NSND Phương Thảo: Một đời chưa hết tơ vương với tuồng
Đối thoại với chị, tôi bị cuốn hút vào sự sôi nổi ấy của một người nghệ sĩ hết mình với nghề, với nghiệp. Nhưng có lẽ, chỉ khi đứng trên sân khấu, chị mới bộc lộ hết tư chất của mình, một nghệ sĩ đầy đủ chất Tuồng, sinh ra cho Tuồng và đã theo Tuồng bằng tất cả máu thịt của mình...
1. Chị Hoàng Thị Thảo, sinh năm 1957 tại Trạm Trôi, Hoài Đức, Hà Nội. Thuở thiếu thời, khi nghe các tiền bối biểu diễn hát Bội trong tiếng trống thúc giục, những câu hát kỳ lạ, những màn vũ đạo điệu nghệ cứ vậy quyến rũ tâm hồn cô gái trẻ… Năm 1972, chị thi đậu vào trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, theo học lớp Trung cấp nghệ thuật Tuồng, say đắm cái nghề lắm truân chuyên này khi nào không biết. Thời ấy, các khóa đào tạo diễn viên Tuồng chỉ kéo dài 3 năm, nhưng đến khóa Phương Thảo (nghệ danh) theo học được truyền dạy 4 năm (1972 - 1976). Chị được truyền nghề bởi các bậc thầy về nghệ thuật Tuồng như NSND Nguyễn Nho Túy, NSND Ngô Thị Liễu, nghệ sĩ Đinh Quả.
Vốn có tư chất, lại hội đủ các yếu tố về thanh, sắc, hình, đặc biệt là vũ đạo, Phương Thảo nhanh chóng lĩnh hội được hết những căn cốt trong nghệ thuật biểu diễn Tuồng. Hơn ai hết, chị hiểu được tấm lòng của các thầy cô đang trông đợi sự trưởng thành và tỏa sáng của mình. Chị cố gắng trong từng giờ học cũng như trong những lần nhập vai diễn ở lớp. Có lần bị bệnh quai bị nhưng chị vẫn đến lớp để học. Bị thầy đuổi về dưỡng bệnh, ra khỏi lớp chị vấn nấn ná, lấp ló ngoài cửa, vừa khóc như trẻ con vừa nhìn các bạn học. Chị yêu Tuồng một cách hồn nhiên.
Phương Thảo là một trong số những học viên xuất sắc nhất khóa. Chị cùng 14 học viên khác được giới thiệu về Đoàn Tuồng liên khu V - tiền thân của Nhà hát Tuồng Đào Tấn tại Bình Định. Nữ nghệ sĩ gốc Bắc một lần nữa phải chỉnh lại chất giọng cho giống khẩu khí người xứ Nẫu, làm quen với sân khấu trình diễn miền Nam. Học cách nói, nhấn âm, nhả chữ, luyến hết dấu cho giống người Bình Định. Sự khổ luyện đã giúp chị hát đúng, hát tốt, toát ra cái khẩu khí xứ Nẫu thứ thiệt.
Chuyện cơm áo, khác biệt môi trường sinh hoạt, nỗi nhớ quê khi… đã khiến nhiều người trong đoàn 15 người rời Hà Nội khi xưa chông chênh, lần lượt trở về đất Bắc. Phương Thảo được sự động viên của bạn bè, thầy cô, đặc biệt có được sự quan tâm của người bạn đồng khóa - nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Gia Thiện, sau này là người bạn đời chia ngọt sẻ bùi nên chị mạnh dạn ở lại Bình Định.
