Biểu diễn âm nhạc đương đại trong không gian ngoài trời ở Đà Nẵng - Khởi sắc và định hướng

25.03.2022
Văn Thu Bích
Trong những năm qua, sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển văn hóa nghệ thuật của thành phố Đà Nẵng diễn ra khá đồng bộ, nhiều biến đổi sâu sắc với những thành tựu, những phương thức sáng tạo, góp phần làm đa dạng đời sống văn hóa. Lĩnh vực biểu diễn âm nhạc đương đại trên địa bàn Đà Nẵng đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công chúng, trong đó, hoạt động âm nhạc trong không gian văn hóa công cộng đã làm diện mạo thành phố Đà Nẵng ngày càng năng động và đa sắc hơn.

Biểu diễn âm nhạc đương đại trong không gian ngoài trời ở Đà Nẵng - Khởi sắc và định hướng

Nhạc sĩ Văn Thu Bích phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề "Văn nghệ sĩ góp phần phát triển không gian văn hóa công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng"

Thực trạng

Trong bối cảnh chung của đất nước thời hội nhập, biểu diễn âm nhạc trong không gian ngoài trời đã làm đa dạng, phong phú thêm môi trường du lịch, thu hút thêm nhiều du khách gần xa tìm đến Đà Nẵng. Bên cạnh các buổi diễn xướng dân gian như “Đưa Tuồng xuống phố” và “Hô hát bài chòi” diễn ra dọc sông Hàn vào dịp cuối tuần từ những năm gần đây, được thành phố đầu tư thì các chương trình biểu diễn âm nhạc đương đại tại các tụ điểm ngoài trời dù chỉ diễn ra thi thoảng, song cũng được chăm chút, dàn dựng công phu luôn hấp dẫn đông đảo người xem.

Đặc biệt trong tiến trình hơn 10 năm, người dân Đà Nẵng khá quen thuộc với các đêm diễn ca múa nhạc đặc sắc trong các Lễ hội pháo hoa quốc tế tại sân khấu nổi trên bờ đông sông Hàn. Trong khuôn khổ lễ hội này cũng có hoạt động âm nhạc đường phố. Ở các nước khác, đặc biệt tại Châu Âu, loại hình này đã có từ rất lâu rồi. Đưa nhạc đường phố vào biểu diễn sẽ tạo được ấn tượng với du khách. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, biểu diễn âm nhạc trong không gian mở còn là góp phần bảo tồn văn hóa. Việc đan xen giữa các tụ điểm âm nhạc đương đại và âm nhạc dân gian của xứ Quảng trên các đường phố Đà Nẵng là sự phối hợp hài hòa, đầy ấn tượng. Mặc dù chưa thật sôi động như hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhưng chí ít, các chương trình này đã thể hiện định hướng của lãnh đạo Đà Nẵng, tính nghiêm túc, ý thức trách nhiệm cao của nhà tổ chức và các nhạc sĩ, diễn viên đã được ghi nhận trong ký ức nghệ thuật của người dân Đà Nẵng. 

Điểm qua lĩnh vực biểu diễn âm nhạc đương đại ngoài trời tại một số tỉnh thành lớn và lân cận như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Hội An.. chúng ta sẽ thấy được bức tranh toàn cảnh về hình thức sinh hoạt này.

Nhiều người đã từng biết đến hoạt động âm nhạc tại các sàn diễn ngoài trời ở Hà Nội, điển hình như: Biểu diễn tại phố đi bộ Hoàn Kiếm. Trong không gian phố cổ Hà Nội, những thanh âm ngân vang từ từng góc phố hoặc giữa ngã tư đông đúc, với nhiều thể loại âm nhạc hiện đại thu hút đông đảo khán giả vào cuối tuần.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, hai năm trước đây khi đại dịch covid chưa xuất hiện thì công chúng cũng quá quen thuộc với các chuỗi sàn diễn nghệ thuật tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, rộn ràng âm điệu ngày cuối tuần. Có một không gian âm nhạc đương đại trẻ trung vang lên với các tiết mục diễn tấu Violon, trình diễn Acoustic, Beatbox ... tất cả đã tạo nên một tổng thể rất hài hòa, năng động.

