Vũ Đức Sao Biển và đường về cố xứ...

07.12.2015

“Đường về của tôi với quê nhà Quảng Nam rất đẹp. Tôi không nghĩ đến cuối đời mình lại được đóng góp chút công sức trong những hoạt động văn hóa - nghệ thuật của Quảng Nam. Tôi cứ đi và về với đất Quảng nhiều lần. Cảm thấy như là đứa con đi xa về với gia đình”. Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển nói cùng tôi trong một chiều ông quay về cố quận…
Hoài niệm Trường Giang
Cách đây hơn 10 năm, trong một lần về Quảng Nam, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã trình làng công chúng yêu âm nhạc xứ Quảng album nhạc với tên gọi “Hoài niệm Trường Giang” trong một đêm nhạc cùng tên ở TP.Tam Kỳ.
 

Vũ Đức Sao Biển và đường về cố xứ...


Lần ấy, trong khả năng của mình và Hãng phim Va-pha-co đồng sản xuất album, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển có đủ điều kiện để mời những ca sĩ tên tuổi trong làng âm nhạc TP.Hồ Chí Minh về biểu diễn, nhưng ông quyết định chọn cách để những ca sĩ không chuyên ở quê nhà thể hiện những bài hát của mình. Sở dĩ nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển làm như thế là vì ông muốn nhiều ca khúc trong album mang âm hưởng dân ca xứ Quảng cần phải được hát lên bởi người Quảng. Và, đúng như vậy, những giọng hát trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng đất Quảng và cả những giọng hát lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu trong một chương trình ca nhạc được dàn dựng công phu… đã khiến người xem xúc động. Anh Minh Tâm, một người làm công việc buôn bán ở Tam Kỳ sau khi thể hiện ca khúc “Đường về” của Vũ Đức Sao Biển trong đêm nhạc dường như đã đồng cảm cùng tâm thế của người nghệ sĩ đau đáu mối tình quê nơi xứ người, gửi gắm vào tác phẩm này. Anh bảo, tôi hát “Đường về” của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển mà cảm thấy như mình đang là nhân vật của câu chuyện. Tôi đã từng có nhiều năm tháng bươn chải ở Sài Gòn và cũng mang trong tim nỗi nhớ quê da diết cùng với ước muốn sẽ có một ngày quay về quê nhà. Xin cảm ơn nhạc sĩ đã nói hộ tôi và nhiều người con Quảng Nam xa xứ.

“Hoài niệm Trường Giang” là ca khúc và cũng là tên của album nhạc đánh dấu sự trở lại của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển trong dòng âm nhạc viết cho quê hương hay viết trên chính quê hương mình sau gần 50 năm xa cách. Có lẽ cuộc đời của người nhạc sĩ này không thể tách rời ký ức về dòng sông quê luôn mang nhiều kỷ niệm với ông. Con sông Trường Giang, bắt đầu gắn bó với nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển từ thuở lọt lòng và cả một quãng đời tuổi thơ trong lửa đạn, đói nghèo… khi cha mẹ phải rời quê nhà Duy Vinh vào Tam Thăng - Tam Kỳ theo cơn lốc chiến tranh. Đó là những ngày tháng nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển chịu ơn sông Trường Giang từ con cá con tôm, từ hạt lúa củ khoai được tưới tắm bởi dòng nước này. Chính vì thế, Trường Giang trong ca khúc của ông không chỉ là một dải lụa mềm vắt qua những miền quê xứ Quảng… mà còn là những mảnh ký ức có lúc ngọt ngào, có khi bùi ngùi. Ông bảo: “Trong đời mình, ai cũng có những hình bóng nhất định để nhớ, yêu thương, trân trọng. Đối với tôi, con sông Trường Giang là con sông thơ ấu của tôi. Ngày xưa tôi đã từng lội sông bắt ốc, xúc tôm cùng với chị, tắm ở trên dòng sông này. Con sông Trường Giang gắn liền với tuổi thơ tôi và đi theo tôi suốt cả một đời. Cho đến khi tôi xa sông mấy chục năm, trong tim vẫn nhớ về dòng sông này. Tôi viết Hoài niệm Trường Giang trên cái nền tảng cảm xúc của mình về một quê nhà yêu dấu của tôi…”.

