Đọc Dòng sông không vội của Trần Lê Khánh

22.11.2017

Đọc Dòng sông không vội của Trần Lê Khánh

Tập thơ “Dòng sông không vội” của nhà thơ Trần Lê Khánh được xuất bản vào mùa thu năm 2017, ở tập thơ này, tác giả đã mang lại cho độc giả sự ngạc nhiên vô cùng bởi đó là một phong cách viết khác hoàn toàn so với trước đây, với những bài thơ ngắn đầy hàm ý, những bài thơ dài khúc chiết và những cảm xúc thật sự thăng hoa.

Tập thơ được chia thành 10 chương, với những tên gọi: “Dòng sông không vội”, “Hư vô”, “Ngày về của mây”, “Câu gió”, “Trái tim kiến cắn”, “Nỗi buồn đỏ rực”, “Tuyệt đối”, “Nước mắt về biển”, “Vầng trăng hóa thạch”, và “Mùa xuân mềm” mang đến cho đọc giả một cái nhìn về bút pháp thơ Trần Lê Khánh. Một bút pháp đa dạng về thể loại: ngoài thơ lục bát hai câu độc đáo ở “Lục bát múa” thì Trần Lê Khánh còn viết những bài thơ tự do rất ngắn, những bài thơ 5 chữ và thơ tự do. Tập thơ với 104 bài viết về kiếp nhân sinh, về thời gian, về biển, về mây, về tình yêu và về tâm thức con người trong mối tương quan của vụ trụ. Tất cả những kinh nghiệm cá nhân mà tác giả đã trải qua, đã cảm thụ được cuồn cuộn viết ra bằng tâm lực và trí lực. Từ chữ, từ câu, từ tứ và ý thơ được tuôn trào như dòng thác và sau đó được chăm chút lại, đem đến cho độc giả cảm giác không có chữ thừa, không có câu thơ nào ngần ngại.Tất cả – tự nhiên như một thân thể khỏe mạnh vừa được tái sinh.

Tập thơ “Dòng sông không vội” không những được chăm chút về nội dung, về thi pháp, mà còn được chăm chút về mặt hình thức. Từng bài thơ được trình bày chỉnh chu trên hai trang giấy. Và hình thức độc đáo của cuốn sách là mỗi tựa đề một bài thơ đều được trình bày trang trọng trên một trang sách cùng với một bức tranh của các danh họa nổi tiếng. Các danh họa đến từ nhiều quốc gia khác nhau trong chương trình Artist-in-residence (nghệ sĩ cư trú) tại Củ Chi Plus Zero.

Có lẽ điểm mạnh của bài thơ được các họa sỹ cảm thụ lại bằng hình ảnh, không phải minh họa cho thơ mà là đồng sáng tạo. Thơ họa tạo cảm hứng qua lại để hình thành nên một tác phẩm hoàn chỉnh nhất. Ngoài tranh của các họa sỹ ở Việt Nam là Ba Gàn, Lã Quý Tùng, Ngô Thùy Duyên, Diệu Phúc, thì có tranh của các danh họa đến từ Pháp, Đức, Ý, Nam Mỹ… như Xavier De Kepper, Karla Solano, Flora Kam, Putevie, Thibault Petrissans… Các họa sỹ lần đều tiên đã gặp nhau, nhờ nhân duyên của những con chữ và sắc màu.

Trước đó, mùa thu năm 2016, tác giả Trần Lê Khánh xuất bản tập thơ “Lục bát múa” và có một khoảng thời gian sống với không gian thơ của mình, thơ anh đã được đọc giả đón nhận ở nhiều không gian khác nhau, như  báo Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Sài Gòn Giải phóng, Tạp chí Sông Hương, Tuần san Văn nghệ,… và một số các báo mạng khác. Đặc biệt, thơ anh đã bén duyên với âm nhạc, ca khúc như Môi cát (nhạc sỹ Quốc Bảo), Cõi không, Mùa đông mỏng, Ngày như chiếc lá, Thủy Chung… (nhạc sỹ Trần Bình)… từ khi chưa được xuất bản.

