Trầm Hương nhiệt huyết với đề tài chiến tranh cách mạng

17.01.2013

Một phụ nữ Nam Bộ đơn thân, giàu nghị lực, gặp nhiều trắc trở trong đời sống tình cảm. Một cây bút lao động nghệ thuật nghiêm túc, sáng tạo không ngừng, tâm huyết với đề tài chiến tranh cách mạng. Đó là nhà văn Trầm Hương, tác giả của tiểu thuyết Đêm Sài Gòn không ngủ  vừa nhận giải ba Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh 5 năm (2006-2011) lần thứ nhất.

Trầm Hương nhiệt huyết với đề tài chiến tranh cách mạng

Nói đến nhà văn Trầm Hương là người đọc nghĩ ngay đến tiểu thuyết Người đẹp Tây Đô và hàng chục tác phẩm khác viết về những Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hơn 20 năm theo đuổi đề tài này, bước chân của Trầm Hương đã dọc ngang khắp đất nước, tìm gặp từng người mẹ, người chị quả cảm và phát hiện nhiều điều độc đáo, tạo dựng nên những hình tượng văn học bi tráng, xúc động.

Ngoài niềm say mê và nỗ lực tự thân, không phải người cầm bút nào cũng có may mắn được tiếp cận nhiều nhân chứng lịch sử như Trầm Hương. Thế mạnh của một phụ nữ cũng giúp Trầm Hương dễ dàng đồng cảm và nhận được những chia sẻ từ những người mẹ, người vợ chịu nhiều hy sinh, đau thương mất mát vì chiến tranh. Chẳng những là nguồn tư liệu quý cho văn học, mà cuộc đời của họ còn mang lại cho chị những bài học kinh nghiệm sống vô giá. Nhà văn Trầm Hương tâm sự:

- Tôi nhận được nhiều sự tin cậy, mở lòng của những nhân chứng chiến tranh. Hơn 20 năm, tôi không còn nhớ mình đã có bao chuyến đi, đến với những vùng đất xa xôi, ghi lại bằng hàng trăm quyển sổ tay. Những người mẹ, người chị đã không xem tôi là người xa lạ, đã nói những lời gan ruột tự đáy lòng. “Gan ruột” ấy mới làm nên hồn của những bài viết gởi đến độc giả, để kết nối những số phận con người. “Gan ruột” của những người mẹ, người chị đã dấn thân, hy sinh cuộc đời cho đất nước làm tôi rung cảm. Tôi tự nhủ “Mình phải làm một cái gì đó”, góp một bàn tay chia sẻ những mất mát, đau thương, bất công, quên lãng. Để làm được một cái gì đó, trước tiên là viết. Đó là công cụ, là vũ khí để tôi gõ những cánh cửa!

* Đã có bao giờ chị vừa viết vừa rơi nước mắt khi ghi chép hoặc hồi tưởng lại trên trang văn của mình, thưa nhà văn?

- Rất nhiều lần tôi không ngăn được nước mắt ngay khi tiếp cận những người mẹ, người chị từng làm nên những kỳ tích trong chiến đấu, giờ có cuộc sống quá đỗi bi thương. Những quyển sổghi chép, nhật ký của tôi có nhiều đoạn nhòe đi vì nước mắt. Chính những giọt nước mắt đã khơi dậy sức mạnh từ bên trong của tôi. Tôi đã nén lại nỗi đau của đời riêng, lau nước mắt của mình để viết. Và rồi tôi lại hòa nước mắt của mình với cuộc đời bi thương, đầy nỗi niềm, uẩn khúc của những người mẹ, người chị tôi được gặp. Kỳ lạ thay, chính nỗi đau, nước mắt và cuộc đời anh hùng của các nhân vật đã động viên tôi, an ủi tôi, nâng đỡ tôi; giúp tôi có thêm nghị lực để vượt qua nỗi đau cuộc đời riêng của mình. Trong sâu thẳm, tôi được truyền thêm năng lượng để vượt qua số phận.

* Vâng, tôi nghĩ đó cũng là niềm hạnh phúc đối với một người cầm bút tận tụy với nghề như chị. Từ cuộc đời và lời khuyên cụ thể của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chị rút tỉa được những gì lớn lao?

