Bạn lính

27.04.2023
Vũ Công Chiến
Nghe người sĩ quan tuyển quân xướng tên mình, Cao Toan hô “có” một tiếng thật to rồi rời chỗ ngồi, bước lên đứng xếp vào hàng tân binh trên bãi cỏ. Nó nửa tò mò, nửa ngơ ngác nhìn những thanh niên như mình đang đứng xếp trong hàng, rồi lại ngó nhìn những người được gọi tên tiếp theo. Sau nửa tiếng đồng hồ, cả một đội hình tân binh ngót hai trăm người đã được điểm danh xong.

Bạn lính

Minh họa: Đặng Tiến

Những cán bộ nhận quân chia tách và hướng dẫn tất cả đám tân binh lên gần chục chiếc xe ca Ba Đình chờ sẵn gần đó. Ô tô nổ máy, cánh tân binh thò tay, thò cổ qua cửa sổ í ới vẫy chào tạm biệt những người thân đi tiễn. Xe ô tô phải chạy một đoạn rất xa, không còn người nhà chạy theo xe nữa, cánh tân binh mới chịu yên vị trên xe.

Gần một giờ xe chạy, vượt quãng đường ngót hai chục cây số, đoàn xe đổ tất cả đám tân binh xuống một làng quê có tên là xã Đại Mỗ thuộc Hà Đông. Tất cả lại lục đục xuống xe và xếp thành hàng theo hiệu lệnh. Ở đây đã có rất nhiều anh cán bộ “khung”, quân phục chỉnh tề, nhưng chả ai có quân hàm quân hiệu gì cả, đón đám tân binh. Mỗi cán bộ cầm danh sách, kiểm tra tên và nhận đủ hai chục tân binh. Tất cả đám tân binh, người nào cũng cầm theo một túi vải trong có một bộ quần áo lót, cái khăn mặt và bàn chải đánh răng, ngoài bộ quần áo dân sự đang mặc trên người. Vì thế nên trông đám tân binh khá bát nháo, nhưng dáng vẻ đứa nào ra đứa ấy. Còn các cán bộ khung thì mặc quần áo bộ đội, mới nhìn thấy ai cũng giống ai, chẳng biết ông nào to hơn, thôi thì cứ gọi là “thủ trưởng” tất.

Sau khi được chia vào ở nhờ trong các nhà dân, cứ ba người một nhà, cánh tân binh bắt đầu lò dò tìm người quen. Vì nhập ngũ theo khu phố, nên những thằng ở gần nhà nhau thì quen ngay, quen từ khi cùng nhận được giấy gọi nhập ngũ cơ. Nhưng vào đây, người ta xáo trộn, không cho ở cùng nhau, chắc để tránh cảnh kéo bè kéo cánh.

Cao Toan lò dò và rất bất ngờ khi gặp Hồng Lam. Hai thằng cùng khu Hoàn Kiếm, cùng học chung một trường cấp ba, tuy phân định sáng, chiều nhưng đã quen biết nhau khá thân. Cả hai đứa cùng ngạc nhiên khi biết thằng bạn kia cũng đi bộ đội. Hồng Lam thì ngạc nhiên, vì Cao Toan người vốn bé, gầy gò và nhẹ cân, chưa chắc vượt quá bốn chục cân, sức khỏe làm sao đủ B1 mà đi bộ đội. Còn Cao Toan thì ngạc nhiên, vì Hồng Lam là con cán bộ miền Nam tập kết. Nó thuộc loại “nguồn”, loại “chính sách ưu tiên” để dành cho tương lai cơ mà. Trong lớp mười của Cao Toan có ba thằng bạn con nhà “cán bộ tập kết”, đều được cử đi học đại học ở nước ngoài, để làm lực lượng xây dựng đất nước sau chiến tranh.