Và tại Huế, đã có các hoạt động văn hóa nghệ thuật về đêm phục vụ du lịch. Các hoạt động diễn ra thường kỳ tại các địa điểm như Phố đi bộ, công viên, Chợ đêm Đông Ba; Đêm Hoàng Thành Huế. Các chương trình âm nhạc Bolero, đàn guitar, kèn, ca nhạc hiện đại, DJ đan xen cùng âm nhạc truyền thống…       

Tại phố cổ Hội An, thì trước khi covid ghé qua, cũng có lễ hội đường phố, trình diễn ca nhạc hiện đại, song hành cùng diễn xướng Hô hát bài chòi bên bờ sông Hoài. Đáng chú ý, trong ba năm gần đây, khách du lịch nội địa và quốc tế khi đến xứ Quảng đều thưởng ngoạn show diễn thực cảnh KÝ ỨC HỘI AN tại sân khấu ngoài trời thuộc Công viên Ấn tượng Hội An. Cách đây một năm là chương trình HỘI AN SHOW - TRI ÂN diễn ra trong không gian lộ thiên của chùa Cầu, sông Hoài. Đây là hai chương trình biểu diễn thực cảnh quy mô. Phần âm nhạc trong hai show diễn này đã được sáng tác bằng ngôn ngữ đương đại dựa trên âm hưởng dân gian của xứ Quảng.

Riêng tại Đà Nẵng, trong thời gian trước khi xuất hiện dịch covid-19, một số tụ điểm ca nhạc đã tiếp đón số lượng lớn công chúng cũng như du khách trong và ngoài nước. Được sự quan tâm của lãnh đạo Đà Nẵng cùng với sự năng động của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, Hội Âm nhạc và sự nỗ lực của ngành Văn hóa, Du lịch, Thành đoàn Đà Nẵng, Hội đã có một số chương trình biểu diễn ca nhạc ngoài trời khá khởi sắc phục vụ đông đảo công chúng và khách du lịch. Có thể điểm qua như sau:

- Liên hiệp các Hội VHNT và Hội Âm nhạc Đà Nẵng luôn quan tâm tới việc biểu diễn ca nhạc đương đại trong không gian ngoài trời, dù với nguồn kinh phí ít ỏi, song đã phối hợp tổ chức các chương trình ca nhạc có chủ đề như: Tết Nguyên tiêu, Phòng chống covíd, Tổng kết phong trào Nông thôn mới Hòa Vang… trên sân khấu ngoài trời BNF, tại tụ điểm phía Đông cầu Rồng và sân khấu trước UBND Huyện Hòa Vang…Ngoài ra được sự hỗ trợ kinh phí của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hàng năm Hội Âm nhạc Đà Nẵng đều tổ chức Chương trình Kỷ niệm ngày Âm nhạc VN 3-9 trình làng nhiều ca khúc mới của các nhạc sĩ Đà Nẵng tại sân khấu BNF.

- Sở VHTT phối hợp với Liên hiệp các Hội VHNT và Hội Âm nhạc Đà Nẵng dàn dựng và tổ chức các chương trình nghệ thuật hiện đại kỷ niệm ngày lễ lớn cùng các sự kiện trọng đại của đất nước, của thành phố. Ngoài ra, Sở VHTT cũng tổ chức cho nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế đến biểu diễn giao lưu trong khuôn khổ đối ngoại, góp phần làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần, và thắt chặt thêm mối bang giao như Đoàn ca nhạc Hải quân Mỹ biểu diễn định kỳ hằng năm tại công viên Biển Đông, các đoàn nghệ thuật Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc, Pháp, Lào vv… đã đến biểu diễn tại các tụ điểm ngoài trời trong nhiều chuyến viếng thăm, giao lưu văn hóa với Đà Nẵng.