Những ca khúc ấy đã ngân vang trong chương trình “Ngày như chiếc lá” 1, 2,3 được tổ chức ở Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh.  Những bài thơ được phổ nhạc này, sẽ có trong tập thơ mới nhất của Trần Lê Khánh – tập “Dòng sông không vội” (nhà xuất bản Hội Nhà văn, mùa thu năm 2017, 252 trang, khổ 19×15 cm, do Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam độc quyền phát hành).

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã viết giới thiệu thơ Trần Lê Khánh trên báo Tuổi trẻ Chủ nhật như sau:

“Dường như đối với Khánh, thơ là “những giọt buồn biết bay”.

Khi nói thế, cái buồn không còn dừng lại ở những gì cá biệt nữa mà bay đi, mà tan đi vào sương mù, vào dòng sông, vào mây khói.

Cái buồn đó không bao giờ ở yên, ứ đọng mà nó cứ trôi, cứ ra đi, cứ bay, cứ rơi rụng… Ngay cả rêu cũng không phủ không phong mà là “rêu tìm cánh bay”

em về phố cũ rêu tìm cánh bay

Chẳng lẽ cái buồn ở đây chính là “cái bay”?Một hình ảnh rêu lạ lùng khó tìm thấy ở đâu khác.

Một mặt, thơ ca muốn chắp cánh cho rong rêu, mặt khác lại muốn cột chân những gì phiêu bồng bay lượn:

vì ngón sầu tịch mịch

bao kiếp mong cột cọng mây

được rồi, sương khói thôi bay

 

Nhưng tất nhiên, cái buồn có khát vọng bay.Nếu không, nó sẽ đánh chìm cuộc đời.Nhà thơ hiểu điều đó.”

… Và Nhà thơ Inrasara cũng đã có lời giới thiệu trân trọng cho “Dòng sông không vội”:

“…Chỉ có thời gian là đáng tin hơn cả. Mọi sinh linh, mọi vật thể dưới nước trên trời, có hay không có xương sống, “vô tri” hay có thể dựng nên mấy nền văn minh sáng chói, thì cũng vậy. Tất cả chỉ xoay quanh đống hoạt sinh rối rắm tù mù của đám nhân loại lúc nhúc không gì hơn là để chạy trốn nỗi xao xuyến kia. “Chỉ có thời gian là rỗi”.

 

gió luẩn quẩn

sương khói mịt mờ bay

mây mù giăng giăng lối

người và núi tựa nhau ngồi

chỉ có thời gian là rỗi

 

(“rỗi”)

 

Rỗi, để tàn phá! Kinh khủng quá. Và phi lí quá: con người sinh ra là để chết. Nhà Phật cho rằng một khi con người chưa vượt qua nỗi sợ hãi nền tảng kia, hắn vẫn muôn năm đắm chìm trong đau khổ.

Vậy, “làm gì với thời gian”? – Thi sĩ hỏi thế, một câu hỏi định mệnh. Không chỉ cho anh, cho tôi, cho em, mà – cho tất cả những con người còn biết suy tư về sinh phận người.Một câu hỏi lớn, không thể trả lời một lần cho tất cả, mà luôn được hỏi lại. Một lần, một lần, và muôn ngàn lần nữa. Trên mặt đất trầm trọng và đau thương này.

Nỗi ám ảnh kia, lạ, được thi sĩ Trần Lê Khánh diễn đạt rất đạt qua những bài thơ ngắn của anh. Như thể một chộp bắt bất ngờ mỗi lần thi sĩ hoát ngộ, để kết nối sợi dây mong manh bắc chênh vênh giữa vực thẳm nỗi người và cõi thơ.Thi ảnh và ngôn từ, sự gẫy gập của nhịp điệu thơ không thể nói là không độc đáo. Tôi tạm dẫn ra bài“gặp mộng”:

 

gió giải thoát chiếc lá khỏi cây

khỏi khung trời chờ đợi

khỏi con đường dài mỏi

em đã khóc khi chiếc lá giải thoát khỏi gió

và làm tóc bay

Tiêu Nhiên
(nhavantphcm.com.vn)