Báo chí Đà Nẵng với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc - Bùi Văn Tiếng

01.07.2020

Báo chí Đà Nẵng với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc - Bùi Văn Tiếng

Thường xuyên tác nghiệp ở một địa phương đang thay mặt cả nước quản lý Hoàng Sa, các nhà báo Đà Nẵng rất nhạy cảm với chủ quyền biển đảo của Tổ quốc mà trước hết là chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo quê mình, thường xuyên ý thức về trách nhiệm của báo chí và của người làm báo trong việc thực hiện sứ mệnh “kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển đảo, vùng trời Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước” nêu trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Hai nhà báo Đà Nẵng sớm đóng góp cho hoạt động tuyên truyền về Hoàng Sa trên sóng truyền hình là Huỳnh Hùng và Trí Trung với bộ phim tài liệu Nhớ đảo công chiếu năm 2006, kể về những người Việt từng sinh sống ở Hoàng Sa lúc quần đảo này trực thuộc xã Hòa Long, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam - nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Báo Tuổi Trẻ điện tử mới đây có bài Tư liệu Hoàng Sa - Hành trình trái tim - Kỳ cuối: Nhớ đảo! của nhà báo Thái Bá Dũng viết về bộ phim này với nhận xét: “Bộ phim này tới nay là tài liệu hiếm để công bố sự thật Hoàng Sa”. Thật ra trước Nhớ đảo mấy năm, còn có bộ phim tài liệu Về thăm dấu tích Hoàng Sa của nhà báo Trương Vũ Quỳnh cũng rất hay nhưng thời điểm ấy chưa được phép công chiếu.

Có thể nói năm 2014 là năm mà báo chí Đà Nẵng đóng góp nhiều nhất cho hoạt động tuyên truyền về Hoàng Sa. Hoàng Sa luôn hiện diện trong trái tim người làm báo Đà Nẵng, nhưng sôi động và bùng cháy hơn cả là ở thời điểm tròn 40 năm kể từ ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Cát Vàng - của hương hỏa ông cha xưa truyền lại. Ngay từ đầu tháng 1, Báo Công an thành phố Đà Nẵng đã khởi động đợt tuyên truyền về chủ quyền Hoàng Sa qua việc đăng nửa tháng liền loạt bài Hoàng Sa mãi mãi là lãnh thổ Việt Nam của nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ Trần Công Trục và kết thúc bằng bài Người Đà Nẵng với Hoàng Sa của Bùi Văn Tiếng. Đây cũng là thời điểm báo Đà Nẵng cuối tuần ra số chuyên đề về Hoàng Sa và Hội Khoa học Lịch sử thành phố phát hành Đặc san Xuân Giáp Ngọ 2014 chuyên đề về Hoàng Sa.

Chiều ngày 18 tháng 1, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tọa đàm về Hoàng Sa trên Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng. Chiều ngày 19 tháng 1, Hội Khoa học Lịch sử thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa và Trung tâm Nghiên cứu Minh triết thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa ở ngay một khách sạn mang tên Hoàng Sa trên đường Dương Đình Nghệ và hình ảnh về cuộc Hội thảo này được tường thuật chi tiết trên Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng sau đó mấy hôm.

Năm 2014 cũng là năm Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan Hải Dương 981 tại vị trí cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa 17 hải lý về phía Nam, cách đảo Lý Sơn khoảng 120 hải lý về phía Đông - là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982, không chỉ để khoan thăm dò dầu khí mà còn và chủ yếu là khoan thăm dò lòng yêu nước và sức chịu đựng của người Việt.

Và báo chí Đà Nẵng đã vào cuộc với tất cả tình yêu Tổ quốc và trách nhiệm công dân thông qua việc đưa tin về cuộc mít-tinh và ra Tuyên bố phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội Nghề cá và Hội Khoa học Lịch sử thành phố phối hợp tổ chức vào ngày 12 tháng 5; đưa tin về Hội thảo quốc tế Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử do Đại học Đà Nẵng và Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức vào hai ngày 20 và 21 tháng 6... Một số phóng viên Đà Nẵng còn lên tàu ra khơi để trực tiếp tác nghiệp ở khu vực hoạt động trái phép của giàn khoan Hải Dương 981.

Tạp chí Non Nước số 199 ra tháng 6 năm 2014 đã đăng bài Sự phẫn nộ lương tri của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Bùi Công Minh cùng nhiều bài thơ nói lên tình yêu và ý thức chủ quyền biển đảo của văn nghệ sĩ Đà Nẵng. Từ số 200 ra tháng 7 cho đến số 204 ra tháng 11, Tạp chí Non Nước đăng liên tiếp trong bốn kỳ bài Theo dấu bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa của Trần Đức Anh Sơn kể về cuộc hành trình tác giả cùng với đoàn làm phim của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh đi tìm tư liệu về chủ quyền biển đảo Việt Nam tại các thư viện, văn khố ở nước ngoài.

Báo chí Đà Nẵng thường xuyên đưa nhiều tin bài về hoạt động của Ủy ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa, như đưa tin về việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trực tiếp bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa vào năm 2009; về Cuộc thi tuyển phương án kiến trúc Nhà Trưng bày Hoàng Sa do Ủy ban Nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa phát động với Đồ án được chọn mang tên Con dấu và dấu mốc chủ quyền - Sự khẳng định bền bỉ về chủ quyền bờ cõi của tác giả người Nhật Fuminori Minakami cùng hai kiến trúc sư Trần Quốc Thành và Nguyễn Huy Quang; về Cuộc thi viết về huyện đảo Hoàng Sa thân yêu do Ủy ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Thành Đoàn, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức với 87.701 bức thư viết tay của sinh viên các trường cao đẳng, đại học và học sinh các trường trung học trên địa bàn thành phố.

Báo chí Đà Nẵng cũng kịp thời thông tin những phản ứng quyết liệt của chính quyền và giới sử học thành phố cũng như của Ủy ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa khi Quốc vụ viện Trung Quốc đơn phương thành lập cái gọi là Thành phố Tam Sa vào năm 2012, và mới đây vào năm 2020, đơn phương thành lập cái gọi là quận Tây Sa và quận Nam Sa, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa; thông tin về đề xuất “kéo Hoàng Sa vào đất liền” của Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố...

Không phải ngẫu nhiên mà tháng 10 năm 2014, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị đánh giá công tác thông tin, tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, và tại diễn đàn này, Báo Đà Nẵng cùng một phóng viên của Báo đã được nhận Bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông vì có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa. Không phải ngẫu nhiên mà tháng 3 năm 2015, Báo Đà Nẵng đăng cai tổ chức Hội thảo lần thứ V báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên với chủ đề Chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông trên báo Đảng.

Không phải ngẫu nhiên mà cũng vào năm 2015, học viên Trần Thị Thái Hà của Học viện Báo chí và Tuyên truyền bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Báo chí học Báo chí Đà Nẵng với vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay. Cũng không phải ngẫu nhiên mà tháng 9 năm 2018, tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa trên đường Hoàng Sa, Ủy ban nhân dân thành phố khai mạc Triển lãm tư liệu báo chí về Hoàng Sa nhằm giới thiệu đến công chúng và du khách hàng trăm bài báo viết về Hoàng Sa của các nhà báo Đà Nẵng. Cũng không phải ngẫu nhiên mà tháng 10 năm 2019, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chọn Đà Nẵng để tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức về biển đảo dành cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trong toàn quốc.

B.V.T