Hỏi chuyện nhau, té ra cả hai cũng đặc biệt thật. Cao Toan thì sợ người ta không cho mình vào bộ đội, xấu hổ với bạn bè, nên khi đi khám sức khỏe đã láu cá nhét thêm cái gì đó vào người cho đủ cân. Ông bác sĩ tuy thấy nó gầy bé, nhưng đủ cân, lại nghĩ vào bộ đội, nó còn được bồi dưỡng chán trước khi đi chiến trường cơ, nên cũng tặc lưỡi ghi cho nó loại B1. Còn Hồng Lam thì từ chối danh sách đi học nước ngoài mà xung phong đi bộ đội. Với nó cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù nên quyết chí làm tròn bổn phận trai thời loạn. Vả lại khí thế thanh niên Hà Nội lúc đó là vậy. Chưa gặp thì chưa biết, mà chưa biết thì chưa thấy sợ. Chiến trường trong con mắt kẻ chưa vào cuộc, thì cũng chỉ như những bức vẽ trong tiểu thuyết mà thôi. Ở đó sẽ có gian khổ và hi sinh, nhưng trước mắt khoác bộ quân phục dạo bước trên hè phố cũng có chút gì đó lãng mạn. Ba má Hồng Lam không cản vì tôn trọng ý chí của con, còn quân đội cũng hoan nghênh. Thêm một người là thêm một tay súng, cách mạng sẽ có khả năng thành công sớm hơn một tẹo.

Thật may khi sắp xếp tuy có khác tiểu đội, nhưng cả Cao Toan và Hồng Lam đều ở chung một đại đội huấn luyện. Sau hai ngày học bài chính trị cơ bản và bước đầu làm quen với nếp sinh hoạt theo hiệu lệnh thống nhất của quân đội, cánh tân binh được phát quân trang. Đồ mới, nhưng hơi tạp nham: ba lô và quần áo lót may bằng vải của nhà máy dệt Nam Định, còn quân phục thì là một thứ vải nhẽo nhèo của Triều Tiên viện trợ. Tất nhiên là những thứ khác như chiếu, màn xô, dép cao su, mũ cứng… đều của Việt Nam sản xuất. Đặc biệt là rất nhiều người mặc vào thấy rộng thùng thình, phải xắn cả tay áo và ống quần, vì nhỏ con. Thêm nữa, chưa quen nên nhìn sau lưng thấy ai cũng giống nhau.

Chưa kịp thuộc đường làng thì cả đơn vị có lệnh hành quân lên Hòa Bình. Sau ba ngày mệt nhoài, vừa đau chân, đau vai, tất cả đại đội của Cao Toan và Hồng Lam có dễ đến ngót hai trăm người được nhét vào một khu rừng đồi rất dốc cạnh dốc Bụt, cách xa đường cái ngoài Bãi Nai hơn bảy cây số. Ở đây vừa học chính trị, đội ngũ, vừa phải đi gùi đạn và chịu mấy trận mưa rừng. Chưa tròn một tháng thì một đám tân binh được tách ra lập tiểu đoàn mới, vì quân số quá đông. Lại vẫn may là cả Cao Toan và Hồng Lam cùng có tên trong danh sách sang đơn vị mới. Vậy là từ hai tiểu đoàn tân binh ở Đại Mỗ, nay chia ra thành ba tiểu đoàn. Mỗi tiểu đoàn có bốn đại đội, mà quân số mỗi C vẫn còn đông tới trăm rưỡi lính.

Ra đơn vị mới có hai cái may đến với Cao Toan và Hồng Lam. Hai thằng được về ở chung cùng một trung đội, và doanh trại mới bây giờ ở gần dân, cách đường cái chỉ có hai cây số.

Thời gian huấn luyện dần trôi qua, dù cuộc sống phải chan hòa với tất cả, song Cao Toan và Hồng Lam vẫn thể hiện tình bạn thân như từ ngày còn đi học. Những chủ nhật được nghỉ hay đi chơi đâu, hai đứa vẫn gắn với nhau như hình với bóng, chuyện gì cũng có nhau. Tất nhiên chuyện rèn luyện là thuộc về cá nhân, nên tự ai cũng phải cố gắng, không thể ỷ lại nhau được.

