Tài hoa Chu Văn Sơn
Ngay từ thời trung học tôi đã thích đọc sách của thầy Chu Văn Sơn. Đối với những học sinh nông thôn chúng tôi ngày ấy (những năm cuối thập kỉ 90 của thế kỉ trước), sách và tài liệu tham khảo còn hiếm lắm chứ không phong phú, đa dạng như bây giờ. Năm học lớp 11, trong một lần vào thư viện tìm tư liệu để chuẩn bị kiến thức cho kì thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh, lần đầu tiên tôi được đọc những bài viết của thầy in chung trong sách “Phân tích, bình giảng văn học 11” do GS Nguyễn Đăng Mạnh chủ biên.
Những bài viết của thầy về các tác phẩm như “Tràng giang” của Huy Cận, “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử, “Vội vàng” của Xuân Diệu, “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân… mở ra trong tâm trí tôi một thế giới khác của văn học - sâu rộng, mới mẻ và kì diệu hơn rất nhiều so với những gì tôi được nghe giảng trên lớp hay được đọc trước đó. Và tôi đã đọc những trang văn ấy bằng tất cả niềm háo hức và say mê của tuổi học trò.
Vào đại học, tôi tiếp tục tìm đọc những bài viết của thầy Chu Văn Sơn trong bất cứ sách, báo, tài liệu nào mà trong khả năng của mình tôi có thể có được. Lòng vẫn ước ao được gặp thầy. Vậy mà mãi đến năm 2012 tôi mới được trực tiếp gặp để rồi sau đó thường xuyên có dịp được hầu chuyện cùng thầy - hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp qua điện thoại, e-mail, facebook… Thầy Chu Văn Sơn trong cảm nhận của tôi là một người tài hoa. Tôi nghĩ chỉ có từ ấy mới có thể diễn tả được tất cả những gì toát lên từ thầy: tài hoa trong lối viết, trong cách giảng bài, trong lối nói chuyện và ngay cả trong những điều bình dị nhất của cuộc sống. Nhưng nổi bật nhất, theo tôi sự tài hoa ấy của thầy tỏa sáng trong 3 tư cách: Nhà phê bình văn học, nhà giáo và nhà văn.
Nhà phê bình tài hoa
Chu Văn Sơn trước hết là một nhà nghiên cứu, phê bình văn học - một nhà nghiên cứu, phê bình tài năng. Những tác phẩm như “Ba đỉnh cao thơ Mới”, “Thơ - điệu hồn và cấu trúc” và nhiều công trình khác nữa đã xác nhận tên tuổi tác giả của nó như là một trong những đỉnh cao trong giới phê bình văn học đương đại. Đọc những bài viết của thầy, người đọc tìm thấy ở đó một vốn kiến thức sâu rộng; những phát hiện mới mẻ, độc đáo được thể hiện trong một lối hành văn mê đắm, tài hoa.
Lối văn Chu Văn Sơn không nặng chất hàn lâm, kinh viện mà khá cởi mở, phóng khoáng với một giọng văn êm dịu, một lối sử dụng ngôn ngữ lịch lãm, sang trọng tạo nên một sức cuốn hút kì lạ đối với người đọc. Ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi khi đọc những bài viết của thầy là khả năng phát hiện tinh tế cái thần của tác phẩm, hồn văn của một tác giả để rồi đưa ra những nhận xét ngắn gọn nhưng lại có sức khái quát hết sức lớn lao. Với “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, thầy viết “ Đó là hai đứa trẻ trên một thế giới già nua, là hai mầm cây non vừa đâm lên trên một mảnh đất khô cằn, bạc phếch. Liệu chúng có thể lớn lên thành những cái cây tươi tốt, khỏe mạnh hay không? Hay chúng sẽ sớm tàn tạ, héo úa đi như những cái cây kia của phố huyện này. Hãy cứu lấy những đứa trẻ, cứu lấy tương lai của phố huyện này, của thế giới này” [1]. Với “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân, thầy viết: “Người ta thấy cái tâm đang điều khiển cái tài, cái tài đang phụng sự cái tâm. Nói đúng hơn cái tài, cái tâm đang hòa vào nhau để tạo nên cái đẹp” [2]. Thầy gọi Nguyễn Bính là “kiếp con chim lìa đàn”, Hàn Mặc Tử là “một định nghĩa bằng máu về thơ”, Hoàng Cầm là “gã phù du Kinh Bắc”, Nguyễn Duy là “thi sĩ thảo dân”, Vi Thùy Linh là “thi sĩ ái quyền”…
Ai đó từng vì nhà phê bình là “người điểm chỉ”, “người đọc giùm”, giúp người đọc thấu hiểu dễ dàng thế giới nghệ thuật của một tác phẩm văn học. Với riêng tôi, Chu Văn Sơn là một trong những “người điểm chỉ”, “người đọc giùm” tài hoa nhất. Chính những bài viết của thầy đã khơi gợi, mở ra trong tôi biết bao điều kì diệu trong thế giới mênh mông và tuyệt đẹp của văn học.