- Đáng khích lệ khi Tập đoàn Sungroup đã sáng tạo, đầu tư nguồn kinh phí lớn để tổ chức các hoạt động ca nhạc tại nhiều tụ điểm sân khấu ngoài trời và trong không gian lễ hội Bia hằng năm tại Bà Nà hill, sân khấu festival Pháo hoa quốc tế, biểu diễn ca nhạc nhẹ, hòa tấu, lễ hội hóa trang trước khách sạn Novotel. Tất cả đã tạo nên thương hiệu mà Sungroup tâm huyết xây dựng, được sự đón nhận hoan hỉ từ công chúng.

- Nhằm dấy mạnh xúc tiến du lịch, hằng năm, Sở Du lịch tổ chức Lễ hội “Điểm Hẹn Mùa Hè” với các show diễn ca nhạc đương đại tại công viên Biển Đông, chương trình Âm nhạc đường phố tại khu vực ven bờ sông Hàn, đồng thời Sở Du lịch cũng phối hợp với Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng tổ chức chương trình “Lễ hội đường phố” tại khu phố du lịch An Thượng. Thu hút khán giả còn là các chương trình biểu diễn tại khu vực sân vườn các resort, khách sạn, các tụ điểm Quảng trường Nhà hát Trưng Vương, Quảng trường 2-9, công viên Biển Đông…

Lĩnh vực văn nghệ không chuyên cũng khá đa dạng với các chương trình ca nhạc tổng hợp của Thành đoàn và các quận, huyện, ban, ngành tại sân khấu BNF công viên Biển Đông, dọc theo hai bên bờ Đông - Tây sông Hàn, hai đầu cầu Rồng và sân khấu ngoài trời tại các quận huyện trong dịp lễ, tết, hội hè.

 Những thành quả đạt được nêu trên là đáng ghi nhận, đã góp phần không nhỏ cho sức hấp dẫn của Đà Nẵng. Tuy nhiên, cần nên có định hướng lâu dài cho hình thức hoạt động này. Nhằm tiến hành đồng bộ với sự phát triển chung của các địa phương khác, chúng ta phải nỗ lực hơn nữa và cần có sự quan tâm đầu tư đúng mức của các cấp, các ngành, kể cả các văn nghệ sĩ.

Hạn chế

Nhìn chung, tình trạng khá trống vắng các chương trình ca nhạc đương đại diễn ra thường kỳ hàng tuần, hàng tháng tại không gian ngoài trời. Thi thoảng vào các dịp lễ hội và các sự kiện quan trọng thì mới có đôi ba buổi diễn phục vụ công chúng, phần lớn là xã hội hóa, chứ chưa được thành phố cấp kinh phí tổ chức thường xuyên, cho nên vẫn thấy im ắng so với loại hình nghệ thuật truyền thống được ưu tiên chú trọng hơn và được đầu tư kinh phí dù không nhiều song cũng duy trì hàng tuần như: Diễn xướng bài chòi và Diễn trích đoạn tuồng. Điều này nằm trong chủ trương chung của Nhà nước và sự cố gắng của thành phố về việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, hiện nay không gian diễn xướng Hô hát bài chòi và sân khấu nhỏ Đưa Tuồng xuống phố còn mang tính dã chiến tạm thời nên ngày càng xuống cấp. Điều này tạo ấn tượng không tích cực cho người thưởng ngoạn. Chúng ta không nên quan niệm cứ sản phẩm cây nhà lá vườn là thật giản đơn, không cần hình thức. Phải chăng do thiếu nguồn đầu tư kinh phí dồi dào và cơ chế, chính sách đãi ngộ của Nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống nhằm thu hút các ca sĩ, nhạc công có trình độ chuyên môn cao để đầu tư công phu cho tiết mục xuất sắc và ấn tượng nhằm tạo xúc cảm sâu sắc cho khán giả.