Trong thời gian huấn luyện, rất nhiều lính có gia đình lên thăm. Má Hồng Lam lên thăm tuần trước, thì tuần sau Cao Toan có bố lên thăm. Chút quà tiếp tế bao gồm cả bánh kẹo và ít tiền, hai đứa đều đem ra dùng chung. Chuyện này thực ra cũng bình thường, giống như nhiều nhóm bạn thân khác trong đơn vị, đã quen nhau từ thời còn ở nhà. Có điều chỉ có Cao Toan và Hồng Lam thân nhau, chứ cha mẹ ở hai nhà chẳng ai biết nhau, kể cả nhà nhau.

Huấn luyện đủ các hạng mục trong chương trình xong, thấy sáu tháng trời trôi qua rất nhanh. Cả tiểu đoàn hành quân về Hà Nội nghỉ phép đúng dịp Tết 1972 để chuẩn bị vào chiến trường. Hồng Lam rắn rỏi hơn một chút, nhưng cơ thể chả có gì thay đổi. Riêng Cao Toan thì tăng hơn dăm sáu cân, cao thêm đến mấy xăng-ti-mét. Đúng là cơm quân đội không uổng phí.

Ngày đi chiến trường, Cao Toan chẳng có gì mang thêm theo vì nhà bình dân, giống như phần lớn lính tráng khác. Quân đội trang bị cho cái gì thì chỉ có cái đó. Riêng Hồng Lam thì khác. Má nó là cán bộ miền Nam tập kết, nhưng thuộc loại có cỡ, nên cố gắng lo cho con được nhiều hơn. Vì thế trong ba lô của Hồng Lam có một gói nhỏ chứa ba củ sâm Triều Tiên to bằng ngón chân cái. Không thể biết được giá trị của nó quý tới đâu, vì người dân tuy biết tên củ sâm từ trong sách cổ tích, mà hầu như không có mấy ai được nhìn thấy nó một lần. Đây hẳn là tiêu chuẩn đặc biệt của cán bộ Trung ương cao cấp, mà má Hồng Lam tìm cách có được để làm “bảo bối” cho con trai đi chiến trường. Má nó dặn, chỉ khi nào thật đặc biệt, sức khỏe suy giảm tới mức gần kiệt sức, mới được cắt ra một lát nhỏ cho vào miệng ngậm. Chính vì lời dặn đó mà gói sâm được Hồng Lam bọc và cất rất kĩ trong ba lô. Có lẽ trong cả đoàn quân đi chiến trường đợt ấy, cả quan đến lính, cũng chỉ có mình Hồng Lam có của quý này.

Suốt hai tháng trời hành quân vượt Trường Sơn, Hồng Lam chưa bị dính sốt rét, nên gói sâm vẫn còn nguyên. Tới đơn vị mới trong chiến trường, Hồng Lam và Cao Toan được bổ sung vào cùng một tiểu đoàn của E19, sư đoàn 968 đang đứng chân ở Nam Lào, để làm nhiệm vụ bảo vệ sườn Tây cho tuyến đường 559. Dù rằng ở khác đại đội, nhưng như thế cũng là còn may, vì hai đứa vẫn còn có dịp hỏi thăm nhau mỗi khi tiểu đoàn phối hợp, hoặc lúc ở hậu cứ tham gia cùi cõng đạn, gạo.

Trung đoàn 19 lừng danh với mấy tháng trời mùa mưa 1972 tác chiến ở mường Khoong-se-đon. Lính Hà Nội đã có nhiều người hi sinh, bị thương, quân số đơn vị tụt giảm. Chiến sự ác liệt, thiếu đói khiến nhiều người nản lòng. Cuối mùa mưa chưa kịp về hậu cứ củng cố, cả trung đoàn 19 lại phải cấp tốc chuyển quân ra Sa-ra-van cùng E9 đánh địch. Thị xã Sa-ra-van đã được giải phóng từ cuối năm 1970, nhưng mùa mưa 1972, lợi dụng lúc E9 còn đang ở Bô-lô-ven, E19 đang ở Khoong-se-don, địch đổ quân nhảy cóc ra đây tới 2 trung đoàn GM 41 và GM 42, uy hiếp tuyến đường 559.

Thế là lại những ngày tác chiến triền miên. Cao Toan và Hồng Lam vẫn nhắn được tin cho nhau. Cả hai thằng đều gầy và đen hơn, song bom đạn vẫn chưa sờ đến đứa nào.