Về lại đồi sim

Năm 1968, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã ghi tên mình vào làng âm nhạc Việt Nam với ca khúc “Thu, hát cho người”. Ca khúc này được xem như mở đầu cho con đường âm nhạc của ông và cũng là nguồn cảm hứng được khởi đi từ chính dòng Trường Giang yêu dấu và mối tình thời học trò ngây thơ, trong trắng với một người con gái cùng quê trong những chuyến vượt Trường Giang đi về giữa Duy Vinh - Hội An thuở đi học. “Thu, hát cho người” được xem là một trong những bài hát hay nhất trong nền âm nhạc Việt từ khi nó ra đời. Đối với nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, chính bài hát này đã khiến lòng ông không nguôi thương nhớ, trăn trở về hình bóng của “người năm xưa” cùng những chiều nắng vàng trên đồi sim trái chín và một thuở hoa niên đầy kỷ niệm. Vũ Đức Sao Biển từng khẳng định “Có thể nói sự khởi đầu với Thu, hát cho người rất tốt đẹp với tôi. Từ ca khúc này đã tạo cảm hứng cho tôi sau này trên con đường âm nhạc”. Mới đây, chúng tôi lại có dịp cùng nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển trở lại quê nhà Duy Xuyên, tìm về đồi sim ngày cũ. Trên đồi xưa, sim đã vào mùa kết trái, từng nhánh từng cành, từng gốc sim già… là từng kỷ niệm gợi nỗi nhớ khôn nguôi trong lòng người nhạc sĩ. Những câu hát yêu thương của “Thu, hát cho người” thuở nào giờ lại có dịp bật lên đầy xúc cảm… Và, cũng chính từ nguồn cảm xúc dạt dào ấy, nhạc sĩ lại hứng khởi để viết ngay “Trên đồi xưa” với những ca từ đầy nhung nhớ Chuyện ngày xưa thân ái đã trôi như dòng sông/ Rừng thu con suối hát xa nguồn/ Về đây trong hoa lá lánh xa nơi phồn hoa/ Về đây trong dấu yêu quê nhà/ Ta đã ôm đàn lên đồi xưa”.



Vùng đất Duy Xuyên từ lâu được ví là một bài thơ đẹp với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau; từ bóng tơ lụa dịu dàng trong nắng thu đến lễ hội Bà Thu Bồn mùa xuân, từ vóc dáng khu tháp đền Mỹ Sơn ngàn năm tuổi đến dòng sông Thu hiền hòa, từ ruộng vườn xanh ngát đến câu hố hụi hò khoan đằm thắm tình quê xứ Quảng. Tất cả đã khiến nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển dâng trào cảm xúc trong mỗi dịp quay về và viết nên nhiều ca khúc với ca từ trang nhã, giai điệu tươi tắn như “Bài thơ quê lụa” hay mới đây là ca khúc Chào Apsara với phong cách tango sang trọng. Người nhạc sĩ xa quê đã nhìn các hình ảnh những nàng Apsara với vũ điệu ngàn năm của mình, một cách triết lý với những ca từ  “Xin chào những Apsara/ Hãy uốn đôi tay bước đi nhịp nhàng đôi chân/ Xin chào vóc dáng thanh xuân/ Sức sống vô ưu những viên sa thạch ngàn năm/ Đây hồn lúa nước phương Đông/ Thế giới tam thiên đứng trên tháp đền diệu kỳ/ Giữa màu gạch đá rêu phong/ Vẫn sáng long lanh trái tim con người”. Đó chỉ là 2 trong số 15 ca khúc viết về Duy Xuyên trong album “Giai điệu Duy Xuyên” vừa được phát hành dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng huyện Duy Xuyên mà nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã lặn lội với những chuyến đi về quê nhà để biên tập, dàn dựng và hoàn thành. Ông xem đây là một món quà đầy ý nghĩa dâng tặng cho quê hương mình. Ông còn bõ công, bõ sức tập hợp, đào tạo ngắn hạn cho Duy Xuyên những hạt nhân văn nghệ để góp mặt vào các hoạt động nghệ thuật quần chúng không chuyên như Viết Quang - Nguyễn Ngân, Đặng Nhất Mai, Ngô Đình Tân hay Tường Vi…      

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cùng cây đàn ghi ta năm 20 tuổi.

 Và tình cố xứ    

Cuộc đời một người nhạc sĩ ra đi từ quê nhà Quảng Nam, bàn chân đã đặt khắp nẻo đường đất nước, mà đặc biệt là đất phương Nam đầy hào sảng với những làn điệu dân ca mượt mà sâu lắng… để viết nên nhiều ca khúc đọng lại trong tâm hồn người nghe nhưng mỗi khi nghĩ về cố xứ, lòng ông vẫn luôn đau đáu ước vọng được cống hiến nhiều hơn nữa. Dù đã thành danh là nhạc sĩ, nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu âm nhạc… nhưng người con xứ Quảng này vẫn luôn khẳng định rằng, mỗi lần đặt bút viết về mảnh đất và con người Quảng Nam thì nguồn cảm hứng cứ trào lên bất tận. Phải chăng, chất men của rượu hồng đào, chất men của phù sa biền bãi được tưới tắm bởi nước mát dòng Thu Bồn, Trường Giang… không biết tự bao giờ đã ăn sâu, lắng đọng trong trái tim người nhạc sĩ như chính thứ men say của hương rượu hồng đào!

Đời người, ai cũng có những lúc ra đi và những chuyến trở về. Giờ đây, ở  phương Nam xa xôi ấy, người nhạc sĩ quê xứ Quảng Nam vẫn hằng mong những chuyến quay về cố quận. Nỗi nhớ mong như là hơi thở, như là lẽ sống của ông mỗi ngày.

Đăng Trương Khánh Đức
(baoquangnam.com.vn)