bản sắc văn hóa được tạo nên từ nội sinh và có thể qua tiếp thu, tiếp biến các giá trị văn hóa khác. Và cũng từ đó, tạo nên cái cộng đồng mà tôi gọi là “cộng cư kiệt, hẻm”. Những căn hộ trong một đoạn hẻm là đại gia đình, với biết bao nếp sống “duy tình” nặng nghĩa; mưu sinh thì tất bật nhưng chắc không quá nặng đầu bởi qúa nhiều mưu cầu, toan tính.

Rồi Covid -19 đến Đà Nẵng nhiều đợt. Tàn khốc nhất là trận đánh vào Bệnh viện Đà Nẵng làm thương vong nhiều bệnh nhân đang điều trị bệnh nặng tại đây. Sau đó, lây ra một số nơi của thành phố và được dập tắt. Rồi trận nầy - Trận chúng ta đang tốc hành quyết liệt ngăn chặn nên tuy dịch lây lan mạnh, gây nhiều khó khăn nhưng ít tổn thất về người. Xem ra, gần về cuối trận, Covid -19 lại tập trung đánh vào kiệt, hẻm. Ngày ngày, thấy trường hợp lây nhiễm trong những kiệt, hẻm tăng lên mà nguyên nhân chính là gặp nhau, gần nhau giao tiếp. Kiệt, hẻm - nơi có điểm yếu là cư trú san sát, gần kề, có lúc chạm mặt nhau khi mỗi nhà cùng mở cửa. Không gian chật hẹp của kiệt, hẻm làm cho virut dễ lây lan, nếu mọi người trong mỗi hẻm không tự nguyện ra sức phòng, chống. “Cộng cư kiệt, hẻm” là nét đẹp văn hóa, là sức mạnh tinh thần: biết đùm bọc, lo cho nhau, vì nhau như một đại gia đình. Nhưng, đây chính là điểm yếu mà virut dễ xâm nhập rồi tung hoành, nếu một vài cư dân trong kiệt, hẻm vẫn thản nhiên sinh hoạt theo lối đã quen. Chi bằng, chúng ta thể hiện tình yêu thương nhau như người trong đại gia đình bằng cách mỗi gia đình tự nguyện ra sức phòng vệ, với việc tuân thủ tuyệt đối “5K” trong lúc cam go nầy. Yêu thương trong lúc nầy là… “cách xa” nhau! Giúp nhau, lo cho nhau trong lúc nầy là cách xa nhau mà! Yêu thương bằng hành động như thế, ngay trong hoàn cảnh đại họa Covid -19 đang hiện hữu là tình cảm cao đẹp, là một loại vaccine, một loại kháng sinh tốt, để tránh và chống được đại dịch. Nếu không nêu cao tình yêu thương được thể hiện qua hành động như vậy, thì dù có nhiều đoàn kiểm tra, nhiều mắt thần công nghệ như camera, plycam có khi cũng đành bất lực. Dẫu biết rằng, thực hiện điều đó rất khó đối với cộng đồng trong những con hẻm. Nhưng càng khó khăn, chật vật thì càng tỏ lòng nhau!

Ngay lúc đại họa dịch bệnh hãy lấy thế mạnh về văn hóa (văn hóa “cộng cư kiệt, hẻm”) hóa giải điểm yếu về không gian sinh tồn, để bớt tổn thất. Đồng lòng phát huy thế mạnh tình cảm cộng cư cùng với nguồn lực mà thành phố, cộng đồng, xã hội đang hỗ trợ, tin rằng F0 kiệt, hẻm sẽ dừng. Và ngày mở cửa ra liền thấy mặt nhau, khoảng hẻm chạy giữa mặt 2 nhà trở thành sân chung, bàn trà chung của nhau sẽ nhanh trở lại hàn huyên.

                                                                                                Phan Công Khương