Cuối chiến dịch Sa-ra-van, Hồng Lam bị thương trong trận đánh sân bay, một trận đánh gây tổn thất nhiều cho cả lính của E19 và E9. Nó được chuyển về trạm xá sư đoàn, vì lúc này khu hậu cứ sư đoàn ở sát đường dây 559. Trong những ngày dưỡng thương buồn tẻ, Hồng Lam nghe tin Sa-ra-van đã được tái giải phóng, đại quân ta đã chuyển vào Bo-lo-ven đánh bọn lính Thái. Nhưng đau buồn hơn, khi nó nghe tin Cao Toan hi sinh, không rõ trong trận nào. Vậy là đôi bạn thân chỉ còn lại một.

Rồi một chiều nhạt nắng, trong khi lò dò ra bờ suối bên ngoài khu trạm xá sư đoàn chơi, Hồng Lam nhìn thấy một tốp thương binh đang được dìu vào phẫu. Nó kinh ngạc khi nhận ra trong đó có Cao Toan. Cao Toan gầy gò, hốc hác và rũ ra như chiếc áo rách. Hồng Lam chạy lại, vừa mừng, vừa xót xa thương bạn. Về lán rồi, có thời gian để ngồi và thở, mới biết Cao Toan bị thương trong trận cuối vây ép GM 41, nhưng nằm ở trạm phẫu trung đoàn. Vừa bị thương nặng, vừa suy nhược, Cao Toan đã suýt phải nằm lại trong cánh rừng Khooc ở Sa-ra-van. Đến khi E19 vào lại cao nguyên, người ta mới chuyển số thương binh nặng còn lại lên phẫu sư đoàn.

Thương bạn quá, sau mấy ngày Cao Toan nằm trạm xá sư đoàn đã hơi lại sức, Hồng Lam mới nhớ ra và lục tìm gói nhân sâm trong ba lô. Ba củ sâm vẫn còn nguyên trong gói ni lon. Hồng Lam lấy ra một củ, thận trọng cắt lát nhỏ cho Cao Toan ngậm. Rồi cứ thế vài ngày lại ngậm một lát, Cao Toan hồi phục và khỏe lên trông thấy. Khi củ sâm được dùng đến lát cuối cùng, cũng là lúc đôi bạn thân có thể bày và làm đủ trò nghịch ngợm ngang nhau rồi.

Ít lâu sau, trạm xá sư đoàn tổ chức giám định thương tật và sức khỏe cho thương bệnh binh. Hồng Lam trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu và công tác, còn Cao Toan được ra Bắc an dưỡng. Đôi bạn chia tay trong nhiều cảm xúc. Hồng Lam nhờ Cao Toan đem thư và đến thăm bố mẹ mình khi ra Hà Nội. Nó còn cẩn thận lấy ra một củ sâm chia cho Cao Toan:

- Mày cầm lấy mà bồi bổ sức khỏe, tao còn một củ là đủ rồi.

Cao Toan cảm động, đun đẩy một lúc rồi cũng nhận món quà quý ấy. Cao Toan không thể từ chối lòng tốt chân thành của bạn, mặc dù nó nghĩ đã ra Bắc rồi thì người ở lại mới là người cần hơn. Và chính Cao Toan cũng không thể ngờ là nó lại có lúc cần dùng củ sâm ấy trong một hoàn cảnh ngặt nghèo sau này.

Cao Toan ra Bắc, đến trại an dưỡng rồi được về phép thăm nhà. Khỏi phải nói gia đình nó mừng vui như thế nào. Ngay hôm sau, Cao Toan tìm đến nhà Hồng Lam ở phố Trương Hán Siêu để chuyển thư và thăm hỏi ba má Hồng Lam. Ba má Hồng Lam mừng lắm, giữ Cao Toan ở lại ăn cơm để có thời gian hỏi chuyện cho kĩ. Các cụ mừng về tin Hồng Lam còn sống khỏe mạnh, và mừng cho gia đình Cao Toan có con trở về.

