Bến đợi...

06.02.2009

Bến đợi...

Truyện ngắn

 

Chiều hai bảy tết, đợt gió lạnh tràn về cho buồn thêm xóm núi. Ông Thiên ngồi một mình trong căn nhà nghe gió đập vào bức vách mà thấy mình đơn độc quá. Nhìn nhà người ta giàu nghèo gì cũng tất bật chuẩn bị cho cái tết Nguyên Đán mà thèm. Họ hỏi nhau mua lá dong chưa? Giục nhau làm nhiều bánh chưng để ra giêng ăn sáng đi làm. Họ chung nhau mổ lợn, tết nghe tiếng lợn kêu cho vui cửa vui nhà. Người già thì chờ con cháu đi làm ăn, công tác xa cả năm mới về lễ tế ông bà, cha mẹ được một ngày. Trẻ con thì háo hức chờ tiền phát vốn, lấy tiền mua bóng bay, mua bi, mua kẹo. Ông ở một mình, ông biết chờ ai...

Năm nào đám thanh niên trong xóm cũng rủ nhau đến sửa sang nhà cửa, tết nhất cho ông. Đến là đến cho vui thôi chứ lợp lại cái nhà, sởi quang vườn tược mình ông làm vèo cái cũng xong. Từ ngày bà nhà mất đi bỏ ông lại một mình trên mảnh đất hoang vu đêm nào cũng nghe tiếng chim lợn về rền rã. Nhiều đêm vắt tay lên trán nằm nghĩ ông thấy cuộc đời này sao mà buồn bã, cơ cực thế. Lúc đủ vợ, đủ con thì đất nước chia lìa Nam, Bắc. Ông nhập ngũ xông pha nơi trận mạc đằng đẵng bấy nhiêu năm trời vô tăm biệt tích. Gian khổ biết bao, thiếu thốn biết bao, đau đớn biết nhường nào nhưng ông vẫn cố gắng chiến đấu nhoài mình về ngày chiến thắng. Những vết thương trong người tự nó trở mình bất cứ lúc nào, thôi thì mất mát, đau đớn thế nào đi chăng nữa cứ còn sống mà trở về với quê hương, với vợ con là may mắn lắm rồi. Ngờ đâu ngày trở về đón ông là người vợ mà cuộc chiến tranh đã vần vò tiều tụy. Còn hai đứa con thì trong một cuộc chạy giặc sang vùng Đông Bắc, bom Mỹ ném xuống không còn một dấu vết gì. Nhìn vào mắt vợ ông hoảng hốt nhận ra đôi mắt đen lay láy ngày xưa đã hoang dại đi vì chờ đợi. Chiến tranh! Chiến tranh đã cướp mất của ông tất cả rồi.

Nhìn bức ảnh của hai đứa con trai đẹp như tranh chụp chung đặt trên bàn thờ nghi ngút khói hương, ông lại thấy mình có lỗi. Bao nhiêu năm xa nhà cứ khấp khởi mừng thầm rằng ông đã hứng chịu hết mọi khó khăn, mất mát để con cái ở nhà từng ngày khôn lớn. Ngày chiến thắng trên đường trở về tưởng tượng ra cảnh các con lớn tồng ngồng ra đón mà rơi nước mắt. Niềm hy vọng ấy ám ảnh ông đến suốt cuộc đời.