NSND Phương Thảo biểu diễn trong một trích đoạn Tuồng
Phương Thảo đã nhập vai thành công ngoài sức mong đợi khiến khán giả ám ảnh, thổn thức mãi. Chị tâm sự: "Đó là vai đinh đầu tiên, và là một trong những vai diễn để đời của tôi. Sau này mỗi lần diễn lại vai ấy, tôi vẫn cảm thấy bồi hồi lạ thường. Qua mỗi lần diễn, tôi đều phải tự làm mới mình".2. Thời điểm Phương Thảo vào Bình Định, Đoàn Tuồng liên khu V đang thiếu vai đào chiến. Chị được chọn vào vai nữ chính Đào Tam Xuân trong vở "Đào Tam Xuân loạn trào". Đó là vai diễn khó, không chỉ cần sức khỏe, độ bền, vũ đạo với những động tác biểu diễn võ thuật lắt léo, mà diễn viên còn phải lột tả được những cung bậc cảm xúc của người nữ tướng lúc nổi giận, khi đớn đau tột cùng trước cái chết oan khiên của chồng và con bị giết hại, và cả thần thái kiên nghị khi vượt qua nỗi đau xé lòng để dẫn quân về triều đình báo thù, trừng trị bọn nịnh thần gian xảo.
Sau đó, Phương Thảo đã hóa thân trọn vẹn vào các vai đào chiến khác như: Trưng Trắc, Bùi Thị Xuân, Liễu Nguyệt Tiêm… bằng cách diễn tự tin, đầy đặn cảm xúc, tràn trề nội lực. Phương Thảo còn là nghệ sĩ đa năng, diễn tốt hết thảy các vai đào điên (Phương Cơ, Mai Xuân…), đào lẳng (Đát Kỷ, Thị Hến, Nguyệt Cô…), kể cả vai phức tạp cùng hóa thân vào hai nhân vật ông già và người vợ trong trích đoạn "Ông già cõng vợ đi hội".
"Khi tôi nhập vai đào điên Phương Cơ trong vở "Ngọn lửa Hồng Sơn", nhân vật giả điên nhưng lại điên hơn thật. Để diễn được cái nét điên trong con người tỉnh quả thật rất khó, nhất là giọng cười điên và nhân vật thay đổi biểu hiện cảm xúc liên tục trên khuôn mặt. Mặt khác, người diễn còn phải bắt nhịp chuẩn. Vở này nhiều nhịp tư, lại đảo phách rất nhiều, nếu không chú tâm, không luyện kỹ sẽ rất dễ lúng túng", nữ nghệ sĩ bộc bạch.
Phương Thảo ngày càng có lối diễn sâu kín, không chỉ các vai trong Tuồng truyền thống, lịch sử, mà cả Tuồng hiện đại và các vở đề tài nước ngoài, chị đều diễn xuất sắc. Chị bảo, mỗi lần bước lên sân khấu là lúc chị vừa sống cuộc sống của nhân vật vừa thực hiện vai trò của người nghệ sĩ. Với chị, mọi môn nghệ thuật không chỉ cần cái khiếu, cái duyên mà còn rất cần sự nỗ lực, tận tâm của người nghệ sĩ, nhất là nghệ thuật hát Bội, được xem là bộ môn khó nhất trong các môn nghệ thuật.
3. Đối thoại với chị, tôi bị cuốn hút vào sự sôi nổi ấy của một người nghệ sĩ hết mình với nghề, với nghiệp. Nhưng có lẽ, chỉ khi đứng trên sân khấu, chị mới bộc lộ hết tư chất của mình, một nghệ sĩ đầy đủ chất Tuồng, sinh ra cho Tuồng và đã theo Tuồng bằng tất cả máu thịt của mình. Đã không ít lần xem chị diễn, và bị thuyết phục trước niềm say mê chân thành với nghệ thuật Tuồng của chị, nên tôi "bật ngửa" khi nghe chị tâm sự: "Hát Bội truân chuyên lắm! Có lúc, tôi tưởng phải bỏ nghề".
Chị nhớ như in, năm 1979, khi vừa sinh con chưa đầy 2 tháng, chị phải bế con đi theo biểu diễn. Có lần, đoàn đi Hà Nội và Hải Dương diễn, chị phải gửi con cho bà ngoại, rồi chạy xe đạp hơn 60 cây số lên tới nơi đoàn biểu diễn, diễn xong lại một mình với chiếc xe đạp vội vã trở về Hoài Đức với con nhỏ.