Có hiện tượng từ nhiều năm nay, tại Đà Nẵng các ca khúc đạt giải thưởng cao trong nhiều cuộc thi sáng tác về Đà Nẵng chỉ trình làng tại buổi phát giải, rồi lặng lẽ sống trong ký ức giới mộ điệu. Tương tự, các chương trình ca múa nhạc đương đại chuyên nghiệp đặc sắc khá hoàng tráng của nhiều đơn vị chuyên và không chuyên được dầu tư dàn dựng công phu, đạt giải cao tại các Hội diễn, liên hoan toàn quốc. Sau đó thi thoảng biểu diễn tại sân khấu nhà hát, trong hội trường các đơn vị hoặc xuất hiện vài tiết mục riêng lẻ trên một số sàn diễn và trên sóng truyền hình Đà Nẵng, song trên sân khấu ngoài trời thì lại thiếu vắng sự xuất hiện của toàn bộ chương trình đã từng đạt giải tại hội diễn, liên hoan. Phải chăng, nhà tổ chức quên rằng như vậy là thiệt thòi cho cộng đồng và không cảm thấu dược sự thưởng thức của đông đảo công chúng là vô cùng cần thiết để phát huy thành quả của nghệ sĩ và để thấy rõ việc đầu tư của Nhà nước cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp cũng như không chuyên là xứng đáng, có hiệu quả thiết thực khi phục vụ đông đảo các tầng lớp nhân dân. Mặt hạn chế này phải chăng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song trọng tâm nhất khi họ nêu lý do thiếu nguồn kinh phí đầu tư để tổ chức công diễn bên ngoài không gian khán phòng nhà hát.

Từ những hạn chế ấy, trong năm 2022 lãnh đạo thành phố cũng đã thể hiện sự quan tâm định hướng về hoạt động văn hóa nghệ thuật của Đà Nẵng khá phong phú và đa sắc, đa chiều.

Một số định hướng

- Mới đây, Đề án “Tổ chức các sự kiện lễ hội văn hóa đặc sắc hằng năm, gắn với thiết lập chuỗi sự kiện văn hóa lễ hội về đêm của thành phố giai đoạn 2022-2026” đã được lãnh đạo TP phê duyệt. Đề án này chắc chắn sẽ tạo sự đột phá, mới lạ, hấp dẫn cho Đà Nẵng. Cùng lúc, TP cũng vừa ban hành danh mục các hoạt động văn hóa - lễ hội hai bên bờ sông Hàn năm 2022, các sinh hoạt định kỳ tập trung chủ yếu vào dịp cuối tuần với các chương trình nổi bật, trong đó có Âm nhạc đường phố, việc thực hiện phải thích ứng an toàn linh động với diễn biến dịch Covid-19 nhằm đảm bảo hiệu quả công tác tổ chức, tiến tới hình thành sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo và đặc trưng hai bên bờ sông Hàn. Tín hiệu đáng mừng là ngay từ đầu tháng 3 năm nay, thành phố đã tái khởi động cùng với sự xuất hiện của nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật nhằm nối lại tiến trình sinh hoạt cộng đồng sau thời gian dài suốt 2 năm bị  trầm lắng vì đứt đoạn.

Đây là các hoạt động trong khuôn khổ kế hoạch đã được UBND TP phê duyệt, nhân kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng Đà Nẵng. Trong đó, điểm nhấn là các loại hình văn hóa lễ hội trong không gian mở hai bên bờ sông Hàn: Trình diễn âm nhạc đương đại khá nổi bật trong "Sân chơi nghệ thuật thanh niên", diễn tấu nhạc hơi trong Vũ hội hóa trang đường phố hiện diện đa sắc trong chuỗi chương trình Âm nhạc đường phố, biểu diễn ca nhạc hiện đại, diễn tấu nhạc hơi, Tuyên truyền lưu động "Khúc hát tháng 3", biểu diễn ca nhạc tại công viên APEC…

- Ngay từ đầu năm 2022, thành phố đã có chủ trương triển khai dự án chiếu sáng mỹ thuật theo chủ đề “Dòng sông ánh sáng” để kết hợp các hoạt động lễ hội, văn hóa, trong đó có biểu diễn âm nhạc tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn hai bên bờ sông Hàn, nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, thu hút du khách. Với nguồn lực từ ngân sách thành phố và xã hội, Đà Nẵng sẽ sớm khởi sắc hơn về diện mạo văn hóa nghệ thuật.