- Tôi rất khâm phục những Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên những nẻo đường đất nước. Những bà mẹ quê kiểng, mất đến đứa con cuối cùng sao lại có những triết lý cuộc đời quá đỗi nhân văn. Bà mẹ Vũ Thị Quyên ở Bắc Kạn nói với tôi: “Buồn cũng đâu được cái gì, phải cứng lên để sống”. Mẹ Nguyễn Thị Liến ở Cao Bằng lý giải sức chịu đựng của mình khi chồng vì nhiệm vụ vào Huế hoạt động, lấy vợ là con quan thượng thư, rồi lại về Sài Gòn, để lại mẹ với nỗi đau của người vợ đơn thân nuôi con. Và rồi con của mẹ cũng đã ngã xuống. “Mẹ đã gởi tình yêu vào non nước”. Vẻ đẹp, nỗi đau của mẹ khiến chúng ta phải cúi đầu ngẫm ngợi, nhìn lại chính mình!

* Dù không trải qua chiến tranh nhưng được biết đời sống riêng tư của chị cũng gặp nhiều gập ghềnh, đau thương. Nhưng rồi chị cũng vượt qua để sống, nuôi con khôn lớn và không ngừng sáng tạo. Nhìn lại những gì mình trải qua, chị cảm thấy thế nào?

- Tôi kiêu hãnh vì được làm đàn bà, nói rất thật đó! Thế giới nhìn qua lỗ kim đàn bà cho tôi cái nhìn sâu thẳm, đa chiều về đàn ông. Tôi nhớ thời sinh đứa con đầu lòng, mới 20 ngày, tôi ngồi viết kiếm tiền nuôi con. Hồi đó tôi chưa đủ tiền mua máy vi tính. Mười ngón tay mong manh của tôi gõ lên phím. Chiếc máy chữ cũ kỹ, khô dầu, cọc cạch. Từng con chữ biến thành sữa nuôi con. Nước mắt trộn lẫn mồ hôi làm mắt tôi cay xè…

Thật tuyệt vời khi tôi là phụ nữ. Bởi sự dấn thân, hy sinh, tinh tế của người phụ nữ cũng là tài năng của họ. Tình mẫu tử đã giúp họ làm nên nhiều điều kỳ diệu. Phụ nữ tuy yếu mềm nhưng trong nhiều tình huống trở nên dũng cảm, quyết liệt đến không ngờ. Tóm lại, tôi không có gì phiền trách khi là phụ nữ.

* Vâng, có lẽ đó cũng là khác biệt của phụ nữ so với đồng nghiệp nam giới. Đối với tiểu thuyết Đêm Sài Gòn không ngủ vừa được nhận giải thưởng, viết về Mậu Thân 1968, một sự kiện lịch sử nhiều tranh luận, có lẽ chị cũng muốn phát đi tín hiệu khác so với tác phẩm của các nhà văn từng viết về sự kiện này?

- Tôi không thuộc thế hệ được trực tiếp tham gia vào Chiến dịch Mậu Thân 1968, nên cũng có cách nhìn khác với các nhà văn đi trước. Tôi chọn cách viết tiểu thuyết để thể hiện những gì mình cảm nhận được về sự kiện này, từ những trang lịch sử thấm máu, đã ố vàng, cũ kỹ; từ những góc khuất số phận con người mà mình được gặp, được họ đón nhận, trải lòng, gửi gắm, tin cậy. Trong nhiều năm tôi đã đi tìm, gặp gỡ, tiếp cận những nhân vật đã làm nên lịch sử hào hùng, bi tráng của sự kiện lịch sử này. Những người sống nhớ về những người đã hy sinh. Đi tìm những người chết tôi lại được gặp những người đang sống… Trước đống tư liệu ngồn ngộn, chất nặng số phận con người, tôi không khỏi trăn trở. Và tiểu thuyết Đêm Sài Gòn không ngủ ra đời trong hiện thực huyền thoại và bi tráng đó, tất nhiên qua góc nhìn của một người trưởng thành sau khi đất nước hòa bình là tôi.

* Hy vọng qua tiểu thuyết Đêm Sài Gòn không ngủ, giới trẻ sẽ thấu hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc. Chúc chị mạnh khỏe để tiếp tục với những dự định sáng tạo của mình, nhất là về đề tài chiến tranh.



                                                                                                                                                                                                                                             PHAN HOÀNG PHAN