Thiếu tướng, nhà văn Dũng Hà: Người lính từ chiến trường Điện Biên Phủ

05.05.2014

Thiếu tướng, nhà văn - thương binh chống Pháp, Dũng Hà, tên khai sinh Phạm Điền, ngay từ thời còn là học sinh bậc tiểu học đã tích cực tham gia các hoạt động yêu nước của tuổi trẻ, và ngay trong những năm tháng đầu tiên của cuộc trường kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp, lúc mới 17 tuổi, ông đã có mặt trong quân ngũ. Từ đó, ông liên tục phục vụ trong quân đội cho đến khi nghỉ hưu với quân hàm thiếu tướng.

Thiếu tướng, nhà văn Dũng Hà: Người lính từ chiến trường Điện Biên Phủ

Cuộc đời bộ đội 50 năm của ông là cuộc đời hành quân chiến đấu đầy gian khổ hy sinh, trận đánh nối tiếp trận đánh, chiến dịch nối tiếp chiến dịch, nhiệm vụ nối tiếp nhiệm vụ. Trong kháng chiến chống Pháp, ông chiến đấu tại chiến trường Đông - Bắc (Đệ tứ chiến khu) dưới trướng của tướng quân Nguyễn Bình và Trung đoàn trưởng lừng danh Vũ Mạnh Hùng trên cương vị chiến sĩ rồi cán bộ phân đội; sau đó tham gia chiến dịch Điên Biên Phủ với cương vị Chính trị viên tiểu đoàn 251 (Trung đoàn 174, sư đoàn 316) đánh trận đồi A1 đêm mùng 6 -5-1954 nổi tiếng trong lịch sử. Là thương binh, nhưng bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông vẫn hăng hái xung phong, có mặt ở những quân binh chủng, ở những đơn vị trực tiếp chiến đấu của quân đội như Phòng không - không quân, Đặc công… Trên cương vị Chủ nhiệm chính trị binh chủng, ông đã trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh của bộ đội đặc công, trong đó có những trận thắng lớn được ghi vào lịch sử của bộ đội đặc công nói riêng và lịch sử quân sự Việt Nam nói chung…   

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đất nước thống nhất, ông được điều về làm Trưởng ban Ký sự lịch sử, rồi Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội của Tổng cục Chính trị...

Trong cương vị người phụ trách, ông đã góp phần cùng nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự viết bộ ký sự lịch sử Trận đánh ba mươi năm, một bộ sách đồ sộ nhiều tập, ghi lại một cách sinh động những sự kiện lịch sử của dân tộc và các lực lượng vũ trang kể từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến đại thắng mùa xuân 1975, trong đó có những sự kiện mà ông và những đồng chí của mình trong ban biên soạn ít nhiều có can dự (như những trận chiến đấu trong vùng Đệ tứ chiến khu, trận Điện Biên Phủ, các trận đánh của đặc công bộ, đặc công nước thời chống Mỹ…). Cho đến nay, hơn 30 năm sau lần xuất bản đầu tiên (1983) bộ ký sự lịch sử Trận đánh ba mươi năm vẫn còn nhiều giá trị đối với người đọc, nhất là với các bạn đọc trẻ.

Để nhớ về những năm tháng chiến đấu trên chiến trường Đông Bắc đầy gian khổ hy sinh năm nào, ông có các cuốn tiểu thuyết Quãng đời xưa in bóng, Đường dài… Về 56 ngày đêm, về trận “huyết chiến” nơi đồi A1, về mảnh đất Điện Biên, ông có các tác phẩm Mảnh đất yêu thương,  Gió bấc, Cây số 42… Về chiến công thầm lặng mà anh hùng của những chiến sĩ đặc công, ông có tiểu thuyết Sao Mai; và sau cùng là “cuốn tiểu thuyết cuộc đời” có tên Sông cạn!.  Trong số những tác phẩm này, có tác phẩm được dựng thành phim (như truyện ngắn Cây số 42), được Giải thưởng Bộ Quốc phòng về văn học nghệ thuật (như tiểu thuyết Đường dài), có tác phẩm được in hàng vạn bản và dịch ra tiếng Nga (như tiểu thuyết Sao Mai), lại có tác phẩm làm xôn xao dư luận (như tiểu thuyết Sông cạn).

 

 

Ở Tạp chí Văn nghệ quân đội, Dũng Hà không phải là nhà văn chuyên nghiệp như những nhà văn cùng trang lứa như Nguyễn Khải, Hồ Phương, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Nguyễn Trọng Oánh… Ông viết như một sự giãi bày, một đòi hỏi tự thân. Rảnh rỗi lúc nào viết lúc ấy, tranh thủ thời gian giữa hai trận đánh, khi đi phép, đi an dưỡng, cả khi chờ phân công công tác mới.