Đến tận bây giờ lúc nào ông cũng nuôi trong mình hy vọng rằng các con ông đã tránh được loạt bom ấy, lưu lạc ở xứ người đến một ngày nào đó gần thôi nó sẽ trở về quê hương, bản quán. Mà không chỉ trở về một mình đâu nhé mà sẽ dẫn theo vợ đẹp con xinh. Chắc lúc đó ông sẽ thương bà nhà lắm, chờ mong mỏi mòn đến lúc chúng nó trở về thì bà đã về nơi chín suối. Nhưng chờ mãi hết năm này sang năm khác, mùa này qua sang mùa khác mà chúng vẫn không về, hương trên bàn thờ lại bay nghi ngút. Nhiều đêm nằm một mình, vầng trăng luồn vào càng chiếu sáng thêm cái đơn độc một mình một bóng của ông. Có lúc ông từng nghĩ thế này, thôi thì trận bom ấy làm chúng nó đuôi què mẻ sứt, thương tật đầy mình cũng được miễn sao là chúng nó trở về với ông, về một mình tiều tụy cũng tốt, ba cha con sẽ rau cháo nuôi nhau, thế là hạnh phúc lắm rồi. Những cái tết lại trôi qua cuộc đời, cái gì cũng đủ đầy chỉ tình thương yêu là thiếu. Ngày xưa bà nhà còn sống, ít ra là còn nương tựa được vào nhau mà chờ đợi, cứ đến giáp tết như khoảng này là bà lại ra chợ mua sắm đủ thứ, cũng tất bật bếp núc, mua bán. Ông hỏi: "Bà mua nhiều thế làm gì, nhà chỉ có hai thân già ăn uống là bao", bà chỉ nhìn ông lắc đầu rồi ngồi buồn rười rượi cả chiều. Bà không nói ra nhưng ông biết bà sắm sửa để đợi các con về, những lúc ấy ông thấy mình thật ác. Chiến tranh đã đổ xuống đôi vai của những người đàn bà một gánh nặng không tài nào trút bỏ, đi xuống mồ cũng vẫn mang theo. Ông trở về sau chiến tranh là thương binh mang theo những ám ảnh về cuộc chiến, đêm vẫn thức ông dậy chuyện trò. Những người bạn cùng chiến đấu hy sinh khi cơ thể mất đi nhiều bộ phận, chúng cứ về bảo ông lên núi kiếm lá gì băng bó vết thương cho chúng. Có lúc ông bảo:

- Tao sống thì bị thương mới khổ, chứ chúng mày chết rồi biết gì là đau mà kêu.

Bạn ông cứ rên ư ử, tay bấu víu vào cánh tay ông:

- Chết khi bị thương, hồn phách lạc lõng vạ vật, tao đau không biết chỗ nào mà nặn bóp, tay chân cũng không còn sờ nắm được vật gì nữa. Mày có thương tao thì mày chữa vết thương cho tao với.

Cũng có nhiều khi bạn ông về cười khà khà bảo:

- Sướng nhất mày, con mày chưa chết đâu nó vẫn sống bên phía Đông Bắc ấy, lại còn ăn nên làm ra nữa, nhà cửa vợ con đàng hoàng. Mỗi tội mất trí nhớ, hai anh em ở gần nhau mà đếch biết. Mỗi cái thằng chết như tao lại biết hề hề...

Ông gặng hỏi mãi địa chỉ rõ ràng mà bạn ông chỉ cười, cười sằng sặc rồi từ đấy biến mất, chả về bao giờ nữa. Thế là ông lại đi, bao nhiêu năm vác ba lô đi tìm con sờn sợi vải, bạc mầu mưa nắng. Ngày xưa khi bà nhà còn sống, ông ra đi còn có người ở nhà đợi chờ trông ngóng. Nay ông chỉ mong niềm hy vọng phía trước là hai đứa con thân yêu đang chờ ông đâu đó. Chúng nó đã đợi ông nửa đời người rồi ông phải nhanh chân lên thôi. Nhưng đã gần đất xa trời mà các con vẫn không về...

Các cụ trong xóm đến rủ ông đi sinh hoạt hội người cao tuổi cho đỡ buồn, ông cũng gật đầu đi. Cứ tưởng đến đó sẽ nguôi ngoai nỗi nhớ các con được phần nào nhưng cứ nhìn những người khác được con cái đưa đi đón về, chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ là ông lại tủi. Mà tuổi già đâm ra xấu tính, ngày xưa buồn đau thế nào vẫn chịu được bây giờ hơi tí là khóc, chả phải khóc nước mắt vẫn cứ chảy ra, mắt mũi tèm nhèm đến sợ.