Người thầy tài hoa
Tôi chưa bao giờ là học trò của thầy Chu Văn Sơn theo đúng nghĩa chính thống của từ này. Thầy dạy trường Đại học Sư phạm Hà Nội, còn tôi lại là sinh viên trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy mà tôi chưa một lần được trực tiếp thụ giáo thầy trên giảng đường. Thôi thì đã không được học chính thức, học lóm cũng là học vậy. Năm 2001, trường tôi có mời một số chuyên gia - trong đó có thầy Chu Văn Sơn nói chuyện văn học với các anh chị khóa trên. Sinh viên năm nhất chúng tôi không có trong thành phần tham dự nhưng tôi vẫn đánh liều đến nghe. Hôm ấy, thầy nói về “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân và “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử. Thật khó mà diễn tả hết sức lôi cuốn trong cách nói của thầy. Không “lên gân” “chém gió phần phần” như một số vị được gọi là chuyên gia hay nhà nghiên cứu mà tôi vẫn nghe trên ti vi, mới nghe qua thì có vẻ rất hay, rất hùng hồn nhưng thực chất là rỗng tuếch; cách nói của thầy Chu Văn Sơn cứ từ tốn, chậm rãi, nhẹ nhàng nhưng lại hấp dẫn người nghe đến kì lạ. Nếu không có một tầm tri thức uyên bác, một sự thấu hiểu đối tượng sâu sắc cùng một sự tài hoa trong lối giảng thì sao có được sức cuốn hút mãnh liệt đến vậy.
Sau lần “học lóm” ấy, bẵng đi hơn chục năm tôi mới lại có dịp nghe thầy Sơn nói chuyện, không phải trên giảng đường mà bên những cốc trà, những cốc cà phê. Trong những câu chuyện trà dư tửu hậu cùng thầy, tôi được học hỏi từ thầy nhiều lắm. Nghe thầy nói chuyện, có những lúc tôi say sưa, chăm chú như quên mọi thứ xung quanh. Chính trong những lần được đàm đạo cùng thầy như thế, tôi mới thấy sức đọc, sức nghĩ của thầy đáng nể tới mức nào.
Nhà văn tài hoa
Những năm gần đây, ngoài phê bình và giảng dạy văn học, thầy Chu Văn Sơn còn chú tâm đến sáng tác, đặc biệt là trong hai thể loại: Tùy bút và tản văn. Theo ý tôi, những tùy bút và tản văn của thầy in rải rác trên các báo nếu được tập hợp lại, in thành sách thì sẽ tạo nên một tiếng vang đĩnh đạc trên văn đàn. Đã có lúc tôi thoáng có suy nghĩ rằng có lẽ trong tương lai, Chu Văn Sơn sẽ được người đọc biết đến nhiều với tư cách nhà văn - một nhà văn tài hoa, và biết đâu còn nổi tiếng hơn cả tư cách nhà giáo và nhà phê bình. Suy nghĩ ấy của tôi không phải là vô cớ. Đọc những trang văn của thầy, tôi nhận ra một cá tính sáng tạo riêng, định hình một phong cách nghệ thuật đặc sắc. Tùy bút Chu Văn Sơn nổi bật ở một cách quan sát, phát hiện tinh tế; một lối viết lịch lãm, hào hoa cùng một giọng văn say đắm tạo một sức vang sâu rộng, lâu bền cho những ai từng đọc qua. Người đọc có lẽ sẽ không thể nào quên được những thiên tùy bút như: “Đà Lạt và tôi”, “Angko - những đối cực của cái đẹp”, “Ở đầm vạc viết cho cò”, “Phận hoa bên lề”, “Kiếp tượng nhà mồ”… Cái tài của thầy là khả năng điểm trúng linh hồn của đối tượng và tinh tế gọi tên nó ra trong trang viết. Với Angko, cái đẹp được tạo nên từ những đối cực: “con người và thần linh”, “kì vĩ và tinh xảo”, “đá và cây”, “khoảnh khắc và vĩnh cửu”. Với Đà Lạt là “xứ thiền”, “xứ trịnh ca”… Với hoa lau là “phận hoa bên lề”, “phận hoa lưu đày”…. Hãy lắng nghe những dòng văn ấy để cảm xúc có dịp lan tỏa và thăng hoa trong sâu thẳm tâm hồn mình “Khi