Năm 1983, khi sinh đứa thứ hai, cháu mới 4 tháng tuổi, chị đã phải cai sữa để đi lưu diễn nước ngoài. Thương con, nhiều lúc cám cảnh, chị khóc thầm, mâu thuẫn gay gắt giữa dừng lại và đi tiếp. Nhưng vì sự tin yêu của khán giả, và tình yêu máu thịt với hát Bội đã ràng buộc chị với nghề. Mỗi khi nghe thấy câu ca, tiếng trống Tuồng vang lên, tim chị lại thúc giục tiếp những hành trình…
"Lúc mệt mỏi, tôi nghĩ đến việc bỏ nghề nhưng rồi lại vương mang. Đêm nằm nghĩ mãi, cảm thấy không thể bỏ được. Đâu chỉ là nghề, mà với tôi, nó đã như chuyện cơm ăn, áo mặc hằng ngày. Vậy là quyết tâm vượt qua và kết quả là đứng trên sân khấu đến giờ", NSND Phương Thảo bộc bạch.
Và, những quyết tâm, nỗ lực của chị đã được bù đắp bằng niềm hạnh phúc khi được cháy hết mình cho các vai diễn, bằng sự ghi nhận và sự yêu thương của bà con khi về tận xóm làng xa xôi. Chị được nhiều khán giả khắp trong Nam ngoài Bắc mến mộ. Ngày đó, mỗi lần về địa phương diễn, các nghệ sĩ hay chia nhau ra ở nhờ nhà dân. Trong một lần đi diễn ở Gò Loi (xã Ân Tường, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định), chị được một gia đình nhận làm con nuôi. Đến giờ, chị vẫn thỉnh thoảng về Hoài Ân thăm hai cụ, lòng cứ rưng rức bao kỷ niệm.
4. NSND Phương Thảo đã có hơn 40 năm tuổi nghề, khẳng định tên tuổi của mình trong sân khấu Tuồng chuyên nghiệp toàn quốc với hàng loạt các huy chương vàng, các giải thưởng danh giá dành cho nghệ sĩ. Năm 1996, chị được tặng Huy chương vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam. Chị được Thủ tướng Chính phủ hai lần tặng bằng khen vào năm 1996 và 2006. Năm 2002, chị được phong tặng danh hiệu NSND. Năm 2012, chị được trao tặng Huân chương Lao động hạng 3. Đó là trái ngọt cho hành trình hóa thân vào vai diễn, cháy hết mình cho nghệ thuật hát Bội.
Năm 2012, dù nghỉ hưu chị vẫn gắn bó tha thiết với hát Bội. Ngoài đào tạo những gương mặt trẻ cho Nhà hát Tuồng Đào Tấn, chị còn tham gia giảng dạy tại trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Bình Định, đồng thời đi đến các trường phổ thông trung học ở Bình Định để truyền dạy bộ môn này cho học sinh.
NSND Phương Thảo còn là chủ nhiệm của CLB Hương Biển chuyên trình diễn nghệ thuật hát Bội, dân ca bài chòi… phục vụ bà con. CLB đã tập hợp được nhiều nghệ sĩ, thu hút nhiều khán giả mến mộ nghệ thuật Tuồng tham gia sinh hoạt, trong đó có cả những người nước ngoài mê nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua đầy những buồn vui nhưng tình yêu với hát Bội của NSND Phương Thảo cứ dày thêm theo năm tháng. Cạnh chị còn có người bạn đời, nhạc sĩ, NSƯT Gia Thiện hoạt động cùng nghề, cảm thông và chia sẻ rất nhiều trong chuyên môn; có các con trưởng thành, hiền thảo, thấu hiểu nghề của bố mẹ. Điều đó cũng là động lực để chị đi tiếp hành trình nghệ thuật của mình.
Phan Nhuận Phin(vnca.cand.com.vn)