                                                            * * *

Mấy ngày hôm nay hàng xóm ai cũng đến chia bánh chưng, chính quyền đoàn thể cũng đến sắm tết cho ông. Cũng may là vẫn còn mọi người thi thoảng qua lại, nói dăm ba câu chuyện cho ông đỡ buồn. Ai đến cũng trêu: "Nhiều bánh chưng thế này bác Ba ăn thế nào cho hết?". Ông lại bảo: "Đợi các cháu về nó ăn chứ tôi thì ăn được bao nhiêu”. Để rồi cả người hỏi lẫn người trả lời đều trống vắng, đều luống cuống để biết bao nhiêu câu chuyện sau đó cũng không thể lấp đầy, cũng thành ra vô vị.

Cỏ ngoài vườn vừa sới quang được mấy hôm lại thấy đã nhú lên mấy chiếc mầm xanh mởn. Đã ba mươi tết rồi mà nhà nào vẫn có tiếng lợn kêu, nghe thấy bảo năm nay nhiều nhà làm ăn được, tết mổ hẳn hai con lợn chiêu đãi họ hàng anh em lấy lộc cho năm mới. Sau tết thấy bảo trời còn lạnh chưa ai muốn ra đồng nên tết năm nay của riêng xóm ông sẽ dài thêm vài ngày. Thôi thì khổ mãi cả năm trời cũng phải tự cho phép mình nghỉ ngơi một chút mà lấy sức bật tiếp mùa dài. Càng mừng cho xóm làng ông càng tủi phận mình, dạo này ông thấy trong người khác lắm, hay là lại muốn đi theo bà rồi đây. Đời thì chả tiếc chỉ tiếc chưa tìm thấy các con, chúng nó chết rồi thì đã đành đằng này lỡ mà trời cho còn sống mà anh em mỗi đứa một nơi, chia đàn sẻ nghé thì tội cho chúng lắm. Giá mà bà nhà hiện về báo mộng cho ông một câu xem các con nó còn sống hay đã chết để ông còn liệu, đằng này cứ vời vợi mong chờ vô hướng...

Còn mấy tiếng đồng hồ nữa thôi là thời khắc chuyển sang ngày mới, năm mới đến rồi. Bỗng giật mình nhận ra ông đã ngồi thẫn thờ mấy tiếng đồng hồ như thế. Bây giờ thì ông chỉ ước giá mà một trong hai đứa còn sống để trở về bên ông trong giây phút này có phải là hạnh phúc lắm rồi không. Thôi thì một đứa xấu số ông trời không thương thì đành vậy.

Nghĩ đến đây nước mắt cứ nhoèn ra, ông buồn quá đi mất, cái sự chờ đợi hy vọng hình như cũng già cỗi, mệt mỏi như những khớp xương của ông rồi. Có tiếng chó cắn ngoài cổng, ông lật đật chạy ra ngóng, nghe mấy bước chân vội vã đi, ông hồi hộp hỏi: "Ai đấy?". Mấy đứa thanh niên cười hi hí bảo: "Bác Ba chuẩn bị cỗ cúng tất niên đến đâu rồi? Tí chúng con sang đón giao thừa cùng bác nhé". Ông "ừ" một tiếng mà nghe nhẹ bẫng vào khoảng tối mênh mông trước mặt. Quay trở vào ngồi một mình một bóng giữa sân, gió lạnh táp vào mặt từng đợt, nghe nhà ai giục con cái mang mâm cỗ tất niên cúng cho kịp giao thừa, ông mới nhớ con gà luộc chưa bắc ra. Thôi thì cũng phải chuẩn bị cỗ cúng tổ tiên, bà nhà và các con không phải tội. Chắc ở dưới ấy mấy mẹ con chúng nó cũng chuẩn bị cúng tất niên rồi. Ông mệt mỏi lấy cùi tay thương tật di di đôi mắt, miệng lẩm bẩm tự nhắc mình phải rửa bộ ấm chén cho sạch để tí nữa đám thanh niên còn sang chúc tết, nhớ ra năm nào chúng cũng xông nhà.

 
 17/11/08

VŨ THỊ HUYỀN TRANG