bông hoa cuối cùng của những vòng hoa phủ quanh mộ tàn úa, rã rời, thì lau mọc. Lau lặng lẽ đến và cúi đầu mặc niệm. Bấy giờ nó mới thực sự là lau. Nó lau đi những vết hoen cuối cùng trong dương gian. Nó lau cho hư vô thêm trong suốt. Nó túc trực bên ngưỡng cửa hư không để đón đợi, để an ủi những vong hồn, lau khô những khổ lụy cuối cùng, rồi tiễn đưa từng vong linh vào sâu cõi hư bằng cái vẫy tay phơ phất. Có hoa lau người ta mới biết, thì ra, hư không cũng bám bụi, cũng cần lau xóa thường xuyên. Hoa lau cứ lầm lụi lau đi những lớp bụi vô hình, vô minh. Lau cho cả gió, cả mây, cả trời... Và, chỉ khi nào bước vào đến chốn ấy, may chăng, mỗi chúng ta mới thấy giật mình: con đường của phận người là đường tới hoa lau” (Phận hoa bên lề), “Đứng trước Angkor, ta có dịp suy ngẫm về sự kì diệu. Kì diệu ? Chẳng phải nó là khả năng biến cái không thể thành có thể hay sao ! Có phải kì diệu là quyền phép riêng của thần linh, là lẽ màu nhiệm chỉ thuộc về những đấng siêu nhiên ? Hay kì diệu còn là quyền năng của con người ? Thì Angkor chính là một câu trả lời sớm - câu trả lời bằng đá, không phải tạc vào đá, mà tạc vào vĩnh hằng. Rằng : làm điều kì diệu không còn là độc quyền của thần linh. Khi bằng bàn tay và khối óc, con người đã sáng tạo ra những công trình thần thánh, khi ấy con người đã trở thành thần linh, con người chính là thần linh vậy” (Angkor - những đối cực của cái đẹp).
Bên cạnh tùy bút Chu Văn Sơn là tản văn Chu Văn Sơn, những trang viết gần gũi mà sang trọng, súc tích mà thấm vị đời, chứa chan triết lí. Có lẽ không cần phải nói nhiều, chỉ cần đọc một đoạn tản văn của thầy, ta sẽ thấy được hết chỗ tinh diệu ấy“Thế giới cần nâng niu quá đỗi. Ta sống đời lại thô tháp làm sao. Ta làm tổn thương những dòng sông. Ta làm tổn thương những mặt đầm. Ta làm tổn thương những mảnh vườn. Ta làm tổn thương những mùa hoa trái. Ta làm tổn thương những bình minh yên ả. Ta làm tổn thương những canh khuya trong vắng. Ta làm đau những niềm người quá đỗi mong manh... Mặt đất ngàn đời quen tha thứ. Đại dương bao la quen độ lượng. Cánh rừng mênh mông quen trầm mặc. Những dòng sông quen chảy xuôi. Những hồ đầm quen nín lặng. Những nẻo đường quen nhẫn nhịn. Những góc vườn quen che giấu. Những thảm rêu vốn không biết dỗi hờn. Những đoá hoa không bao giờ chì chiết. Những giấc mơ chỉ một mực bao dung. Những yêu thương không bao giờ trả đũa… Và ta cứ yên chí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: tổn thương là rỉ máu” (Nên bị gai đâm)
Trong một lần cà phê chuyện phím, thầy Chu Văn Sơn có nói với tôi về chuyện quyền lực. Thầy chia quyền lực thành 3 loại: Bạo quyền, tâm quyền, trí quyền và cho rằng bạo quyền là thứ đáng nguyền rủa, chỉ có tâm quyền và trí quyền mới là quyền lực nhân văn và bền vững. Tôi chợt nghĩ rằng, Chu Văn Sơn cả đời chẳng có một chức tước, quyền hành nào vậy mà đi đến đâu cũng được bạn đọc, học trò kính trọng, ngưỡng mộ và khát khao được gặp gỡ, chuyện trò, đó chẳng phải là quyền lực chân chính được tạo ra từ tâm hồn, trí tuệ hay sao? Được quen biết, gặp gỡ và chuyện trò với một người tài hoa như vậy là một niềm hạnh phúc mà tôi luôn trân trọng, nâng niu trong nghiệp dạy và nghiệp viết của mình.
Hồ Tấn Nguyên Minh
(vanhocquenha.vn)