Gìn giữ, trao truyền và nhân lên giá trị văn hóa Cơ tu

07.12.2023
Hồ Xuân Tịnh
Từ ngàn xưa, cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số sống ở Trường Sơn, người Cơ tu làm nương phát rẫy và săn bắt để sinh sống. Trong quá trình lao động sản xuất, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đã được hình thành và cùng tồn tại song hành.

Gìn giữ, trao truyền và nhân lên giá trị văn hóa Cơ tu

Dân tộc Cơ tu phân bố ở 3 huyện miền núi Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang (Quảng Nam); Nam Đông và A Lưới (Thừa Thiên Huế); một bộ phận khác sống ở phía tây Trường Sơn trên đất Lào. Riêng tại thành phố Đà Nẵng, đồng bào Cơ tu tập trung ở hai xã Hòa Bắc và Hòa Phú thuộc huyện Hòa Vang.
Giàu bản sắc văn hóa

Tùy theo địa hình của khu đất, làng Cơ tu thường bố cục thành một vòng cong, ở giữa có một ngôi nhà sinh hoạt chung gọi là Gươl. Người Cơ tu thường chạm trổ, trang trí những hình người, động vật trên một số cấu kiện gỗ trong Gươl, hình ảnh quen thuộc nhất là hai đầu trâu được chạm ở lối vào, có chức năng như là một bậc cấp để bước vào nhà.

Những đêm hội họp ở ngôi nhà chung của làng, mọi người thường được nghe những câu chuyện cổ lưu truyền từ đời này sang đời khác. Một sinh hoạt độc đáo của dân tộc Cơ tu trong nhà Gươl là nói lý, hát lý (tiếng Cơ tu gọi là paprăbhma). Được truyền khẩu qua nhiều đời, nói lý - hát lý đã trở thành loại hình nghệ thuật dân gian không thể thiếu được trong xã hội người Cơ tu. Người Cơ tu nói lý, hát lý trong nhiều tình huống, trong các mối quan hệ xã hội; có thể là việc thương lượng để chuẩn bị đám cưới giữa nhà trai và nhà gái; để dàn xếp một mối bất hòa; mua bán, đổi chác hàng hóa... Và thông thường sau một cuộc trao đổi bằng nói lý, hát lý, công việc được giải quyết ổn thỏa, đó là một nét đẹp trong đời sống tinh thần của người Cơ tu cần được bảo tồn và lưu truyền.

Sống giữa núi rừng đại ngàn, con người trở nên nhỏ bé, những hiện tượng thiên nhiên như mưa, lũ, sấm chớp, giông bão... cùng với bệnh dịch khiến con người càng nặng lòng tin vào Giàng và các đấng thần linh khác... từ đó xuất hiện những tục lệ thờ cúng, các lễ hội cộng đồng.

Lễ hội các dân tộc thiểu số đã tồn tại bao đời nay và sẽ tiếp tục tồn tại với núi rừng, đó là tài sản tinh thần vô giá của họ bởi nó chất chứa niềm tin cháy bỏng về một cuộc sống an lành, no đủ của từng người dân, bởi nó có đầy đủ cái tinh túy trong văn hóa: ăn uống, phong tục, nghệ thuật cồng chiêng - dân vũ.... Lễ hội quan trọng nhất của người Cơ tu là lễ hội mừng lúa mới, đó là dịp để họ tạ ơn Giàng và các đấng thần linh và cầu mong những điều tốt lành.

Trong các dịp lễ hội lớn, khi tiếng trống chiêng vang lên rộn rã cũng là lúc dân làng nhịp nhàng tham gia điệu múa tung tung za zá, đây là hình thức kết hợp múa giữa nam và nữ. Dẫn đầu đoàn múa là các già làng, người thổi tù và, một số người đánh trống chiêng; đàn ông hùng dũng trong điệu múa tung tung với vũ khí trên tay như gươm, giáo và khiên mây, mô phỏng các động tác chiến đấu và đi săn, thể hiện tinh thần thượng võ; phụ nữ nhẹ nhàng trong điệu za zá với đôi tay đưa ngang vai, cẳng tay gập vuông góc lên phía trên, bàn tay xòe rộng như nâng đỡ, thể hiện sự lao động bền bỉ và đấu tranh sinh tồn trước thiên nhiên.