Được ít ngày, ba má Hồng Lam lại muốn gặp Cao Toan, hỏi xem khi nào nó trở lại đơn vị để còn gửi thư cho con. Bây giờ mới chợt nhớ ra là chỉ biết nhà Cao Toan ở phố Hàng Bông, còn nhà số mấy thì không rõ. Suốt một ngày chủ nhật, ba Hồng Lam đã phải đi suốt từ đầu phố Hàng Bông chỗ phố Lý Quốc Sư đến tận cuối phố ở đường Điện Biên Phủ, hỏi thăm từng số nhà để tìm nhà Cao Toan. Mãi đến gần hiệu kem Hòa Bình ở đầu phố Phùng Hưng, ông mới tìm thấy nhà Cao Toan. Thật quá vất vả, mà chỉ có thể vì tình cảm cha con thời chiến tranh, ông mới làm như vậy. Nhưng ba Hồng Lam cũng có chút hẫng, khi nghe Cao Toan nói, nó sẽ được ở lại Trạm 869 của Quân khu Thủ đô bên Đông Anh công tác.

*

*        *

Thời gian trôi qua nhanh chẳng ai hay...

Cuối năm 1973 ở Trạm 869 Đông Anh có chủ trương rà soát lại và vận động lính cũ trở lại chiến trường để chuẩn bị cho tình hình nhiệm vụ mới. Thế là Cao Toan đăng kí trở lại đơn vị chiến đấu, E19 F968. Bố mẹ Cao Toan thoáng có chút buồn, nhưng cũng không ngăn cản. Thế là Cao Toan sắp xếp ba lô lên đường. Nó vội vã và thiếu sót, quên cả chuyện đến nhà Hồng Lam để nói ba má bạn viết thư.

Hùng hục theo đường dây giao liên quân đội đi từ Thường Tín, vào đến trạm 5 Trường Sơn thì nó mới ngã ngửa ra về chuyện phải tự túc vào đơn vị, giống như cán bộ, bộ đội đi công tác hay trả phép, chứ chẳng có đoàn quân tập trung nào cả. Chỉ có một cái giấy giới thiệu trong tay để vào các trạm giao liên lĩnh gạo, còn cứ thế tự đi, tự nghỉ nhằm hướng binh trạm ở Sa-ra-van mà cất bước. Ngoài cái ba lô có quân trang mới được phát lại ở Đông Anh và những vật dụng cần thiết tự lo của lính thì chẳng còn gì nữa. Súng ống cũng không. Cao Toan nhớ lại chặng đường hành quân khi vào chiến trường đầu năm trước, để lên kế hoạch tự hành quân. Bây giờ đường đất rõ hơn, có chỉ dẫn và nhất là không còn máy bay địch đánh phá nữa, nên có thể nói là an toàn. Chỉ có điều kiện núi rừng và sốt rét thì vẫn như cũ.

Vì thế sau hơn một tháng lần mò trên đường giao liên, khi vào đến địa phận Sa-ra-van thì Cao Toan lăn ra sốt rét. Nó cố gắng mò vào một trạm giao liên ở cung đường đó. Chẳng có trạm xá, chẳng có đồng đội. Chỉ có người y tá của trạm cho nó mấy viên nivaquin. Vì biết bệnh sốt rét không uống thuốc cũng vẫn khỏi, Cao Toan lại cố gắng lên đường. Bây giờ thì khi mệt quá, nó lại tìm chỗ nào gần suối, mắc võng nằm sát ven đường đi. Làm thế để may ra có ai hành quân qua còn hỏi thăm, hoặc giả có chết thì cũng có người biết. Có những chỗ, Cao Toan nằm lại đến hai ba ngày rồi mới lên đường đi tiếp. Đôi lúc Cao Toan cũng đã nghĩ đến chuyện mình vội đăng kí trở lại đơn vị là sai lầm lớn. Nhưng bây giờ không thể quay lại nữa rồi, nhằm phía trước mà đi thôi. Bỗng Cao Toan nhớ đến củ sâm của Hồng Lam cho. Nó lục vội ba lô. May quá, vẫn nhét vào đây cùng đám quần áo, chứ nếu để quên ở nhà thì thật gay. Cao Toan lấy ra, lại cắt một lát nhỏ cho vào miệng ngậm. Thật tỉnh cả người, hiệu quả thật. Cứ thế mà Cao Toan tiếp tục lần mò tự hành quân tiếp, nhờ ngậm sâm cho đến lát cuối cùng.