- Bên cạnh đó, cũng nên vận động xã hội hóa để thực hiện các chương trình ca nhạc, các show diễn thực cảnh ngoài trời. Qua đó, cônn chúng sẽ có thêm những cảm nhận sâu sắc về bề dày di sản văn hóa của vùng đất, con người Đà Nẵng đầy dũng khí và nhân hậu.

- Tiếp tục phát huy hoạt động biểu diễn âm nhạc đương đại tại sân khấu chính và các sàn diễn nhỏ điểm xuyết dọc theo các tuyến phố đi bộ hai bên bờ sông Hàn và khu phố du lịch An Thượng…

- Ngoài ra, ngành Văn hóa cần phối hợp với ngành Giáo dục và Thành đoàn đăng cai hoặc tổ chức các chương trình hợp xướng, ca nhạc có chủ đề diễn ra thường kỳ. Đồng thời, công diễn trên sân khấu lộ thiên các chương trình ca múa nhạc tổng hợp xuất sắc, khá quy mô của Cung thiếu nhi đạt giải cao tại các Hội diễn thiếu nhi toàn quốc nhằm khích lệ cho lĩnh vực âm nhạc thiếu nhi của Đà Nẵng.

Hoạt động nghệ thuật ca nhạc đương đại không nên tự phát mà cần được chú trọng dàn dựng mới mẻ, không để mãi ngủ yên trong khuôn khổ mái vòm nhà hát, phục vụ cho số ít khán giả mà cần thiết dời chuyển ra khỏi không gian khép kín của nhà hát, khán phòng, đến gần với công chúng, để người dân được hưởng thụ, không chỉ vào các dịp lễ tết mà cần nên hàng quý, dần dần là hàng tháng, hàng tuần. Vài năm, nên tổ chức các cuộc giao lưu nghệ thuật với các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước theo khuôn khổ các chương trình giao lưu văn hóa.

Biểu diễn âm nhạc đương đại dễ thu hút đông đảo người xem. Muốn cho loại hình này phục vụ xã hội thật hiệu quả, phát huy được hết tác dụng của mình thì trong công tác quản lý phải đảm bảo điều kiện và định hướng cảm thụ, thị hiếu thẩm mỹ của công chúng trong bối cảnh đương đại; đồng thời nên có một số giải pháp cụ thể, thích hợp với từng thời kỳ và điều kiện của thành phố.

 Sở VHTT và Hội Âm nhạc ĐN có thể tập hợp các ban nhóm nhạc xây dựng thành hội thi hàng quý, nên tổ chức thường kỳ các đêm diễn ca nhạc hiện đại đan xen với các buổi diễn xướng Hô hát bài chòi và dân ca xứ Quảng tại các vùng nông thôn huyện Hòa Vang. Các liên hoan, hội thi không chuyên cấp thành phố nên diễn ra hàng năm và tổ chức nhiều đêm công diễn phát huy kết quả của các đợt liên hoan. Song hành, các đơn vị này cần tổ chức các hoạt động giới thiệu quảng bá thường xuyên các ca khúc đương đại, chú trọng đề tài về Đà Nẵng (được hội đồng nghệ thuật chuyên ngành thẩm định) với các hình thức phong phú tại các sân khấu ngoài trời.

Các ngành, các cấp liên quan nên chú trọng hơn trong quản lý hoạt động biểu diễn và đào tạo âm nhạc. Các tụ điểm cần phải thường xuyên được thẩm định chất lượng cả về hình thức lẫn nội dung. Chúng ta luôn biết rằng hình thành thì dễ song duy trì mới khó…..

Nhìn chung, với định hướng để đời sống âm nhạc của Đà Nẵng trong thời gian tới sẽ sinh động và tươi mới hơn trong lần thức giấc  sau 02 năm dài yên ngủ, mong rằng các cấp quan tâm hơn nữa để phát huy lĩnh vực biểu diễn âm nhạc đương đại trong không gian công cộng song song với diễn xướng âm nhạc truyền thống, từ phố thị đến làng quê nhằm góp phần làm cho diện mạo văn hóa Đà Nẵng ngày càng đổi mới, rực sáng, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân và du khách khi đến với vùng đất đang khởi sắc từng ngày./.

V.T.B