Ông kể, ông viết tiểu thuyết Sao Mai bản thảo sáu bảy trăm trang có 60 ngày. Những ngày đó đơn vị ông “hưu chiến”, sơ tán trên vùng đồi Bất Bạt (Sơn Tây). Nghĩ về những trận đánh ác liệt đã qua, nhớ tới những cán bộ chiến sĩ đặc công hiền lành, giản dị, sống đầy yêu thương nhưng vào trận thì đầy mưu trí, quả cảm và hy sinh thầm lặng như những nhân vật Trần Nông, Thao, Đạm, Thường… ông không thể nào không viết. Sơ tán trong nhà dân, không có bàn ghế, không có đèn có điện thì lấy vali làm bàn, ra giữa sân lấy ánh sáng trời mà viết… Sao Mai sau đó được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in, rồi được tái bản nhiều lần với số lượng rất lớn, 27.000 bản cho lần xuất bản đầu tiên và năm 1986 được dịch in ra tiếng Nga với số lượng cũng rất... “khủng” - 65.000 bản! Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về bộ đội đặc công, nên bấy giờ Bộ Tư lệnh binh chủng đã “lệnh” tặng cho mỗi người lính “đặc biệt tinh nhuệ”… một cuốn Sao Mai.

Giống như khi viết Sao Mai, tiểu thuyết Sông cạn cũng được hoài thai trong một hoàn cảnh thật đặc biệt. Trước khi mất ít ngày ông có đưa cho tôi mấy chục trang hồi ký có tên Dòng chảy nhọc nhằn của… “Sông cạn” với những câu mở đầu: “Từ năm 1990, tôi đã có ý định viết một cuốn sách về vấn đề này - vấn đề mà tôi đã nghĩ từ năm 1985. Sau khi đã xác định chủ đề tư tưởng, tôi bắt tay vào việc, chính thức gặp một số nguyên mẫu chủ chốt sẽ là xương sống của truyện và dựng đề cương khá chi tiết. Nhưng mãi đến tháng 5/1996 (lúc này tác giả đã thôi chức vụ  Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, nghỉ chờ hưu - NVB) tôi mới bắt tay vào viết Sông cạn bằng chiếc máy chữ nhỏ hiệu Olympia do anh Doãn Trung mua giúp hồi năm 1982  với giá 1.000đ. Trên tầng 2 của ban Văn (Tạp chí Văn nghệ quân đội) bây giờ, tôi tập trung sức viết liên tục sáng chiều, từ tháng 5 đến tháng 10 thì xong bản thảo…”.

Sông cạn tuy chảy “nhọc nhằn” nhưng rồi cũng ra đến biển, cũng được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in vào năm 2006. Cũng trong văn bản vừa trích dẫn ở trên, ông kể: “ Hạnh phúc cho tôi là sau khi bị kẹt dòng 10 năm, Sông cạn đã về được nơi nó cần chảy đến!”. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chảng tày gang”, chỉ đến khi đọc kỹ lại cuốn sách được in rất đẹp, được trả nhuận bút …kịch trần ông mới biết được rằng, nó đã bị biên tập cắt mất ngót 80 trang (từ 580 còn 507 trang A4) mà những trang bị cắt là những trang ông và bạn bè ông tâm đắc nhất. Hôm đến tặng tôi Sông cạn, Dũng Hà bảo: “Anh tặng chú một con hổ… nhưng chỉ là hổ vườn Thủ Lệ!”. Tôi chẳng biết nói sao, cám ơn, nhưng chẳng lẽ lại chúc mừng!. Ông giờ đã siêu sinh tịnh độ nơi cõi Phật, nhưng mỗi lần nhớ tới ông tôi cứ bị ám ảnh về một dòng sông như dòng sông Cà Lồ quê tôi - dòng sông mà sinh thời nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết: Sông Lấp, sông Cà Lồ những dòng sông dẫu cạn/ Trong lòng người còn biết mấy mênh mông!.

Dũng Hà - một dòng sông đã cạn, nhưng cuộc đời ông đã là một bài học đẹp về chữ “nhẫn”, nhẫn để đứng dậy, vượt qua và đi tới. Từ một chiến sĩ, một chiến đấu viên trở thành một vị tướng; từ một cán bộ quân chính viết văn nghiệp dư dưới đơn vị trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đứng đầu Ban biên tập một tờ báo văn chương có uy tín, một cơ quan văn nghệ có rất nhiều tên tuổi và cũng… rất nhiều cá tính là Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Người ta thường nghĩ về ông là một viên tướng đặc công, từng chiến đấu dưới nước, trên bộ; vào ra các chiến trường ác liệt B, K. những năm chống Mỹ cứu nước. Nếu có biết ông là nhà văn thì cũng chỉ qua các cuốn tiểu thuyết Sao Mai, Đường dài, Quãng đời xưa in bóng và Sông cạn (in chưa hết)...; cương vị Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội suốt 10 năm (1982-1992) và danh hiệu hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Rất ít bạn đọc biết ông còn là một chiến sĩ Điện Biên, đến với văn chương khá sớm xuất phát từ những cảm hứng ở miền đất Điện Biên lịch sử mà ông gắn bó từ những năm trai trẻ của cuộc đời...

Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ năm nay, ông đã thành người thiên cổ, chẳng còn được cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa, trở về với “mảnh đất yêu thương” của một thời trai trẻ, nhưng với tôi và nhiều anh em cầm bút nơi “phố nhà binh”, ông và những nhà văn - chiến sĩ khác như: Chính Hữu, Hồ Phương, Hữu Mai, Nguyễn Chu Phác… vẫn luôn là những chiến sĩ Điện Biên bởi trong chiến dịch lịch sử này các ông là “những người trong cuộc”.

Đến chiến dịch Điện Biên Phủ mặc dù mới có 24 tuổi nhưng Dũng Hà đã là cán bộ tiểu đoàn (tiểu đoàn 251, Trung đoàn 374, Sư đoàn 316 anh hùng) trực tiếp chỉ huy bộ đội đánh đồi A1 - một trận “huyết chiến điểm”. Chiến dịch Điện Biên kết thúc chỉ ít ngày sau đó ông cùng bộ đội trở lại chiến trường xưa. Điện Biên lúc ấy (thời kỳ 1955-1959) không chỉ là một địa danh lịch sử “chấn động địa cầu” mà còn là biểu tượng của hòa bình xây dựng với những nông trường lúa, ngô, lạc, cà phê... bát ngát, những vườn cam trĩu quả. Nhiều nhà văn đã lên đây và đã viết những trang văn rất đẹp, đầy tình cảm trước cảnh và người nơi này. Nguyễn Huy Tưởng có Bốn năm sau, Nguyễn Khải có Mùa lạc, Hữu Mai có Cao điểm cuối cùng, Hồ Phương có Lá cờ chuẩn đỏ thắm... Dũng Hà tuy là một cán bộ quân chính cũng viết được các truyện ngắn Đêm chiến hào, Gió bấc, Đứng giữa... được in trên Tạp chí Văn nghệ quân đội, trong đó có truyện gây được dư luận trong bạn đọc, có truyện được trao giải. Ấy là những truyện ngắn giàu chất “tả trận” (Đêm chiến hào) và thấm đượm hiện thực vừa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu vừa tham gia lao động sản xuất của các đơn vị bộ đội đóng quân trên mảnh đất Điện Biên, Tây Bắc (Giao thừa, Gió bấc, Đứng giữa). Những truyện ngắn này ông viết khi chưa tròn 30 tuổi và đang là cán bộ chỉ huy đơn vị. Sau này, năm 1963, những truyện viết về Điện Biên đầu tay ấy của Dũng Hà được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in thành tập Gió bấc.

Cảm hứng về Điện Biên Phủ, về những đồng chí đồng đội đã đổ máu, đổ mồ hôi trên mảnh đất xa xôi này, không thôi, không dứt trong Dũng Hà, kể cả khi ông đã là một sĩ quan cao cấp, việc quân, việc chiến đấu bận bịu đêm ngày. Nghĩ về Điện Biên, nghĩ tới Điện Biên là trong ông lại trào lên một niềm xúc động, thương mến. Ông bảo, với ông, đó là mảnh đất yêu thương. Giữa những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước, ác liệt nhất với riêng bộ đội đặc công của ông, ông vẫn cho in tiểu thuyết Mảnh đất yêu thương (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. 1978) viết về mảnh đất lịch sử này. (Tiểu thuyết lúc đầu có tên Bên bờ sông Nậm Rốm).

Và khi “về hẳn” với làng văn làm Tổng biên tập một tờ tạp chí văn chương lớn của bộ đội, ông lại có thêm tập truyện ngắn viết về bộ đội và dân công trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tập Cây số 42 (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1984). Truyện ngắn Cây số 42 là một truyện ngắn trữ tình, một câu chuyện tình trong chiến tranh rất hay. Truyện này sau được dịch ra tiếng Pháp và chuyển thể thành phim.

Năm 2003, dù đã “treo ấn, từ quan” về hưu, tướng Dũng Hà vẫn cùng những người đồng đội cũ, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa lặn lội trở lại Điện Biên, trở lại “mảnh đất yêu thương” của mình. Ông thăm lại Đồi A1, đứng trước ụ Thằng Người - lô cốt án ngữ phía Tây Nam đồi A1 mà tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 của ông đã tiêu diệt đêm 6/5/1954, đến đại bản doanh của Võ Đại tướng trong rừng Mường Phăng, xem ảnh và bia ghi lại giờ phút hấp hối của cứ điểm “bất khả chiến bại” của quân Pháp và cùng người bạn văn; đồng thời cũng là chiến sĩ Điện Biên Phủ, tướng Hồ Phương chụp cung hình kỷ niệm nhân 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ oai hùng - “vành hoa đỏ”, “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX…

Thập Tam trại,  đầu mùa hè 2014

Ngô Vĩnh Bình