Cho đến một ngày, Cao Toan đã vào tới binh trạm 43B, nơi mà năm xưa, đơn vị rẽ sang Nam Lào, nhưng người còn chưa thật khỏe. Nó mắc võng nằm nghỉ lại chờ hỏi đường. Đoạn này mới gay go đây, vì là đường nhánh nên ít người qua lại.

Mệt mỏi nằm lại đây được ba ngày, gạo đã gần hết thì một trưa đang ngủ say, nó bị ai đó lay mạnh võng. Mở mắt ra thấy một gương mặt lính, già tuổi hơn nó. Anh ấy bảo:

- Cậu lính đơn vị nào mà lại nằm đây?

Cao Toan nhỏm dậy, nhìn kĩ vẻ mặt người lính già trông hiền hậu, lại thấy có đeo súng ngắn, nên trả lời thật. Nghe nó bảo muốn tìm về sư 968, lại hỏi thêm biết là lính E19, anh Hạp (tên người sĩ quan) nói luôn:

- Cậu buồn ngủ gặp chiếu manh rồi. Tớ cũng đang trên đường về E19 đây. Dậy mau đi cùng với tớ.

Thế là Cao Toan cuốn võng, khoác ba lô theo anh Hạp lên đường. Bây giờ thì nó biết anh là trợ lí quân lực của chính Trung đoàn 19 của nó. Cuộc hành quân có hai người, lại đi cùng một lính cũ có thâm niên thì không còn gì bằng, Cao Toan hết hẳn ốm. Một tuần sau hai người về đến trung đoàn, lúc này đang đóng gần khu vực Pắc Sòong. Cao Toan chia tay anh Hạp và về tiểu đoàn.

Ổn định một ngày, Cao Toan xin phép sang C bạn để thăm Hồng Lam, lúc này đã là B trưởng. Hai thằng gặp nhau mừng khôn tả, nhưng câu đầu tiên của Hồng Lam làm Cao Toan bất ngờ:

- Sao mày không ở lại ngoài Bắc mà trở lại chiến trường thế này. Ngu hết sức. Không ngờ tao lại có thằng bạn thân ngu thế. Thằng khác thì tìm cách bị thương để ra Bắc mà mày lại thế này thì…

Cao Toan nhìn lại bạn, ấp úng phân trần mấy câu, nhưng rồi biết chẳng qua Hồng Lam thương mình nên nói vậy thôi. Trách vậy thôi, nhưng Hồng Lam cũng cảm nhận được cái ý chí xanh cỏ, đỏ ngực của trai Hà Nội trong tim bạn mình.

Cao Toan kể cho Hồng Lam nghe mọi chuyện của gia đình hai nhà ở Hà Nội, chuyện đăng kí xung phong trở lại chiến trường. Nó cũng kể chuyện sốt rét vật vã trên đường trở lại chiến trường, và củ sâm thứ hai Hồng Lam cho nó. Nghe xong, Hồng Lam bảo:

- Vậy là có ích rồi. Tao ở trong này khỏe, không cần dùng đến. Mà củ sâm thứ ba cũng không còn, tao đã cho anh em ốm nặng ở trạm xá sư đoàn, trước lúc về đơn vị rồi.

*

*         *

Các trận chiến tiếp diễn, lôi cuốn cả hai thằng đi qua nhiều chiến trường, nhiều vùng đất. Rồi chiến tranh kết thúc. Điều may mắn là cả hai đều nguyên vẹn trở về. Cao Toan ra quân, theo học văn và sống đời thường với nghề làm báo ở Hà Nội. Hồng Lam còn ở lại quân ngũ đến hơn chục năm sau mới chuyển ngành về sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Hai thằng vẫn giữ mãi tình bạn lính. Bằng chứng là mỗi khi đi công tác vào Nam ra Bắc toàn đến ở nhà nhau, không bao giờ ra thuê khách sạn…

(vannghequandoi.vn)