Người Cơ tu có cách thể hiện những ước mơ, những khát vọng của cá nhân và cộng đồng qua các điệu dân ca như clâu-cleng, tnơt-nơơi, Bơ bhoot... âm nhạc luôn tồn tại trong cộng đồng các cư dân miền núi; trong quá trình giao lưu văn hóa với miền xuôi, người dân miền núi dẫu có tiếp thu các loại nhạc cụ mới, các ca khúc mới nhưng vẫn bảo lưu được nền âm nhạc truyền thống của mình, bởi dường như nó thấm sâu vào máu thịt của họ từ bao đời...

Hiện nay một số vùng của đồng bào Cơ tu còn duy trì được nghề dệt vải thổ cẩm, họ có kiểu trang trí hoa văn bằng cườm chì hoặc cườm trắng, phối với các màu đen, đỏ tạo thành những mảng hoa văn ô trám, hoa văn ya yá, hoa văn dợn sóng cùng một số hoa văn hình học khác góp phần tạo nên bản sắc riêng của người Cơ tu .

 Khơi dậy lòng tự hào về văn hóa dân tộc

Giao lưu văn hóa - kinh tế đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, thay đổi được một số tập quán lạc hậu,  hạn chế phá rừng làm rẫy, dần xóa nạn mù chữ... Việc định canh định cư đã mang lại một số lợi ích thiết thực cho các dân tộc thiểu số.

Ở Hòa Vang, đồng bào Cơ tu hiện đã làm nhà trệt theo kiểu người Việt và có xây dựng được một vài ngôi Gươl. Tuy nhiên, những ngôi nhà này lại dùng nhiều cấu kiện bằng bê-tông cốt thép, không đúng với kiến trúc truyền thống. Những đồ dùng hằng ngày bằng đất nung, tre nứa, mây song, quả bầu... đã dần nhường chỗ cho soong nồi nhôm, can nhựa, chai lọ thủy tinh...

Để gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc Cơ tu, cần đặt văn hóa dân tộc thiểu số trong bối cảnh chung của văn hóa Việt Nam hiện nay. Duy trì các lễ hội truyền thống của đồng bào với tinh thần gạn đục khơi trong, giúp cho người dân có ý thức tự hào về nền văn hóa của dân tộc mình, biết gìn giữ thuần phong mỹ tục, xóa bỏ những hủ tục, thói quen lạc hậu, biết tiếp thu một cách có chọn lọc tinh hoa văn hóa các dân tộc khác.

Về bảo tồn kiến trúc truyền thống, cần khuyến khích đồng bào vận dụng tri thức dân gian khôi phục một số nhà sàn để ở, làm Gươl theo đúng kiến trúc truyền thống phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng, khuyến khích và giúp đỡ họ tạo lại cảnh quan của làng dân tộc miền núi.

Đối với người dân tộc thiểu số, trống chiêng không chỉ là phương tiện thông tin, truyền những thông điệp vang xa trong các làng, mà trong lễ hội nó còn là phương tiện để người trần tục giao tiếp với thế giới thần linh và gắn kết các thành viên trong cộng đồng. Những cuộc hội diễn, giao lưu văn nghệ là dịp để đồng bào thi tài, giới thiệu nghệ thuật của dân tộc mình với các dân tộc khác, đồng thời khích lệ họ ra sức phát huy những cái hay, nét đẹp trong âm nhạc, nghệ thuật dân tộc Cơ tu.

Có thể nói, nghề dệt thổ cẩm là một thế mạnh của người Cơ tu, do đó cần khôi phục và phát huy nghề dệt cho người Cơ tu ở Hòa Vang. Trong việc truyền dạy nghề, Hòa Vang có thể liên kết với các làng Cơ tu ở Quảng Nam như Đờ Roòn (Đông Giang), Zơ Ra (Nam Giang)... Những giá trị văn hóa phi vật thể đó cần được lưu truyền, phát huy trong cộng đồng người Cơ tu để các thế hệ tiếp nối hiểu và tự hào về văn hóa đặc sắc của họ.

Những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Cơ tu được bảo tồn, phát huy và trao truyền cho các thế hệ sẽ làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, đồng thời mở ra khả năng khai thác tuyến du lịch sinh thái miền núi gắn với những giá trị văn hóa của đồng bào Cơ tu ở Hòa Phú và Hòa Bắc...

(Baodanang.vn)